Hầm bí mật che giấu cán bộ ở Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến – một kỳ công sáng tạo của chiến tranh nhân dân
Hầm bí mật, có thể hiểu là một loại hầm được đào ngầm sâu dưới đất, kích thước các chiều ít chênh lệch nhau, thường có nắp, có tác dụng phòng tránh che giấu lực lượng, cất giấu phương tiện vật chất…giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ nên nhân dân và lực lượng vũ trang thường dùng để bám trụ lâu dài và hoạt động trong lòng địch.
Hầm bí mật trong thời kỳ kháng chiến của nhân dân dân ta rất phong phú, đa dạng, trong phạm vi bài viết này chỉ xin được đề cập đến một số loại hầm bí mật và kỹ thuật đào để che giấu cán bộ ở nông thôn Nam Bộ.
Hoàn cảnh ra đời
Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 bị thực dân Pháp đàn áp man rợ, nhiều chiến sĩ cộng sản bị tù đày, hoặc hy sinh. Số cán bộ còn lại bị truy bắt nên phải trải qua bao cơ cực, kiên trì bám quần chúng cốt cán để gầy dựng lại cơ sở, tự động công tác tìm bắt liên lạc với cấp trên.
Mặc dầu phải trốn tránh nhưng anh em lại không thể đến địa phương khác vì tai mắt kẻ địch đầy rẫy luôn soi mói dòm ngó những người lạ mặt. Cũng không thể hoạt động trên mặt đất vì bất trắc có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào.
Do đó, hầm bí mật ra đời từ đấy.
Từ hầm ếch trong thời kỳ chống Pháp ở Nam Bộ….
Thuở ấy, đất rộng người thưa, mỗi gia đình, mỗi họ tộc xây dựng nhà cửa trên một vuông đất thổ cư tương đối rộng rãi, đất trống xung quanh dùng để canh tác hoa màu và ngoài ra còn có một khoảng “rừng nhà”. Trong quần thể làng lại có “rừng đình lại “rừng miếu, rừng hoang” rậm rạp âm u, hẻo lánh, người thưa. Đó chính là nơi lý tưởng để đào hầm ếch (mô phỏng theo hầm ếch ở ruộng).
Thoạt tiên, hầm ếch chỉ là một lỗ khoét thẳng đứng xuống lòng đất, miệng lỗ nhỏ với độ sâu đủ thân người ngồi khuất đầu. Nắp hầm đơn giản, chỉ bằng hai miếng gỗ ghép lại, dán bằng mủ cao su, còn sơ sài.
Tuy không có số liệu đầy đủ, nhưng có một điều chắc chắn là hầm ếch đã góp phần bảo vệ sinh mạng nhiều người để rồi sau năm 1945, chính họ trở thành hạt nhân lãnh đạo xã, ấp.
…Đến hầm ếch biến thể….
Năm 1946, 1947 là những năm hình thành và phát triển hầm bí mật, lthời cao điểm phát huy sáng kiến đào hầm bí mật để tự vệ, nhất là ở Củ Chi.
Thoạt tiên, người ta thận trọng kéo những dây mây, dây chiều đừng cho gẫy giập, chừa một khoảng trống vừa đủ rồi đào một hầm hình bầu dục rộng khoảng 2-3 mét. Đất đào lên phải gánh đi giấu kín, chú ý đường đi không giẩm thành lối mòn. Khi đào đủ sâu, đủ rộng thì dùng cây tre hay tầm vông gác lên trên, lấp đất lại làm thành trần hầm mỏng manh, dày không đến 3 tấc, và khoét một lổ thông hơi sát bên cạnh. Sau đó, ngụy trang lại như cũ, sắp xếp dây mây, dây chiều lên cho tự nhiên.
Hầm tuy được làm hết sức thô sơ, không khác gì một hầm ếch biến thể, song cũng đã sử dụng có hiệu quả, vì không có ai bị giặc bắt bớ nữa.
Tuy vậy, cũng có nhiều nhược điểm :
– Phải có người nhà đậy nắp và nghi trang giùm khi có giặc.
