Di sản văn hóa của đồng bào Khmer và Chăm ở An Giang trong sự phát triển du lịch địa phương
An Giang có hệ sinh thái đa dạng,phong phú, với nhiều danh lam thắng cảnh và quần thể di tích kiến trúc nổi tiếng. Tỉnh hiện có 89 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia và 59 di tích cấp tỉnh [1]. An Giang là vùng đất duy nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long có núi giữa đồng bằng, sở hữu các giá trị tài nguyên du lịch có tính hấp dẫn cao gắn liền với đời sống tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa của cộng đồng các dân tộc đã sinh sống lâu đời tại An Giang. Đồng bào dân tộc thiểu số trên 119 nghìn người, chiếm 5,26% so với dân số cả tỉnh, chủ yếu là dân tộc Khmer (chiếm 4,2%); dân tộc Chăm (chiếm 0,67%); dân tộc Hoa (chiếm 0,38%)[2] . Sự đa dạng về dân tộc và sự giao thoa về văn hóa giữa các dân tộc với nhiều lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống và công trình tôn giáo với kiến trúc độc đáo tạo nên nét đẹp rất riêng của nền văn hóa tâm linh địa phương và của từng dân tộc tại An Giang.
Địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào Khmer, Chăm ở An Giang là vùng Bảy Núi và vùng sông nước đầu nguồn Hậu Giang, là một thành phần tự nhiên quan trọng gắn bó chặt chẽ trong đời sống cộng đồng góp phần tạo nên di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể mang tính đặc thù của họ trên vùng đất Tây Nam Bộ, là nguồn tài nguyên quý giá giúp cho du lịch An Giang phát triển bền vững.
I- DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ
1- Một vài Danh thắng và Di tích lịch sử – văn hóa tiêu biểu
Đồi Tức Dụp:
Tức Dụp là ngọn đồi nằm bên phía tây núi Cô Tô ở xã An Tức, huyện Tri Tôn với diện tích trên 2.200m2 và có độ cao 216m, là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng của tỉnh An Giang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cũng là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa quân và dân ta với quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn trong những năm 1968 – 1971. Đồng bào Khmer ở 2 xã An Tức và Ô Lâm đã góp phần quan trọng tạo nên Tức Dụp kiên cường còn có tên“Ngọn đồi hai triệu đô la” đầy chứng tích.
Đồi Tức Dụp được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia từ năm 1985, hiện nay được phát huy thành khu di tích lịch sử và du lịch nổi tiếng ở ĐBSCL. Nét chấm phá độc đáo cho bức tranh thiên nhiên này là vô số khối đá to nhỏ nằm đan xen, chồng chất lên nhau tạo nên những hang động kích cở khác nhau với nhiều hình thù đặc biệt ấn tượng. Bao quanh đồi Tức Dụp là những cánh đồng lúa, hàng cây thốt nốt, những ngôi chùa Phật giáo Nam tông, những ngôi nhà bình dị của đồng bào Khmer tạo nên một khung cảnh thanh bình, chân chất.
Ô Tà Sóc
Ô Tà Sóc có nghĩa là suối ông Sóc, thuộc dãy núi Dài Lón, ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn. Đây là điểm cao hiểm trở với nhiều hang động liên hoàn, từng là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy An Giang, bộ đội chủ lực Miền trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Căn cứ Ô Tà Sóc được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ tháng 12/2001.
Dưới chân di tích lịch sử Ô Tà Sóc ngoài cụm quảng trường, tượng đài, phù điêu kỷ niệm thời kháng chiến, còn có ngôi chùa Tà Dung Trên cổ kính, những vườn cây ăn trái, vườn tầm vông bạt ngàn với những lối nhỏ quanh co bình lặng … Bắt nguồn từ suối Ông Sóc, hồ Ô Tà Sóc được xây dựng vừa làm nơi trữ nước cho cư dân vừa tạo cảnh quan thơ mộng cho việc khai thác du lịch sinh thái…
Hồ Soài So
Hồ Soài So là hồ nước nhân tạo nằm ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang được bao bọc bởi những vách đá cao lớn. Hồ có diện tích chừng 5ha với công năng cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho người dân trong khu vực. Là một điểm khai thác du lịch nên cũng có một số sản phẩm thủ công, đặc sản của đồng bào Khmer được bày bán ở đây. Nước hồ Xoài So rất trong xanh, có thể nhìn thấy tận đáy. Xung quanh hồ là những cánh rừng xanh mướt, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Ngoài ngắm cảnh thiên nhiên, có thể xem đây là địa điểm cắm trại, tổ chức các chuyến đi dã ngoại khám phá các vườn cây trái cùng đời sống cư dân Khmer trong vùng…
Hồ Tà Pạ
Hồ Tà Pạ tọa lạc ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang có diện tích không lớn, là sản phẩm nhân tạo do khai thác đá nhưng khi kết hợp cùng những yếu tố thiên nhiên khác như được bao bọc bởi những vách đá cao in hình trên mặt hồ xanh trong nên mang lại nét hoang sơ đến độc đáo, kỳ lạ. Gần bên hồ là ngôi chùa Núi (Chưn Phnom) với những kiến trúc đặc thù của Phật giáo Nam Tông đang trở thành điểm đến ấn tượng trong vùng.
