Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lĩnh vực văn hoá trên địa bàn tỉnh An Giang: Nhìn từ phạm vi địa phương và hội nhập văn hoá
Đề cập đến tầm quan trọng của văn hóa trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước đã được nhiều học giả, lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng chỉ rõ qua nhiều nghiên cứu khoa học, tác phẩm về đường lối, chính sách xây dựng Đảng và đất nước. Nghị quyết của Đảng qua các lần Đại hội, Hội nghị cũng đề cập đến tầm quan trọng của văn hóa, phát triển văn hóa quốc gia-dân tộc. Điển hình như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; trong “Phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa”, Nghị quyết đã khẳng định mang tính chân lý cho tiến trình phát triển đất nước: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội”; một số quan điểm được cụ thể hóa như sau:
Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật, kỷ cương,…biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển”.
Gần đây nhất, vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”. Nhìn chung, quan điểm, chủ trương của Đảng về tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước đã rất cụ thể, rõ ràng, vấn đề ở chỗ, tùy theo mỗi địa phương với đặc thù lịch sử-văn hóa, vị trí địa lý, tính đa dạng dân tộc, điều kiện phát triển,… mà có những nghị quyết, kế hoạch hành động phù hợp, để xây dựng và phát triển văn hóa ở địa phương đó. Trên cơ sở thực tiễn và thực địa nghiên cứu trong nhiều năm qua, nhận thấy, việc xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh An Giang, ngoài những kết quả đạt được thì còn một số vấn đề cần bàn luận, góp phần cho quá trình xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh An Giang đi vào thực chất, bền vững trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, bài viết này tập trung phân tích vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực văn hóa thông qua hai khía cạnh: (1) Phạm vi địa phương và (2) Vấn đề hội nhập văn hóa hiện nay.
1. Phạm vi địa phương: đặc trưng văn hóa đa dân tộc
Với lịch sử khai phá vùng đất An Giang – đây là nơi sinh sống của bốn dân tộc: người Việt, người Khmer, người Chăm, người Hoa. Mỗi cộng đồng dân tộc có sự phong phú và đa dạng về văn hóa; những giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc có đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế địa phương thông qua các loại hình du lịch. Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể hiện hữu, thì đời sống văn hóa của mỗi dân tộc trong bối cảnh hiện nay có sự khác biệt nhất định. Mỗi dân tộc do sự chi phối bởi truyền thống văn hóa, nên nhu cầu đời sống văn hóa (vui chơi giải trí, văn nghệ, thể dục thể thao, lễ hội đương đại, thư viện,…) cũng có sự khác biệt,…
Sở dĩ đề cập đến sự phong phú, đa dạng về văn hóa vật thể, phi vật thể, nhu cầu đời sống văn hóa của các dân tộc như vậy để thấy được tính đặc thù của văn hóa địa phương, qua đó cần có đề án, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, phục vụ cho phát triển văn hóa đa dân tộc trên địa bàn tỉnh là hết sức quan trọng. Trong đó, nhất là nguồn nhân lực vận hành quản lý, phát triển văn hóa, đưa văn hóa vào đời sống của người dân địa phương,… Hiện nay, thực tế, nguồn nhân lực phụ trách lĩnh vực văn hóa ở địa phương còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc giữ gìn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể ở địa phương mà còn làm chậm quá trình phát triển văn hóa – vì hạn chế các hoạt động văn hóa, không đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa của người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sự hạn chế nhất định về trình độ chuyên môn của cán bộ phụ trách văn hóa ở địa phương, nên nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng hoạt động không hiệu quả.
Do vậy, vấn đề quan trọng đặt ra là việc xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh An Giang trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh thì phải quan tâm tới tính đặc thù văn hóa ở địa phương, đó là sự phong phú, đa dạng về văn hóa của các cộng đồng dân tộc. Từ tính đặc thù của tỉnh và từng địa phương, cần có sự đổi mới trong vấn đề lựa chọn nguồn nhân lực phụ trách lĩnh vực văn hóa ở địa phương. Nguồn nhân lực này phải có chuyên môn, am hiểu về lịch sử-văn hóa; có khả năng xây dựng các hoạt động văn hóa, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân. Ở những địa phương là vùng dân tộc thiểu số, nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa nên có con người của dân tộc đó, bởi hơn ai hết, họ am hiểu về văn hóa dân tộc, gắn bó với cộng đồng… Có như thế mới đảm bảo tốt việc xây dựng và phát triển văn hóa ở địa phương. Do vậy, vấn đề thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ về văn hóa, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển văn hóa ở hiện tại và tầm nhìn dài hạn là rất quan trọng.