– Từ lúc giặc đến, đến khi chúng rút đi phải nằm im dưới hầm, cắt đứt liên lạc với bên trên. Đôi khi thời gian này kéo dài gây nhiều ức chế tâm lý.
– Tuy bên trên đã vắng lặng cũng không dám tự ý chui lên. Phải chờ đến khi chắc chắn giặc rút đi hết, người nhà mới gọi trở về với cuộc sống đời thường.
– Nắp hầm khá mong manh, nằm dưới hầm vẫn nghe rõ tiếng hò hét của giặc, gây sự căng thẳng tột độ.
Chính vì vậy mà hầm liên tục được cải tiến, từ đó cho đến năm 1950, khi giặc tập trung hòng cô lập lực lượng kháng chiến với quần chúng thì hầm bí mật đã có những thay đổi đáng kể.
Từ những năm 1950 cho đến Đồng Khởi 1959-1960, phong trào đào hầm bí mật nuôi chứa cán bộ và lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ ở cả Nam Bộ.
Từ các hình thức hầm cải tiến….
Hầm kiểu mới phát triển theo chiều dài, dọc theo hàng rào, lũy tre, chiều ngang hẹp đỡ tốn công đào song lại khó xoay sở nếu bị địch khám phá.
Đầu tiên, người ta đào một cái giếng nhỏ sâu xuống, sau đó, ngồi dưới đáy hầm dùng cuốc khoét dần ra theo hướng đã định. Đất đào được cho vào ky kéo lên mặt đất.
Trần hầm có hình mái vòm cách mặt đất ít nhất là 0,8 m ở vùng đất thấp hoặc hơn 1m đối với vùng đất cao. Đường hầm càng dài phải mở nhiều miệng giếng. Khi đã đạt yêu cầu, người ta gác cây lên miệng giếng bằng với độ sâu của vòm hầm rồi lấp đất lại.
Miệng hầm là điểm then chốt quan trọng nhất. Nó rất đa dạng, nhiều kiểu, là cả một kỳ công sáng tạo và tinh vi.
Có thể liệt kê ở đây vài kiểu điển hình :
Nắp hầm ở ngay trên mặt đất bằng phẳng, sát bên hàng rào hay trong vườn nhà.

Người ta đóng một hộc vuông bằng gỗ vừa sít với miệng hầm, bỏ đất vào trong rồi trồng vài loại cây cỏ cho tự nhiên. Hộc gỗ được gắn với miệng hầm bằng bản lề, khi sử dụng chỉ cần mở lên rồi sập xuống là vừa khít miệng hầm.
Nắp hầm ở giũa bụi tre làm ranh giới thổ cư của các gia đình ở nông thôn.
Những hàng rào tre đó tồn tại từ đời này sang đời nọ. Đây là loại tre gai dày đặc và khá rậm rạp. Hầm được đào dọc theo các bờ tre và trổ miệng lên bụi tre thích hợp nhất.
Người ta trèo lên cao, cẩn thận giữ cho bên ngoài bụi tre vẫn còn nguyên dáng tự nhiên, rồi leo vào giữ chặt tre, dọn trống từ trên cao xuống một khoảng rộng vừa đủ thân người. Bậc thang xuống chính là các nhánh tre, khi dọn sạch đến gốc thì trổ miệng. Ở dưới hầm định hướng khoét lên, trên mặt đất đào xuống tới khi trên dưới gặp nhau.
Khi xuống hầm bắt buộc phải trèo lên bụi tre, khéo léo sao cho dù sử dụng nhiều lần cũng không thành dấu mòn và phải đủ thời gian cần thiết cho mọi thành viên xuống hầm.
Kiểu miệng hầm này khá lý tưởng, dù cho giặc tới thật hay bị “xộ”, người xuống cuối cùng chỉ cần ngồi gác miệng (giữa bụi tre) cũng rất an toàn, có thể nghe ngóng để biết được diễn tiến xung quanh.
