Bên miếu Cổ Nhơn
Nhã đang đi về hướng núi, hướng Tây Nam. Bên cạnh con đường xe đang chạy qua là dòng kinh Vĩnh Tế lặng lờ chảy, da diết như một câu thơ của Hoàng Cầm: “Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên”. Nhưng cô tự hỏi, liệu giấc mộng đó có thực sự yên bình hay không, ít ra là với chính mình, và với cả gia đình bé nhỏ ngày xưa.
Nhã nhanh chóng nhận ra cây me già to lớn đứng vững chãi ở ngã ba đường, không khác gì mấy mươi năm trước. Thấy hình ảnh đó, cô biết mình đã về đến chốn cũ, nơi chứa đựng tuổi thơ đã trôi đi quá xa xăm. Tới con đường nhỏ rẽ hướng lên núi, Nhã cho xe dừng lại rồi tần ngần đứng nhìn. Vồ đá to lớn nằm giữa lưng chừng triền núi vẫn còn sừng sững như ngàn năm vốn thế. Cheo leo trên vồ đá ấy trước đây từng có một gia đình đầm ấm, vậy mà gió bụi thời gian đã cuốn phăng tất cả, như một cuộc chơi dài. Đến khi nhìn lại mới chợt nhận ra sương đã giăng gần trắng mái đầu.
Con đường lên triền núi ngày nào gập ghềnh, giờ đây đã dễ đi hơn. Nhã bước từng bước qua những bậc thềm xi măng vẫn còn tươi mới. Những thềm đá ngày nào rêu xanh cũ kỹ, vừa nhỏ hẹp lại cao ngất, bây giờ đã được tu sửa rộng lớn và thoải hơn. Ấy vậy mà ngày đó cô đi thoăn thoắt, từ dưới đường lớn lên đến nhà trên triền chỉ mất khoảng hai mươi phút, còn hôm nay chỉ chậm rãi từng bước mà vẫn thấy mệt mỏi. Thời gian mà! Nó không chỉ làm thay đổi nhiều thứ trên ngọn núi nầy, nó còn lấy đi thanh xuân của Nhã và bao con người ngày ấy. Bây giờ, họ ở nơi đâu?
Nhã thèm được thấy lại ngôi nhà xưa xiết bao. Ngôi nhà được xây bằng những tảng đá vuông vức, đục đẽo từ đá núi. Xung quanh nhà là khu vườn rộng lớn trồng đủ loại cây trái, mặc dù trái không được sum suê và cũng không quá ngọt ngon bởi đất núi không màu mỡ, nhưng cũng đủ làm mát lòng bọn trẻ lớn lên trong một thời đói kém. Phía trước nhà là vồ đá khổng lồ, mặt trên bằng phẳng trải rộng ra như một mảnh sân thiên tạo kỳ vĩ, mọi người có thể ra đó hóng mát, vui chơi. Bên trái vồ đá là ngôi miếu Cổ Nhơn do cha xây dựng từ những ngày đầu mới lập nghiệp ở chốn nầy. Từ vồ nhìn xuống có thể thấy cả dãy Thất Sơn kiêu hãnh giữa những cánh đồng vàng rượm chạy tít xa về phía chân trời. Chân trời mà bao lần tụi nhỏ xứ núi ngày đó đã khát khao được đi đến, tự hỏi nó có giống không với chân trời trong giấc mơ có bà Tiên, ông Bụt. Để rồi giờ đây khi đã qua nửa dốc đời, đặt chân đến biết bao nhiêu vùng đất lạ, Nhã biết rằng chân trời vẫn còn ở rất xa.
* * *
Cha mất vào một buổi sáng đầu mùa đông, khi đang chăm sóc vườn cây sau nhà thì bị rắn cắn, đó là một con rắn hổ hèo lớn – loài rắn cực độc. Do nọc độc phát tán nhanh mà khi ấy trong nhà lại không có ai, đến khi mọi người tìm thấy cha thì đã không còn cơ hội cứu chữa nữa. Lại một người nằm xuống cạnh miếu Cổ Nhơn.
