Giữa mùa quên nhớ
“Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan…”
(Khóc Dương Khuê – Nguyễn Khuyến)
Sáng nay trời âm u, mây đen xám xịt giăng lối. Cơn mưa như trút nước vội vã lướt ngang, cái lạnh len lỏi qua từng thớ thịt, đánh thức những suy tư vô hình, như chiếc bóng lặng lẽ theo sau. Trên con đường đi làm quen thuộc, tôi bắt gặp những gương mặt tuổi già – những nét chấm phá giản dị mà thổn thức trong bức tranh muôn màu của đời sống. Mỗi ánh mắt, mỗi nếp nhăn đều kể câu chuyện về thời gian, về những tháng năm hao gầy, lặng lẽ trôi qua giữa dòng đời hối hả. Họ gợi nhắc tôi về sự chậm rãi và sâu lắng mà cuộc đời đôi khi lãng quên: rằng có những giá trị chỉ thực sự hiện hữu khi ta biết dừng lại, lắng nghe và cảm nhận.
Trước hiên nhà, một cụ già ngồi trên chiếc ghế cũ kỹ, ánh mắt mông lung như đang tìm kiếm một hình bóng quen thuộc đã rời xa từ lâu. Gió khẽ lật tung vạt áo bạc màu, chiếc áo mỏng manh chẳng đủ hơi ấm cho thân hình gầy guộc. Bóng người ấy nhỏ bé giữa những thanh âm ồn ã, nhưng lại khiến tôi dừng ánh mắt thật lâu và ngẫm ngợi. Có lẽ, trong đôi mắt đục mờ ấy, cả một trời ký ức đang chầm chậm trôi về: những ngày trẻ trung, những khát vọng, những yêu thương, và cả những mất mát không lời.
Ở một góc nhỏ khác, một cụ bà đẩy chiếc xe ve chai đi từng bước nặng nhọc trên con đường ướt đẫm nước mưa, lưng còng như gánh cả những mùa năm tháng. Đôi bàn tay run rẩy bám vào tay đẩy, những bước chân chầm chậm nhắc nhở tôi rằng, sức lực con người cũng có ngày mỏi mệt, như chiếc xe chở đầy những chai nhựa cũ kia, nhọc nhằn mà không bao giờ trọn vẹn.
Rồi lại có những cụ ông, cụ bà đi bán từng tờ vé số, còn mặc cả áo mưa đứng lặng bên vệ đường, đôi mắt như trông mong một ánh nhìn tử tế. Những lời mời mọc khe khẽ cất lên, lẫn trong gió lạnh. Gần đó, bà cụ ngồi dưới cây dù xiêu vẹo thẩn thờ với mâm bánh thửng, bánh bông lan nướng vàng, nhưng chẳng mấy ai dừng lại để mua. Họ ngồi đó, đứng đó, như những nốt lặng nhỏ nhoi trong bản hòa âm của cuộc đời, nhưng lại chạm đến trái tim tôi bằng những thanh âm xao động, nghẹn ngào.
“Già rồi, đôi mắt mờ đi
Bước chân chậm lại, tóc vương màu chiều
Ngồi đây ngắm cả hững hờ
Đời qua như gió, ai ngờ chiêm bao…”
Tuổi già, hai chữ vừa nghe đã thấy chậm rãi và buồn tênh. Đó là lúc những tất bật của đời người rời xa, nhưng lòng người chẳng thể nào thôi day dứt. Khi tay không còn rắn chắc, chân không còn nhanh nhẹn, người già trở về với sự dung dị, nhỏ bé của chính mình. Như cánh chim từng kiêu hãnh trên trời xanh, giờ đây lặng lẽ tìm một cành cây khô để nghỉ chân.
Những chiếc áo khoác trên người họ, chiếc áo đã bạc màu bởi nắng mưa, đôi khi không đủ để che đi sự lạnh giá. Phải chăng chiếc áo ấy chính là hình bóng của những tháng ngày hao gầy, mỏng dần theo từng mùa gió bấc, từng dấu ấn vô hình mà thời gian khắc lên cuộc đời?
Nhìn những cụ già, tôi chợt nghĩ đến sự “giàu” và “nghèo” trong cuộc đời. Giàu không chỉ là tiền bạc, và nghèo không chỉ là thiếu vật chất. Có những người giàu ký ức nhưng nghèo sự sẻ chia, giàu năm tháng nhưng nghèo tình yêu. Tuổi già dường như luôn cần một bàn tay để nắm lấy, một giọng nói để thủ thỉ, và một ánh mắt để cảm thấy rằng mình vẫn còn được nhìn thấy, vẫn còn quan trọng.
Thảng hoặc, tôi tự hỏi, những người già ấy, họ từng là ai? Có phải từng là cô gái tuổi đôi mươi với mái tóc mềm như lụa, trái tim rộn rã những ước mơ đầu đời? Hay là chàng trai tràn đầy sức trẻ, ôm lấy những khát vọng lớn lao, từng khao khát in dấu chân mình lên mọi nẻo? Thời gian đã biến tất cả thành quá khứ, nhưng đôi mắt họ vẫn giữ lại ánh nhìn của những ngày xưa cũ, như một chiếc gương phản chiếu lại cả đời người.
Tuổi già, có lẽ, không đáng sợ. Đáng sợ hơn cả là sự lãng quên. Đừng để một người già phải ngồi ngoài hiên ngóng trông những điều chẳng bao giờ đến. Đừng để họ phải lang thang trên những con đường mưa ướt lạnh lẽo chỉ để mưu sinh qua ngày. Đừng để họ phải cảm thấy mình đang “ở trọ” trong chính ngôi nhà của mình. Và, đừng để họ cảm thấy mình chỉ là cái bóng mờ trong cuộc sống hối hả. Xin đừng!
Hôm nay, trong cái lạnh se sắt của buổi sáng chớm đông, tôi chợt cảm thấy lòng tràn ngập sự biết ơn. Biết ơn những người già đã dạy tôi nhìn cuộc đời qua một lăng kính khác: lăng kính của sự chậm rãi, nơi thời gian không còn là đường đua hối hả, mà trở thành khoảnh khắc đáng nâng niu, để sống chậm, để cảm nhận, để trân quý từng phút giây.
Và tôi tự nhủ, khi mùa đông về, hãy nhớ rằng, không phải chỉ mình ta cần ấm áp. Những cụ già ấy, những ánh mắt ấy, cũng cần một chút hơi ấm từ những người đi qua đời họ; có khi chỉ là một nụ cười, một lời chào hỏi, hay một sự lắng nghe đầy chân thành. Vì, suy cho cùng, ai trong chúng ta rồi cũng sẽ có ngày già đi.
AN DI