Đi và đến

Chẳng hiểu trùng hợp làm sao mà cứ mỗi mùa Tết đến xuân về thì với tôi, đó cũng chính là “mùa giỗ”. Hồi đó tôi có hỏi ông ngoại, ông cười hề hề rồi xoa đầu tôi bảo: “Chắc do các cụ thấy mùa xuân đẹp, cộng thêm tiết trời mát mẻ, địa lợi thiên thời, về đoàn tụ với Thất Tổ lúc này thì lý tưởng còn gì bằng…” Tôi hồi ấy chưa hiểu lắm nhưng cũng gật gù.

Lớn lên, tôi đủ chín chắn nhận ra rằng, vạn vật vô thường ấy là quy luật, rồi thì tạo hóa bảo với con người rằng thế gian là vô thủy vô chung, chẳng ai biết mình đến từ đâu và sẽ đi về đâu? Chỉ biết là có đến thì ắt sẽ có đi là điều tất yếu. Bất chợt, tôi lại thấy có gì đó chành chạnh trong lòng khi gió bấc giao mùa đã “dịu dàng” đi một ít. Tôi không cần phải mặc áo ấm dày cồm cộp khi ra đường như tuần trước, cũng chẳng còn ngán ngẩm khi rửa mặt, đánh răng vào tảng sáng… nhưng quả thật tôi vẫn thấy nhớ nhung con gió bấc đầu mùa. Qua đợt gió bấc này thì cũng sắp sửa giỗ đầu của ông ngoại.

Tháng Chạp này gia đình tôi có tận bốn đám giỗ. Có cụ đã mất cách nay gần một thế kỷ nhưng có lẽ khoảng cách thời gian dù xa xôi diệu vợi hơn đi chăng nữa thì cũng khó mà xóa nhòa được tình thân. Chẳng năm nào vào cái ngày kỷ niệm lại thiếu vắng đi những đòn bánh tét kính dâng trang nghiêm trên bàn thờ, khói nhang ấm cúng. Nói đi cũng phải nói lại, tháng năm đằng đẵng cứ trôi tuột từng về quá khứ, khoảng cách thế hệ là điều khó lòng tránh khỏi. Mấy năm gần đây, những ngày giỗ của ông bà đã mất cách nay nhiều năm, hàng thế kỷ, những người nhớ mặt họ, con cháu cùng thời cũng đã thành người thiên cổ, các ngày giỗ ấy không còn linh đình như trước kia nữa. Phần vì càng về sau, ngày giỗ quải càng nhiều, mà lại ngay dịp Tết, nhà ai cũng bận bịu trong ngoài, tiền nong đủ thứ… Thế nên mấy cô bác trưởng tộc bảo rằng ai “ở trong nhà” thì nấu mâm cơm, sắm ít đòn bánh tét cúng kiếng tưởng niệm cho ông bà vui. Còn phần con cháu ở xa, nhớ thì dìa thắp nén nhang, ngồi hàn huyên với chủ nhà dăm ba câu chuyện, uống ly trà, ăn miếng bánh. Nếu không dìa được thì “chế” cũng chẳng sao, tưởng nhớ trong lòng thôi cũng đặng chữ hiếu rồi.

Có lần ông ngoại dạy tôi thế này, tôi thấy sao mà đúng quá, cúng lớn cúng nhỏ gì cũng được, toàn người sống ăn, người thác có ăn uống gì được miếng nào đâu. Cái cốt là tạo dịp để cháu con tưởng niệm ông bà. Không về mà nhớ, còn hơn những người đám nào cũng đi, mà trỏ mặt hỏi bất thình lình “đám này giỗ ai?” thì có khi ú ớ. Này là đi ăn chứ cúng kiếng nỗi gì!

Hoài niệm những năm tháng còn ở truồng tắm mưa, mỗi năm chỉ trông mong mấy dịp giỗ quải ngay mùa Tết, vui không tả nổi. Hồi đó, tôi nhớ trong xóm có một bác, quen gọi là bác ba, lũ trẻ tụi tôi đang giỡn hớt ngon trớn cỡ nào mà thấy bóng dáng bác ba từ xa xa thì đứa nào cũng ớn, cũng e dè. Bác ba khó tính và nghiêm nghị nhất xóm tôi. Có lần trong đám giỗ bà cồ, bày mâm cúng bên nhà ông út, lũ con nít ranh tụi tôi lại có dịp hội ngộ, tay bắt mặt mừng với mấy câu gọi nhau bằng biệt danh nghe mắc cười đau bụng, nào là con Mỹ da đen, thằng Minh dốt, thằng Phú ú ì, thằng Kiệt hôi chua, thằng Duy lé, con Tâm lùn… Gọi nhau bằng những ngôn từ nghe kỳ cục như vậy, nhưng ngộ thật, hồi đó chẳng có ai buồn bực hay giận hờn gì cả. Bởi có đứa nào mà cả đám tha cho cái “thủ tục” đặt biệt danh khi nhập bọn, có đứa nào tên đẹp hơn đứa nào đâu mà so bì, mà tự ái. Con nít là vậy. Chẳng bao giờ để bụng, cũng chưa biết thiệt hơn toan tính, có sao thì nói vậy, rồi hồn nhiên cười đùa như nắc nẻ.

