Tháng Tám năm 1945 ở An Giang

Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 thất bại, niềm hy vọng khôi phục nền độc lập, tự do cho quê hương, đất nước trong lòng người dân An Giang tưởng chừng như bị dập tắt trước sự khủng bố tàn bạo của quân thù. Hàng trăm cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước An Giang bị thủ tiêu, tra tấn, tù đày… Nhiều người lãnh đạo phong trào cách mạng An Giang bị xử bắn ở núi Sam, Cần Thơ, Sài Gòn. Làng quê An Giang chìm đắm trong bầu không khí thê lương, ảm đạm trước những cuộc ruồng bố, bắt bớ, đốt nhà, trả thù trả oán…

Từ năm 1941, cũng như nhân dân cả nước, An Giang phải gánh chịu cảnh “một cổ hai tròng”, đã đói nghèo vì ách bóc lột của thực dân Pháp nay càng nghèo đói hơn nữa vì sự vơ vét của phát xít Nhật khi chúng xâm chiếm Đông Dương. Hình ảnh những tên lính Nhật da vàng, mũi tẹt có thanh gươm dài ngạo nghễ trước thực dân Pháp đã tạo nên niềm tin mơ hồ về một nền độc lập nào đó ở một bộ phận nhân dân thành thị, trong lúc đại bộ phận người lao động đầu tắt mặt tối chống trả cái đói trong một tình thế gần như tuyệt vọng vì dịch bệnh, mất mùa xảy ra liên tiếp và kéo dài.

Ở Long Xuyên, vụ mùa năm 1943 giảm trên 100.000 tấn so với năm 1942. Ở Châu Đốc sự việc còn tồi tệ hơn thế. Năm 1939 với 134.000 ha, Châu Đốc được 242.000 tấn lúa. Nhưng năm 1940 chỉ có 15.000 tấn, năm 1941 được 40.000 tấn và năm 1942 lên 92.600 tấn nhưng diện tích chỉ còn 96.000 ha. Như vậy, thử hỏi người dân An Giang phải sống bằng cái gì? Đã vậy, giá lúa thị trường khoảng 1,6đ/giạ nhưng thực dân Pháp bắt nông dân phải bán cho chúng từ 0,8đ đến 1đ/giạ. Thực dân thu cả thuế thân của người trên 60 tuổi và phụ nữ góa chồng mà trước đây họ được miễn. Năm 1942, Long Xuyên thu thuế thân được 92.767đ, trong đó số người quốc tịch Pháp chỉ đóng có 525đ…

Đói nghèo, túng quẫn làm nhiều gia đình ly tán, tha phương cầu thực. Có những nơi hai vợ chồng chỉ còn có một cái quần tương đối lành lặn thay nhau mặc khi ra khỏi nhà. Trẻ em nông thôn 9 – 10 tuổi chịu cảnh trần truồng là chuyện bình thường. Củ co, bông súng, củ nừng… thay cơm. Bao bố, cà ròn, đệm bàng… thay vải. Còn cúi, bùi nhùi thay diêm, mỡ cá thay dầu… Và còn biết bao nỗi nhọc nhằn 2 khác mà người dân An Giang phải chịu đựng trước khi vùng lên tự giải thoát thân phận nô lệ của mình.

Từng năm, từng năm trôi qua, người dân An Giang đối mặt với đói nghèo, áp bức và trăn trở đợi chờ những ngọn lửa mới của phong trào cách mạng, những ngọn lửa đã từng cháy lên ở quận lỵ Chợ Mới, ở xã Kiến An (Chợ Mới), Tân Huề (Hồng Ngự), Phú Lâm (Tân Châu)… trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đêm 02 rạng ngày 03/12/1940 trên địa bàn An Giang.

Trong lúc phong trào cách mạng bị thực dân Pháp đàn áp chưa kịp phục hồi, nhân dân thì lầm than, bế tắc trong cuộc sống chỉ còn biết kêu trời, khấn phật, đạo Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) với kinh kệ, sấm giảng kêu gọi tình thương yêu, ăn hiền ở lành, nói đến một tương lai tốt đẹp thật thật, hư hư… trở thành chỗ dựa tinh thần cho những người dân bị bần cùng đang muốn quên đi thực tại.

