Khi hai mươi tuổi
Băng Tâm rời ký túc xá lúc trời còn sáng sớm. Má Hai ngạc nhiên hỏi: “Đi đâu sớm vậy con gái?”. Giọng má trầm ấm dịu dàng, tương phản lạ lùng với thân thể đẫy đà to quá khổ của má. Băng Tâm đứng nán lại tìm câu trả lời, tự ngạc nhiên với chính mình, câu hỏi khó trả lời đến vậy sao? Cuối cùng cũng có đáp án, dù không thuyết phục lắm: “Con đi dạo”. “Chèn ơi, sớm bửng vầy mà đi dạo bây?”. Băng Tâm bật cười với câu hỏi rặt chất Nam bộ của bà mẹ người Nga chưa bao giờ biết miệt vườn Nam bộ là thế nào. Không hiểu ai đã dạy cho bà tiếng Việt rặt Nam bộ như thế. Nghe nói đó là một du học sinh sau này đã ở lại đây làm việc và thân thiết với bà đến bây giờ. Nghe bà riết rồi thành quen, đến nỗi bọn du học sinh quên mất bà là người Nga, rặt Nga, đã từng trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc bi hùng, mà tưởng bà là bà má Việt Nam. Một tình cảm ấm áp dịu dàng mỗi khi Băng Tâm ở gần bà. Tất cả những ký ức trẻ thơ sống dậy cùng với tình cảm ấy. Lần đầu tiên đặt chân đến đây, Băng Tâm cảm giác quá thân quen mà không hiểu tại sao. Những con người đôn hậu như những bà má miền Nam, những khu rừng bạch dương, những bông tuyết bay bay. Nghĩ mãi, Băng Tâm mới chợt nhớ ra những cảnh vật ấy mình đã từng biết qua những cuốn sách ba mang về. Trước mắt Băng Tâm như hiện lên bóng dáng cô gái Nga trùm khăn đỏ trong “Cây phong non trùm khăn đỏ” hay hình ảnh người thầy hì hục leo núi theo sau là đám học trò trong “Người thầy đầu tiên”. Những nhân vật ấy đã gieo vào lòng Băng Tâm những tình cảm đẹp đến nỗi những tình cảm đó còn mãi đến bây giờ cùng với những gì hiện hữu xung quanh ở Odessa cùng bà má Hai mà cuộc đời của bà còn đẹp và bi tráng hơn những nhân vật trong tiểu thuyết. Nhìn má Hai đẫy đà to lớn hôm nay, Băng Tâm không thể hình dung ra nổi qua câu chuyện má kể về cô gái mảnh mai hai mươi mấy tuổi với bím tóc duyên dáng sau lưng đã cùng với người dân Odessa chống lại sự tấn công của Đức Quốc xã và Rumani trong Thế chiến thứ hai. Băng Tâm càng không thể hình dung ra người con gái ấy đã tiễn chồng lên hạm đội Biển Đen trong cuộc rút quân đau buồn, để rồi bốn năm sau, cô đã đón chồng về trong cuộc chiến đấu cuối cùng. Odessa được giải phóng, nhưng chồng của cô đã gục ngã ngay trong ngày mong đợi ấy. Niềm vui của Odessa trở thành ngày đau buồn và tuyệt vọng nhất đời má. Má đã rải tro chồng ra biển Đen, để năm này qua năm khác, khi đến ngày Odessa kỉ niệm Ngày giải phóng, má lại đứng bên bờ biển Đen nhìn ra đại dương xanh thẫm đến nao lòng người.
– Vì sao nó tên là biển Đen mà nước biển lại xanh như thế hả má. Băng Tâm tưởng nước biển Đen phải có màu đen chứ?
– Nước biển bao giờ lại không xanh hả con. Nước biển mà đen thì con người nhìn nó chỉ có nước đâm đầu xuống đó chết thôi. Má nghe người ta giải thích, người Hy Lạp cổ xưa hay dùng màu sắc để chỉ phương hướng. Phương Bắc là màu Đen, phương Nam là màu đỏ, phương Đông là màu vàng, phương Tây là màu xanh. Biển Đen nằm ở phương Bắc nên nó có tên đó.