Xung quanh hồ Tà Pạ là cánh đồng Tà Pạ được chia thành nhiều ô ruộng nhỏ trồng xen kẽ các loại cây trồng như lúa, hoa màu, cây ăn trái,… tạo nên một bức tranh thiên nhiên đa màu sắc. Cánh đồng Tà Pạ vào mùa lúa chín vàng óng trải dài tít tắp, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp…
Búng Bình Thiên
Búng Bình Thiên là hồ nước ngọt thuộc xã Nhơn Hội huyện An Phú, cách thành phố Châu Đốc 25km, mệnh danh là “hồ nước trời” lớn nhất miền Tây Nam Bộ phong phú các loài thủy sản. Đồng bào Chăm cư trú ven hồ, dệt thổ cẩm, khai thác cá tôm, bông điên điển Đến mùa nước nổi vạn vật chung quanh hầu như hòa mình làm một với hồ mênh mông mây trời, sóng nước. Kề bên là thánh đường Hồi giáo Mas Jid Khay Ri Yah trầm mặc hàng trăm năm qua đối mặt với trời, nước của Búng. Nhiều năm qua, mặt hồ trước thánh đường đã được khai thác thành “sân khấu nước” biểu diễn các tiết mục nghệ thuật đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc trong dịp lễ hội Rô-ya hàng năm của đồng bào Chăm ở An Giang thu hút đông đảo du khách đến giao lưu, tìm hiểu văn hóa Chăm kết hợp sinh thái và tham gia các hoạt động như đánh bắt cá, chèo xuồng dạo quanh Búng…
2- Công trình kiến trúc
a)- Chùa Phật giáo Nam Tông
Toàn tỉnh có gần 70 ngôi chùa Khmer, trong đó tập trung chủ yếu ở hai huyện biên giới Tịnh Biên và Tri Tôn [3]. Những ngôi chùa Khmer được xem như một biểu tượng văn hóa vật chất, tinh thần của đồng bào với những đặc điểm kiến trúc độc đáo và đặc sắc. Các ngôi chùa Khmer thường có phong cách kiến trúc kết hợp từ nhiều hoa văn, phù điêu được chạm khắc khá tinh xảo thể hiện hình ảnh các vị thần trong tôn giáo của người Khmer, về Phật Thích Ca đang an tọa dưới gốc bồ đề. Đặc điểm chung của những ngôi chùa này là không gian xung quanh có phần thanh mát, hòa mình cùng màu xanh của thiên nhiên. Nhiều ngôi chùa chọn vị trí an tọa giữa cánh đồng trống vắng, xa xa là các hàng cây thốt nốt tạo nên một bức tranh phong cảnh hữu tình. Các ngôi chùa này không chỉ chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, nơi sinh hoạt tôn giáo của người Khmer mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong khu vực.
Một vài ngôi chùa Phật giáo Nam Tông ở An Giang:
– Chùa XvayTon ở thị trấn Tri Tôn huyện Tri Tôn là một trong những ngôi chùa tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc chùa tháp của người Khmer Nam Bộ. Đây cũng là ngôi chùa Khmer cổ xưa nhất trong tỉnh An Giang; nơi lưu giữ nhiều bộ Kinh lá buông nhất Việt Nam – được xem loại thư tịch cổ, là báu vật quý hiếm có giá trị về văn hóa – nghệ thuật mang đậm nét truyền thống trong quy trình làm sách cổ của người Khmer Nam Bộ. Chùa có không gian rộng thoáng đãng với lối kiến trúc cổ, đẹp tinh tế ít có ngôi chùa nào sở hữu như mái ngói đỏ, xanh, vàng độc đáo. Chùa còn có những bảo tháp cổ uy nghiêm với nhiều cây cổ thụ với tuổi thọ lên đến hàng trăm năm. Chùa XvayTon được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1986. Năm 2006, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa Svayton là ngôi chùa lưu giữ nhiều nhất về sách kinh cổ tại Việt Nam với hơn 100 bộ kinh viết trên lá buông.