Về lỗ thông hơi, hầm bí mật chật hẹp, thiếu không khí nên phải có lổ thông hơi để bảo vệ cán bộ. Lổ thông hơi được khoét từ dưới lên như hình loa kèn, đến một mức độ nào đó mới có thể dùng cây vạt nhọn xuyên thủng mặt đất, cho ánh sáng và không khí lọt vào bên trong hầm.
Thông thường lỗ thông hơi nằm nghiêng so với mặt đất, góc nghiêng càng lớn càng tốt. Bởi vì độ nghiêng lớn hút gió tốt hơn, lượng oxy trao đổi vào lòng hầm nhiều hơn, cho ta cảm giác thông thoáng dễ thở, nhất là những vùng ẩm ướt, không khí trong hầm rất “nặng” dễ gây ngộp thở. Miệng lỗ thông hơi phải được ngụy trang khéo léo: có khi trổ ra một bụi tre, bụi tầm vông, có khi là một gốc cây hoặc một ụ gò mối. Điều quan trọng là tất cả vật ngụy trang đều phải hợp với cảnh vật xung quanh.
Về công cụ đào hầm, chỉ bằng phương pháp thủ công với hai vật dụng chính là cây cuốc và cái ky. Cây cuốc, cán không được dài vì đào vào trong sẽ vướng, lưỡi cuốc hơi mòn hay ngắn càng tốt. Có khi dùng cả xẻng của lính Mỹ (loại xẻng ngắn có bộ phận điều chỉnh để khi cần có thể gập lại thành cuốc, lưỡi sắc và lớn khi đào rất tốt).
Cái ky đan bằng tre, trúc, tầm vông, ngang khoảng 50cm, dài 60cm, giống như cái máng xúc đất rất gọn, nhẹ để lọt qua miệng hầm và luồn sâu trong lòng hầm xúc đất đưa ra. Mỗi ky đất không nhiều, chỉ khoảng trên dưới 10 kg vừa sức với người nâng từ dưới hầm chuyền nhau đổ lên mặt đất. Khi xuống sâu có thể dùng dây buộc vào quai ky để kéo lên.
Về thời gian đào, điều quan trọng nhất là chọn vị trí kín đáo, xa nhà, hiểm trở. Việc khởi công thường vào ban đêm, chỉ một người âm thầm đào để tự sử dụng chứ không một ai hay biết, kể cả không cho người khác biết khi có địch mình trốn tránh bằng cách nào.
Về lực lượng đào, trong mỗi gia đình, cứ hai ba người gồm cha, mẹ, con, anh em hợp sức nhau đào một hầm. Khi đã chọn được điểm thích hợp thì khẩn trrương làm để công trình được hoàn thành sớm nhất. Đào được một hầm cũng mất 2-3 ngày, thậm chí 4-5 ngày.
Về xử lý khối lượng đất được moi lên, tùy theo địa hình, thời tiết, tình hình địch… mà người dân sáng tạo ra nhiều cách “phi tang” đất như sau :
-Ép đất trong lòng hầm ở những nơi có mạch đất hở, rể cây mục, hang côn trùng hòa hợp với mùn đất.
-Đưa đất đi xa khỏi khu vục hầm .
-Đấp đất thành những đống như tổ mối, nhất là ở những khu đất rẫy có nhiều tổ mối ùn lên cao.. Lúc đầu, đất còn mới không giống tổ mối, người ta dùng đất cũ rải lên và sau một thời gian mưa, nắng thì khó phân biệt tổ mối thật hay giả.
– Đêm đào hầm, sáng sớm mang đất ra ruộng đổ, sau đó cho bò bừa ruộng để xóa đi dấu vết hoặc đổ tràn lan trên mặt đất rồi dùng cày bừa trang bằng, trồng hoa màu, cây cối lên trên, hoặc đánh thành luống.
-Những nơi gần sông thì đem đất đổ xuống đó.
Hầm bí mật cũng được phân ra nhiều cấp độ khác nhau, mỗi hầm lớn có thể ở được sáu người, hầm nhỏ ở được hai người. Hầm của ai, người đó ở, người này không biết của người kia, dù cán bộ đã rời khỏi địa bàn rồi thì cũng không được để cho những đồng chí còn lại biết.