– A, vậy là Băng Tâm là màu vàng.
– Hả?
– Thì Băng Tâm đến từ phương Đông nên Băng Tâm là màu vàng. Băng Tâm nói nhỏ cho má biết điều này nghen, Băng Tâm thích màu vàng lắm. Nhưng Băng Tâm không cho ai biết đâu. Băng Tâm cũng không muốn để lộ cho ai biết điều ấy. Băng Tâm chỉ muốn nói điều ấy cho một nguời biết thôi. Nhưng người ấy không thích Băng Tâm và đã rời xa Băng Tâm rồi.
– Là ai?
– Là Thằng cô hồn.
– Cái tên gì mà lạ vậy? Nè, nhóc. Đi đâu thì đi, tối nay dìa dự sinh nhật của Như nghen. Má nấu món Ikra cho nó.
– Ủa. Sinh nhật của Như hả? Con có nên nói điều này cho má biết không?
– Gì.
– Hôm nay cũng là sinh nhật của con.
– Chèn ơi, sao bây hổng nói. Vậy thì càng phải dìa sớm. Má nấu thêm cho tụi bây món bò nấu nấm nghen.
Hai mươi tuổi.
Má của mình ở Việt Nam có biết ngày này là ngày mình hai mươi tuổi không? Nhìn má Hai, tự nhiên mình nhớ má của mình. Những người mẹ đã sống qua chiến tranh và trở thành vĩ đại. Má Hai sống trong vùng tạm chiếm có bốn năm thôi, còn má mình cùng với những người dân miền Nam sống đăng đẳng từ năm này qua năm khác. Má cũng đã sinh mình trong chiến tranh, trong một cuộc chạy loạn mà rất nhiều người đã chết. Có rất nhiều cái chết để sinh ra một sự sống. Cuộc sống của mình đã được giật giành từ cái chết để rồi phải chịu lời nguyền hai mươi năm sau cát bụi trở về cát bụi. Ông trời tạo ra một Băng Tâm tồn tại ngắn ngủi hai mươi năm có ý nghĩa gì? Để dệt những ân tình, với má với ba, với má Hai, với Như, với “Thằng cô hồn”… để kiếp sau có duyên nghiệp tương phùng?
Băng Tâm rảo bước dọc đại lộ Primorky, dừng lại chiêm ngưỡng tượng Rechelieu Duke, người sáng lập ra Odessa. Băng Tâm đứng nhỏ nhoi trước nhà Hội đồng thành phố, tinh hoa kiến trúc của Odessa, đồ sộ trang nghiêm với quảng trường vây quanh, có tượng Puskin. Nhìn bức tượng tạc người đàn ông thanh mảnh nho nhã, trong đầu Băng Tâm vang lên những câu thơ mà ông đã viết về Odessa, nơi ông sống một năm lưu đày:
Mọi tiếng ồn đều im bặt nơi đây
Tôi chỉ nghe tiếng hát của biển Đen
Có nghĩa là tôi đang sống ở Odessa…
Một tài hoa như thế rốt cùng cũng chết vì tình.
