Giới thiệu Tạp chí Thất Sơn số 315 (02- 2025)
Trong không khí cả nước chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2025) nói chung, ngành Y tế An Giang nói riêng đã có rất nhiều hoạt động chào mừng trọng thể và ý nghĩa. Trong các chuỗi hoạt động đó, Sở Y tế An Giang phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức trại sáng tác văn học, nghệ thuật về ngành Y. Tạp chí Thất Sơn số 315 tháng 2 dành gửi đến bạn đọc nội dung xoay quanh chuyên đề đặc biệt nói trên.
Tác phẩm được chọn lọc tỉ mỉ trong chuyên đề hầu hết là những sáng tác mới, nóng hổi thu hoạch sau trại của các văn nghệ sĩ, phóng viên tòa soạn Tạp chí Thất Sơn phản ánh. Với nhiều thể loại hấp dẫn: Tin tức – sự kiện; chuyên mục “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; chuyên mục “Sáng tác văn học””,, cũng như không thể thiếu các trang Ca khúc, Ca cổ mượt mà, xúc cảm. Trang bìa với gam màu chủ đạo trắng – xanh (màu trắng – tượng trưng cho áo blouse; màu xanh – y phục của y, bác sĩ khi thực hiện ca phẫu thuật) đập vào mắt người xem từ cái nhìn đầu tiên. Đây được xem là tác phẩm sáng giá của NSNA Thái Vĩnh Phú với tên gọi giàu tính nhạc điệu “Đèn không hắt bóng” (nội dung miêu tả ê kíp y, bác sĩ đang thực hiện ca phẫu thuật). Từ hình ảnh trang bìa đã nói lên chủ đề trọng tâm của tạp chí số ra 315. Với thông điệp tôn vinh người thầy thuốc, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế ngày đêm tận tụy, chăm lo sức khỏe cho cộng đồng, tận tụy, trách nhiệm thực hiện sứ mệnh cứu người.
Nhận định từ buổi đầu mở Trại sáng tác văn học, nghệ thuật về ngành Y, đây là một đề tài khó. Thời gian kết thúc Trại đã khép lại một thời gian, nhiều anh, chị vẫn chưa tìm ra ý tưởng, lo lắng bị nghèo ý tưởng, bí bút, ngồi im lặng trước bàn phím nhiều giờ mà con chữ cứ lủn củn, lằn nhằn…. chẳng thành văn. Nhưng hạnh phúc đã vỡ òa, trại viên ở các chuyên ngành Văn học, Âm nhạc, Sân khấu, Nhiếp ảnh ở phút cuối đồng loạt gửi bài thu hoạch trong thời gian quy định của Ban Tổ chức. Đội ngũ biên tập viên Tạp chí Thất Sơn đã tăng ca, sốt sắng chuẩn bị các công đoạn và kịp cho ra mắt số tạp chí chuyên đề đặc biệt (dày gần 100 trang) trong ngày bế mạc Trại (ngày 25/02/2025) vừa qua. Kinh qua những trải nghiệm đáng nhớ trong khoảng thời gian ngắn ngủi, từ sự thâm nhập thực tế tại các cơ sở y tế, bệnh viện… ít nhiều đã làm chất xúc tác giúp các văn nghệ sĩ có thêm tư liệu, nguồn cảm xúc. Những bài viết lần lượt được ra đời bày tỏ nhiều quan điểm đúng đắn, khẳng định bề dày thành tựu trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân của ngành Y tế An Giang đã không ngừng lớn mạnh và đạt được nhiều kết quả rất đáng tự hào. Đó là một trong số những nhận định khách quan được PGS.TS.BS Trần Quang Hiền – Giám đốc Sở Y chia sẻ trước ngày diễn ra đại lễ chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam. Bạn hãy tìm đọc bài viết đầy tâm huyết “Ngành Y tế An Giang: Vững bước vào kỷ nguyên mới, nâng tầm chăm sóc sức khỏe nhân dân” của Nhà thơ Trần Sang – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật. Ở một góc nhìn khác, là người con của An Giang, bạn sẽ càng tự hào nhiều hơn, yên tâm hơn khi một lần đến thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang. Thời sơ khai, bệnh viện thiếu thốn về mọi mặt, nay vươn mình lớn mạnh, vinh dự được xướng tên trong bảng xếp hạng là Bệnh viện hạng A. Dự kiến, trong vài năm tới đây, bệnh viện sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ chuẩn đoán ảnh y khoa; người dân có thể đặt lịch khám trực tuyến; tra cứu kết quả xét nghiệm qua ứng dụng trên điện thoại; thanh toán viện phí không tiền mặt. Song song với chuyển đổi số, Bệnh viện ĐKTT An Giang định hướng xây dựng một số trung tâm chuyên khoa mũi nhọn, mở rộng quy mô. Về hợp tác quốc tế, Bệnh viện tiếp tục mời các chuyên gia nước ngoài sang đào tạo, trao đổi để nâng tầm chất lượng chẩn đoán và điều trị. Như vậy, tầm nhìn trong năm 10 năm nữa sẽ hoàn thiện, tương lai gần, Bệnh viện ĐKTT An Giang sẽ đáp ứng các tiêu chí cần và đủ của bệnh viện thông minh. Mời độc giả tìm đọc bài viết “Bệnh viện ĐKTT An Giang: Dấu ấn phát triển và hành trình vươn mình” do tác giả Huỳnh Cam là chủ bút, đã cung cấp nhiều thông tin đắt giá cho bạn đọc về một bệnh viện hiện đại như lòng nhân dân kỳ vọng. Nghề nào cũng cần thế hệ kế thừa, riêng đối với nghề bác sĩ để nối tiếp truyền thống của gia đình là cả một quá trình gian khó, đòi hỏi sự đầu tư công phu cả về sức người lẫn sức của. Điều đáng mừng, trong ngôi nhà chung – Bệnh viện ĐKTT An Giang cũng đang sở hữu một lực lượng y, bác sĩ trẻ, rất tâm huyết với nghề qua bài viết “Chữa trái tim bằng cả trái tim” của tác giả An Di đã minh chứng về điều đó.