Dân xóm núi từng đồn thổi với nhau rằng rắn ở núi đã tu luyện thành tinh, nên biết trả thù. Nhã không tin. Cô nghĩ đó chỉ là con người muốn tránh đụng chạm với thú dữ nên đã dựng lên những câu chuyện ly kỳ để nhắc nhở nhau như một kiểu “có kiêng có lành”. Nhưng hôm ấy nó không chỉ còn là câu chuyện được truyền miệng nữa, người ta đem gán vào gia đình Nhã. Họ nói, cha cô bị rắn báo thù. Số là trước đó vài hôm, ông có bắt được một con rắn hổ hèo cái từ trong rừng, mang về nhà cho mẹ làm thịt, chế biến thành món rắn hầm đu đủ. Con rắn cắn cha mấy hôm sau lại là rắn đực, nên mọi người cho rằng rắn đực đã đánh hơi theo dấu vết của rắn cái bị giết để tìm về nhà Nhã và trả thù.
Nhã hay tin cha mất vào ngày trời rất trong xanh. Lúc còn nhỏ, những khi trời đẹp như thế, tụi con nít xóm núi thường chơi giỡn lăng xăng với nhau trong vườn cây. Còn ngày cha mất, không biết lũ nhỏ có còn đùa nghịch trong vườn như Nhã hồi trước không? Nhã thì không! Vì hôm đó cô đang ở một nơi rất xa. Nhã đi, để trốn tránh.
Dù cho trên vồ đá ấy chỉ có mỗi căn nhà của Nhã, phải đi xa xa một chút mới gặp thêm dăm ba căn nhà cũng rời rạc, tẻ lẻ như vậy, và phải xuống núi mới gặp xóm làng đông đúc, vậy mà Nhã vẫn trốn tránh ánh mắt dòm ngó, trốn tránh những lời xì xầm của bao người. Hay đúng hơn, cô trốn tránh ánh mắt của chính cha mình – người đàn ông mà dân xóm núi luôn khen là mẫu mực, đức độ, hiền lương… Mọi cái nhìn tốt đẹp về gia đình nhỏ bên triền núi ấy như đỗ vỡ, chỉ vì người con gái tuổi mới lớn của ông.
Nhã gặp người đàn ông ấy khi cô là một nữ sinh vừa rời trường phổ thông, đang loay hoay giữa một quãng thanh xuân có quá nhiều ngã rẽ. Gia đình không đủ điều kiện cho cô viết tiếp ước mơ chữ nghĩa. Nhưng nếu ra đời tìm việc làm, Nhã cũng chưa định hướng được mình phải làm nghề gì đây khi không hề có chút sở trường hay kinh nghiệm nào khác. Bấy lâu nay cô chỉ biết chúi đầu vào sách vở học hành, thỉnh thoảng rảnh rỗi lại phụ giúp cha mẹ chăm sóc vườn cây sau nhà, đến mùa thì cả nhà cùng nhau thu hoạch… Nhã nghĩ, mình chỉ là một người làm vườn vụng về.
Vậy rồi Nhã gặp anh, trong một lần đi công việc ở thị trấn cách nhà hơn mười cây số. Anh là một người đàn ông lớn hơn cô khá nhiều tuổi, đang là nhân viên văn phòng cho một cơ quan không lớn lắm ở thị trấn. Biết hoàn cảnh của Nhã, lại thêm cô có thành tích học tập tốt thời phổ thông, anh dễ dàng xin cho cô một chân nhân viên nhỏ trong cơ quan, hằng ngày làm việc với mớ giấy tờ, sổ sách. Mặc dù tiền lương eo hẹp nhưng dù sao cũng có chút đồng ra đồng vào, vẫn tốt hơn cứ mãi dựa dẫm vào những đồng tiền thu hoạch vườn cây ít ỏi của cha mẹ. Công việc cũng khá nhẹ nhàng, không cần nhiều kinh nghiệm, chủ yếu là có chữ nghĩa, biết tính toán chút ít, như vậy hợp với người trước giờ chỉ biết mỗi chuyện học hành như Nhã.