Trước nhà hát hoành tráng và đồ sộ như một cung điện, Băng Tâm nhớ như in cảm giác choáng ngợp khi lần đầu tiên bước vào đây. Má Hai đẫy đà đi giữa, hai tay nắm hai bên hai đứa là Băng Tâm và Như, đi theo sau là Trâm, nắm chặt đến nỗi mấy ngày sau tay Băng Tâm còn đau. Ban đêm, tòa cung điện nguy nga hình bán nguyệt theo kiểu La Mã cổ này tỏa sáng lấp lánh như viên kim cương khổng lồ. Má Hai đã lôi ba đứa quê mùa ngơ ngác nhìn xung quanh vào đó, ấn xuống chiếc ghế ngồi mà Băng Tâm ngỡ mình bị rơi vào một đống lông thiên nga nào đó. Một cô gái từ sông nước miền Tây, tai quen nghe những câu vọng cổ mùi mẫn lâm li, không làm sao hiểu được những âm thanh bác học trên đó. Tuy không hiểu nhiều nhưng Băng Tâm và Như vẫn mê mẩn Carmen trên sân khấu. Băng Tâm đã quen biết Carmen từ lâu, trong những trang sách, từ những buổi trưa nồng đong đưa trên chiếc võng nơi căn gác của mình, lòng cảm khái ngưỡng mộ vô biên trước niềm kiêu hãnh của nàng Carmen hừng hực như ngọn núi lửa. Lần đầu tiên gặp Như, Băng Tâm đã nghĩ ngay đến Carmen. Như tròn lẳn, môi má đều một màu hồng, mắt lấp lánh như những vì sao, miệng líu lo như chim sáo. Băng Tâm xa cách lạnh lùng, mọi tình cảm mọi ý nghĩ đều giấu kín trong lòng, không thể nào nghĩ ra có ngày mình và Như, hai tính cách đối lập như thế, sẽ như hai chị em ruột thịt. Anh hùng gặp nhau trên chiến trường, hai người bạn tâm giao sau này đã gặp nhau trong một sòng bài. Đó là một buổi đi dã ngoại. Bọn con trai xúm nhau chơi bài tiến lên. Không hiểu làm sao mà Như và Băng Tâm đã chen được vào đó. Như cầm bài còn Băng Tâm làm quân sư. Bọn con trai khinh thường “tài năng” hai đứa con gái chỉ cần qua vài bàn đã bắt đầu thay đổi thái độ. Những đứa đứng chầu rìa cũng bắt đầu hào hứng la hét cổ vũ cho Như và Băng Tâm, mà đến những phút cuối có thêm Trâm tham gia, sau này cả ba đã tạo thành “Tam cô nương” đầy ấn tượng, chuyên làm thơ trêu chọc mọi người.
Lững thững đi ngang qua cầu Mother-in-law nối giữa hai đại lộ Primorsky và Zhvanetsky. Có người gọi đúng tên là cầu Mẹ Vợ mà không hiểu tại sao gọi là Mẹ Vợ, có lẽ muốn có được vợ thì phải lấy lòng mẹ vợ chăng, nhưng đa số bọn trẻ gọi là cầu Tình Yêu. “Tam cô nương” vẫn thường đi qua cầu này rồi đi ngược lại, tinh nghịch lúc lắc những cái ổ khóa do các cặp tình nhân treo lại ở hai bên thành cầu.
– Như ơi, có thằng nào khóa mày lại chưa?
– Băng Tâm ơi, cái ổ khóa này bằng vàng nè. Nhưng mày phải chờ ổ khóa bằng kim cương nghen.
– Kim cương là gì? Cũng chỉ là Carbon thôi.