– Chùa Tà Pạ còn gọi là chùa Núi (Chưn Phnom) thuộc xã Núi Tô, Tri Tôn được xây theo kiến trúc Khmer khá đặc biệt. Chính điện được xây trên những cột chống đỡ vững chắc cao hàng chục mét, nên nhìn từ xa ngôi chùa như đang lơ lửng giữa không trung, nổi bật giữa rừng cây xanh ngát. Không gian thoáng đãng, không khí mát mẻ tạo nên cảm giác thư giãn và bình yên đến vô cùng. Chùa Núi kết hợp với hồ Tà Pạ cạnh bên khiến đồi Tà Pạ trở nên thắng cảnh nổi tiếng thu hút nhiều du khách đến tham quan, khám phá…
– Chùa Tual Prasat ở xã Châu Lăng, Tri Tôn Đây là ngôi chùa mới nổi tiếng trong thời gian gần đây nhờ vị trí nổi bật giữa cánh đồng lúa bao la cùng con đường nhỏ uốn lượn nối với cổng chùa có lối kiến trúc độc đáo thật sự rất ấn tượng với những hoa văn, họa tiết tinh xảo, mang đậm dấu ấn tín ngưỡng Phật giáo Nam Tông. Cánh cổng trãi qua nhiều thời gian nên trông nó rất cổ kính, độc đáo lại nằm chơ vơ giữa đồng trống nên du khách còn gọi đó là “Cánh cổng thời gian” hay là “Cổng trời Kos Kas””
– Chùa Thơ Mít xã Vĩnh Trung, thị xã Tịnh Biên: Ngôi chùa bề thế trang nghiêm nằm giữa một khuôn viên rộng. Lối kiến trúc của chùa Thơ Mít nổi bật với mái cong, nóc nhọn, tháp cao vút cùng nhiều chi tiết chạm khắc công phu, tinh tế. Trong chánh điện chùa Thơ Mít có một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối ngự trên tòa sen cao khoảng 2m. Khắp trên tường chùa là những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật, từ lúc ra đời cho tới khi được khai minh rồi nhập niết bàn. Trên các hàng cột là những bức phù điêu mô tả về các tiên nữ và những quái vật. Mái vòm và cầu thang được chạm trổ những hoạ tiết mang hình thần rắn Naga, một vị thần thiêng liêng trong tín ngưỡng của người Khmer. Điều đặc biệt là trong khuôn viên của chùa có ngôi nhà sàn dành cho sinh hoạt cộng đồng là một loại hình cư trú truyền thống trước đây của đồng bào Bảy Núi. Mảnh ruông sau chùa đã từng làm nơi đua bò của vùng Bảy Núi, thu hút đông đảo du khách đến dự hàng năm.
– Chùa Tà Ngáo xã An Phú, thị xã Tịnh Biên cách biên giới Campuchia vài cây số. Chùa có tuổi đời hơn 200 năm, mang nét đặc trưng và bản sắc văn hoá của đồng bào Khmer. Nhà chùa còn giữ gìn, bảo tồn nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc như múa Sa dăm, nhạc ngũ âm phục vụ đồng bào vào các dịp lễ tết cổ truyền như Chol Chnam Thmay (Tết năm mới), Sene Dolta, Ok Om bok. Ngôi chùa còn sở hữu đội biểu diễn trống Rô băm và dàn nhạc ngũ âm trẻ tuổi được đào tạo tại chùa là đội ngũ kế thừa quan trọng cho các nghệ nhân Khmer lớn tuổi trong vùng
– Chùa Rô ở xã An Cư thị xã Tịnh Biên ngoài kiến trúc đặc thù của Phật giáo Nam Tông cùng không gian thoáng đãng, xanh mát, nhiều năm nay còn được chọn làm nơi tổ chức đua bò của vùng Bảy Núi đã trở thành một địa điểm nổi tiếng cho du khách trong ngoài tỉnh đến tham quan, vui chơi trong dịp lễ hội Sene Dolta truyền thống của đồng bào Khmer trong vùng.
– Chùa Kal Pô Prưk, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn. Chùa có kiến trúc đặc trưng của người Khmer và tượng Phật lớn nổi bật trên màu xanh của núi rừng Ba Thê. Nét cổ kính, khung cảnh thanh tịnh và thoát tục của chùa Kal Pô Prưk đã tạo nên sức hút đặc biệt và trở thành điểm du lịch An Giang không thể bỏ qua. Tên chùa có nghĩa là “hoa ưu đàm” – một loại hoa mang ý nghĩa điềm lành được nhắc đến trong kinh Phật. Căn cứ theo tài liệu ghi chép, chùa có tuổi đời hơn 200 năm nhưng theo lời truyền lại từ các vị sư, thời gian chùa tồn tại ở đây thực tế còn lâu hơn.
