Biên giới vào xuân

Đường biên giới của tỉnh An Giang giáp với hai tỉnh Kandal và Tà Keo của nước bạn Campuchia gần 100km là những cánh đồng lúa mênh mông, xanh mướt, vàng ươm; là hai con sông linh hồn của miền Tây và một con kênh đã đi vào lịch sử gắn liền với tên tuổi của danh tướng Thoại Ngọc Hầu, những ngày đầu khai hoang, mở cõi… Biên giới còn hiện hữu các đồn Biên phòng của bộ đội ta. Họ là những người lính mang quân hàm xanh, ngày đêm chắc tay súng nơi biên ải, giữ cho quê hương được thanh bình. Và ở đó, người nông dân đang bình yên vui sống…

Những cánh đồng dọc theo tuyến biên giới Tây Nam, nơi thì xanh mượt như tấm thảm nhung, những hạt sương còn đọng lại long lanh trên lá, nơi thì óng ánh vàng như một dải lụa mượt mà được ai đó vắt trên cánh đồng, phả ra không gian “mùi thơm nếp xôi” ngọt ngào no ấm… Tôi chạy thẳng về huyện đầu nguồn sông Hậu, nơi cao nhất của cực Bắc trên bản đồ hành chính tỉnh An Giang. Không có chuyến công tác nào về An Phú mà tôi không ghé lại cù lao Vĩnh Trường cả, đôi khi chỉ đơn giản là chạy xe một vòng cù lao rồi lại đi. Cha tôi đã lớn lên ở đây, tuổi thơ ông ngụp lặn dưới dòng sông Hậu này và miệt mài mưa nắng trên cánh đồng xứ sở cù lao. Mỗi lần về đây như về lại nguyên quán của mình, lúc nào cũng có một cảm giác rất lạ, mặc dù đã hơn 30 năm gia đình tôi đã định cư nơi khác. Hôm nay về vui với người dân Vĩnh Trường bởi họ đang phấn khởi vừa trúng mùa, vừa được giá sau khi thu hoạch lúa vụ Thu Đông. Bác Trần Văn Hấn chia sẻ niềm vui đó với tôi: “Mấy năm nay, dân xứ cù lao này, cứ đeo trồng rẫy mãi mà bỏ cây lúa, giá cả thì cứ bấp bênh, được mùa thì rớt giá, có giá thì thất mùa… khổ lắm chú ơi, vụ Thu Đông năm nay, hơn 90% nông dân trong xã đều trồng lúa, lại trúng mùa, hơn 40 giạ một công, giá từ 4500 – 5000/1kg, trừ chi phí lãi hơn 3 triệu/ 1 công, năm nay tết xứ này chắc khấm khá…” Tôi chia sẻ niềm vui với nông dân nơi đây, quanh năm cơ cực lại vướng phải bài toán “thất mùa, rớt giá”, cứ loay hoay mãi mà không tìm ra lời đáp. Thôi thì,  năm nào được mùa được giá thì mừng năm đó bà con ơi!

Trên đường chạy vào búng Bình Thiên, mặt trời đã ửngđỏ, những tia nắng sớm đông cũng đã vui đùa trên những mái nhà, những hàng cây, xua tan những hạt sương còn đọng lại trên lá, hay là những hạt sương đã kịp “kết tủa” chỉ chờ những tia nắng chiếu vào tạo nên những hình cầu vồng lạ lẫm phải tinh lắm mới nhận thấy trước khi chúng vỡ ra. Cái lạnh nơi biên giới xồng xộc vào người… Búng Bình Thiên vẫn thanh bình như ngày nào tôi đã từng đến, không có vẻ vội vàng, không có vẻ hấp tấp, mọi hoạt động vẫn chậm rãi diễn ra, và cuộc sống người dân nơi đây vẫn bình lặng như nước trên mặt búng, không gợn đục mà luôn xanh trong. Tôi dừng xe trước Thánh đường Hồi giáo Masjid Al Khai Ryah xã Nhơn Hội, xuống bến sông để cảm nhận cái gió, cái lạnh, cái miên man sông nước và cái yên bình ở nơi biên giới Tây Nam này.