Bây giờ Băng Tâm cũng đang đi trên cầu, tay cũng mân mê từng ổ khóa. Băng Tâm chợt mỉm cười khi nhớ cảnh ba đứa con gái đùa nghịch ồn ào trên thành cầu khiến rất nhiều người đứng lại nhìn. Băng Tâm còn nhớ cả ý nghĩ của mình khi ấy khi Trâm nói hãy chờ ổ khóa bằng kim cương. Băng Tâm nghĩ gì khi ấy? Đã đưa tâm hồn mình bay trên nghìn trùng con sóng biển, bay trên chập chùng ức triệu những vì sao, những đám mây vượt qua vạn dặm đường, vạn dặm trời về với Cổng tam quan Châu Đốc. Chiếc cổng cổ kính màu xanh luôn là hình ảnh vẫy gọi Băng Tâm quay về. Băng Tâm đã chạy băng băng trên con đường dẫn vào nội ô Châu Đốc, con đường với hai hàng phượng non mới trồng ngày ấy giờ chắc đã trổ bông đỏ rực. Băng Tâm đã đi qua ngôi nhà của mình, quẹo qua một ngã tư để đến với một ngã tư khác. Nơi ấy có một ngôi nhà xây kiểu Pháp với hàng đống sắt ngổn ngang. Đã bao lần Băng Tâm đi ngang qua căn nhà đó là bao lần Băng Tâm liếc nhìn vào đó. Căn nhà hun hút dài, hun hút bóng tối. Hun hút bóng tối nhưng tràn đầy ánh sáng trong lòng Băng Tâm khi nghĩ rằng nơi ấy có “Thằng cô hồn” đang sống. “Thằng cô hồn” cao to, tóc dợn sóng bồng bềnh, mắt một mí nheo nheo như không thèm nhìn thẳng vào ai, đôi môi đầy đặn trề trề làm ra vẻ mỉa mai, phớt đời, khinh bạc. Thằng cô hồn là trung tâm của tiếng cười vui. Ngày nào cũng như ngày ấy, trời vừa sập tối, cả đám lại kéo nhau đến nhà cô giáo. Cô giáo hai mươi bốn tuổi, dạy toán, mà tình cảm như một nhà thơ. Mỗi sáng thức dậy, Băng Tâm lại mong sao một ngày trôi qua để trời sập tối, để “Thằng cô hồn” cùng đám bạn xuất hiện ở ngã tư đường réo gọi: “Băng Tâm ơi Băng Tâm hời”, để rồi từ đó, tiếng cười vang lên trên suốt quãng đường đến nhà cô giáo, vang lên suốt cả quãng đường từ nhà cô về nhà Băng Tâm, vang trong cả giấc mơ của Băng Tâm.
Khi để tâm hồn mình bay từ cầu Tình yêu ở Odessa về đến tận ngôi nhà của “Thằng cô hồn”, là khi Băng Tâm mở trái tim mình ra thầm thì với biển Đen rằng Băng Tâm không mong chiếc ổ khóa tình yêu bằng kim cương đâu. “Thằng cô hồn” đang ngồi đập sắt giữa sân nhà ngổn ngang sắt vụn kia cũng không hề muốn khóa Băng Tâm bằng ổ khóa bằng đồng, bằng sắt hay bằng kim cương. Băng Tâm đã tự khóa mình bằng con đường kỉ niệm từ Châu Đốc vào núi Sam mà hai đứa trẻ đã chở nhau. Thằng con trai cao to ngồi trước che khuất hết cô bé con gầy gò yếu đuối sau lưng. Băng Tâm đã tự khóa mình bằng những xâu chuỗi hạt cam thảo mà “Thằng cô hồn” đã nhặt trên núi Sam, trên phiến Thạch Vân hay sau lưng am bà Cốc.
Miên man trong vùng hồi ức, Băng Tâm đã đứng trên đầu cầu thang Potemkin lúc nào không hay. Băng Tâm cởi giày ra, để bàn chân mình chạm lên những phiến đá granite màu hồng xám. Băng Tâm cảm thấy lòng mình rộn lên một cảm xúc lạ kỳ khi bàn chân tiếp xúc với từng viên đá mát lạnh. Một tình cảm nhớ thương da diết ùa về khi trong đầu thoáng nghĩ đến những bậc thang trên đường lên đỉnh núi Sam xưa, lên phiến đá Thạch Vân kỉ niệm.