Ngoài ra còn một số chùa khá lâu đời, gắn với những sự kiện lịch sử- văn hóa có kiến trúc độc đáo trong vùng như ở Tri Tôn có chùa Tà Miệt trên ở xã Lương Phi là nơi ra mắt Ủy ban Mặt trận DTGPMNVN tỉnh An Giang vào tháng 02/196; chùa Tà Miệt dưới gắn với lễ hội đua bò của huyện; chùa Păng Trạo ở An Tức gắn với đồi Tức Dụp; chùa Pà Thes ở Ô Lâm gắn với phong trào Đồng Khởi năm 1960 ở núi Tô…Ở thị xã Tịnh Biên thì có các chùa Văn Râu ở xã Văn Giáo, Sok Pô Lơk ở xã Xuân Tô, Láng Cháy (Krang Chai) ở xã An Hảo, Mỹ Á ở Núi Voi, Soai Chek ở Xã An Cư, Neeng Non ở Văn Giáo…
b)- Thánh đường Hồi giáo (Islam)
Bên cạnh các kiến trúc chùa tháp đặc trưng của đồng bào Khmer, cộng đồng người Chăm ở An Giang đã xây dựng nên những thánh đường (Masjid), tiểu thánh đường (Surao) Hồi giáo độc đáo, tuyệt đẹp như xứ sở Trung Đông. An Giang là nơi người Chăm theo Hồi giáo Islam cư trú đông nhất ở Việt Nam, toàn tỉnh hiện có 9 làng Chăm ở thị xã Tân Châu và các huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành, một cộng đồng nhỏ người Chăm ở phường Mỹ Long thành phố Long Xuyên cùng với 13 thánh đường Hồi giáo và một số tiểu thánh đường khác.
Một số thánh đường Hồi giáo có kiến trúc độc đáo:
– Thánh đường Mosque Mubarak ở Châu Phong, ấp Châu Giang, xã Châu Phong, TX Tân Châu
Thánh đường Mosque Mubarak còn gọi là thánh đường Hồi giáo Mubarak, chùa Chăm Châu Giang. Đây là thánh đường lâu đời của người Chăm An Giang được dựng vào năm 1750 bởi kiến trúc sư Mohamed Amin, đã được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia từ ngày 05/12/1989.
– Thánh đường Jamiul Azhar ấp Châu Giang, xã Châu Phong TX Tân Châu
Điểm nổi bật ở thánh đường này chính là sự kỳ bí của từng hàng bia đá giản dị trong nghĩa trang được xây dựng ngay trước cổng vào. Thánh đường này có gam màu chủ đạo là trắng và xanh ngọc với những mái vòm cao vút, một trong những đặc trưng quen thuộc trong kiến trúc Hồi giáo. Đến đây tham quan, du khách không chỉ cảm nhận vẻ đẹp kỳ lạ mà còn được chiêm ngưỡng bức tranh nghệ thuật đặc sắc qua kiến trúc của ngọn tháp trung tâm thánh đường.
– Thánh đường Masjid Nia’mah ấp Phum Soài, xã Châu Phong, TX Tân Châu
Thánh đường Masjid Nia’mah được dựng lên đến nay gần 100 năm tuổi.Thánh đường Masjid Nia’mah nổi bật với tông màu trắng, điểm nhấn là viền kẻ màu ngọc lam, phối trụ cột La Mã, mái vòm uốn cong. Mái ngói đậm chất Nam Bộ, hàng rào cổng cũng mang đặc trưng Tây hóa kết hợp đèn trời bằng kính. Một điểm khác biệt của Thánh đường Masjid Nia’mah là sự ảnh hưởng từ nét kiến trúc châu Âu đương thời và văn hóa nhà ở người Việt mà hình thành. Ấn tượng từ bên ngoài của thánh đường là sự sang trọng của kiến trúc cổ điển, màu sắc độc đáo. Thánh đường hiện nay còn là Trụ sở Ban đại diện cộng đồng Islam (Hồi giáo) An Giang, trường học Hồi giáo.
Ở làng Chăm Phum Soài xã Châu Phong còn có thánh đường Hajanus Sunnah quy mô nhỏ hơn nhưng kiến trúc cũng rất đặc sắc và Thánh đường Muhammadiyah thì đang xây dựng lại chưa hoàn chỉnh.
– Thánh đường Al Ehsan ở ấp Hà Bao xã Đa Phước, huyện An Phú
Thánh đường có tông màu chủ đạo là trắng, một vài đường viên hay các chi tiết nhỏ thì pha màu xanh lục, có kiến trúc y hệt như những thánh đường Hồi giáo ở Dubai, nổi bật với mái vòm màu vàng nghệ. Al-Ehsan gồm có một tầng trệt và một tầng lửng, xung quanh là hành lang rộng rãi, đây là nơi hành lễ của làng, là nơi nghỉ ngơi của bô lão và cũng là nơi tổ chức ăn uống tập thể mỗi khi có lễ mừng.
