Ấm áp nghĩa tình Sân Khấu An Giang sau một nhiệm kỳ nhìn lại

Cuộc sống của mỗi con người luôn bị quay cuồng bởi những thách đố cũng như các đòi hỏi và yêu cầu. Thật không phải khi tôi đã từng có ước muốn trở thành hội viên của tất cả phân hội chuyên ngành để lĩnh hội, học hỏi, trui rèn và giải phóng năng lượng ham muốn của mình phục vụ cho nghệ thuật.

Có thể hôm nay đầy rẫy những khó khăn và ngày mai cũng không có điều gì dễ dàng, nhưng sau ngày mai, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn, bởi ước mơ của chúng ta là không có ngày hết hạn. Chính vì thế, với niềm tin có trong tay mình là sức trẻ, nhiệt huyết, đam mê,… để cống hiến hết mình cho nghề nghiệp, tôi đã đi được một khoảng đường kha khá dài để trải nghiệm, thu thập, va vấp để hiểu đúng về khả năng của mình. Từ đó, hoạch định cho mình một lối đi mà nhịp đập con tim mách bảo.

Cũng chính trên chặng đường kha khá ấy, tôi có dịp gặp gỡ những con người miệt mài với ngòi bút của mình để mong ước xã hội ngày một tốt hơn. Tôi được chỉ dạy, được học hỏi những điều hay, tránh xa những điều không phải bằng những vai diễn để đời. Tôi đã được chia sẻ những niềm vui cũng như nỗi buồn của những người từng ước vọng cuộc đời mình trên giá vẽ – bằng lời ca tiếng hát – bằng nốt nhạc nhảy nhót trên từng phím đàn – bằng những thước phim, hình ảnh ghi lại hành trình trưởng thành của một đô thị, vùng quê cùng thôn xóm,… tất cả như được nén lại thành một tập tin – một căn phòng – nhiều ngôi nhà – những thành phố – và một tập thể tấm lòng thân thương, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Và không ở đâu xa, đó là ngôi nhà chung của văn nghệ sĩ An Giang – nơi đó, có mái ấm tình nghệ sĩ đã dìu dắt nhau qua nhiều chặng đường gian khó, đã cùng nhau cống hiến, xây dựng nên một Phân hội Sân khấu An Giang nghĩa tình.

Một danh họa người Pháp – Auguste Rodin từng nói: “Người nghệ sĩ là người tạo ra tia lửa và nhóm bùng lên ngọn lửa”. Thật vậy, ở mái nhà chung sân khấu An Giang, đã có rất nhiều người từng tạo tia lửa và thổi bùng lên tia lửa ấy. Trong số đó, tôi xin nhắc đến soạn giả Vĩnh Châu – nhà văn Mai Bửu Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang – Phân hội trưởng Phân hội Sân khấu An Giang (nhiệm kỳ 2014 – 2019) và Nghệ nhân Ưu tú – Đạo diễn Đặng Hoàng Linh (Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tỉnh An Giang – Phân hội trưởng Phân hội Sân khấu An Giang (nhiệm kỳ 2019 – 2024). Tuy soạn giả Vĩnh Châu và Nghệ nhân Ưu tú – Đạo diễn Đặng Hoàng Linh không phải là người đầu tiên có những hoạt động, kế hoạch đưa anh em nghệ sĩ sân khấu An Giang đến gần nhau hơn, nhưng hai người đã làm được rất nhiều cho hoạt động sân khấu An Giang trong những năm qua. Có rất nhiều hoạt động sân khấu đã được soạn giả Vĩnh Châu và Nghệ nhân Ưu tú – Đạo diễn Đặng Hoàng Linh tổ chức như: Giao lưu, thực tế sáng tác, trại sáng tác, in nhiều tập ca cổ – bài bản tài tử – tuồng cải lưởng, giới thiệu tác phẩm mới, tạo mọi điều kiện để nghệ sĩ sân khấu An Giang hoạt động. Bên cạnh đó, hai hoạt động ý nghĩa được tổ chức và duy trì đến bây giờ là “Họp mặt tri âm Sân khấu đầu năm mới và Giỗ tổ Sân khấu (12/8 âm lịch hằng năm)”. Đây là hai hoạt động ý nghĩa giúp hội viên sân khấu thường xuyên gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của nghề nghiệp sau những tháng ngày tất bật với cuộc sống.