Băng Tâm chầm chậm đi xuống cầu thang Potemkin, đếm đủ 192 bậc thang. Băng Tâm ngước nhìn lên cầu thang, nó cao lớn hùng vĩ như một kim tự tháp. Băng Tâm lại leo lên. Không như những bậc thang cao ở núi Sam, những bậc thang ở đây rất thấp nên khi leo lên có cảm giác như đi bộ trên đường phẳng. Vì vậy mà suốt thời gian ở Odessa, Băng Tâm thường chạy ra đây, bỏ giày trên đỉnh, chạy ào xuống rồi lại leo lên, mặc thiên hạ không ai hiểu nổi cô gái Việt Nam này đang làm điều gì. Họ làm sao hiểu cảm giác của Băng Tâm, nỗi hoài nhớ của Băng Tâm khi đứng dưới chân cầu thang ngước nhìn lên mà tưởng tượng mình đang đứng ở lăng Thọai Ngọc Hầu nhìn miết lên đỉnh núi. Cả núi Sam rực rỡ màu hoa phượng đỏ, cũng như lúc này đây, hậu cảnh sau lưng cầu thang Potemkin trắng toát màu hoa Akatria – hoa phượng trắng, màu hoa tượng trưng của Odessa mà bọn du học sinh gọi là Miền phượng trắng. Sao Băng Tâm không thể gọi núi Sam quê mình là Miền phượng đỏ hả? Đứng trên đỉnh cầu thang Potemkin, Băng Tâm nhớ về những ngày thơ ấu, đứng trên đỉnh núi Sam nhìn xuống triền núi rực rỡ màu đỏ hoa phượng, xanh mướt màu xanh của lúa mà tưởng chừng cả thế giới này đã thu về quanh núi Sam. Truyền thuyết nói rằng quanh núi Sam xưa là biển mênh mông. Núi Sam là một hòn đảo nhô cao có nhiều con Sam đeo bám, mà bản thân núi Sam cũng có hình dáng một đôi Sam bám vào nhau. Bạn thân thương ơi, “Thằng cô hồn” thân thương ơi, chúng mình đã từng được bạn bè ví như đôi Sam khi từng chở nhau trên chiếc xe đạp ngày ấy. Chúng mình cũng từng đứng bên nhau trên đỉnh núi Sam, nhìn màu xanh của lúa mà tưởng tượng ra màu xanh của biển bao la. Tâm hồn của chúng ta như đại dương rộng mở bao la, cùng mơ về con tàu trắng vẫy vùng bốn phương. Nay Băng Tâm đang đứng đây, trước biển thật chứ không phải là trong mơ. Biển Đen trải dài trước mắt Băng Tâm. Biển Đen nhưng nước biển không đen. “Thằng cô hồn” ơi, má Hai nói, nước biển luôn luôn màu xanh. Cuộc đời vẫn là màu xanh. Có khi nào ngày mai con tàu trắng xuất hiện không? “Thằng cô hồn” đã đi đâu? Có khi nào ngày mai “Thằng cô hồn” xuất hiện trên con tàu trắng, như chàng hoàng tử đã xuất hiện trong truyện “Cánh buồm đỏ thắm”? Băng Tâm ngồi sụp xuống trên nấc cuối cùng, lấy tay bụm mặt mình như tự xấu hổ với ý nghĩ ấy. Lãng mạn. Hoang tưởng. Viễn vông.
Tiếng đàn Bayan vang lên. Không biết Sa Sa đã đến từ khi nào và đã ngồi bên cạnh Băng Tâm. Mắt mù. Nhưng ngày nào cũng lần ra được cầu thang Potemkin, đàn cho biển Đen nghe. Như hay chọc ghẹo rồi lại dạy cho tiếng Việt. Nhưng cả năm mà cậu học trò điển trai ấy chỉ nói được mỗi câu: “Mình thích các bạn Việt Nam”. Như cười ré lên nói: “Không, phải nói là mình yêu Như, chỉ một mình Như thôi. Trời, ít bữa về Việt Nam chắc Như nhớ Sa Sa chết luôn.”
Tiếng đàn bay bay. Sa Sa ơi. Hôm nay Băng Tâm nghe Sa Sa đàn là lần cuối. Ngày mai Sa Sa hãy ra đây nữa nhé, hãy đàn nữa nhé, để tiễn đưa linh hồn Băng Tâm về với Việt Nam, về với núi Sam đầy kỉ niệm. Có lần Sa Sa nói. Trước biển Sa Sa không mù. Sa Sa thấy hết. Thấy biển đẹp như thế nào. Sa Sa có thấy Băng Tâm không? Thấy chứ. Băng Tâm đẹp. Ối trời, Như lại cười ré lên. Đúng là mù. Nó ốm nhom ốm nhách mà đẹp nỗi gì Sa Sa ơi. Có mày mới mù. Người ta có khi không thể dùng mắt để nhìn mày biết không. Không nhìn bằng mắt thì nhìn bằng gì? Nhìn bằng trái tim.
