“Thu hái được những hiểu biết quý báu của các đời trước để lại”
Trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh bằng trí tuệ phi thường của mình đã tiếp thu được các tinh hoa văn hóa nhân loại một cách có chọn lọc để vận dụng một cách sáng tạo vào những điều kiện cụ thể của đất nước, của dân tộc; không chỉ phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mình mà còn góp phần vào sự nghiệp giải phóng loài người bị đọa đày đau khổ. Người quan niệm: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta.
“Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn “mưu hạnh phúc cho loài người, mưu hạnh phúc cho xã hội”. Nếu hôm nay, họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết.
“Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”…
Vì thế, ngay sau khi Chính phủ Trung Hoa Dân quốc ban hành lệnh xoá bỏ những nghi lễ tưởng niệm Khổng Tử kèm theo những khoản dự chi cho những cuộc nghi lễ ấy và chuyển những đền thờ Khổng Tử thành các trường học công (năm 1927), Người đã viết bài báo có tên “Khổng Tử”, trong đó khẳng định: “Với việc xoá bỏ những lễ nghi tưởng niệm Khổng Tử, Chính phủ Trung Quốc đã làm mất đi một thể chế cũ và trái với tinh thần dân chủ. Còn những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin”.
Hồ Chí Minh là nhà chính trị nhưng còn nhận được nhiều sự ca ngợi về tư tưởng, đạo đức, văn hóa… Thủ tướng Nehru gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Một vị lãnh tụ xuất sắc đồng thời là một chiến sĩ vĩ đại cho tự do”. Trong một lần hội ngộ, Thủ tướng phát biểu: “Chúng ta được tiếp đón một con người, mà người đó là phần lịch sử của châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta đã gặp một mảng lịch sử. Do đó, chúng ta không chỉ được nâng tầm tư tưởng, suy nghĩ mà còn được lớn lên ở bên Người. Được gặp Người chúng ta trở nên tốt đẹp hơn… Trong thế giới đầy biến động, xung đột và phân ly, thật sung sướng khi Người đến mang lòng tốt của con người và tình bạn, tình thân ái đã vượt lên tất cả”.
Là một người học trò sống gần gũi cùng Người, Phạm Văn Đồng nhận xét rằng Bác luôn: “… lấy lẽ phải mà thuyết phục, lấy lòng nhân mà cảm hóa, lấy việc làm của mình làm phép tắc”, “lời nói đi đôi với việc làm”… Và “Điều rất quan trọng cần phải làm nổi bật là sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn. Đó là lối sống giản dị một cách chân thành, không cầu kỳ, không “cố làm trò” để lòe thiên hạ: “Bình sinh Hồ Chủ tịch là người rất giản dị, lão thực. Vĩ nhân, thật vĩ nhân bao giờ cũng giản dị lão thực. Đã cầu kỳ là thiếu bản lĩnh, cố làm trò để đánh lừa thiên hạ và hậu thế”…
Ðây-vít Hăm-bớc-xtơn là nhà báo, nhà văn Hoa Kỳ, trong cuốn sách viết về Bác, do nhà xuất bản Răng-đôm Hao-xơ ở Niu-oóc ấn hành, đã viết: “… Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này – hơi giống Găng-đi, hơi giống Lê-nin, hoàn toàn Việt Nam. Có lẽ hơn bất cứ một người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc của ông, và đối với cả thế giới, ông là hiện thân của một cuộc cách mạng”. Nhà nghiên cứu người Đức Êlen Tuốcmerơ cho rằng: “Hồ Chí Minh là hình ảnh, sự khôn ngoan của đức Phật, lòng nhân từ của Chúa, tinh thần nhiệt tình cách mạng của Lênin, sự ung dung của một người chủ gia tộc. Tất cả được hài hòa trong một dáng dấp tự nhiên”.
Các nhà báo nước ngoài từng tiếp xúc với Hồ Chí Minh đều nhận xét: trong văn hoá Hồ Chí Minh có chất “uymua” Anh, chất lịch thiệp, trang nhã Pháp, chất thâm thuý, hàm súc của các nhà hiền triết phương Đông… Và điều đáng nói là những gì đẹp đẽ của nhân loại đã hội tụ, hòa quyện với cái gốc văn hóa truyền thống dân tộc, tạo thành một nhân cách văn hóa vừa bình dị, thanh cao vừa sắc sảo, mới mẻ đầy lý thú. Một nhà báo Mỹ đã nhận xét: “Cụ Hồ không phải là một người dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, mà cụ là một con người yêu mến văn hoá Pháp trong khi chống thực dân Pháp. Một con người biết coi trọng những truyền thống cách mạng Mỹ, khi Mỹ phá hoại đất nước cụ”…
Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh xứng đáng là người học trò hết sức xuất sắc của Lê nin. Người rất xứng đáng với điều mà Lê nin đã từng nói: “Chỉ những người cách mạng chân chính mới thu hái được những hiểu biết quý báu của các đời trước để lại”.
TRUNG THÀNH