…..Đến hầm nổi, hầm cá trê, hầm lu ở Tây Nam Bộ
Miền Tây Nam Bộ quanh năm có nước ngập, mưa nhiều, đào hầm bí mật luôn ngập nước, nên không thể nào thiết kế những địa đạo như ở miền Đông Nam bộ. Nhưng ở miền Tây vẫn có rất nhiều loại hầm bí mật và những căn hầm đó đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sinh mệnh của hàng nghìn, hàng chục nghìn chiến sĩ, kể cả những cán bộ lãnh đạo cao cấp.
Do đó, đồng bào đã sáng tạo ra nhiều loại hầm bí mật khác nhau :
-Hầm nổi, tức là đấp đất lên cao thành liếp, coi như đất trồng cây. Trong liếp đó đặt những hầm kéo dài, gọi là hầm cá trê.
Khi xuống hầm, phải lặn xuống nước, cửa vào thường có bèo lục bình để quân đối phương đi qua không thầy dâu vết do nước đục gây ra. Sau khi lặn vào cửa, chui lên thì vào đến hầm.
-Hầm lu là loại hầm được làm bằng những chiếc lu đựng nước nhưng chế tạo đặc biệt, có lỗ thông hơi để chôn xuống đất. Như vậy, nước không thấm vào . Mỗi hầm lu có thể chưa được hai người sau khi đậy nắp. Ở hầm lu tuy không thấm nước nhưng vô cùng cơ cực vì rất ngạt thở. Ngồi trong đó quá lâu có thể bị ngất xỉu vì thiếu không khí. Do đó, phải có một loại thuốc đặc biệt để chống ngất xỉu, do Ban Kinh tài Trung ương Cục nhập qua đường Campuchia, cung cấp cho các chiến khu.

Hình thức ẩn náu của cán bộ chiến sĩ ở miền Tây Nam bộ quả thật là muôn hình vạn trạng. Không có hầm, không có lu thì làm nhà hai vách, tủ hai ngăn để nép mình trong đó. Nhiều cán bộ vượt qua nhiều tình huống hiểm nghèo chính là nhờ hình thức này.
Những ký ức khó quên
Đối với những cán bộ từng “bám dân, bám làng”, những ngày nằm hầm bí mật là ký ức khó quên. Không ít lần, nằm hầm bí mật vừa là cuộc đấu trí, đấu lực với kẻ thù, vừa là một trận chiến quyết liệt và căng thẳng với bản thân vì thiếu dưỡng khí để thở và đối mặt với nhiều khó khăn khác.
Bà Năm Việt, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long kể lại : “Tôi là cán bộ cấp Tỉnh ủy thường được dành cho một chiếc hầm lu, lại là phụ nữ, tránh bị ướt hết quần áo. Thường những lúc chạy giặc thì có một đồng chí cần vụ đi theo tôi, vừa để bảo vệ, vừa để mang đồ đạc. Khi xuống hầm, hai chị em đều xuống, tôi là phụ nữ gầy yếu, nên tôi có thể chịu đựng được lâu hơn. Chú cần vụ ngồi trong hầm chỉ mấy tiếng sau là ngất xỉu. Tôi phải nhét thuốc vào miệng chú đó để cứu sống và chờ đợi đến lúc lên mặt đất.”[1]
Nguyên Bí thư Khu ủy Miền Tây Võ văn Kiệt kể lại : “Tôi cũng đã nhiều lần xuống hầm lu. Thật khủng khiếp. Vì tôi là nam giới, có sức khỏe, do thở nhiều nên càng khó chịu. Xuống hầm lu, người càng gầy, càng yếu, càng đỡ khó chịu. Người càng khỏe càng chóng ngất xỉu. Tôi xuống đó khi địch càn qua, nghe tiếng chân và tiếng súng biết là đã đi qua mà mãi không thấy bà chủ mở hầm. Tôi sắp ngất đến nơi, phải rút súng và lựu đạn sẳn sàng để mở nắp hầm vì không thể chịu đựng được nữa. Mở ra thì không thấy địch đâu, thấy bà chủ đang pha cà phê sữa cho tôi. Tôi mở tung nắp hầm ra kêu : “Trời ơi, chị Hai. Chị thương tôi bằng cách đó thì tôi chết luôn rồi.”[2]
Trên bước đường công tác, hơn ai hết những cán bộ lãnh đạo càng mang nặng ơn sâu nghĩa nặng của đồng bào.