Nhà báo Hạnh Phúc với tác phẩm “Tân Châu: nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, theo hướng dịch vụ công nghệ cao” đó là mục tiêu phấn đấu theo mô hình bệnh viện thông minh mà các bệnh viện đa khoa cả nước đang hướng đến. Ngoài những bài bút ký có sức nặng, nhiều gương tốt, việc tốt ngành y như hộ lý, lao công… cũng được các văn nghệ sĩ quan tâm, ghi nhận những đóng góp thầm lặng của họ. Tuy mỗi người mỗi nhiệm vụ khác nhau, dù trong trọng trách lớn lao hay nhiệm vụ bình thường, ở họ đều có điểm xuất phát chung – đặt nhiệm vụ làm trọng: chung tay chăm lo sức khỏe cho cộng đồng. Như bài thơ: “Nhưng chị lao công trong bệnh viện” – tác giả Trương Kỉnh Nhơn; “Ca trực đêm giao thừa” – tác giả Mỹ Hằng; “Trong phòng sanh” – tác giả Cao Lê Hồng Rạng. Khi gấp lại trang cuối, rất có thể bạn sẽ không quên những dòng thơ thao thức của Nhà thơ Lâm Long Hồ với tên gọi “Ghi ở bệnh viện” đâu đó lời thơ như an ủi, như vỗ về khi đứng trước cuộc chia ly giữa sự sống và cái chết, dù biết quy luật của tạo hóa có sinh có diệt. Nhưng khi phải đối mặt với nỗi đau vĩnh biệt ấy bản thân mỗi người cũng phải kiên cường, mạnh mẽ lên để sống tiếp cho người ra đi được nhẹ nhàng “ai trong đời rồi cũng sẽ trải qua/ nên em đừng khóc/ khi không thể nhóm lên hơi thở/ từ tro tàn đã tắt/cũng đừng buồn/vì điều đó có nghĩa là anh đã dứt đau thương”. Dù ở phố thị nhộn nhịp, tiện nghi hay vùng biên thiếu thốn, xa xôi, chân dung người thầy thuốc vẫn được khắc họa rất rõ nét – một tinh thần luôn lạc quan, yêu nghề và đậm chất lính: “Em về rồi/mà mắt nhìn gửi lại…/Màu áo xanh chưa bao giờ đẹp lạ như hôm nay/ Anh khẽ bảo vì anh là bác sĩ quân y/Mà cũng là lính biên phòng” – “Có một màu xanh đặc biệt…” tác giả Huỳnh Thị Nương.
Hòa chung niềm vui nhân ngày Kỷ niệm 70 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2025) – Nghề của lòng nhân ái. Vừa đọc truyện, bạn có thể cảm thơ và chiêm ngưỡng các tác phẩm ảnh nghệ thuật qua góc máy điệu nghệ của các nhiếp ảnh gia: Nguyễn Nhậm; Huỳnh Phúc Hậu; Huỳnh Thanh Hùng; Nguyễn Văn Hảo. Tác phẩm ảnh đã gửi gắm nhiều thông điệp tốt lành về ngành y tế An Giang đã có sự vươn mình và phát triển trên diện rộng, không chỉ ở tuyến tỉnh mà còn phủ sóng tới các địa phương huyện, thị xã, vùng biên giới.