Ở Hà Bao Đa Phước còn có thánh đường Jamius Sunnah
– Thánh đường Khay Riyah ở xã Nhơn Hội, huyện An Phú
Thánh đường Khay Riyah tuy quy mô khiêm tốn nhưng là thánh đường gắn bó hàng trăm năm qua với đồng bào Chăm quanh Búng Bình Thiên tạo nên một quần thể đặc trưng trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Chăm vùng sông nước đầu nguồn châu thổ.
– Thánh đường Jamiul Muslimin xã Quốc Thái huyện An Phú
Thánh đường Jamiul Muslimin đầu tiên được xây dựng vào năm 1933, đến năm 1977 thì bị Khmer đỏ tràn xuống tàn phá thành đóng gạch vụn đổ nát… Đến năm 1984 cộng đồng Chăm tại đây xây dựng lại thánh đường, kinh phí thực hiện 5,8 tỉ đồng, trong đó, Hội Trăng lưỡi liềm đỏ (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) tài trợ 147.000 USD, phần còn lại do lòng hảo tâm của cộng đồng Hồi giáo trong và ngoài nước đóng góp. Thánh đường Jamiul Muslimin được xem là thánh đường lớn nhất tại Việt Nam, có sức chứa cả ngàn người tham dự hành lễ cùng một lúc. Đây là một công trình pha lẫn nửa cổ nửa kim và mang nhiều âm hưởng kiến trúc Trung Đông.
– Thánh đường Kahramanlar Rohmah ấp La Ma, xã Vĩnh Trường, huyện An Phú
Huyện An Phú còn có thánh đường Mukar Ramah ở ấp Bình Di, xã Khánh Bình gần biên giới mới xây dựng sau này.
– Thánh đường Jamiul Aman ở làng Chăm Katambong xã Khánh Hòa huyện Châu Phú
– Thánh đường Jamil Mukminin xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành
Đây là làng Chăm ở giữa đồng bằng An Giang cách xa vùng trung tâm Tân Châu, An Phú hình thành qua cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nên thánh đường Jamil Mukminin xây dựng muộn nhất. Tuy nhiên, có một sự đặc biệt so với các ngôi thánh đường Hồi giáo khác, là thánh đường duy nhất ở An Giang có màu sắc chủ đạo trắng và đen. Màu trắng tượng trưng cho vẻ đẹp hòa bình, sự tinh tế, màu đen tượng trưng cho lòng khiêm tốn. Chính vì vậy mà nó trở nên độc đáo.
c)- Nhà ở
Ngày xưa, vùng núi Tô, Núi Cấm, Núi Dài còn hoang sơ, có nhiều thú dữ, rắn độc rình rập, lại là nơi cư trú xa xôi trộm cướp giật hoành hành nên người dân nơi đây sống co cụm thành các phum, sóc, cất nhà cao để tránh rắn độc, thú dữ quấy phá. Khi về đêm họ rút thang lên để phòng ngừa nạn cướp bóc. Ngày nay, do chính sách quy khu, dồn dân lúc trước của chế độ Sài Gòn và hậu quả của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam sau này nên hầu như nhà ở truyền thống của đồng bào Khmer là nhà sàn cột gỗ, vách ván không còn tồn tại trong vùng Bảy Núi nữa. Nhà ở hiện nay gần giống như nhà ở của người Việt, cất trệt bằng xi măng, sắt thép. Ở Tri Tôn đang phục dựng lại mô hình nhà sàn phục vụ cho hoạt động du lịch.
