An Giang tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm “200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế”
Tối 14/11, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm “200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 – 2024)” và tưởng niệm 198 năm Ngày mất của bà Châu Thị Tế (1826 – 2024) – phu nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu.
Tham dự lễ kỷ niệm có thiếu tướng Nguyễn Minh Triều – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu 9, Phó Tư lệnh Quân khu 9; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng cùng các nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang và lãnh đạo TP. Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang và đông đảo người dân trên địa bàn TP. Châu Đốc.
Tại Lễ kỷ niệm, ông Lê Hồng Quang – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang đã đọc diễn văn ôn lại lịch sử quá trình đào kênh Vĩnh Tế.
Theo sử liệu triều Nguyễn, vào thời điểm này của 200 năm trước, vua Gia Long có chiếu dụ về hoàn thành kênh đào Vĩnh Tế. Đây là công trình quy mô nhất thời bấy giờ, với chiều dài 91km, rộng 30m, sâu 2,55m, được thi công bằng sức người, trong thời gian 5 năm. Công trình là minh chứng hùng hồn cho sự sáng tạo, tài tình của người Việt chinh phục thiên nhiên, thể hiện tầm nhìn chiến lược của triều Nguyễn, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, khai khẩn vùng đất phương Nam, phát triển kinh tế, bang giao và củng cố sức mạnh quốc phòng miền biên viễn…
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, kênh Vĩnh Tế có vai trò cầu nối giữa chiến trường Đông Nam Campuchia với chiến trường miền Tây Nam Bộ (Kiên Giang, An Giang và ĐBSCL); là đầu cầu chiến lược cho sự chi viện của Trung ương về khu Tây Nam Bộ. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, kênh Vĩnh Tế là lũy thành ngăn bước tiến quân thù, là phòng tuyến phản công địch, giành chiến thắng. Hiện kênh Vĩnh Tế tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong quốc phòng, an ninh, xây dựng vững chắc khu vực phòng thủ tuyến biên giới Tây Nam Tổ quốc.
Kênh Vĩnh Tế hình thành tạo điều kiện cho giao lưu kinh tế, góp phần đưa Châu Đốc từ một cứ điểm quân sự từng bước trở thành khu kinh tế đầu mối kết nối với Hà Tiên (Kiên Giang) với Chân Lạp, Vĩnh Thanh, Gia Định; giai đoạn hiện nay, vai trò của kênh Vĩnh Tế ngày càng được khẳng định.
Trải qua 2 thế kỷ, kênh Vĩnh Tế giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện, là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, giao thương hàng hóa. Đồng thời, đây còn là nơi cung cấp nước ngọt bồi đắp phù sa cho ruộng đồng cả vùng Tứ giác Long Xuyên. Trên hết, kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như một tuyến phòng thủ tự nhiên vững chắc bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 – 2024) là hoạt động thiết thực nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, đồng thời giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đây cũng là sự kiện chính trị trong các sự kiện quan trọng của vùng đất Phương Nam ghi dấu cho quá trình hình thành tỉnh An Giang ngày 22/11/1832.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh An Giang, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Hồng Quang kêu gọi các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong Tỉnh tiếp tục phát huy những thành quả mà tiền nhân để lại; đoàn kết, phấn đấu đạt nhiều thành tựu to lớn và toàn diện hơn nữa trong phát triển kinh tế – xã hội; giữ vững quốc phòng – an ninh; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử văn hóa; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng quê hương An Giang ngày thêm giàu đẹp, văn minh.
Dịp này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đã tôn vinh và trao Bằng xác lập kỷ lục kênh Vĩnh Tế: “Kênh đào thủ công trong khu vực biên giới dài nhất Việt Nam”.
Trọng Nhân