Ngược sông Bình Di về thị trấn Long Bình, nơi có Đồn Biên phòng Long Bình và Cửa khẩu Quốc gia, cũng là nơi mua bán tấp nập, nhộn nhịp nhất nơi đầu nguồn sông Hậu. Từ Phnom Penh (Campuchia) sông Mê Kông có tên là Tông-lê Thơm (sông Lớn), chia thành hai nhánh chảy vào Việt Nam. Bên trái là sông Mê kông chảy vào Việt Nam gọi là sông Tiền, còn bên phải gọi là sông Ba Thắc chảy vào Việt Nam gọi là sông Hậu. Nhưng nơi đầu tiên sông Ba Thắc chảy vào Việt Nam lại chia hai nhánh, bên phải là sông Bình Di, bên trái là sông Hậu, hai nhánh sông này uốn lượn chảy, ôm gọn cồn An Phú rồi hợp lưu tại ngã ba sông (Châu Đốc) từ đây gọi là sông Hậu. Chạy xe ngược sông Bình Di như đang di chuyển trong một bức tranh thủy mặc. Sông Bình Di lượn mình, uốn những cua tạo thành bùng binh, rồi hẹp lại, rồi bung ra dọc theo biên giới Tây Nam gần 30 km, trở thành ranh giới của hai nước láng giềng. Những hàng còng hai bờ sông, in bóng xuống dòng nước đang lặng lẽ chảy như một cô gái quê e thẹn, chất phác và mộc mạc. Dòng sông này còn là nơi lưu trữ nguồn lợi thủy sản dồi dào, bởi lòng sông sâu và những khúc cua tạo thành hàm ếch là nơi “yêu thích” trú ngụ của các loài cá.  Cứ mãi chiêm ngưỡng và suy nghĩ về dòng sông thì xe đã chạy gần qua xóm Chăm Khánh Bình mà không hay. Khi được hỏi về cuộc sống nơi đây, em Sực Ka Ri Ja ở xóm Chăm Khánh Bình vui vẻ chia sẻ với tôi: “Ở đây yên ổn lắm anh, hai bên vẫn thường qua lại mua bán, tới mùa xoài em hay qua đó mua về bán lại”. Tôi hỏi thêm, tết của người Kinh, người Chăm có “hưởng ứng” không em. Cũng háo hức và chuẩn bị y như người Kinh dậy đó anh, nhưng vui hơn nữa là, nhân dịp tết của người Kinh thì người Chăm đi làm ăn xa cũng tranh thủ về sum hợp với gia đình. Niềm vui nơi biên giới đôi khi chỉ đơn giản thế thôi. Sự yên bình sẽ gắn kết các dân tộc với nhau cùng sống.

Tôi thích những dòng sông. Tôi đã từng đọc một cuốn sách viết về văn minh ở những dòng sông, nhưng với tôi bên những dòng sông đơn giản đó là sự sống. Thị trấn Long Bình bình yên như cái tên của nó. Dọc theo sông Hậu phía bên Việt Nam là những bãi bồi màu mỡ, xanh um bởi những công rẫy, những luống rau màu, nào là ớt, nào là đậu que, đậu đũa, bắp lai, mía… và trong những ruộng rẫy đang xanh tươi đó, tôi thật sự chăm chú trước những rẫy cải đã xanh mướt, bẹ đã vững vàng. Đây là những rẫy cải sẽ cho thu hoạch trước tết khoảng 10 ngày để thương lái thu mua bán lại cho người tiêu dùng chuẩn bị làm dưa cải cho tết – anh Nhàn, một nông dân ở xã Khánh An cho tôi biết. Anh nói thêm không những thế, nông dân ở đây còn trồng chuối, đậu xanh để “đón tết”. Qua đò sang sông Hậu, tôi chạy dọc dòng kênh đào từ Phú Hữu (An Phú) qua Vĩnh Xương (Tân Châu). Con kênh này do con người đào, là nơi đầu tiên thông nước giữa sông Tiền và sông Hậu. Vẫn là những cánh đồng xanh mướt, vàng ươm, nơi thì mượt mà, nơi thì óng ánh. Xã Phú Hữu, Vĩnh Lộc (An Phú) và xã Phú Lộc (Tân Châu) nhiều nơi vẫn còn làm lúa vụ hai, sau khi lũ rút mới xuống giống, giờ mạ mới mơn mởn xanh tươi. Còn những nơi bao đê thì sắp sửa thu hoạch vụ Thu Đông trong năm. Những bãi bồi dọc con kênh đào chạy qua Phú Hữu và Vĩnh Lộc là những rẫy đậu xanh đã khô lá, chỉ trơ trái ra phơi nắng chờ ngày thu hoạch, những rẫy đậu thu hoạch “đón tết”. Anh Trần Văn Cường, một nông dân ở xã Phú Lộc cho tôi biết: “Mùa này trồng đậu xanh trúng lắm chú, đất bãi bồi giàu phù sa, nên cây tốt cho trái nhiều và chắc hạt, nếu có giá khoảng 27000 – 30.000đồng/1kg là lãi to rồi, ăn tết ấm luôn” – anh vừa nói vừa cười vui sướng.