Hơn nửa thế kỷ sau, ông Nguyễn Văn Chính (tên khai sinh là Cao Văn Chánh), thường được gọi thân mật là Chín Cần-nguyên Huyện ủy Cần Giuộc, Bí thư tỉnh Long An, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương Đảng vẫn nhớ như in những căn hầm bí mật đã từng che chở ông trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Đầu năm 1947, gia đình bà Lê Thị Bảy ở ấp 3 Tân Quí Tây đào hầm bí mật trong đìa để nuôi giấu cán bộ. Ông Chín Cần về xã công tác, bị giặc càn, tình thế cấp bách phải chui xuống hầm bí mật ngoài bờ ao.
Vì hầm cá trê chỉ chứa tối đa được 2 người nhưng do giặc càn quá bất ngờ, 3 đồng chí của ta cùng chui xuống một hầm. Căn hầm trở nên quá chật hẹp khi có đến 3 người trú ẩn. Thiếu không khí, người trong hầm bị ngộp nên thở rất mạnh. …”.
“Đó là lần tôi về tỉnh Chợ Lớn họp (Căn cứ Tỉnh ủy Chợ Lớn lúc bấy giờ đóng ở Vườn Thơm). Ấy là năm 1950, tôi 24 tuổi, là Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc. Khi băng qua chành lúa ở Tân Nhựt, tôi thấy lòng cồn lên nỗi thương nhớ mẹ vô kể. Mẹ tôi ở Tân Quí Tây, muốn thăm mẹ phải băng qua lộ Đông Dương (bây giờ là quốc lộ 1). Việc băng qua con lộ trong tình cảnh giặc đang đóng đồn bót dày đặc, càn quét liên miên ở khu vực này quả là điều nguy hiểm. Nhưng tôi không thể cưỡng lại nỗi nhớ mẹ… Vậy là tôi nói với anh Lưu Sĩ Biểu, lúc bấy giờ là Phó Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc: “Cho phép tôi về nhà thăm mẹ một chút. Chờ tôi ở quán Bảy Xứng”. Anh Biểu gật đầu. Chỉ đợi có thế, tôi chạy băng qua cánh đồng. Về đến nhà đã 7 giờ tối. Mẹ tôi như có linh tính báo trước, chạy ra đón tôi. Tôi gọi lớn: “Mẹ”. Nước mắt mẹ chảy tràn trên má….Mẹ móc hết tiền trong túi ra, nói vội vã: “Cầm lấy mấy đồng rồi đi lẹ lên con. Thấy con bình yên là mẹ mừng lắm rồi. Đừng có nấn ná, Tây ruồng tới liền đó”. Nghe lời mẹ, tôi vội vã chạy đi. Được một quãng, thấy mẹ vẫn còn nhìn theo… Lòng tôi thắt lại, càng nung nấu ý chí quét sạch bọn xâm lăng để được về phụng dưỡng bên mẹ…….