Song song vấn đề đổi mới xây dựng nguồn nhân lực phụ trách văn hóa ở địa phương thì, giải pháp cần thiết trong thời gian tới là bồi dưỡng nâng cao chuyên môn về văn hóa cho cán bộ hoạt động văn hóa ở địa phương. Các ban, ngành tỉnh cần mở lớp tập huấn cơ bản, tập huấn chuyên sâu về văn hóa cho cán bộ. Tùy theo chương trình tập huấn cơ bản hay chuyên sâu mà có nội dung phù hợp; có thể là các chuyên đề, nội dung gắn liền với giá trị lịch sử văn hóa của địa phương; cách thức hoạt động văn hóa trong cộng đồng; vấn đề quản lý, vận dụng văn hóa ở địa phương vào đời sống,… Các lớp tập huấn này cần được tổ chức thường xuyên hàng năm hoặc hai năm một lần, nhằm mục đích cập nhật kiến thức cho cán bộ văn hóa địa phương. Và điều quan trọng là, thông qua các lớp tập huấn, các ban, ngành tỉnh nắm được tâm tư, nguyện vọng, khó khăn,… của cán bộ phụ trách văn hóa ở địa phương để có những kế hoạch hoạt động phù hợp hơn.
Để góp phần nâng cao nguồn nhân lực có chuyên môn về văn hóa phục vụ cho quá trình xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh, từ năm 2006, Trường Đại học An Giang mở ngành đào tạo đại học Việt Nam học, cao đẳng Âm nhạc, cao đẳng Mỹ thuật. Chương trình đào tạo cung cấp cho sinh viên kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về văn hóa Việt Nam và thế giới, văn hóa các dân tộc vùng Nam Bộ; kiến thức về tổ chức sự kiện và lễ hội; kiến thức chuyên sâu về âm nhạc, mỹ thuật,… Để đáp ứng phương châm đào tạo gắn liền với nhu cầu sử dụng lao động và sự phát triển đa dạng của văn hóa đương đại, ngành Việt Nam học của Trường luôn đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo. Trên cơ sở đó, sinh viên tốt nghiệp ngành Việt Nam học của Trường Đại học An Giang có kiến thức vững vàng, đáp ứng và thích ứng tốt với sự phát triển của xã hội. Thông qua kiến thức thu được trong quá trình học tập, sinh viên khi tốt nghiệp tiếp tục tinh thần tự học, cập nhật thêm kiến thức về văn hóa đương đại. Từ đó, sinh viên ngành Việt Nam học của Trường công tác tốt trong lĩnh vực văn hóa và du lịch như: Bảo tàng, Thư viện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa, cán bộ văn hóa ở xã, cán bộ cấp huyện và tỉnh,…
Theo thống kê, từ năm 2010 đến năm 2023, Khoa Du lịch và Văn hóa – Nghệ thuật, Trường Đại học An Giang có 1.059 sinh viên tốt nghiệp, gồm các ngành Việt Nam học, cao đẳng Âm nhạc, cao đẳng Mỹ thuật; trong đó, ngành Việt Nam học có hơn 1.000 sinh viên. Nhiều sinh viên ngành Việt Nam học ra trường tiếp tục học lên Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành Việt Nam học, Văn hóa học, Dân tộc học, Du lịch,… ở các cơ sở đào tạo uy tín như Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG TP.HCM,… Trong năm học 2024 – 2025, Khoa Du lịch và Văn hóa – Nghệ thuật sẽ mở ngành đào tạo mới Công nghệ Âm nhạc hệ đại học, đây là ngành học rất mới ở Việt Nam, đáp ứng rất cao nhu cầu của xã hội. Sinh viên ra trường công tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài ra, Khoa Du lịch và Văn hóa – Nghệ thuật phấn đấu đến năm 2028 sẽ đào tạo bậc Thạc sĩ ngành Việt Nam học, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phụ trách lĩnh vực văn hóa trên địa bàn tỉnh.
2. Hội nhập văn hóa: thách thức cho nguồn nhân lực hiện tại
Hội nhập văn hóa quốc tế là vấn đề tất yếu trong toàn cầu hóa hiện nay. Hội nhập văn hóa luôn mang tính hai mặt tích cực và tiêu cực. Nếu hội nhập văn hóa là xu hướng không thể ngăn cản, thì vấn đề cần quan tâm ở chỗ là nhận diện được trào lưu văn hóa khi du nhập vào có giá trị gì hay phi giá trị, ở mức độ nào trong cộng đồng, nhất là cộng đồng dân tộc thiểu số để có phương hướng giữ gìn truyền thống văn hóa và “kéo người dân” ra khỏi các xu hướng phản văn hóa. Cụ thể như: hiện nay, với truyền thông đa phương tiện nở rộ, việc tiếp cận các hành vi phi văn hóa rất dễ dàng, như cổ xúy hút thuốc lá điện tử trong giới trẻ, thiếu niên uống rượu sớm, sống buông thả, hưởng thụ, nghệ thuật mang tính khiêu dâm, cổ xúy xăm hình để thể hiện trong giới trẻ, tiktok khiêu dâm, ngôn ngữ thô tục, dạy thiếu niên cách phản ứng lại cha mẹ rất tiêu cực… Qua nhiều năm thực địa nghiên cứu trên địa bàn tỉnh An Giang, chúng tôi chứng kiến rất nhiều tư tưởng phi văn hóa, phi giá trị này xâm thực vào giới trẻ, trong đó có giới trẻ dân tộc thiểu số.
