Cô giáo mầm non thân thiện, hết lòng vì học sinh vùng dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một chiến sĩ chân chính, tấm gương đạo đức của Bác được thực hiện bằng những việc bình thường, thiết thực trong cuộc sống hàng ngày. Cho nên, ai cũng có thể học theo, làm theo để trở thành người cán bộ, người đảng viên, người công dân tốt trong xã hội. Hiện nay việc thực hiện “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã xuất hiện những gương điển hình tiêu biểu lan tỏa thành những bước chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên ở các ban ngành, đoàn thể, các đơn vị trường học, trong số đó có cô Phan Thị Hồng Mi, giáo viên dạy lớp 5 tuổi Trường mầm non Tuổi Thơ, cô đã có nhiều năm gắn bó với nghề, tận tụy hết lòng với học sinh dân tộc Khmer, luôn xác định vai trò và trách nhiệm của mình đối với công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em vùng dân tộc.

Trường Mầm non Tuổi Thơ nằm trên địa bàn ấp Pô Thi, xã An Cư, huyện Tịnh Biên. Nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với điều kiện kinh tế khó khăn.Trẻ em nơi đây ít nhận được sự quan tâm chăm sóc của gia đình, ít tham gia sinh hoạt vui chơi tại địa phương nên khả năng nhận thức còn nhiều hạn chế. Mặc khác, do phong tục tập quán của người Khmer, phải lao động vất vả ngoài đồng, ở nhà ít giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt. Vì vậy, giáo viên ở lớp học mầm non thường xuyên gặp khó khăn khi truyền đạt kiến thức cho trẻ do bất đồng về ngôn ngữ.

Hiện nay chúng ta đang bước vào giai đoạn đổi mới các phương pháp giáo dục, trẻ đóng vai trò chủ đạo trong mọi hoạt động giáo dục, sinh hoạt, vui chơi tại các trường Mầm Non.Thật sự mà nói, phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đã phát huy tính tích cực, sáng tạo cho trẻ ở những vùng thành thị có điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trẻ có khả năng nhận thức và giao tiếp tốt. Riêng đối với những vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, các cháu thiếu sự quan tâm sâu sắc từ phía gia đình, ít được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Do đó khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ tiếng việt của các cháu còn hạn chế, các cháu chưa có kinh nghiệm ứng xử trong các tình huống, thiếu tự tin khi tham gia các hoạt động.

Qua tìm hiểu tôi được biết, từ năm 2005 đến 2016 Cô là giáo viên Trường mầm non Hoa Sen nằm trên địa bàn thị trấn Nhà Bàng huyện Tịnh Biên, ngôi trường nơi đây có nhiểu điều kiện thuận lợi, lớp học đa số là con em người kinh, phần lớn phụ huynh rất quan tâm và phối hợp tốt với nhà trường trong việc áp dụng các phương pháp giáo dục hiệu quả. Từ năm học 2017 – 2018 cô được chuyển công tác đến Trường Mầm non Tuổi thơ nằm trên địa bàn ấp Pô Thi, xã An Cư, huyện Tịnh Biên. Nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, sinh hoạt theo tập quán của người dân tộc nên trẻ em nơi đây ít được giao tiếp bằng tiếng Việt, hay rụt rè trước đám đông, thiếu năng động, hoạt náo. Lúc này cô được phân công dạy lớp chồi 1 sỉ số là 21 nhưng có đến 17 trẻ là người dân tộc Khmer. Những ngày đầu đứng lớp do bất đồng ngôn ngữ,cô lại thiếu kinh nghiệm nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc áp dụng các phương pháp giáo dục, các cháu ít hiểu lời cô nói nên khi thực hiện các yêu cầu của cô còn hạn chế. Thấy được cái khó, cô cố gắng tiếp xúc và trò chuyện nhiều hơn với các cháu, tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lí của các cháu vùng dân tộc, trao đổi với phụ huynh nhiều hơn và học hỏi thêm kinh nghiệm từ phía các bạn đồng nghiệp. Đặc biệt, cô đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo nhà trường và các phụ huynh nên dần dần cô thích nghi với điều kiện khó khăn, ngày càng tiến bộ trong công tác chuyên môn. Điều quan trọng là cô đã học tập và thực hiện theo từ lời căn dặn của Bác: “ Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau nầy cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau nầy các cháu thành người tốt” Từng lời dạy của Bác cô ý thức được vai trò, trách nhiệm của một giáo viên mầm non là chăm sóc, giáo dục trẻ hình thành cho các cháu có một nhân cách phát triển toàn diện.

