Chữ “xuân” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
Tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du đã được đông đảo bạn đọc bao thế hệ biết đến. Không những vì sự sáng tạo tuyệt vời từ tác phẩm văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân là “Kim Vân Kiều” thành ba ngàn hai trăm năm mươi bốn (3254) câu thơ lục bát mà còn là sự phong phú, đa dạng về cách sử dụng từ ngữ trong thơ ông. Chỉ đơn cử từ “xuân” thôi, nhà thơ đã sử dụng đến mươi lần và mỗi lần là mỗi nét nghĩa khác nhau .
Chắc hẳn không ai xa lạ gì với bức tranh tả cảnh mùa xuân trong sáng và thanh khiết:
“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa…”
Cũng là “ngày xuân” nhưng các trường hợp sau đây lại được dùng dưới hình thức hoán dụ: ngày xuân: chỉ tuổi trẻ:
“Ngày xuân em hãy còn dài”.
Xót tình máu mủ thay lời nước non .
Một người dể có mấy thân
Hoa xuân đương nhụy ngày xuân còn dài”.
Hoặc dùng với hàm ý khác trong các ngữ cảnh sau:
“Sinh rằng: rày gió mai mưa
Ngày xuân đã dể tình cờ mấy khi
Sinh càng một tỉnh mười mê
Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân”
Có thể nói sự tài tình nhất của Nguyễn Du là cách dùng chữ với nghệ thuật ẩn dụ ,hoán dụ nhưng người đọc người nghe vẫn có thể cảm nhận được ẩn ý sâu xa đằng sau những chữ nghĩa đó. Từ “xuân” tượng trưng cho sự trẻ trung, cho sức sống, cho cái đẹp nhưng khi đi kèm với yếu tố khác lại tạo thành sự tương phản đến phủ phàng ,như trường hợp sau:
“Rước nàng về đến trú phường
Bốn bề xuân tỏa một nàng ở trong”
Có khi tác giả không sử dụng yếu tố Hán Việt mà dùng theo nghĩa thuần Việt: tỏa là cái khóa; “xuân tỏa” hay “khóa xuân” là nơi giam giữ người con gái đẹp:
“Trộm nghe thơm nứt hương lân
Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều”
(Đồng Tước thâm xuân tỏa nhị Kiều)
“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẽ non xa tấm trăng gần ở chung
“Lỡ chân trót đã vào đây
Khóa buồn xuân, để đợi ngày đào non”
Chưa kể đến cách ngắt nhịp, ý tứ của câu thì cách kết hợp từ “xuân” trong cụm từ “nữa chừng xuân” cũng đủ để thấy được sự yểu mệnh của Đạm Tiên rồi:
“Kiếp hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”
Cũng với cách ngắt nhịp ba như trên ,Truyện Kiều có các câu sau:
“Tiếc hoa những ngậm ngùi xuân
Thân này dễ lại mấy làn gặp tiên”
“Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”
“Bây chầy dãi nguyệt, dầu hoa
Mười phần xuân, có gầy ba bốn phần”
Trong tác phẩm Truyện Kiều, nhà thơ Nguyễn Du đã dùng mười một lần từ “xuân” kết hợp với một yếu tố khác để chỉ đấng sinh thành trong các trường hợp sau:
Chỉ thân phụ của Kim Trọng:
“Liêu Dương cách trở sơn khê
Xuân đường kíp gọi Sinh về hộ tang”
Dùng “cỗi xuân” để ám chỉ cha của Thúy Kiều:
“Cỗi xuân tuổi hạc càng cao
Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành”
Để chỉ Thúc ông:
“Rạng ra tỏ với xuân đường
Thúc ông cũng vội giục chàng ninh gia”
Ghép “xuân”, “huyên” để gọi hai đấng sinh thành:
“Xuân, huyên chợt tỉnh giấc nồng
Một nhà tấp nập, kẻ trong người ngoài”
“Xót thay xuân cỗi, huyên già
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi”
Cũng dùng để chỉ hai đấng sinh thành nhưng được dùng với phương thức ẩn dụ:
“Hạt mưa sá nghĩ phân hèn
Liều đem tấc cỏ báo đền ba xuân”
“Ba xuân” có nghĩa là con báo đáp cho cha mẹ như cây cỏ đền bồi mùa xuân. Ngoài ra từ “xuân” còn được dùng để chỉ những sự việc, sự vật tươi đẹp, tốt lành như:
“Bóng hồng nhác thấy nẻo xa
Xuân lan, thu cúc mặn mà cả hai”
Một lối so sánh ngầm để ví vẻ đẹp của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân: đẹp như hoa lan mùa xuân và hoa cúc mùa thu.
“Một đường tuyết điểm sương che
Tin xuân đâu dể đi về cho chăng”
“Tin xuân” là tin mừng của người yêu.
“Tiễn đưa một chén quan hà
Xuân đình thoắt đã dạo xa cao đình”
“Xuân đình” là nơi họp mặt vui vẻ.
“Đủ điều trong khúc ân cần
Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng”
“Lòng xuân”, “chén xuân” tâm trạng và tiệc vui ngày xuân.
“Phong lưu phú quí ai bì
Vườn xuân một cửa để bia muôn đời”
“Vườn xuân”: cảnh vui tươi tốt đẹp.
“Chế khoa gặp hội tràng văn
Vươn, Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày.
“Bảng xuân” là bảng thi vào mùa xuân, bảng ghi tên những người đậu tiến sĩ .
Từ “xuân” trong: đêm xuân; giấc xuân; phòng xuân; buồng xuân:
“Bâng khuâng đỉnh giáp non Thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng”.
“Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân
Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han”.
“Phòng xuân trướng rủ hoa đào
Nàng Vân nằm ngủ bỗng chiêm bao thấy nàng”
“Lỡ chân trót đã vào đây
Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non”
Trong tác phẩm rất ít trường hợp dùng “xuân” để chỉ mùa xuân, có một số ít lần dùng sau:
“Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà xuân sang”
“Lần lần ngày gió đêm trăng
Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua”
“Những là phiền muộn đêm ngày
Xuân thu hết đã đổi thay mấy lần”
Và chỉ một lần duy nhất dùng từ “xuân” để đặt tên người hầu của nhà Hoạn Thư:
“Sớm khuya tính đủ đèn dầu
Xuân, Thu cắt sẵn hai tên hương trà”
Tóm lại, trên đây chỉ là một trong nhiều trường hợp dùng từ đa nghĩa của Nguyễn Du. Dẫu đã biết: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Nhưng không thể phủ nhận: chính đại thi hào Nguyễn Du là người có công khai thác và sử dụng thuần thục kho từ vựng tiếng Việt và đây cũng chính là một trong những yếu tố làm nên một “Truyện Kiều” bất hủ vậy!
Phạm Thị Thúy