Ở chuyên mục Sáng tác văn học, tôi rất ấn tượng cốt truyện “có ai từ Nam sang” của Nhà văn Trương Thị Thanh Hiền. Đọc đi, đọc lại đôi lần, lần đọc sau lại càng thấm. Chị có lối viết nhã nhặn, chậm rãi nhưng giàu sức cuốn hút kỳ lạ. Với vốn sống và kiến thức chuyên môn về ngành y, chị đã đặt hết tình cảm của mình gửi gắm vào nhân vật Trần Việt Nhân – một thầy thuốc trẻ tuổi, có tài y thuật, theo cha chăm lo sức khỏe cho các vương tôn, công tử, vương phi, hoàng thượng trong triều, được vua Minh rất mực tin tưởng. Tình tiết truyện giàu kịch tính xoay quanh nhân vật Tuệ Tĩnh. Đó là nỗi lòng trắc ẩn của một vị thiền sư mang thân là người được nhà vua phương Nam “tiến cống” để đổi lấy hòa bình cho lê dân, bá tánh. Khi kế hoạch sắp thành, giả làm người thầy thuốc bất tài với hy vọng làm cho vua Minh thất vọng mà trả về cố quốc, chỉ qua một đêm nay nữa ngài sẽ được toại nguyện. Nhưng cục diện đã thay đổi, khi đứng trước sự lựa chọn, giữa cứu người và giấc mộng hồi hương, thiền sư Tuệ Tĩnh đã có những giây phút giằng xé nội tâm dữ dội. Trong thời khắc đó, hoàng cung cũng chìm trong không khí ảm đạm, rồi đầy vua Minh sẽ mất đi người vợ, hoàng tử sẽ mất đi người mẹ… vì chứng bệnh vương phi mắc phải là bệnh hậu sản: “bệnh kính – mười người mắc mười người không qua khỏi”. Nhưng với ngài Tuệ Tĩnh, “bệnh kính – mười người mắc chỉ có chín người không qua khỏi”. Và nói đúng như thần y, đêm đó thiền sư đã tìm đến hoàng cung xin được chữa bệnh cho vương phi và vương phi đã được cứu sống. Vua Minh không trả ông về cố quốc, trái lại còn ban thưởng, sắc phong cho ông là “thần y”. Đồng nghĩa với việc ông phải tiếp tục ở lại đem tài y thuật của mình phục vụ cho thần, dân phương Bắc. Cuối truyện là những giọt nước mắt của một vị thiền sư đĩnh đạc, khóc vì nỗi nhớ quê nhà. Không phải khóc vì hối hận đã cứu người. Ông đã làm đúng y đức của một người hành nghề y, dù phải bị lưu danh là người vong quốc.
Một cốt truyện khác, nhân vật chính cũng có kết cục thật bi đát, để lại nhiều tiếc nuối trong lòng độc giả. Truyện kể về mối tình thơ mộng của cô gái điều dưỡng có người chồng tương lai là một bác sĩ trẻ tài hoa nhưng lại ra đi đột ngột vì tai nạn giao thông. Anh đã bỏ lại một khoảng trời tươi đẹp, một người vợ đẹp chưa cưới và một cuộc sống sung túc bên những người thân. Anh đã phải nằm xuống trong sự đau xót tột cùng của gia đình, người yêu. Những đồng nghiệp, đồng chí của anh là các y, bác sĩ chỉ biết ngậm ngùi khi lực bất tòng tâm không thể cứu lấy anh bởi con vi trùng đường mạch giao thông quái ác qua bài viết “Vi trùng đường huyết mạch” của Nhà văn Vũ Đức Nghĩa. Truyện mang thông điệp khuyến cáo mọi người hãy tuân thủ và chấp hành Luật giao thông, ứng xử văn hóa khi tham gia và tham gia giao thông an toàn.
Đi bên những câu chuyện gửi gắm nhiều thông điệp giá trị, là chuyên mục Âm nhạc – Ca cổ. Các bài thơ được phổ nhạc bằng giai điệu trầm bổng, mượt mà mà không kém phần sâu lắng. Với những ca từ giản dị, mộc mạc nhưng chứa chan lòng biết ơn, sự tri ân của các nhạc sĩ, soạn giả dành cho những thiên thần áo trắng. Được thể hiện qua các nhạc phẩm “Giấc mơ Blouse trắng – nhạc sĩ Đoàn Giang “Mừng ngày thầy thuốc Việt Nam” của Nhạc sĩ Nhật Thu và nhạc phẩm “Cảm ơn em, thiên thần áo trắng” của Nhạc sĩ Mộng Hải. Hay các sáng tác vọng cổ “Những đóa hoa trong ngần” của soạn giả Đoàn Phước Lộc; “Những trái tim không lỗi nhịp” của soạn giả Trần Kim Hằng.
Một lần nữa trân trọng gửi lời tri ân đến các thầy thuốc, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên ngành Y thật nhiều sức khỏe, thật chân cứng đá mềm tiếp tục công tác chăm lo sức khỏe cho cộng đồng, xứng đáng với lòng tin yêu, sự kỳ vọng của nhân dân và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm như lời Bác Hồ khen tặng “Lương y như từ mẫu”.
Mời quý độc giả đón đọc số tạp chí tháng 2 “Kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2025)”. Trân trọng mời quý cộng tác viên tiếp tục cộng tác, bài cộng tác gửi về địa chỉ gmail: tapchithatson@gmail.com.
Huỳnh Thị Nương