Nhận thức được tầm quan trọng của giáo viên mầm non làm nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ, cô luôn trăn trở khi thấy học trò mình gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, chưa thật sự tự tin khi tham gia các hoạt động tại lớp. Từ đó, cô mạnh dạng áp dụng một số biện pháp giúp trẻ dân tộc có kĩ năng giao tiếp, ứng xử và tự tin trong các hoạt động ở lớp học mầm non vào thực tế lớp học từ đầu năm 2018 – 2019.

Từ sự quyết tâm và lòng yêu nghề, mến trẻ, cô đã tìm ra các phương pháp giáo dục phù hợp, từ khâu trang trí nhóm lớp, vệ sinh lớp học sạch sẽ để làm gương cho các cháu, đến việc giáo dục lễ giáo, giáo dục ngôn ngữ, cho trẻ thực hành trải nghiệm các kĩ năng thông qua hoạt động ở mọi lúc mọi nơi. Để giúp trẻ có khả năng giao tiếp, xử lí các tình huống và tự tin trong các hoạt động, cô đã thể hiện vai trò của cô giáo như mẹ hiền, luôn thân thiện và gần gũi với các cháu, giao tiếp nhẹ nhàng và dịu dàng ôm ấp, vỗ về các cháu, quan tâm, yêu thương và đối xử công bằng với từng cháu để giúp các cháu thêm tự tin trong giao tiếp, phát triển ngôn ngữ mạch lạc. Khi trò chuyện, giải thích với các cháu nên dùng câu đơn giản, ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, gắng với điều kiện sống của các cháu. Cần kiên nhẫn lắng nghe và trả lời các câu hỏi của các cháu. Qua đó, các cháu tiếp thu được kiến thức, hình thành thói quen, nề nếp, thái độ ứng xử tích cực đối bạn bè với môi trường xung quanh.

Sau khi áp dụng các biện pháp thực tế tại lớp học, cô nhận thấy đa số các cháu đều yêu thích đến trường, hiểu và trả lời được các câu hỏi của cô giáo. Trong giao tiếp với bạn bè tại lớp biết sử dụng từ ngữ lịch sự, nhẹ nhàng, biết bày tỏ ý kiến khi không đồng tình.Thái độ ứng xử phù hợp trong các tình huống, biết yêu thương và chia sẻ với các bạn. Các cháu mạnh dạng khi tham gia các hoạt động khám phá, trải nghiệm. Tự tin bày tỏ ý tưởng và có những sáng tạo cụ thể ở một số hoạt động.

Khi áp dụng các biện pháp dùng tình cảm, đàm thoại, trò chuyện, nêu gương, các biện pháp xử lí tình huống nhằm giúp các cháu thể hiện hành vi đúng, khắc phục những hành vi sai. Trong các biện pháp được áp dụng còn nêu lên tầm quan trọng của việc tạo cơ hội cho các cháu thực hành, trải nghiệm nhằm giúp các cháu tự tin tham gia các hoạt động tại lớp học mầm non. Bên cạnh đó, vai trò của giáo viên được xem là rất quan trọng trong công tác xây dựng kế hoạch giáo dục, tổ chức các hoạt động và phối hợp tốt với phụ huynh.

Khi được hỏi những khó khăn của cô khi dạy các cháu dân tộc Khmer, cô cười vui chia sẻ: “Thực tế cho thấy việc tổ chức các hoạt động giáo dục ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, học sinh đa phần là con em người dân tộc Khmer là một việc làm tưởng khó nhưng không khó.Tuy nhiên bản thân giáo viên phải tự ý thức về vai trò trách nhiệm của mình mà đề ra các kế hoạch, biện pháp giáo dục hiệu quả.Tất cả các kế hoạch phải được xây dựng trong khả năng của trẻ, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của trẻ em vùng dân tộc. Mặc dù các cháu còn vụn về trong một số hoạt động, đôi khi giao tiếp chưa mạch lạc nhưng kết quả đạt được chứng tỏ các cháu nơi đây đã tiếp thu đầy đủ các kiến thức mà cô truyền đạt”. Cô còn cho biết: “ Để phát huy khả năng giao tiếp, ứng xử bằng tiếng Việt của các cháu Khmer, tôi mạnh dạng chọn cháu Na Quy dân tộc Khmer tham gia dự thi Thiếu nhi Kể chuyện và Tuyên truyền giới thiệu sách cấp huyện, với câu chuyện kể: Trái tim của rừng, thời gian kể 10 phút. Thật bất ngờ, em thể hiện rất thành công, từ cách phát âm mạch lạc, rõ ràng, phong cách diễn đạt biểu cảm, em đã đạt giải Nhất tại hội thi.”