Đạo PGHH có mầm móng từ những năm 1936 -1939 nhưng chưa ảnh hưởng gì nhiều với nông dân vì khí thế cao trào đấu tranh dân chủ lúc bấy giờ. Nhưng đó cũng là lúc Phòng nhì Pháp, Tờ -rốt-kít tìm cách chui vào lèo lái những người sáng lập đạo. Khi phát xít Nhật vào VN, với thuyết “Đại Đông Á(1) lừa bịp, chúng tìm cách nắm các đạo giáo còn chịu ảnh hưởng quân quyền, đưa Cường Để (dòng dõi vua Gia Long) ra làm lá cờ tập hợp từng lớp quan lại, địa chủ, tư sản… có đầu óc bảo hoàng, trung quân ái quốc, làm chỗ dựa cho việc dựng lên một quốc gia Việt Nam “độc lập” theo ý Nhật sau này. Một số “thủ lãnh địa phương” của đạo PGHH bị Nhật lôi kéo, mua chuộc và tô vẽ lên như những nhà yêu nước chân chính, tạo ảnh hưởng về thế lực để chia quyền thống trị ở các tỉnh miền Tây Nam Kỳ.

Người nông dân An Giang đang bị Pháp khủng bố và cuộc sống đói nghèo đeo đẳng muốn tìm cho mình một chỗ dựa để yên tâm làm ăn sinh sống không ngờ trở thành nạn nhân của việc tranh giành quyền lực, bị tách dần khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tuy đa số vào đạo là để yên thân hoặc chờ thời nhưng cũng có không ít người bị huyền hoặc mơ hồ và lầm tưởng các “thủ lĩnh địa phương” cũng là những người đang nuôi chí lớn nhằm khôi phục lại đất nước như các cuộc khởi nghĩa của Trần Văn Thành, Ngô Tự Lợi trong thời gian đầu thực dân Pháp chiếm An Giang.

Những người cách mạng ở An Giang đang dựa vào dân gầy dựng lại phong trào ý thức được sự nguy hiểm bởi âm mưu thâm độc này của kẻ thù, luôn đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh đòi chia quyền lãnh đạo. Từ năm 1942, những đóm lửa 3 nhỏ của cách mạng cháy dần lên và lan tỏa ra nhiều địa bàn qua việc khôi phục tổ chức cơ sở Đảng, qua những tờ truyền đơn, những lời hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, tiếp thêm niềm tin vào lý tưởng mà nhân dân An Giang đã hướng đến từ khi lá cờ Đảng đầu tiên của tỉnh tung bay trên ngọn cờ dây thép Long Điền (Chợ Mới) tháng 4/1930 vẫy gọi mọi người bước vào cuộc chiến đấu mới…

Ngày 9/3/1945 phát xít Nhật lật đổ thực dân Pháp, dựng lên Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, gây ra tình trạng hỗn loạn và phức tạp vì sự tranh giành địa vị, quyền lợi giữa bọn tay sai. An ninh chính trị, trật tự xã hội đảo lộn, cảnh trả thù, trả oán diễn ra khắp nơi…

Dưới ách cai trị của Nhật, người dân Long Xuyên – Châu Đốc đã khổ cực nay càng khổ cực nhiều hơn nữa. Ruộng đồng hoang hóa, mất mùa, dịch bệnh… liên tiếp xảy ra, cảnh người dân “tha phương cầu thực” thành phổ biến. Hàng tiêu dùng thiết yếu vô cùng khang hiếm. Không có vải dân phải mặc bằng bao bố tời, may chỉ khóm,… Nạn chí, rận hoành hành gây ra bệnh tật, chết chóc ở khắp vùng nông thôn, dân tình càng thêm oán thán. Ở thành thị, viên chức cũ của Pháp ngấm ngầm chống đối; tiểu thương, tiểu chủ phá sản, bỏ nghề vì chính sách vơ vét, sung công tài sản của Nhật. Bọn Tờ-rốt-kít, phản động trong tôn giáo nhảy ra làm tay sai Nhật, phá hoại chính sách đoàn kết của Mặt trận Việt Minh, ca ngợi học thuyết “Đại Đông Á” của Nhật.

