Đem phơi sách cũ
Có những ngày nắng rất to, sự oi bức của thời tiết mấy năm gần đây khá thất thường, có khi vào cuối năm rồi mà trời còn hầm nực như vừa sang hạ. Lắm lúc tôi tưởng tượng rằng mình đang sống ở xứ sở nào đó trên vùng đất cằn cỗi, hanh khô vì khi đi đâu cũng nghe một số người bạn tôi than thở rằng sao lại oi ả thế! Nhưng với tôi, có lẽ đây là thời gian lí tưởng nhất để tôi cùng thằng em bưng ra chồng sách cũ bày trước sân phơi…
Tôi cẩn thận đặt bao nhiêu là sách của mình xuống nền xi-măng nóng hổi, thằng em tôi vui miệng nói rằng, sau này cái sân này gọi bằng “sân phơi sách” giống như trong Tây Du Kí có đá phơi kinh vậy, Hai hé! Tôi nghe xong chỉ cười cười, điều hài hước nữa là hàng xóm làng giềng trông thấy thì nghĩ tôi đang rao bán sách. Thật lòng muốn giải thích nhưng chẳng biết nói sao cho rõ. Vì gần đây, tôi bắt đầu lục tục moi ra mấy quyển tập, sách đã cũ được cất trong kho và đem ra sân phơi nắng. Thú thật, tôi đang cố gắng tạo thói quen này, ước tính ba tháng sẽ đem phơi sách một lần, thứ nhất là bảo quản tránh bị mói, mọt ăn mất, thứ nhì là nhờ hành động đó, giúp tôi ôn lại chuyện xưa, ôn lại kỉ niệm của một thuở chép bài sôi nổi.
Việc phơi sách này hồi trước đến nay tôi chưa hề làm, thậm chí là chưa từng nghĩ đến. Nhưng vào buổi tối tại phòng trọ xa nhà, tôi đọc một bài viết liên quan, trên diễn đàn văn học, tác giả bài viết ấy khiến lòng tôi xôn xao, bất giác mà nhớ đến đống sách đã cũ bị bụi bám từ lâu. Như có thứ gì thúc giục mình mau chóng quay về đem sách ra phơi mà bất lực. Đêm hôm ấy chẳng hiểu thế nào mà mình thao thức không ngủ được. Nỗi nhớ miên man, hình ảnh cái tủ gỗ màu đen sẫm hiện về, trong cái tủ sứt một bên cánh là một hàng dài cả tập lẫn sách. Từ đó đến giờ, tôi có mấy cuốn sách nào hay ho hoặc đáng giá đâu. Có chăng là mấy bộ Sách giáo khoa từ năm lớp 1 đến 12 tôi còn giữ kĩ, thời ấy nhà không khá giả nên không có tiền mua sách đi học, má tôi dò hỏi đầu trên xóm dưới có ai học trên tôi một lớp, rồi xin sách cũ ấy về. May mắn làm sao, trong xóm có bà chị học trên một lớp, nên hầu như năm nào tôi cũng được nhận sách cũ từ chị. Ấy thế có năm may mắn, má xin được trọn bộ, còn năm nào chị bỏ mất thì má mua lẻ bên ngoài bù vô cho đủ bộ.
Cứ tưởng như vậy suốt thì đỡ vất vả, thế mà đến năm chị lớp 6 thì nghỉ học. Tôi hỏi má sao năm nay chưa thấy chị cho sách để học, má tôi nói, chị bỏ học theo gia đình đi Bình Dương rồi. Tôi lấy làm chuyện thường, ngó tới ngó lui, nhà nào mà đóng cửa suốt là biết họ đi Bình Dương, khổ lắm, cứ cách vài mét thì có một nhà đóng cửa y như thế. Thôi thì năm nay mua sách mới vậy, má tôi nói. Cầm trên tay trọn bộ sách mới toanh, tay tôi run cầm cập, sự sạch sẽ láng mịn không một hạt bụi bám trên từng quyển sách cho tôi tưởng mình cầm viên ngọc trai sáng giá, khiến mình nâng niu và trân trọng lắm. Tôi sợ một vết mực loang cũng có thể làm sách buồn, một nếp gấp nhỏ có thể làm sách giận.
Vậy mà, “chính sách” xin sách cũ của má tôi vẫn còn sử dụng hiệu quả, từng trang vở lật qua rồi lật lại kéo theo năm tháng cứ trôi thật nhẹ nhàng, sách cứ thế nối đuôi nhau chất đầy tủ. Vẫn cái trí tuệ non nớt kia, tôi giữ sách lại vốn là để dành cho mấy đứa em, khi chúng lớn sẽ lấy ra học như sự truyền thừa. Khôn ra, ta mới biết thứ làm cho con người nhớ về là kỉ niệm, và kỉ niệm vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí mỗi người, tạo tiền đề cho một sức mạnh to lớn, sách cũng sẽ là những kỷ niệm đẹp và quý giá của chúng ta.
Tôi về quê, mở tủ, lật từng trang sách. Mùi ẩm mốc, bụi bặm theo đó xộc lên, xuyên qua lớp khẩu trang tôi mang. Đa số vẫn còn đọc được, số ít thì ố vàng, có cuốn thì hư đến quá nửa do mối ăn, nhìn mà đau đứt ruột. Không phụ lòng người, trời hôm đó nắng tốt, khoảng sân nhà tôi vừa đủ rộng để bày sách ra hong, hàng xóm hiếu kì nhìn qua mà hỏi, bộ bán sách hả con. Tôi cười và nói, không đâu bác, dù nó cũ cỡ nào cũ thì con không bán chúng đâu, vì chúng là người bạn, người thầy đầu đời của con đấy ạ.