Trong vùng đồng bào Chăm thì các loại nhà sàn truyền thống vẫn được duy trì khá nhiều, đặc biệt là kết cấu kiểu dáng, công năng hầu như được bảo tồn nguyên vẹn nhằm thích ứng với môi trường ngập úng vào mùa nước nổi, vừa tránh thú dữ vừa cất giữ các phương tiện đánh bắt thủy sản. Đến mùa khô, đồng bào Chăm tận dụng khoảng trống của sàn làm nơi cất trữ đồ dùng gia đình hoặc đặt các khung dệt thổ cẩm….Những ngôi nhà sàn có phong cách độc đáo, có kết cấu và loại gỗ khác nhau, trong đó có những ngôi nhà tuổi đời hàng trăm năm. Nhà sàn của người Chăm có mái chánh nằm xuôi theo chiều dài căn nhà, mái phụ nằm ngang ở mặt trước và mặt sau, mặt tiền nhà hướng theo trục dọc. Mặt tiền nhà nào cũng có một cái thang bằng gỗ. Hai cửa cái ra vào hơi thấp so đầu người có hai ý nghĩa: người lạ vào nhà phải cúi thấp để chào cái nhà và chào chủ nhà. Nhà người Chăm An Giang thường có hay loại: nhà nhỏ 4 gian và nhà lớn 5 gian…
II- DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer, Chăm ở An Giang rất phong phú, độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc như lễ hội, nghệ thuật, làng nghề truyền thống, ẩm thực…
Đồng bào Chăm An Giang mỗi năm có 3 lễ lớn: Lễ sinh nhật Giáo chủ Muhammed vào ngày 12/3 Hồi lịch; Lễ Ramadam (Lễ ăn chay) kéo dài từ ngày 1 đến 30/9 Hồi lịch; Lễ Roja Haji (Tết cổ truyền mừng tuổi mới) từ ngày 10/12 Hồi lịch. Lễ mừng sinh nhật nhà tiên tri – giáo chủ Mohammed vào ngày 12/4 Hồi lịch hằng năm là dịp để con cháu người Chăm đến giáo đường nghe kinh giảng, tìm hiểu về cội nguồn, về sự ra đời của đạo Hồi
Trong tháng Lễ Ramadan (thông thường diễn ra vào tháng 3 đến tháng 4 dương lịch), tất cả người Chăm kể cả trai gái từ 15 tuổi trở lên hàng ngày đều phải nhịn ăn, nhịn uống và hạn chế lao động nặng nhọc từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời khuất bóng, sau đó mới được ăn uống bình thường. Sau khi kết thúc Ramadan 70 ngày thì người Chăm bước vào lễ hội Roja Haij còn được gọi là Tết của sự yêu thương và tha thứ bắt đầu vào ngày 10/12 Hồi lịch (khoảng đầu tháng 7 dương lịch). Tại các thánh đường, người dân mổ dê, bò để mở tiệc tùng sau một năm lao động vất vả. Đây cũng là thời điểm các hoạt động đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào Chăm An Giang sôi nổi nhất và hàng năm, An Giang tổ chức thành lễ hội “Mùa nước nổi” truyền thống cho các làng Chăm thi diễn ẩm thực, nghệ thuật… Người Chăm biểu diễn văn nghệ với những điệu múa, bài hát riêng của mình gần như gắn liền với tiếng trống. Bộ trống Rap Panà là nhạc cụ truyền thống của người Chăm Islam có nguồn gốc từ trống Paranưng của người Chăm Trung Bộ, tuy nhiên mục đích và cách biểu diễn khác biệt. Bộ trống nầy được trình diễn vào những ngày lễ tết và chỉ dành cho nam giới, khi đó những nhạc công ngồi thành hình bán nguyệt, vừa chơi trống vừa đồng ca.
Ẩm thực của đồng bào Chăm cũng rất phong phú với nhiều món ăn đặc thù như Cà ri dê (bò), Cơm nị – Cà púa, Tung lò mò (lạp xưởng bò). Ngoài các món mặn, người Chăm còn có rất nhiều món bánh ngọt khác như: gante, ha-pây-chal (bánh tổ chim) được chiên bằng dầu, khi chiên các sợi bột xoắn vào nhau như tổ chim; bánh “hanaguh” (bánh ngôi sao); bánh “ha-pây-k’gah” (bánh quay vạt); bánh “ha-pây-nung” (bánh bột đậu chiên); bánh “năm-pa-răng” (bánh bò nướng), năm-ken (bánh hột gà nướng)… thường được làm vào các dịp lễ, tết để đãi khách.
Một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Khmer An Giang chính là các lễ hội như Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây (lễ vào năm mới), Sene Dolta (lễ cúng ông bà), Kathina (lễ dâng y cà sa), Lễ Panh Kom San Srok (lễ cầu an)… Đặc biệt là lễ Sene Dolta gắn liền với Hội đua bò Bảy Núi, một sản phẩm văn hóa – thể thao chỉ có ở riêng An Giang mà thôi. Trong dịp lễ hội, đồng bào Khmer tổ chức những hoạt động nghệ thuật với nhiều loại hình đặc sắc như sân khấu Dì kê, múa Sa dăm, biểu diễn trống Rô băm, nhạc ngũ âm, đàn Chà pây…
Các làng nghề truyền thống nổi tiếng của người Khmer như nấu đường thốt nốt, sản phẩm gốm không dung bàn xoay ở Phnom Pi Châu Lăng (Tri Tôn), dệt thổ cẩm Văn Giáo (Tịnh Biên… là những sản phẩm của làng nghề mang nhiều giá trị văn hóa bản địa, phù hợp để phát triển thành quà lưu niệm mang đậm dấu ấn địa phương.