Ở An Giang, lực lượng thân Nhật trong tôn giáo nhảy ra nắm quyền, xây dựng lực lượng võ trang giáo phái làm chỗ dựa cho chính quyền bù nhìn. Đám “Nhật lô – can” hống hách, bắt bớ, làm tiền dân chúng. Những nhà nho yêu nước theo tư tưởng dân chủ mơ màng nghĩ đến một nước Việt Nam độc lập có “vua sáng, tôi hiền”! Chẳng bao lâu, niềm mơ ước về nền độc lập kiểu Nhật bị tan vỡ khi Sa Tô, Phó Thống đốc Nam Kỳ về Long Xuyên đã trắng trợn tuyên bố: “Nơi đây là thuộc địa của Nhật cũng như thuộc địa hồi trước của Pháp vậy”. Tầng lớp trí thức ngày càng bất mãn, nhiều người tỏ thái độ bất hợp tác với Nhật và tìm cách liên hệ với Việt Minh. Những người trước đây cho Nhật là “đồng văn, đồng chủng hiểu mình hơn Tây” nay lắc đầu ngán ngẩm “bọn quỷ lùn Nhật Bản”…

Lợi dụng thời điểm rối ren sau khi Nhật đảo chánh Pháp, hàng ngàn tù chính trị vượt ngục Bà Rá, Tà Lài trở về địa phương, trong đó có nhiều cán bộ cách mạng Long Xuyên, Châu Đốc. Lực lượng cách mạng An Giang được tăng cường, phát triển cơ sở từ nông thôn ra thành thị, tích cực chuẩn bị cho cao trào giải phóng dân tộc.

Biết được ý đồ của Nhật muốn nắm lấy giới thanh niên, tri thức, Xứ ủy vận động thành lập đoàn “Thanh niên Tiền phong” (TNTP), đưa Thanh niên Cứu quốc vào làm nòng cốt. Tháng 6/1945, TNTP được tổ chức ở Long Xuyên, Châu Đốc thu hút đông đảo các giới thanh niên tham gia làm công tác xã hội, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tập luyện quân sự giữ gìn an ninh trật trự… Tiếng đếm nhịp “một – hai, một – hai” và lời ca hùng tráng của bài “Lên đàng”, “Tiếng gọi thanh niên”… lan dần đến tận miền quê. Vì tính chất phức tạp của TNTP, Đảng bộ xây dựng đoàn thể cứu quốc bí mật ngay trong lòng của tổ chức này làm nòng cốt hướng dẫn thanh niên theo con đường cách mạng chân chính. Cờ, truyền đơn của Việt Minh, của Đảng xuất hiện ngày càng nhiều, kêu gọi nhân dân đoán thời cơ chờ ngày nổi dậy…

Ngày 15/8/1945, được tin Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh, Hồ Chủ Tịch và Trung ương Đảng phát động cuộc Tổng khởi nghĩa toàn quốc, và ngày 19/8 giành được chính quyền ở Hà Nội. Gác qua một bên những lo toan cho cuộc sống hàng ngày, nhân dân An Giang tập trung vào công cuộc đổi đời để thoát kiếp ngựa trâu. Đường lối cứu nước đúng đắn của Mặt trận Việt Minh được đông đảo tín đồ đạo PGHH và đoàn viên TNTP ủng hộ khiến số lãnh tụ bên trên bị phân hóa, cô lập không dám ra mặt chống lại giòng thác cách mạng đang cuồn cuộn tuôn trào.

