Học Bác chung tay chăm lo cho người có công với cách mạng

Chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đây là một vấn đề chính trị – xã hội của quốc gia, dân tộc. Trong những năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn quan tâm và dành những tình cảm, trách nhiệm để chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công bằng những chính sách cụ thể, thiết thực và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Điều đó thể hiện đạo lý và truyền thống “uống nước, nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam.

Thực hiện lời dạy của Bác, trong suốt 77 năm qua, công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên cả nước đã được các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả. Bằng những việc làm thiết thực như hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách; nhận chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng suốt đời… đã phần nào xoa dịu nỗi đau chiến tranh, giúp các gia đình chính sách, người có công vươn lên có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh về quan tâm tới thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là cơ sở định hướng quan trọng cho công tác chăm lo đời sống thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công giai đoạn hiện nay. Trở về năm 1946, ngay khi nước nhà vừa mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà bằng hình thức ra “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” (1), trong đó thể hiện rõ tình cảm, sự biết ơn, chia sẻ sâu sắc đối với hy sinh của các liệt sĩ.

Đặc biệt, năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với thương binh, liệt sĩ.  Ngày 27/7/1947, một cuộc mít-tinh lớn kỷ niệm ngày Thương binh toàn quốc đã diễn ra tại Đại Từ, Thái Nguyên, mở đầu cho Ngày Thương binh, liệt sĩ hằng năm. Từ đây, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân luôn coi ngày 27/7 là ngày để tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh – những người có công với cách mạng và gia đình các liệt sĩ.

Từ đó, hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công không ngừng hoàn thiện và ngày càng tốt hơn. Chính sách ưu đãi người có công đầu tiên là Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/2/1947 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành quy định về hưu bổng thương tật, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ. Từ năm 1947 đến nay, đã có hàng trăm văn bản được ban hành về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Kế thừa truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, đặc biệt thấu hiểu những hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, thương binh đối với đất nước, Hồ Chí Minh căn dặn: “Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy” (2). Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, của thế hệ đi sau đối với sự hy sinh lớn lao của thế hệ đi trước.

Phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước hết sức coi trọng việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công.

Ngày nay, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng các chính sách ưu đãi đối với người có công được triển khai rộng rãi đến các xã, phường, thôn, xóm. Chế độ trợ cấp, ưu đãi hằng tháng được điều chỉnh và đã từng bước cải thiện, ổn định đời sống người có công với cách mạng. Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc con liệt sỹ mồ côi, đi tìm hài cốt đồng đội, tu sửa, nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ… ngày càng thu hút được sự tham gia của toàn xã hội.

Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh An Giang nói chung và thành phố Long Xuyên nói riêng, công tác thực hiện chính sách đối với người có công luôn được các cấp ủy, chính quyền, địa phương, các tổ chức đoàn thể quan tâm thực hiện tốt, mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Hằng năm, vào dịp ngày lễ, Tết, ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7, thành phố đều tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà, động viên kịp thời cả vật chất, tinh thần những người có công và gia đình người có công với cách mạng. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được cụ thể hóa bằng những hoạt động phong phú, thiết thực đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, như: Tổ chức vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm, đài tưởng niệm; thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng…

Cùng với sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy, chính quyền, địa phương, các tổ chức đoàn thể và của toàn xã hội, sự nỗ lực vươn lên của bản thân, nhiều thương binh, bệnh binh, người có công đã phát huy truyền thống tốt đẹp, là tấm gương điển hình, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, giúp nhau phát triển và thành công trên nhiều lĩnh vực. Tri ân công lao to lớn của các gia đình chính sách, người có công, chúng ta cần phải tiếp tục làm nhiều hơn, tốt hơn việc chăm lo cho người có công cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó cũng chính là những hành động thiết thực tri ân những lớp người đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trần Thạnh Hữu


* Chú thích:

(1) Cuối năm 1946, báo Cứu quốc số 398 ra ngày 7/11/1946 đăng thông báo của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập, Thống nhất của nước nhà… tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sĩ và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.

(2) Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trong ngày 27/7/1947, một cuộc mít-tinh lớn kỷ niệm ngày Thương binh toàn quốc đã diễn ra tại Đại Từ, Thái Nguyên.