Chất lính trong Hồi ký “Ô Tà Sóc ngày xưa”

Thời còn ngồi trên ghế nhà trường, Ô Tà Sóc luôn là địa chỉ “đỏ” trong những chuyến du khảo về nguồn của chúng tôi. Thế nhưng, khi đặt chân đến nơi đây, chúng tôi khó có thể hình dung hết được những tháng ngày lửa bom ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ. Với kiến thức còn non nớt, chúng tôi chỉ biết mang máng Ô Tà Sóc là căn cứ cách mạng và cơ quan Tỉnh ủy An Giang từng đặt nơi đây để chỉ huy cuộc kháng chiến oanh liệt. Chính nhờ đọc Hồi ký “Ô Tà Sóc ngày xưa” (VNAG – 2000) của tác giả Nguyễn Phương Ngoan, những người trẻ như tôi mới có thể hình dung được bối cảnh của cuộc kháng chiến năm xưa, hào khí ngút trời và những gian khó, đau thương mà những người lính trẻ trạt tuổi chúng tôi ngày ấy đã nếm trải.

Tác giả Nguyễn Phương Ngoan – người thiếu niên 12 tuổi thoát ly gia đình vào bưng biền, năm 20 tuổi đã can đảm, xông pha nhận lãnh nhiệm vụ “đặc biệt” – nhiệm vụ “giữ lửa” núi rừng, canh giữ tài sản và căn cứ – 100 trang sách khắc họa đậm nét chân dung người lính trẻ đã giúp tôi hiểu rõ hơn cụm từ “căn cứ địa cách mạng” và thêm phần cảm phục những con người quả cảm vì dân vì nước.

Từng cái tên đồng chí đồng đội được tác giả – người lính ngày ấy trân trọng nhắc đến bằng tất cả sự trìu mến, thân thương. Đó là anh Hai Cừu, anh Ba Thạo, anh Bảy Nhị, bác Tám Hoa, Ngọc Thắm, út Thảo… mỗi người đều có “chất lính” mộc mạc và nhiều điểm đáng quý, đáng để học tập. “Thường trong khó khăn, trở ngại, tôi học theo anh Hai Cừu, anh nói: lúc nguy nan khẩn cấp, mình càng phải suy nghĩ tìm cách này cách khác để giải quyết cho được. Dân gian có câu “thập tử nhất sinh”, tức là trong mười cửa chết phải có một cửa sống. Cái quan trọng là mình phải suy nghĩ tìm ra cho được con đường sống ấy để tự cứu mình”. Anh em chiến sĩ dù ở cấp bậc nào, lứa tuổi nào cũng đều quan tâm, thương mến nhau như anh em ruột thịt. Một đoạn trong Hồi ký, người lính nhắc nhớ xúc động “Nhớ đến cơ quan, giờ này không biết đi đến đâu? Các anh chắc mệt lắm bởi ai cũng mang vác quá nặng. Chúng tôi lúc đó ai cũng vậy, làm việc thì không nghĩ đến thân mình. Tuổi trẻ chúng tôi thương yêu nhau lắm. Làm cái gì cũng luôn giành phần khó khăn, nặng nhọc về mình, chưa bao giờ so đo ganh tị. Đến bữa ăn nhường cho nhau từng miếng cơm miếng cá. Nhiều lần gạo không đủ ăn, nấu cơm ít nhưng khi ăn xong cơm trong nồi vẫn còn dư. Nhớ lần tôi bị sốt rét, lạnh đến cứng xương sống, run dữ tợn. Bảy Nhị lấy mền đắp thêm cho tôi. Ba Thạo leo đè lên mình ôm thật chặt truyền hơi ấm cho tôi đỡ lạnh, anh em lo lắng xôn xao”. Tôi tự hỏi, ở một nơi hẻo lánh, điều kiện khắc nghiệt và hiểm nguy như thế, tại sao một người lính tuổi đời còn rất trẻ có thể “bám trụ” lâu đến thế? Đó có phải chăng, bên cạnh ý chí, sự thông minh nhạy bén, người lính còn kiên cường sống nhờ những kỷ niệm thân thương, nhờ tình đồng đội gắn bó keo sơn và nhờ tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt luôn đầy ắp trong trái tim nóng hổi?