Thực hiện Nghị quyết của Xứ ủy Nam kỳ, Đảng bộ Long Xuyên, Châu Đốc vạch kế hoạch khởi nghĩa, lấy Chợ Mới, Hồng Ngự làm thí điểm rồi kéo lực lượng ra cướp chính quyền cấp tỉnh.

Tại Hồng Ngự, trong ngày 20/8/1945, lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ hoàn toàn 3 xã cù lao Tây (Tân Huề, Tân Quới, Tân Long). Ngày 22/8/1945 hàng ngàn quần chúng bao vây quận đường, đồng chí Phan Văn Cai, Bí thư Quận ủy Hồng Ngự trực tiếp gặp quận trưởng buộc ông ta phải giao chính quyền cho cách mạng. Ngày 23/8/1945, quận Hồng Ngự được giải phóng hoàn toàn.

Đêm 23/8/1945, đồng chí Lê Thiện Tứ (Phó Bí thư Tỉnh ủy Long Xuyên) kéo lực lượng xung kích đến quận đường Chợ Mới buộc quận trưởng giao nộp vũ khí, chờ lực lượng khởi nghĩa đến tiếp thu chánh quyền. Ngày 24/8/1945 lực lượng cách mạng làm chủ hoàn toàn Chợ Mới. Cùng ngày, bên phía Lấp Vò, hai đồn lính gác phà Vàm Cống đầu hàng, nộp 8 súng và 80 viên đạn cho cách mạng.

Tại tỉnh lỵ Long Xuyên, từ đêm 24/8/1945, các đội “tự vệ chiến đấu” đã bí mật bám sát các mục tiêu quan trọng, cắm cờ, rải truyền đơn khắp nội ô. Để tránh cho cuộc khởi nghĩa khỏi đổ máu vô ích, đồng chí Nguyễn Văn Nhung (Bí Thư Tỉnh ủy Long Xuyên) trực tiếp gặp mặt những người cầm đầu TNTP, đạo PGHH, đạo Cao Đài, đạo Công giáo, phân tích tình hình và yêu cầu họ ủng hộ Việt Minh cướp chánh quyền. Qua vận động, thuyết phục, đấu tranh kiên quyết, cuối cùng các lãnh tụ đó phải chấp nhận và hứa tham gia vào buổi mittinh ra mắt chánh quyền nhân dân. Được sự hậu thuẫn đó, ngay trong đêm 24/8/1945, đồng chí Nhung đi thẳng vào dinh Tỉnh trưởng buộc chủ tỉnh phải giao lại chánh quyền cho Việt Minh và phải tuyên bố công khai trong cuộc mitting sáng ngày 25/8/1945.

Sáng sớm ngày 25/8, với tấm băng – rôn bằng đệm bàng dài chục thước ghi dòng chữ “Nước Việt Nam độc lập muôn năm” đồng bào Chợ Mới lũ lượt kéo qua tỉnh lỵ, xuồng ghe qua lại trên sông như mắc cửi đến 9 – 10 giờ chưa dứt. Nhân dân Lấp Vò, Thốt Nốt, Núi Sập, Châu Thành cũng rầm rộ tiến về tỉnh lỵ Long Xuyên ngày càng đông nên đến trưa cuộc lễ mới bắt đầu. Tỉnh lỵ Long Xuyên rực rỡ màu cờ đỏ tràn ngập trên một vạn đồng bào cùng cất vang tiếng hô “Độc lập, Tự do”. Chánh quyền tỉnh Long Xuyên đã về tay nhân dân.

Tại Tân Châu, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Ngọc Tạc, lực lượng khởi nghĩa giành được chánh quyền trong ngày 25/8 và khẩn trương đưa lực lượng qua cướp chánh quyền Châu Đốc. Ngày 25/8 Tỉnh trưởng Châu Đốc giằng co với các đồng chí Nguyễn Văn Nữ, Trần Khôn, không chịu giao chánh quyền. Đêm đó, lực lượng khởi nghĩa từ Tân Châu, Hồng Ngự kéo qua, bao vây các cứ điểm quan trọng. Quân Nhật ở thành PC án binh bất động. Ba giờ sáng ngày 26/8, lực lượng khởi nghĩa đánh chiếm các công sở. Sáng ngày 26/8/1945, đồng chí Nguyễn Văn Thôi tuyên bố cách mạng thắng lợi trong cuộc mittinh đông đảo tại sân vận động, chánh quyền tay sai Nhật ở Châu Đốc bị sụp đổ hoàn toàn. Đến ngày 28/8/1945, các quận còn lại ở Châu Đốc được đặt dưới quyền kiểm soát của chánh quyền cách mạng.