Dù ở bất cứ nơi đâu, dù điều kiện thuận lợi hay khó khăn thì trẻ em vẫn mãi là tài sản quí báo của gia đình, nhà trường và xã hội. Bởi chính các cháu sẽ là những thành viên tương lai của đất nước. Vì vậy người lớn chúng ta cần hết sức chú ý đến việc chăm lo, giáo dục tốt cho các cháu, tạo điều kiện để các cháu được sống trong môi trường giáo dục lành mạnh, giúp các cháu phát huy cái đẹp, thêm yêu cuộc sống, yêu gia đình, bạn bè, tự tin trong học tập. Sinh thời Bác Hồ đã từng nói: “ Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ biết học hành là ngoan” hay “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”

Từ những kinh nghiệm giảng dạy cô đã đạt được nhiều giải thưởng của ngành như: Đạt Giải B sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, được Hội đồng sáng kiến kinh nghiệm huyện, tỉnh công nhận và đưa vào thực hiện ở đơn vị trường đạt yêu cầu chất lượng, đạt giải C sáng tạo làm đồ dùng dạy học cấp huyện, đạt giải A Giáo viên dạy giỏi cấp trường, giải B Giáo viên dạy giỏi cấp huyện…

Từ những thành tích đạt được nêu trên, nhiều năm liền cô nhận được Bằng khen của UBND tỉnh; Chiến sĩ thi đua cơ sở; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục; Được Đảng ủy xã An Cư tặng giấy khen Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019, 2022. Đặc biệt, cô vinh dự được tuyên dương Danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh An Giang năm 2020. Ngoài ra, cô còn nhận nhiều giấy khen của UBND huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tịnh Biên.

Trong công tác hoạt động đoàn thể cô rất năng nổ và nhiệt tình tham gia các phong trào, điển hình là cô đã 7 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Đối với bà con lối xóm cô rất thân thiện, hòa nhã biết giúp đỡ mọi người khi họ gặp khó khăn, cô thường xuyên quyên góp sách vở cũ, quần áo cũ, đồ dùng học tập để giúp các em có hoàn cảnh khó khăn khi đến trường.Vì vậy, nên cô được mọi người yêu thương quí mến. Trong cuộc sống gia đình, cô là người vợ, người mẹ giỏi giang, chu đáo, 2 đứa con của cô chăm ngoan học giỏi, con gái lớn của cô đang học lớp 9 Trường Phổ thông DTNT- THCS Tịnh Biên, em là một học sinh giỏi đạt danh hiệu học sinh danh dự toàn trường cấp mẫu giáo, cấp tiểu học và cấp THCS em đều đứng hạng nhất lớp.

Cô không những là một giáo viên giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà cô còn hỗ trợ phong trào của trường, các ban ngành, đoàn thể dàn dựng chương trình tham gia hội thi, hội diễn cấp huyện, tỉnh. Biên soạn các câu chuyện kể về Bác Hồ hỗ trợ các trường tham gia Hội thi Chúng em kể chuyện Bác Hồ cấp huyện, tỉnh. Kết quả đều đạt giải cao tại hội thi.

Với tấm lòng yêu thương con trẻ bằng sự nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người đã tạo cho cô sức mạnh và niềm tin để trang bị cho các cháu một hành trang tri thức, đạo đức để bước vào đời, niềm tự hào và sung sướng khi cuối năm học các cháu đều đạt kết quả học tập tốt, niềm hân hoan vui cười của cô trò kể cả các bậc phụ huynh được thể hiện rõ nét trên khuôn mặt qua buổi lễ tốt nghiệp ra trường mà Nhà trường và cô đã tổ chức trang trọng, các em mặt bộ trang phục tốt nghiệp ra trường, nhận nhiều phần thưởng và những phần quà mà cô đi vận động các mạnh thường quân như tập vở, đồ dùng học tập để trao tặng cho các học sinh nghèo trong lớp, điều đó cho thấy cô rất chu đáo chuẩn bị cho các cháu những đồ dùng để bước và lớp 1.

Những hành động, những việc làm cụ thể thiết thực của cô Phan Thị Hồng Mi cho chúng ta thấy cô đã học tập và làm theo tấm gương của Bác và thực hiện theo lời căn dặn của Người: “Trong lúc học cũng cần làm cho chúng em vui, trong lúc vui cũng cần cho chúng học. Ở trong nhà, ở trường học, ở xã hội chúng đều vui, đều học. Giáo dục thiếu nhi là một khoa học. Vậy các bạn phải cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm để tiến bộ mãi”.

Hiện nay chúng ta đang “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng, thực hiện tốt kế hoạch Tháng hành động vì trẻ em, giúp các cháu vươn lên trở thành con ngoan trò giỏi, chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phương Đông