Ban đầu Nhã đi đi về về mỗi ngày, cứ sáng sớm lại đi bộ xuống đường lớn, đón xe ra thị trấn rồi chiều lại về nhà theo cách ngược lại. Sau nầy thấy cô vất vả quá, anh ấy xin cho cô được ngủ lại tại cơ quan, đến cuối tuần mới về. Ngày ấy, những năm tháng còn khó khăn, phòng ốc trong các cơ quan có lúc được “đặc cách” cho những nhân viên xa nhà được trú lại qua đêm như thế. Ý kiến đó của anh được Nhã tán thành mà không chút nghĩ suy, cô nào biết điều đó đã đẩy cuộc đời cô đi quá xa.
Kể từ khi Nhã ngủ lại cơ quan, anh ấy cũng ở lại lâu hơn sau giờ tan ca, có khi buổi tối anh ấy lại ghé vào nói chuyện với cô. Ban đầu Nhã nghĩ có lẽ do anh thấy mình là con gái lại phải ở lại một mình trong cơ quan nên thường ghé qua để mình bớt lo sợ. Nhưng càng lúc, những lần ghé lại của người đàn ông ấy càng nhiều hơn, thậm chí nhiều lần anh ta say khướt. Nhã không dám báo điều nầy với cấp trên, vì dù sao anh ấy cũng là người đã giới thiệu mình vào đây làm việc, là “người ơn” của mình… Cô tự nhủ, có lẽ cố gắng chịu đựng một thời gian, mọi chuyện rồi sẽ ổn trở lại.
Nhưng rồi trong một đêm say rượu và ghé vào cơ quan như bao lần, người đàn ông ấy đã cướp đi đời con gái của Nhã. Cô đã khờ dại đến độ không biết phải làm sao, không dám nói với ai, chỉ đành một mình giữ kín bí mật nầy, cho đến khi cái bụng đã nhô ra, mọi chuyện không còn giấu được nữa. Làm sao người con gái dám một mình đứng giữa sự dòm ngó của bao nhiêu con người ở cơ quan khi mình chưa lấy chồng mà đã mang thai, Nhã xin nghỉ việc.
Cái tin Nhã có thai là một cú sốc quá lớn với gia đình bé nhỏ ven triền núi. Không chỉ thế, nó còn lan nhanh hơn, đến những người hàng xóm xa xa cũng là dân xứ núi, đến cả những người dân sống ở dưới chân núi. Mọi người từng quý mến cha của Nhã vì ông là người tử tế, lại thêm ông là người đã dẫn dắt bà con chạy giặc cùng nhau lên núi lập nghiệp. Vậy mà giờ đây con người ấy lại có đứa con gái đầu lòng trắc nết, làm sao không khỏi dèm pha.
Cha quăng cơn tức của mình vào góc nhà, xó bếp, vào vườn cây phía sau. Những nhát búa như trời giáng không phải để khai thác nữa, mà như để băm giầm từng thớ cây. Ngôi nhà ven triền chìm trong không khí im lặng, người ra kẻ vào không nói với nhau câu nào, thậm chí không còn nhìn mặt nhau. Im lặng, nhưng thực sự lại rất hỗn loạn với những âm thanh như đập nát cơn giận từ những hành động của cha. Mẹ chỉ cúi đầu không nói lời nào. Nhã biết, mẹ muốn bênh vực mình, nhưng làm sao dám mở miệng trước cha.
Vậy là Nhã đi.