Ngày giỗ bà cồ tôi ngay bon mùng 2 Tết, cái không khí rộn ràng nô nức kích thích cả đám “lâu la” tụi tôi cười không ngậm được mồm, tay chân thì chạy nhảy lăng xăng, không cách nào dừng lại được. Má tôi quát tôi mấy bận, thấy như nước đổ lá môn, má tạo cho tôi, thằng Phú và thằng Minh công ăn chuyện làm, đó là cùng nhau bê mấy thúng dạ bánh tét vừa gói xong ra sau hè để cậu bảy cho vào nồi hấp. Ba anh em tụi tôi nhận lệnh róp rẻng, làm gì cũng chịu miễn là được làm cùng nhau. Tâm hơ tâm hất thế nào mà mới vỏn vẹn vài ba bước chân thì những đòn bánh tét mới tinh đã nhuộm một màu bùn đen láy. Bà nội tôi thấy cảnh này thì giận lắm, quất cho mấy thằng tôi mỗi đứa năm roi cho chừa cái tật giỡn hớt, ẩu tả.

Trưa hôm đó, nội bắt cả lũ “anh hùng lên tám” tụi tôi ngồi nghe bác ba “giáo huấn” cho một chập. Cả đám chúng tôi ngồi im phăng phắc, kiến cắn dưới mông cũng không đứa nào dám nhúc nhích, bởi trước mặt tôi là một ông già uy quyền, mái tóc bạc phơ bới sau đầu, hàm râu trắng nuột để dài đến ngực, ánh mắt bác thì lúc nào cũng trừng to, nghiêm nghị. Cái máu lý sự của tôi ngày ấy cũng không phải dạng vừa, tôi chưa bao giờ đuối lý trước bất kỳ ai, chỉ ngoại trừ bác ba.

Lớn lên, hoài niệm mới thấy mình may mắn, tuổi thơ tròn vẹn nhiều điều, được dạy dỗ, được la rầy là một ân huệ lớn lao mà ông trời ban tặng. Bước chân ra đời mới thấy có khối người muốn được người lớn quan tâm, nghiêm khắc chỉ bảo cũng không được. Bác ba cũng đã chọn ra đi vào mùa mai vàng nở rộ, đúng cái đêm giao thừa của năm đầu tiên tôi vào đại học.

Giỗ bà ngoại tôi trước bác ba chỉ đâu đó vài hôm. Tôi chợt nhớ bà, và nhớ cả một loài hoa mà bà rất yêu quý khi còn sống, hoa ly. Đó là một loài hoa hương sắc đủ đầy, nhưng khổ nỗi chẳng biết ai gán ghép cho cái tên nghe đượm buồn như vậy. Ngày Tết là dịp mà người ta ai cũng mong muốn sự toàn vẹn, vuông tròn, thế nên dân gian và cả hiện đại luôn kiêng kỵ những từ có chút gì đó không may mắn. Miễn tưởng hoa ly sẽ chung số phận. Nhưng không, bởi lẽ hương và sắc của ly thì khó có loài hoa nào dám sánh, người ta cũng không muốn phí phạm một sắc đẹp tuyệt thế của nhân gian, họ không chấp nhận gạch tên hoa ly ra khỏi danh sách các loài hoa chưng Tết. Suy cho cùng tên ly cũng do người đặt, vậy thì giờ thay tên đổi họ là xong. Người ta đặt lại cho hoa ly một cái tên nghe mỹ miều, hoa bách hợp. Thật khéo khi trong cùng một loài hoa lại vừa có “ly”, vừa có “hợp”. Giờ đây, loài hoa ấy không chỉ là nữ hoàng hương sắc mà còn mang trong mình một triết lý của nhân gian không bao giờ thay đổi được. Có hợp thì ắt sẽ có ly, ly để cho ngày mai lại hợp. Bà ngoại tôi từng kể tôi nghe như vậy trong lúc cắm những bông hoa bách hợp với những chiếc búp căng mọng ửng hồng vào trong bình, dâng cúng ông bà ngày ba mươi Tết.

Mỗi khi Tết về, tôi lại nhớ như in những người thân mà tôi từng kính mến, những người đã chọn mùa xuân để ra đi, chọn mùa xuân để làm phông nền cho di ảnh. Dù thương cách mấy thì cũng phải có ngày xa cách nhau ở hai bờ sanh tử. Nhưng cũng không hẳn là chia ly, người thác không mất hoàn toàn vị trí của mình trong cuộc đời người sống. Họ giữ vai trò kết tâm linh cho cháu con nhớ về nguồn cội, họ vẫn là bến đỗ tinh thần cho những người mà họ thân yêu. Họ không mất đi, cái chết chỉ là một con đường để người ta đi về nơi chốn an yên vĩnh cửu, đi vào trái tim ấm nồng của những người đang sống.

Ngồi dưới trời cuối đông, tôi chạm tay vào con gió bấc. Hoài niệm để bước đi, để yêu thương và trân trọng từng nhịp đập của con tim, từng phút giây hiện tại.

Lê Văn Nhân


Tranh minh họa: Tuổi thơ | Hồng Sơn