Khi em hai mươi
“Nếu có một gia vị làm tăng thêm hơi ấm và ý nghĩa trong cuộc sống, đó chính là tình yêu thương. Nếu có một tình cảm thiêng liêng giúp chúng ta vượt qua bao khó khăn, thử thách, đó chính là tình yêu thương”. Vì thế hãy cho đi những yêu thương…
1. Khi em hai mươi, em là một cô bé giấu nỗi buồn trong mắt biếc.
Em lần theo lan can nhà, lê lết tới lui. Lúc thấm mệt, em ngồi bất động, tay chân còng queo buông thỏng thượt. Mắt đờ đẫn, mải miết nhìn về nhánh sông đương mùa nước đổ…
Ngoài kia, hoàng hôn đã nhuộm tím lưng lửng một góc trời hiu hắt, đơn côi. Chắc là chẳng ai nhớ mong em? Người ra đi thì không đáng được tha thứ, vậy mà em cứ ngồi đó – mỗi buổi chiều mòn mỏi chờ. Em lặng lẽ khát thèm cái cảm giác ấm nồng bên gia đình. Thèm được rúc đầu vào lòng mẹ. Thèm được nghe giọng cha khề khà kể chuyện hồi nhỏ con Thư khó nuôi thế này thế nọ… Nhưng vĩnh viễn cũng không thể, ngay cả trong mơ….
Bất thình lình, Huyền vỗ vai Thư, hí hửng khoe:
Thấy áo mới đẹp hôn? Mẹ mới sắm nè…
Ừa, cũng được. Thư quay mặt đi, cất vội nỗi buồn vào trong khóe mắt.
Hai đứa cháu gái ở chung nhà, một là cháu nội, một là cháu ngoại khi thì thân như chị em ruột; khi thì hơn thua, buồn giận nhau “như chó với mèo”. Dạo gần đây, chẳng hiểu sao rõ ràng là Huyền làm sai, nhưng bà nội thể nào cũng có cớ để rầy la Thư. Để rồi sau đó bà lại dỗ dành, ngọt ngào với Thư. Bà thỏ thẻ như là muốn biết cảm xúc thật của đứa cháu tội nghiệp. Bà muốn cháu biện hộ cho bản thân cũng được, khóc lóc trách hờn gì cũng được. Chứ đừng dồn nén một mình, khổ tâm lắm. Nhưng bà nào biết rằng dẫu có chuyện gì đi nữa, Thư cũng nhất quyết không than thở, kể lể buồn thương. Phần vì Thư biết thân phận của mình. Phần vì nước mắt đã cạn khô. Mà hơn hết là vì Thư muốn bà nội được an lòng….
***
2. Khi em hai mươi, em tự thấy mình là đứa vụng về, bướng bỉnh và rất ư ngốc nghếch.
Đồ đạc mẹ gửi về, Thư chẳng hề ngó mắt đến. Vậy mà, nhỏ Huyền mừng lắm, nó bảo ai chê thì mình xài… Ừ, thì cứ tự nhiên, bao năm qua không có những thứ đó, Thư vẫn sống lê lết từng ngày được mà.
Mấy lần cha về thăm, dù gọi đến khản cổ, nhưng Thư vẫn ngồi im, đảo mắt về phía không người… Thay vì cứ đứng tần ngần, khó xử như thế, cha hãy quay về bên tổ ấm mới của cha đi, vì ở đó có những đứa con xinh đẹp, khôn ngoan và lanh lợi. Con sẽ vẫn sống như con đã từng mà…
Có phải em ngốc nghếch lắm không? Mơ ước một lần được cất tiếng gọi cha ơi, mẹ ơi thôi mà, sao khổ sở thế? Mơ ước một lần được nói ra thứ trọn vẹn, đẹp đẽ nhất trên đời này mà mình cần, đó chính là tình thương của gia đình. Nhưng Thư ngốc nghếch, vụng về lắm, chẳng thể diễn tả ý nghĩ, cũng chẳng làm được việc gì ra hồn. Đôi lúc Thư cứ nghĩ như là mình vừa câm vừa vô dụng.
Cái vô dụng cũng được gán ghép thật “đúng người”. Những thứ đổ, bể, hư hỏng trong nhà đều là do Thư cả. Hôm bữa Huyền lỡ tay làm bể cái lọ. Bà lại rầy, từng lời từ tốn: “tay chân con vụng về thì để em họ làm giúp cho, giành giật làm gì để bể cái lọ hoa của bà. Thiệt là…”. Thư cúi mặt, xoa hai bàn tay gầy gộc vào nhau, chẳng nói nửa lời thanh minh. Còn Huyền thì trốn luôn dưới bếp.