Cũng không ít những việc làm chân thành, dễ thương và hồn nhiên của người lính khiến người đọc cười sảng khoái. Đang lúc ốm đau, đối mặt với bao hiểm nguy rình rập, người lính vẫn một tinh thần thép, lạc quan, chọc nhau cười đùa một cách thân tình. “Trời tối mịt, chú Mười Trị bị sốt rét trùm mền co rút trên giường run bần bật, miệng kêu:

Thạo ơi Thạo! Mày đâu đốt đèn lên coi.

Tình hình động đó cha nội, đốt đèn lên chi vậy? Ba Thạo nói

Mày đốt thí lên đi! Kéo tim lu lu cho tao rên một chút à. Tối hù… tao… rên không được!”

Hay ví như chuyện viết nhật ký của lính cũng thể hiện “chất lính” trẻ trung và dí dỏm: “Lúc đó dường như Bảy Nhị có học cách viết của ai nên viết nhựt ký hay hơn tôi nhiều, còn phê bình tôi “Mày viết nhựt ký sao giống viết tin bởi vậy đọc nó khô như rơm. Viết nhựt ký là viết cho mình… thậm chí mày thương thầm nhớ trộm đứa nào cũng ghi vô đúng sự thật, vậy nó mới hay, mới gọi là bí mật của riêng mình””. Cũng chính lời nhắc đó mà 46 đêm “giữ lửa”, 45 ngày chống chọi với mưa nắng nơi núi rừng, phải cảnh giác cao độ và nơm nớp lo âu đã đi vào trang hồi ký thật sống động, tự nhiên “Tôi tiến lên dốc, qua khỏi trái lựu đạn nổ một đoạn. Nhìn qua phía lò ảng, thấy có máu nhiễu dài trên lá khô, chứng tỏ ai bị thương đang chạy… Tối đó là đêm thứ mười bốn, ngày thứ mười ba, sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến tôi lo sợ. Nỗi lo sợ một mình khác hơn lúc có tập thể bạn bè bên cạnh. Cái sợ không có ai chia sẻ, cái lạnh ơn ớn sau lưng luôn cứ quây quần bám víu,… chưa bao giờ tôi thấy mình nhút nhát như lúc này và cũng chưa bao giờ thấy mình cứng cỏi đến như vậy”. Từng trang viết dẫn dắt người đọc hồi hộp bước vào vùng đất thiêng liêng, anh hùng ấy để cảm thấu cả thế giới tâm trạng ngỗn ngang của người lính, từ đó thêm hiểu, thêm yêu màu áo lính quê hương.

Không chỉ gan dạ, hóm hỉnh và lắm khi lãng mạn, “chất lính” trong hồi ký còn toát lên ở chỗ cẩn trọng, tỉ mỉ và sáng tạo trong từng việc. Dẫu trong căn cứ, gạo, muối, nước mắm có dự trữ nhiều, nhưng để đề phòng bất trắc về lửa, người lính nấu cơm thật nhiều, phơi khô dự trữ để phòng khi hữu sự thì đổ nước lạnh vô cơm ăn cầm hơi. Và để bảo vệ an toàn cho mình cũng như căn cứ, người lính ấy đã “bày binh bố trận” thật kỹ lưỡng và cẩn thận. Mưa dầm nắng bụi, đường khúc khủy trơn trượt, người lính mặc dù thuộc lòng từng ngóc ngách nhưng vẫn đôi lần bị thương té nhào xuống hốc đá, lò ảng. Những lúc đơn quạnh mà còn bị thương như thế, người lính cảm thấy nhớ tột độ, nhớ đủ chuyện về đồng đội. Từ những chuyện cùng đồng đội liều mình nhặt “chiến lợi phẩm” máy bay của địch vừa bị bắn rớt để chế máy in chữ chì đầu tiên tại nhà in “Cờ Hồng”, chế máy cắt  interline… đến những việc khẩn khoản nhờ người dân giúp khiêng hai đồng chí nữ Tú và Tuyết bị thương nặng “lòi cả ruột”, cần vào quân y cấp cứu kịp thời. Ròng rã, hết mình lặn lội đường bưng vậy mà vẫn không cứu được đồng đội, người lính “đau xé lòng”, gian nan cả ngày mới tìm được người giúp khiêng xác chết của đồng đội về địa phương.