Với tinh thần tích cực, chủ động và có phương pháp đấu tranh khôn khéo, chỉ trong vòng một tuần lễ, Đảng bộ và nhân dân Long Xuyên, Châu Đốc đã nổi dậy khởi nghĩa giành được thắng lợi trọn vẹn bằng sức mạnh của chính mình. Quán triệt tinh thần Nghị quyết lần thứ 8 (tháng 5/1941) của Trung ương Ðảng và căn cứ theo tình hình thực tế của địa phương, Ðảng bộ đã chuyển trọng tâm công tác về nông thôn, dựa vào nông thôn phát triển lực lượng. Nông dân ở đây chiếm hơn 90{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} dân số và từ năm 1930 đã tự nguyện đi theo Ðảng làm nên các cao trào cách mạng vang dội. Chính vì vậy khi các tôn giáo lôi kéo quần chúng nông dân, những người cách mạng đã tiến hành một cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt để bảo vệ khối đoàn kết thông nhất, tập trung mũi nhọn tấn công vào kẻ thù chung của dân tộc. Kết quả của quá trình đấu tranh đó đã làm cho tổ chức Ðảng ở nông thôn phát triển rộng khắp và khi cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra, đại đa số quần chúng tín đồ PGHH đã đi theo cách mạng, đồng tình ủng hộ Mặt trận Việt Minh, tiến hành khởi nghĩa ở nông thôn thắng lợi.

Ở thành thị, Đảng bộ đã khéo léo đưa nòng cốt trong lực lượng Thanh niên cứu quốc vào tổ chức TNTP giữ các chức vụ chủ chốt, qua đó nắm được các tầng lớp trí thức trung gian, kể cả những người làm việc cho Nhật dần dần đứng về phía cách mạng. Có thể nói, TNTP chính là lực lượng chủ yếu quyết định cho khởi nghĩa giành thắng lợi ở các trung tâm đô thị…

Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi là kết quả cả quá trình đoàn kết đấu tranh bền bỉ của các tầng lớp nhân dân Long Xuyên, Châu Đốc kể từ khi các tổ chức quần chúng cách mạng ra đời cho đến lúc có sự lãnh đạo tập trung của Đảng. Là sự tôi luyện và rút kinh nghiệm của các thời kỳ 1930 – 1931, 1936 – 1939 và cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Là thắng lợi của ý chí, sự bền bỉ trung kiên và sự hy sinh vô bờ bến của những người cộng sản và quần chúng yêu nước đã bao phen thăng trầm, có lúc tưởng chừng như sụp đổ nhưng ánh lửa của niềm tin vẫn rực cháy trong tim.

Quá khứ, hiện tại và tương lai là một quá trình phát triển thống nhất của lịch sử bao trùm lên tất cả các hoạt động của con người, thúc đẩy xã hội loài người tồn tại và ngày càng hoàn thiện. Quay lưng với quá khứ chính là sự chối bỏ tương lai! Làm sao chúng ta có thể quên được công lao xương máu của biết bao anh hùng, liệt sĩ hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do, hạnh phúc của cả dân tộc? Nhân dân An Giang đã và sẽ mãi mãi không quên điều đó.

Lâm Quang


Chú thích:

(1) Chính sách “Đại Đông Á” gồm 5 điểm chính là:

1- Ngoại giao liên hiệp

2- Quân sự đồng minh

3- Kinh tế hợp tác

4- Văn hóa cầu thông

5- Chính trị độc lập