Chiều đông, nắng nhẹ màu mật ong trải rộng khắp vùng biên giới, gió bấc mang hơi lạnh se sắt về, từng đàn chim sải cánh bền bỉ tìm về tổ trước khi màn đêm buông xuống. Thị trấn Tịnh Biên như một đô thị “sầm uất” ở vùng biên giới Tây Nam, mọi hoạt động mua bán diễn ra nhộn nhịp nhưng đảm bảo trật tự. Những chuyến hàng bên kia biên giới cũng kịp về “tập kết” tại thị trấn, từng chuyến hàng từ Tịnh Biên lại lan tỏa đi khắp các huyện trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực. Dường như ở đây có hai buổi chiều, một buổi chiều thong dong của những người nông dân làm đồng trở về và một buổi chiều tất bật của những thương lái cho kịp chuyến hàng cuối ngày. Mặt trời lặn, một quầng sáng ửng cuối cùng rọi lên những hàng cây thốt lốt làm chúng cũng ựng đỏ theo. Ôi! Một quang cảnh vô cùng thanh bình. Hành trình biên giới lại tiếp tục với những chuyến đi…

Tôi biết, để biên giới luôn bình yên thế này, những người lính quân hàm xanh phải ngày đêm vất vả làm nhiệm vụ. Một lần, ghé Đồn Biên phòng Nhơn Hưng, qua trao đổi với TrungNguyễn Văn Hiệp, Chính trị viên rất nhiều điều, nhưng đọng mãi trong tôi là lời tâm tình của anh: “Với những người lính quân hàm xanh chúng tôi, luôn đặt trách nhiệm giữ vững chủ quyền biên giới lên hàng đầu, đảm bảo trật tự xã hội để nhân dân yên ổn làm ăn. Đồng thời, trong những ngày cận tết, với sự quan tâm của cấp ủy, sự phối hợp đồng đều với các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận hợp lực của quân dân, chúng tôi hứa sẽ đảm bổ cho bà con vùng biên hưởng một cái tết cổ truyền ấm cúng và yên bình…”

Chia tay những người lính quân hàm xanh, khi nhìn tấm pa nô màu đỏ nổi bật trên nền chữ vàng dọc lối đi “Tự hào là người lính quân hàm xanh”, “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt lòng tôi lại miên man xao động. Vâng, các anh tự hào là người lính quân hàm xanh, chúng tôi những người hậu phương cũng luôn tự hào về các anh và luônvững tin về những người lính luôn cầm chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chỉ một cái nhìn thân thiện, một cái bắt tay trìu mến cũng đủ để nói lên lời cám ơn chân thành của tôi dành cho người lính trên tuyến biên giới thân yêu này.

Sương tan dần, nắng bắt đầu lên cao, hơi ấm của mùa xuân đang tràn về, chào một buổi sáng bình yên nơi phên dậu của Tổ quốc. Và tôi biết, ở nơi đó nhân dân đang bình yên vui sống, đang chuẩn bị đón một cái Tết sum vầy và no ấm…

Trần Nhiên