***
3. “Khi em hai mươi, chợt nhận ra rằng, em được phép trách móc cha mẹ mình đã không cho em những thứ em cần, đã không yêu em như cách mà em muốn nhưng tuyệt đối không bao giờ có thể chối bỏ những giọt mồ hôi nóng hổi của cha tảo tần, không bao giờ được phép quên những giọt nước mắt của mẹ lo lắng khi thấy con mình trong cơn sốt nằm mê man…”
Năm lên hai tuổi, trận sốt bại liệt đã cướp đi khoảng trời tuổi thơ của em. Tiếng em khóc ngằn ngặt như ai oán mỗi đêm đã “hành xác” mọi người. Ba mẹ chia tay nhau và bỏ em lại, ngoại mang em về nuôi, chừng hơn tháng sau thì ngoại cũng qua đời. Dì đem em về nuôi, rồi dì dượng làm ăn thua lỗ, phải trốn nợ, đành bỏ lại căn nhà trống hoác và đứa bé mềm nhũn, xanh xao… Ai cũng bảo số phận em đen đủi như “sao chổi” nên chẳng ai dám “rước họa vào nhà”…
Bà nội đã đón “cục nợ đời” về. Ngày ngày ẵm bồng tiểu tiện, cho ăn vỗ ngủ, cưng yêu. Có những buổi mưa dầm, nhà hết tiền mà lu gạo thì không còn một hột, nhìn đứa cháu ốm yếu ngồi cạp bắp ngon lành, nội lau vội đôi mắt đỏ hoe, tèm nhem. Còn chú sáu thì bất kể nắng mưa, đạp xe đưa cháu hơn 12 năm ròng rã đến trường. Cả chục cây số mà đến nơi chú vẫn cười tươi – nụ cười chất phác nhất trần đời. Đặt cháu ngồi vào bàn học, chú nhanh chân lầm lũi ra về. Lưng áo còn ướt đẫm mồ hôi. Một vài đứa bạn tò mò hỏi “chú ấy là cha Thư à?”. Em khẽ lắc đầu và cúi gầm mặt xuống bàn, giọt nước lăn tròn trong lòng bàn tay nhỏ thó…
Đêm về, nằm bên cạnh nội, cảm giác sợ cái ngày mà hơi ấm của nội sẽ rời bỏ em mà đi biệt. Em nghiêng người vô vách nhà, co ro và lặng lẽ khóc, ướt hết cả gối… Huyền nằm giường kế bên nghe tiếng nấc nhè nhẹ ấy. Nó chui ngay vào mùng, ti toe cười và chìa ra một cái hộp xinh xinh. Bên trong là đôi giày búp bê. Huyền nháy mắt :
– Tưởng không ai nhớ sinh nhật nên nằm khóc hả? Quà nè, để dành mai mốt chị mang đi học đại học với em nha!
Thư vẫn nằm bất động. Bà ngồi bật dậy, giục giã:
– Con lấy mang đi cho em nó vui…
Ánh mắt của Thư nhìn nội như muốn nói hết nỗi lòng. Con chưa bao giờ mang giày dép mà. Tay con không điều khiển nổi chiếc xe lăn, chân con không lê nổi đôi dép và chỉ có thế, nội đừng ép con… Bà không biết rằng nhỏ Huyền đang xạo. Đôi giày đó là mẹ Huyền mua cho nó. Nó chỉ muốn khoe giày mới nhưng lại bày trò thế thôi. Hôm nay nào phải sinh nhật Thư…
***
4. Khi hai mươi, em học cách để trưởng thành!
Bà ơi, con đã giấu mọi người nộp hồ sơ thi Đại học ngành Công nghệ thông tin rồi. Chặng đường phía trước, con sẽ học cách để trưởng thành và tự lập khi không có bà bên cạnh… Đang lay hoay lo nghĩ cho quãng đường đến giảng đường, chợt, úi, Thư cắn răng cố chịu đau. Cú trượt chân trong nhà tắm đã làm đầu Thư tứa máu. Không tự lập được thì coi như cánh cửa vào Đại học sẽ bị khóa chặt. Đã có hơn chục lần Thư té bể đầu mà giấu bà rồi?
Thư vừa mở cửa, Huyền đứng chần dần ra đó, gương mặt nhân ái chưa từng thấy.
Chị té có đau lắm không? Để em cõng chị vào.
Chị tự lết vô được mà…
Chị đừng giận em nữa, em muốn tặng giày cho chị thật mà. Chị từng ao ước mình là công chúa lọ lem để được hoàng tử ướm hài đúng không?
Thư gật đầu ý nhị.
Vậy đưa chân đây, em ướm hài cho.
Lần đầu Thư được mang hài đỏ như nàng công chúa trong truyện cổ tích. Chỉ ngày mai thôi công chúa sẽ thoát ra khỏi “vỏ ốc của chính mình”. Trước mắt Thư là giảng đường đại học đang mở rộng chào đón em. Em sẽ cố gắng học và tìm việc làm phù hợp, sẽ không vụng về nữa. Nội ơi, bà ráng chờ con mang yêu thương đền đáp bà nhé!
Huỳnh Thị Cam
(Minh họa: Quang Vinh)