Hoàng hôn. Mặt trời đỏ hực hắt muôn tia ánh vàng ánh hồng xuống mặt biển nhấp nhô sóng êm đềm. Từng con sóng dịu dàng tràn lên bờ cát trắng phau. Sa Sa. Băng Tâm về đây. Vĩnh biệt Sa sa. Sao lại là vĩnh biệt? Ừ, thì đã đến lúc vĩnh biệt rồi. Có hợp thì cũng có lúc tan. Sa Sa không thấy mây trên đầu kia sao, cứ tụ rồi tan. Sa Sa tiếp tục đàn cho biển nghe nghen.
Ở ký túc xá, bàn tiệc đang chờ Băng Tâm. Sinh nhật Như và Băng Tâm. Trời, Ngày cô hồn mà cũng có nhiều người ra đời vậy sao?
– Má Hai biết Ngày cô hồn là gì không? Theo lịch của Đông phương, hôm nay đúng là rằm tháng Bảy, là ngày cúng vong nhân. Rằm tháng Bảy cửa ngục mở ra, âm cung xóa tội vong nhân, hồn người chết ở cõi âm được về gặp người sống ở cõi dương gian.
– Trời, hai đứa mày sinh ra trong ngày này thì đúng là cô hồn rồi. Cả bọn nhao nhao cười.
– Tụi mày đúng là ếch ngồi đáy giếng. Tao chưa có nói hết. Tháng Bảy còn là tháng mưa ngâu vì Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau. Biết đâu không chừng Băng Tâm vốn là Chức Nữ đấy.
– Vậy Ngưu Lang ở đâu?
– Ngưu Lang Chức Nữ là ai? – Má Hai hỏi.
– Con kể cho má nghe nghen. Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bê việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nãi việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, cách nhau bởi dòng sông Ngân. Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên ra ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau một lần vào ngày bảy tháng Bảy. Những con quạ đã hợp lại nhau làm cầu Ô Thước bắc qua sông cho hai người gặp nhau. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành mưa Ngâu.
– Chèn ơi, Ngọc Hoàng là ai mà ác quá vậy bây? – Nghe giọng “Bà má Nam bộ” chắc lưỡi, cả bọn cười rân.
– Má ơi, ổng mà không phạt như vậy thì tụi nó tối ngày lo yêu không lo mần ăn gì cả thì chết đói cả đám. Phạt là phải rồi.
Bầu trời vằng vặc sáng. Trăng đẹp lung linh. Cố căng mắt nhìn cũng khó thấy được sông Ngân. Nhưng Băng Tâm vẫn như thấy được hai người tình nhân đang đứng hai bên bờ sông, tay giơ về phía nhau, mắt hướng về nhau. Một bi kịch đẹp mà nhân gian luôn cho nó một kết thúc sao cho vẫn còn một điều gì đó đầy hy vọng, đầy ước mơ vẫy gọi con người.
Đêm.
Băng Tâm ngồi sau lưng Như. Như ngồi trước khung vẽ. Như kết thúc nét vẽ cuối cùng. Một bức chân dung. Một người phụ nữ, không, đúng hơn là một thiếu nữ khoảng hai mươi tuổi, đẹp trong veo.
– Băng Tâm biết đây là ai không?
– Là ai?
– Là mẹ của Như.
– Hả?
Băng Tâm đã từng xem hình mẹ của Như, chụp cùng Như và em trai. Bà có nét đẹp của một người phụ nữ bốn mươi, cứng cỏi và từng trải. Khuôn mặt thiếu nữ hai mươi tuổi trong tranh như một nàng tiên với ánh mắt ngây thơ, đẹp mong manh.
– Như đã vẽ đúng mẹ từ một bức hình. Khi mẹ hai mươi tuổi, mẹ đúng là như vậy đó. Nhưng xem hình, không ai tưởng tượng nổi người trong tranh, người mới hai mươi tuổi, đã có hai đứa con và vừa mới góa chồng.
– Sao?