Cô nghĩ, đời mình có lẽ đã mang số lận đận từ tấm bé. Mới mấy tuổi đầu phải theo cha mẹ chạy giặc từ đồng bằng lên núi, giờ đây khi bước qua tuổi trưởng thành, cô lại đi theo hành trình ngược lại mẹ cha ngày ấy, rời núi để tìm một chốn dung thân. Ngọn núi đó đã gắn với Nhã quá nhiều, đã dung chứa gia đình cô và cả một trời tuổi thơ của cô, giờ đây… không biết đến khi nào mới có dịp quay lại, hay chẳng bao giờ.
Vì thế, đến phút cuối đời của cha, Nhã vẫn không được gặp mặt, không được nghe cha nói lời tha thứ.
* * *
Năm 1978…
Quân Khmer Đỏ tấn công vào xã biên giới Vĩnh Gia, gia đình ông Đạm theo dòng người gồng gánh tản cư. Biết đi đâu giữa cái đất khắc khổ nầy, giữa cái lúc loạn lạc nầy? Ông trời đã đẩy đưa con người đến nơi sơn cùng thủy tận, thôi thì nơi nào người khác không đến, mình sẽ đến. Nghĩ vậy nên ông Đạm quyết định đưa gia đình lên núi. Vẫn còn may mắn là gia đình ông không phải lẻ loi ở vùng đất mới, vì ít ra cùng còn dăm ba hộ dân trên đường chạy giặc cùng ông cũng bơ vơ không biết về đâu, vậy là cùng nhau lên núi.
Họ chọn một vồ đá nằm giữa lưng chừng núi, được những tao nhân ẩn sĩ nào đó ngày xưa từng đặt chân đến đây đã đặt cho cái tên khá mĩ miều: vồ Huỳnh Long. Đứng trên vồ phóng tầm mắt về xa là một vùng đất bao la không điểm đích, gần hơn phía dưới là những ngôi nhà nhỏ bé nằm xen giữa những ô ruộng vuông vắn. Vậy là họ trở thành những cư dân đầu tiên khai sơn phá thạch khu vực vồ Huỳnh Long.
Dân gian thường nói “tu Phật Phú Yên, tu tiên Bảy Núi”. Quả vậy, vùng núi non hiểm trở phía biên thùy Tây Nam dường như chỉ dành cho kẻ tu hành khắc kỷ muốn lánh chốn trần tục. Một loại người thứ hai cũng có mặt ở đây, đó là những tay anh chị giang hồ hảo hớn muốn tìm nơi an toàn để đóng “đại bản doanh”. Ngoài hai thành phần đó, vùng núi ít được người nông dân chọn làm nơi lập nghiệp. Họa hoằn lắm thì nó chỉ dành cho những người đã lâm vào cảnh khốn cùng, không còn chốn dung thân. Dĩ nhiên là vậy, vì núi quá hào phóng với biết bao huê lợi nhưng cũng quá bạc đãi con người: nắng như thiêu đốt, đất sỏi đá không thể làm nông nghiệp, nước thì thiếu mà thú dữ và trộm cướp lại thừa…
Những con người đến từ nhiều nơi khác nhau, mỗi nhà mỗi cảnh, giờ lại quây quần với nhau thành chòm xóm. Song, gọi là chòm xóm cho có vẻ gần gũi vậy thôi, thực sự thì xa xa mới thấy một nóc nhà. Do đặc điểm địa hình núi non hiểm trở, tìm được một khoảng đất tương đối bằng phẳng để dựng nhà không phải là chuyện dễ, huống gì có thể cất nhà cạnh nhau. Vì thế họ đi khá xa nhau, mỗi người tìm chọn một khoảng đất vừa ý, cất nhà rồi sau đó lập vườn trồng cây, thỉnh thoảng vào rừng khai thác thêm chút huê lợi từ rừng núi. Những lúc vườn cây được thu hoạch, họ gánh gồng sản phẩm từ trên núi qua con đường bậc thang lồi lõm duy nhứt để xuống chợ bán, rồi mua sắm thêm lương thực hoặc đồ dùng cho gia đình.