Sản phẩm đường thốt nốt An Giang cũng được đánh giá là loại đường thiên nhiên, có hàm lượng dinh dưỡng cao, an toàn với sức khỏe, có vị ngọt thanh và mùi thơm rất đặc trưng. Những món ăn, thức uống được chế biến từ thốt nốt đã chiếm một vị trí quan trọng nhất trong nền ẩm thực của địa phương.
Điểm khác biệt và đặc trưng ở làng gốm Châu Lăng này là tất cả sản phẩm đều được làm thủ công, thô sơ, đơn giản, không cầu kỳ về hoa văn, kiểu cách. Dù được làm hoàn toàn bằng tay nhưng những sản phẩm gốm ở làng Phnôm Pi không hề đơn điệu. Chúng có tạo hình độc đáo theo tập tục sinh hoạt của người Khmer, có những họa tiết được khéo léo tạo nên từ đôi tay người thợ. Tuy thị trường gốm Khmer ngày nay có phần thu hẹp hơn những năm đầu thế kỷ 20, nhưng vẫn còn nhiều hộ Khmer muốn giữ lấy nghề của tổ tiên, vì họ coi đây không chỉ là một nghề sinh kế mà là một di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.
Thổ cẩm của làng dệt Văn Giáo rất đa dạng và phong phú, màu sắc hài hòa, kỹ thuật dệt rất công phu, hoa văn mang phong cách truyền thống, mang nhiều nét riêng biệt. Thêm vào đó, kỹ thuật nhuộm của làng nghề Văn Giáo sử dụng các loại thuốc nhuộm theo phương pháp cổ truyền có nguồn gốc từ thiên nhiên giúp cho lụa óng ả, mượt mà và bền. Thổ cẩm của làng dệt Văn Giáo không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như: Mỹ, Australia, Pháp, Thái Lan, Campuchia với thương hiệu “Silk Khmer” nên được đầu tư, phát triển thành mặt hàng lưu niệm đặc trưng của vùng Bảy Núi.
Ẩm thực của đồng bào Khmer An Giang không quá cầu kỳ, chế biến từ nguyên liệu tại chỗ cho ra các món ăn truyền thống như mắm bò – hốc (Pro – hoc), bún nước (num b’chok), bún sả Óc Eo, gà đốt Ô Thum, bánh canh Vĩnh Trung, cháo bò Tri Tôn, canh sim – lo… Có nhiều loại bánh dân gian đặc sắc, nổi tiếng nhất ở Bảy Núi là bánh thốt nốt, bánh nếp kà tum, bánh tai yến…
Từ các loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của đồng bào các dân tộc An Giang, đã có có 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được Bộ VHTTDL chứng nhận, trong đó đồng bào Khmer có 3 di sản: Hội đua bò Bảy Núi; Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của đồng bào dân tộc Khmer; Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì Kê của người Khmer xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn; đồng bào Chăm có 2 di sản; Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu và Nghi lễ Vòng đời của người Chăm Islam thị xã Tân Châu và huyện An Phú.
Hội đua bò Bảy Núi An Giang
Lễ hội Đua bò Bảy Núi được tổ chức vào dịp Lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer Nam Bộ, khoảng từ 28/8 đến 1/9 âm lịch hàng năm là di sản văn hóa bảo lưu ký ức tộc người, là chiều sâu của bản sắc và được giữ gìn qua những biến động của lịch sử và sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng, là một dạng thức lễ hội nông nghiệp độc đáo có một không hai của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Hội đua bò Bảy Núi mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, trở thành một sự kiện văn hóa, một dạng thể thao đại chúng gần gũi với cộng đồng phum sóc, trở thành một nhu cầu văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi. Với những nét đặc sắc nêu trên, ngày 19 tháng 01 năm 2016, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 246/QĐ-BVHTTDL về việc đưa “Hội đua bò Bảy Núi – An Giang” vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.