Quyển sách là sự nung nấu từng ngày nỗi nhớ nhà, nỗi lo canh cánh cho sự an nguy của đồng đội, niềm thương cảm và phẫn uất vô bờ vì đất quê còn bóng quân thù… và cả những nỗi niềm thường nhật như “sợ ma cỏ”, sợ thú dữ, sợ kẻ thù bất ngờ đột kích, sợ bóng tối cô đơn, sợ thiếu lương thực, sợ thất thoát tài sản và để lộ bí mật căn cứ cách mạng… Tất cả những nỗi niềm ấy như đổ dồn vào tâm trí của người thanh niên vừa tròn đôi mươi. Thế nhưng, chính trong khó khăn, “chất lính” ngời ngời phát huy và như có thêm cơ hội để bộc lộ trọn vẹn. Đối với từng việc, người lính trẻ đều khéo léo, sáng suốt và bình tĩnh tìm cách khắc phục, chế ngự và vượt qua. Những bài học về cách đi bám đường của các chiến sỹ trinh sát, cách trầm tĩnh, gan dạ để phán đoán tình hình, cách tự sơ cứu, cách săn bắt thú rừng, tìm hái rau trái rừng để tạm sống qua ngày và cả cách tự phòng vệ khi có sự cố bất trắc… đều được người lính áp dụng bài bản và thành thạo. Ấn tượng nhất vẫn là chuyện “giữ lửa”. Sống giữa hang động tối om, không lửa thì có nước ăn rau rừng và uống nước lã. Vậy mà, người lính ấy đã tìm mọi cách bươi tro, mồi lửa bằng gòn gối rồi châm dầu, canh chừng từng ngọn lửa cho mọi ngóc ngách. Suốt ngày người chiến sĩ ấy cứ luẩn quẩn trong hang giống như ông từ ở chùa, lo châm mấy cây đèn, đốt nối nhau cho sáng, rồi nhìn ngắm nó như nhìn báu vật trên đời. Có thể nói, anh lính trẻ “nuôi” lửa, lửa thân yêu “nuôi” lại anh. Cả hai cùng bầu bạn, cận kề sinh tử bên nhau.

Ngày đoàn tụ, người lính sung sướng được gặp lại đồng đội thân yêu và rất đỗi tự hào vì mình đã làm tròn nhiệm vụ cấp trên giao, giữ căn cứ an toàn. Người lính giữ nụ cười hồn hậu lau chùi cẩn thận từng cây đèn, thắp đèn sáng các lối hang mặc cho anh em đồng đội cười “chọc quê”. Anh lính trẻ ấy vẫn giữ cái chất lính lạc quan, luôn vững niềm tin rằng đèn cháy sáng là hy vọng chiến thắng vẫn ngời sáng. Duy chiếc hộp quẹt và 3 viên đá lửa chị Út tặng, người lính nâng niu nó như báu vật, mỗi ngày lấy ra nhìn dăm ba lần cho đã mắt, tuyệt đối không dám đốt xài phí. Bởi trong chiếc hộp quẹt ấy, có “ngọn lửa thần” sẽ bật sáng lên bất cứ lúc nào cần…

Quyển hồi ký khép lại trong niềm tự hào về chân dung người chiến sĩ cách mạng kiên cường, niềm ngưỡng vọng về tầm vóc rộng lớn hùng vĩ và thơ mộng của núi Dài cũng như khu căn cứ Ô Tà Sóc – nơi bất khả xâm phạm của cách mạng, là căn cứ vững chắc từ đầu năm 1963 – 1967 trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tinh thần cách mạng sừng sững của quân dân ta vẫn còn đó, trên đỉnh Vồ Cờ…

ThS. Huỳnh Thị Cam