Người ta nói “nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, khai thác rừng núi nào phải chuyện dễ dàng. Cho nên ngày ấy, sau khi dựng được ngôi nhà, ông Đạm xây lên một ngôi miếu nhỏ bên cạnh, đặt tên là Cổ Nhơn miếu. Ngôi miếu không thờ một đối tượng nào cụ thể, mà như tên gọi của nó, dân núi thờ cúng chung những người đi trước, như một kiểu ăn quả nhớ kẻ trồng cây, dù rất mơ hồ. Nhưng cũng nhờ có ngôi miếu, dân núi có một chốn để nương tựa về mặt tinh thần, để gắn kết với nhau hơn. Thỉnh thoảng có những đoàn người hành hương viếng núi, tình cờ đi ngang qua ngôi miếu cũng ghé vào thắp nén nhang, ngồi nghỉ ngơi hóng mát sau một chặng đường leo dốc thấm mệt. Có ngôi miếu, xóm nhỏ trên vồ Huỳnh Long dường như rộn ràng và ấm cúng hơn.
Đến khi chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, làng cũ xác xơ, những người tản cư không trở về cố quán nữa mà quyết định vẫn ở lại vồ Huỳnh Long. Cuộc sống trên núi bao điều khốn khó, không ai nghĩ là mình có thể bám trụ lâu dài, ấy vậy mà thoáng chốc đã mấy mươi năm trôi qua. Ngày mới đến đây, con bé Nhã chỉ ba bốn tuổi đầu, thấm thoáng đã trở thành thiếu nữ.
Nhưng có một điều, ông Đạm chưa bao giờ nghĩ đến có một ngày mình nằm xuống cạnh miếu Cổ Nhơn.
* * *
Từ ngày rước má về thị xã sống chung với mình, đến nay Nhã mới có dịp trở lại ngọn núi nầy.
Giờ đây, ngôi nhà cũ cũng đã không còn, chỉ còn trơ cái nền gạch nham nhở. Chỉ có ngôi Cổ Nhơn miếu vẫn còn đó và được khách hành hương trùng tu khang trang hơn. Ngôi mộ của cha cũng đã không còn nằm cạnh ngôi miếu từ lâu lắm rồi. Ngày Nhã mang di cốt cha đi, mưa giăng kín núi rừng, ngôi Cổ Nhơn miếu mờ đục dần và khuất sau những cành lá đẫm ướt. Ai đã từng đứng trong không gian thanh tĩnh của rừng núi mới có thể cảm nhận được sự bình thản của tâm hồn khi rời xa chốn nhân thế tranh đua. Phải chăng ngày ấy cha đã từng nghĩ như vậy khi đặt chân đến vùng núi nầy, chọn nó làm chỗ dừng chân trong buổi loạn lạc. Giờ đây lớp con cháu ông lại đi theo con đường ngược lại, khăn gói trở về chốn phiền não bon chen của thế nhân.
Cô xuống núi chậm rãi, muốn kéo dài lâu hơn nữa khoảnh khắc được rảo bước trên con đường in dấu tuổi thơ của mình. Con đường vẫn quanh co và vắng vẻ như ngày ấy, dưới chân phủ đầy lá khô. Nhìn chênh chếch lên trên, vẫn còn đó vài nóc nhà nằm lẻ loi men theo sườn núi, có những người từng sống cùng thời với cha mẹ cô, cũng có những lớp cư dân mới đến. Những nóc nhà bé nhỏ giữa cây rừng gợi cho Nhã mơ về căn nhà nhỏ thời thơ ấu của mình, nhưng đó cũng chỉ là một giấc mộng.
“Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên…”.
Vĩnh Thông
(Minh họa: Quang Vinh)