Kinh lá buông
Ngày 23/01/2017, “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer vùng Bảy Núi” được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay còn khoảng 170 bộ kinh lá buông với trên 900 quyển, nằm rải rác tại một số ngôi chùa Khmer lớn thuộc 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Những bộ kinh này có tuổi đời khoảng trên dưới 120 năm, hầu hết viết bằng chữ Pali và chữ Khmer cổ. Kinh lá buông là tài liệu quý chứa đựng nhiều triết lý sống, nhân sinh quan theo tinh thần Phật giáo, thơ ca, sử thi, giáo lý của đức Phật răn dạy con người làm điều lành,… chỉ được mở ra thuyết pháp vào những dịp quan trọng như lễ Phật Đản, lễ dâng bông, lễ dâng y cà sa, lễ cúng trăng, lễ cúng ông bà,… của đồng bào Khmer. Ngoài kinh Phật, các văn bản viết trên lá buông còn ghi chép các nội dung về văn học, lịch pháp, y học, những câu chuyện kể về các hiện tượng của đời sống xã hội. UBND tỉnh An Giang đang thực hiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này đến năm 2030 để được UNESCO công nhận di sản tư liệu tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer ở tỉnh An Giang thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Nghệ thuật sân khấu Dì kê
Ngày 02/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 160/QĐ-BVHTTDL về việc công bố đưa nghệ thuật sân khấu dì kê của người Khmer tỉnh An Giang vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Dì kê là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian tổng hợp, kết hợp âm nhạc ca kịch dân gian tích hợp múa, đọc thơ, còn được người Khmer gọi là Hát Lăm. Nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì kê không chỉ hàm chứa giá trị nghệ thuật đặc sắc mà còn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng Bảy Núi,. Dì kê đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng Khmer An Giang, thường được biểu diễn ở các khoảnh sân của thôn xóm, sân chùa phục vụ bà con dân tộc Khmer sau những ngày lao động sản xuất và vào những dịp lễ hội quan trọng của phum sóc. sân khấu Dì kê không xa lạ mà trở nên quen thuộc cả với những người Việt, người Hoa sống cộng cư ở vùng Bảy Núi An Giang; giúp gắn kết các tộc người trong sự thấu cảm và chia sẻ sự hiểu biết văn hóa, ý thức bản sắc tộc người tạo nên tạo nên nét lịch sử văn hóa đặc thù cho vùng đất này.
“Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam” ở An Giang
Ngày 02/02/2023, Bộ VHTTDL đưa “Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam” ở An Giang vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghi lễ vòng đời là lối sống, thói quen được hình thành qua nhiều thế hệ được công nhận như một phần trong nếp sống của cộng đồng người Chăm An Giang, bao gồm các nghi lễ trong giai đoạn sinh, trưởng thành và chết mang tính đặc sắc và đặc trưng riêng. Cụ thể, trong giai đoạn sinh, có 2 nghi lễ tiêu biểu là lễ cắt tóc và đặt tên cho đứa trẻ. Trong giai đoạn trưởng thành, có lễ cưới và khi chết, có các nghi thức dành cho người quá cố. Nghi lễ vòng đời được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bởi mang giá trị xã hội sâu sắc, thể hiện mối quan hệ huyết thống, dòng tộc, làng xóm, khu vực và cộng đồng tôn giáo, cộng đồng dân tộc… cũng như giá trị đạo đức, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và nhiều giá trị khác..
Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong
Nghề thủ công truyền thống “Nghề Dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang” được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 480/QĐ-BVHTTDL ngày 06/03/2023. Đây là một nghề thủ công truyền thống hết sức độc đáo xuất hiện ở vùng đất An Giang từ khi người Chăm đến cư ngụ vào khu vực này khoảng những năm đầu của thế kỷ 18. Nó không chỉ độc đáo ở kỹ thuật, sáng tạo của con người mà còn chứa đựng những giá trị về văn hóa và lịch sử dân tộc. Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm còn thể hiện rất rõ đặc thù gốc tích nông nghiệp như dụng cụ, nguyên liệu, giá trị sử dụng. Nguyên liệu để dệt là tơ sợi và nhuộm bằng màu tự nhiên từ mủ cây, vỏ cây và trái cây làm cho màu sắc trên sản phẩm rất đặc biệt và bền. Hoa văn được dệt lên các đồ vật đều có ý tưởng sáng tạo từ truyền thống đến hiện đại càng làm tăng thêm giá trị nghề dệt nơi đây. Các loại xà rông, khăn choàng, túi xách… của người Chăm An Giang ngày nay có mặt khắp các thành phố lớn trong nước và cả Đông Nam Á.
Lâm Quang Láng
Tài liệu tham khảo chính
Sách, tạp chí
- Địa chí An Giang- UBND tỉnh An Giang
- Báo An Giang
- Tạp chí Văn hóa – Lịch sử An Giang- Sở VHTTDL An Giang
- Tạp chí Thất Sơn- Liên hiệp hội VHNT tỉnh An Giang
- Dấu ấn Thượng châu thổ, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2021
- Văn hóa Khmer Nam Bộ – Nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam / Phạm Thị Phương Hạnh (chủ biên), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013
Trang web
- https://dantocmienui.vn
- https://baoangiang.com.vn
- https://baotintuc.vn
- https://dantri.com.vn
[1] Báo An Giang ngày 14/12/2023
[2] Báo Điện tử Đảng CSVN ngày 14/9/2023
[3] Tri Tôn 37 chùa, Tịnh Biên 25 chùa, Châu Thành 03 chùa, Châu Phú 01 chùa, Thoại Sơn 01 chùa…