Trong quá trình hội nhập văn hóa, “tổn thương văn hóa” lớn nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, làm mất đi giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Cụ thể như: văn hóa trang phục mất đi, tập tục cộng đồng biến đổi, các loại hình nghệ thuật truyền thống bị thay thế bằng hiện đại,… Thậm chí văn hóa Hàn Quốc (phong trào Hàn lưu qua phim ảnh) đã biến đổi cách sống, quan niệm sống,… của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, quá trình hội nhập văn hóa tác động đến vấn đề nhạy cảm là tín ngưỡng và tôn giáo. An Giang là vùng đất đa dân tộc, đa tôn giáo và tín ngưỡng, sự hội nhập-giao lưu tiếp biến văn hóa làm cho thành tố văn hóa này chịu tác động không nhỏ. Đây là vấn đề mà nhiều năm qua các tổ chức phản động quốc tế vịn vào đó xuyên tạc vấn đề dân chủ, dân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Trước thực trạng hội nhập văn hóa như hiện nay, vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh An Giang cần phải có nguồn nhân lực chuyên môn cao là hết sức quan trọng. Qua đó mới có thể nhận diện và tận dụng các giá trị văn hóa tích cực của quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa đang ảnh hưởng trong cộng đồng; ngược lại, cần sớm nhận diện những hiện tượng phản văn hóa để ngăn chặn lan truyền trong đời sống người dân. Muốn làm được điều đó, cần phải tăng cường hơn nữa đội ngũ có chuyên môn sâu về văn hóa truyền thống các dân tộc, văn hóa đương đại và lý luận về các lĩnh vực của văn hóa,… Bên cạnh đó, với đội ngũ chuyên môn cao sẽ tạo ra nhiều hoạt động văn hóa, để đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa của người dân địa phương, đẩy lùi sự xâm nhập của các hiện tượng phi văn hóa trong đời sống người dân. Do đó, chúng tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất vẫn nằm ở chỗ xây dựng đội ngũ hoạt động văn hóa có chuyên môn, nghiệp vụ sâu, rộng đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hội nhập văn hóa.
Để có nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa thích ứng với quá trình toàn cầu hóa văn hóa, trong tương lai, các ban, ngành địa phương cần quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ có chất lượng. Thời gian tới thường xuyên mở lớp tập huấn cho cán bộ các ban, ngành, đoàn thể của huyện, tỉnh về tác động và xu hướng của toàn cầu hóa văn hóa để cán bộ nắm bắt. Từ đó, có cơ sở tuyên truyền, xây dựng kế hoạch hoạt động văn hóa cho người dân, cũng như giải quyết các tình huống phát sinh ở địa phương.
Kết luận
Để xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam nói chung, trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thì văn hóa sẽ được giữ gìn, phát huy và đời sống văn hóa của người dân được phát triển. Qua đó, người dân sẽ có sức “đề kháng” lại các sản phẩm phản văn hóa xâm thực vào cộng đồng trong quá trình tiếp xúc và tiếp biến văn hóa như hiện nay. Có nguồn nhân lực đáp ứng chuyên môn, nghiệp vụ thì sẽ giải quyết tốt mọi khía cạnh của lĩnh vực văn hóa, ngược lại, thì sẽ làm cho quá trình xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Để đáp ứng được nguồn nhân lực xây dựng và phát triển văn hóa, các ban, ngành địa phương cần tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn từ cơ bản đến chuyên sâu nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, thực tiễn và lý luận,… cho cán bộ lĩnh vực văn hóa. Về lâu dài, vấn đề tuyển dụng nhân sự địa phương phụ trách lĩnh vực văn hóa cần đúng chuyên ngành, chuyên môn, năng lực là rất cần thiết, phù hợp với sự phát triển ngày càng cao, đa dạng đời sống văn hóa của người dân và hội nhập văn hóa./.
TS. Nguyễn Trung Hiếu
Chú thích:
Ban Chấp hành Trung ương. (1998). “Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Truy cập từ: HYPERLINK “https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-03-nqtw-ngay-1671998-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-tai-hoi-nghi-trung-uong-5-khoa-viii-ve-xay-dung-va-phat-1692” https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-03-nqtw-ngay-1671998-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-tai-hoi-nghi-trung-uong-5-khoa-viii-ve-xay-dung-va-phat-1692 (truy cập ngày: 18-04-2024).
Nguyễn Phú Trọng. (2022). Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, tr.164.