Tôi đến quán Bảy Xứng như đã hẹn. Đợi một lúc lâu vẫn không gặp được các đồng chí trong đoàn. Tôi thầm hiểu: Vậy là bọn Pháp vừa càn qua đây nên các đồng chí đã bọc đường đi hướng khác rồi. Tôi rời quán đi một khúc đường nữa, gặp các cô bác nông dân đang cuốc đất. Nhận ra tôi, cô bác rất mừng. Một ông già xăng xái nói: “Chú cứ ở lại, có hầm bí mật bảo vệ. Sáng hôm sau chú tìm cách liên lạc rồi đi…”. [3]
Gặp lại người xưa, ông Chín Cần xúc động nói: “Tấm lòng nhân dân, những căn hầm bí mật đã theo suốt cuộc đời tôi, nhắc nhở tôi khi có hòa bình, đừng bao giờ bội bạc, quên ơn những người đã cưu mang, che chở, nuôi nấng mình trong những tình thế hiểm nghèo nhất”. [4]
Ở Nam Bộ, người dân còn dũng cảm đào hầm ở trong vườn nhà phục vụ cho nơi làm việc của cơ quan đầu não của Đảng trong kháng chiến. Ông Nguyễn Minh Đào, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy An Giang kể về việc đào hầm ở xã Nhơn Hưng, nơi có những hầm bí mật hay “H” (theo cách gọi bí mật thời ấy) làm nơi làm việc của Văn phòng Huyện ủy Tịnh Biên, An Giang như sau :
“Văn phòng làm việc trong căn hầm bí mật dưới nền chuồng gà phía trước sân nhà về phía bên phải. Trước đó, tôi biết các cậu tôi đào hầm bí mật giữa đêm khuya, nhưng nơi nào và bao nhiêu hầm tôi không rõ, về sau mới biết ngoài căn hầm dưới nền chuồng gà, còn một hầm cá nhân trong buồng ngủ nhà Ngoại và một số hầm ngoài vườn. Một buổi tối, cậu Út nhỏ dẫn tôi xuống căn hầm dưới nền chuồng gà, căn hầm xây khá kiên cố bằng gạch vôi rộng hơn 1,5 mét vuông, kê một chiếc bàn nhỏ thấp vừa một người ngồi viết[5]…

Ảnh : Bia đá công nhận di tích lịch sử hầm bí mật Văn phòng Huyện ủy Tịnh Biên-Báo An GiangChiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về câu chuyện những căn hầm bí mật vẫn còn in dấu ấn “lòng đất-lòng dân” trên nhiều thế hệ người Việt như một khúc ca bi tráng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc .
Mẹ đào hầm, mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh.
Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc.
Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác.
Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh
Tiếng cuốc năm canh nặng tình đất nước
……
Nơi hầm tối là nơi sáng nhất
Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam “Đất quê ta mênh mông”-Thơ Dương Hương Ly-Nhạc Hoàng Hiệp
Bài hát có sức lay động lòng người, chạm đến nhiều cung bậc cảm xúc của nhiều người đã đi qua cuộc chiến. Hầm bí mật còn là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam để lại nhiều bài học về tính sáng tạo, năng động, chấp nhận hy sinh vượt qua gian khổ hiểm nguy, lòng nhẫn nại của nhân dân, về sức mạnh vô tận của nhân dân tạo nên sức mạnh Việt Nam. Biểu tượng này vẫn có giá trị thời sự cần tiếp tục trao truyền cho thế hệ mai sau trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước./.
ĐỖ THANH TRUNG
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) Ban Biên soạn Lịch sử Tây Nam bộ kháng chiến (2010), Lịch sử Tây Nam bộ kháng chiến, tập 2 1955-1969, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2010.
2) Đặng Việt Thủy (chủ biên), (2009), Hỏi-Đáp về các hang, động, địa đạo nổi tiếng ở Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội
3) Trầm Hương Ông Chín Cần và ký ức những căn hầm bí mật. Tuần báo Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (số Xuân 2017-Ngày 15-01-2017),
4) Hồ Sĩ Thành (2001), Địa đạo Củ Chi 100 câu hỏi đáp, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh
[1] Ban Biên soạn Lịch sử Tây Nam bộ kháng chiến (2010), Lịch sử Tây Nam bộ kháng chiến, tập 2 1955-1969, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2010, tr.140
[2] Sđd, tr.140
[3] Tuần báo văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh số xuân Xuân 2017, Trầm Hương, Ông Chín Cần và ký ức những căn hầm bí mật, tr.22-23
[4] Sđd,tr.23
[5] Nguyễn Minh Đào (2021)- Hồi ký-Chuyện đời tự kể