Cùng với 7 chuyên ngành khác, trong nhiệm kỳ qua, Phân hội Sân khấu An Giang đã đóng góp rất nhiều cho hoạt động chung của Liên hiệp Hội, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho văn học – nghệ thuật tỉnh nhà. Đáng chú ý và đáng tự hào khi Phân hội Sân khấu là phân hội duy nhất trong 8 chuyên ngành điều đặn họp mặt hội viên 2 lần/năm (đó là Họp mặt tri âm đầu năm mới và Giỗ tổ Sân khấu). Ý nghĩa hơn khi cô chú, anh chị em sân khấu chung tay đóng góp “Quỹ tình nghệ sĩ” để mỗi độ xuân về, Ban Chấp hành Phân hội lại đại diện cho toàn thể hội viên đến thăm hỏi, trao quà Tết cho nghệ sĩ già yếu, ốm đau, bệnh tật. “Còn gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau” là thế! Đây là nghĩa cử cao đẹp và rất đáng tự hào của nghệ sĩ Sân khấu An Giang. Và đây cũng là hoạt động rất đáng được nhân rộng, được duy trì để chung tay nâng tầm văn học – nghệ thuật tỉnh nhà lên tầm cao mới.

Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù còn nhiều khó khăn và nhiều hoạt động chưa được tổ chức bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng toàn thể hội viên sân khấu đã kề vai sát cánh cùng Ban Chấp hành hoàn thành tốt nhiều chỉ tiêu, kế hoạch của nhiệm kỳ. Tôi nhớ đến những lời tâm sự của Nghệ nhân Ưu tú – Đạo diễn Đặng Hoàng Linh – Người đã cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp sân khấu tỉnh nhà. Chú thường tâm sự: “Anh em nghệ sĩ mình mỗi người một hoàn cảnh, ai cũng sống chết với đam mê của mình. Chú rất tiếc vì mình không đủ khả năng giúp đỡ cho những anh em có hoàn cảnh khó khăn để họ yên tâm hoạt động nghề nghiệp. Chú mong là các lớp kế thừa sau này phải cố gắng học hỏi, nâng cao uy tín nghề nghiệp, cố gắng duy trì những hoạt động ý nghĩa mà phân hội đã làm được trong những năm qua, để giúp đỡ, để làm vơi đi phần nào khó khăn của anh em nghệ sĩ, để cùng nhau đưa hoạt động sân khấu tỉnh An Giang mình vươn cao, vươn xa hơn nữa”. Và chúng ta tin tưởng rằng thế hệ hôm nay và mai sau của sân khấu An Giang sẽ đáp ứng được kỳ vọng của thế hệ cha anh đi trước.

Tôi cũng như nhiều hội viên khác rất vinh dự và rất tự hào khi được sống dưới mái nhà chung của nghệ sĩ An Giang. Đây là ngôi nhà được các nghệ sĩ sân khấu có uy tín tạo dựng và tâm huyết hoàn thành. Có lẽ hôm này, ngày mai và ngày mai nữa, người ta sẽ thấy một diện mạo mới của nghệ sĩ sân khấu An Giang nói riêng và văn học – nghệ thuật tỉnh An Giang nói chung, nơi mà tất cả hội viên gặp nhau tay bắt mặt mừng; nơi mà mỗi khi nhắc đến người ta chỉ thấy toàn niềm vui và ký ức; nơi mà người ta chỉ muốn hòa mình, để lại sự sáng tạo, tài năng của mình cho văn học – nghệ thuật. Và nơi đó tôi đặt tên là “Ngày mai của chúng ta”.

Tôi rất hy vọng từ những hoạt động ý nghĩa của Phân hội Sân khấu An Giang sẽ lan tỏa và nhân rộng đến tất cả các chuyên ngành khác. Tôi có một giấc mơ rất đẹp. Ở đó, chúng ta đã nên lập một quỹ chung cho văn học – nghệ thuật tỉnh nhà. Ở đó, chúng ta đã có chung nhiều hoạt động như: thăm hỏi hội viên già yếu, ốm đau, bệnh tật; góp phần xây dựng những mái ấm nghệ sĩ; đầu tư – tiếp sức cho những tài năng văn học, nghệ thuật; chúng ta cùng nhau đi đến những nơi khó khăn để trao quà cho người kém may mắn; chúng ta đã cùng lưu lại những khoảnh khắc đẹp bằng chính những tác phẩm mà chúng ta tạo ra;… và nhiều nhiều hơn thế nữa…

Và tôi đã tỉnh giấc mơ và ở đây để kể cho cô chú, anh chị, các em nghe về những giấc mơ đó bằng tấm lòng biết ơn và niềm tự hào khi là một phần của vòng tay ấm áp “Mái nhà nghệ sĩ An Giang”.

Trần Thanh Tâm