– Có lẽ bây giờ Băng Tâm mới biết Như không còn ba. Tại sao chúng ta sống bên nhau gần hai năm rồi mà thực sự có những điều mình không biết về nhau. Như không muốn nói về ba vì Như và Băng Tâm có hoàn cảnh khác nhau. Ba Băng Tâm là một người Cộng sản, còn ba Như đã chết trong màu áo của người đối lập. Ba chết khi mẹ Như mới hai mươi tuổi. Như lên hai, còn em của Như còn nằm trong nôi. Mẹ Như đẹp lắm. Nườm nượp người đến, hầu hết đều còn độc thân, vì lúc đó mẹ cũng còn rất trẻ. Ai cũng sẵn sàng gánh vác cả gia đình mình cho mẹ. Có người mẹ cũng có tình cảm rất sâu nặng. Nhưng Băng Tâm có tưởng tượng nổi không, một đứa còn bé con như Như mà đã dùng tất cả mọi cách để giữ mẹ. Như lấy chổi quất tới tấp vào những ai đến nhà, mặc sao đó mẹ mình đã đánh mình như thế nào, mặc những giọt nước mắt khổ đau của mẹ. Như đã đập đầu vào tường cho máu chảy ròng ròng, gào thét lên, mẹ mà có chồng con sẽ tự tử chết. Rồi mẹ từ bỏ tất cả. Một mình lầm lũi nuôi con. Có lần, giữa đêm Như tỉnh giấc, cảm giác mẹ đang ôm Như, nước mắt mẹ đang lăn dài trên má. Mẹ nói: “Con gái, khi nào con hai mươi tuổi, con sẽ hiểu”. Bây giờ Như đã hai mươi. Mấy tháng nay Như hay tách các bạn ra đi một mình là đi đâu biết không? Như đi học vẽ. Như vẽ bức chân dung này tặng mẹ. Như cũng kiếm cớ làm quen với chú họa sĩ đó, để mai mối cho mẹ. Như muốn mẹ lập gia đình, dù bây giờ mẹ không còn hai mươi tuổi nữa. Hôm nay Như rất vui. Còn Băng Tâm, sao Như thấy Băng Tâm buồn buồn? Ngày sinh nhật mà buồn sao? Sinh nhật hai mươi tuổi là ngày vui nhất đời người, ngày mong đợi nhất.
– Ừ, ngày vui nhất.
Băng Tâm ra đứng bên cửa sổ, nhìn ra biển xa. Không thấy biển, chỉ nghe sóng vỗ. Ba má ở Việt Nam, giờ này đang làm gì, đang nghĩ gì. Ba má có nhớ ngày cô bác sĩ đặt ống nghe vào ngực của Băng Tâm, thở dài trả lời những câu hỏi trong mắt mọi người rằng: “Đừng hy vọng điều gì. May lắm là được hai mươi tuổi”. Hai mươi tuổi là cột mốc trăm năm mà Băng Tâm phải dừng lại mãi mãi.
Như kinh hoàng nhìn Băng Tâm.
– Thật không? Thôi, đừng có tin.
– Ừ, thì không tin.
– Băng Tâm, Như cho Băng Tâm xem cái này nè. Vòng cổ vòng tay đều làm bằng ốc biển. Như đã nhặt trên bãi biển đó. Như tặng hết cho Băng Tâm. Này, đeo vào đi. Trời, nhìn cũng đẹp vậy. Khi nào Băng Tâm làm cô dâu, Như sẽ tặng cho Băng Tâm bộ nữ trang bằng vàng thật.
Băng Tâm mỉm cười nhợt nhạt.
– Mình đã từng là cô dâu khi nhỏ, từng đeo bộ nữ trang bằng hạt cam thảo.
– Hạt cam thảo? Nó là cái gì mà Như thấy viết trong cuốn sổ của Băng Tâm – Như chỉ tay vào cuốn sổ bìa màu vàng trên đầu giường của mình.
– Ủa, của Băng Tâm mà.
– Ừ, thì của Băng Tâm. Bữa trước buồn kiếm sách đọc, Như đã lấy nó trên giường của Băng Tâm. Nó là cái gì vậy? Đọc xong, Như muốn khóc.
Nó là gì ư? Nó là máu từ tim Băng Tâm vắt ra. Hình ảnh “Thằng cô hồn” lại hiện ra. “Thằng cô hồn” đã cùng Băng Tâm đi suốt tuổi ấu thơ, rong ruổi trên con đường núi Sam gồ ghề sỏi đá. Mười ba tuổi, mười lăm tuổi, rồi mười sáu tuổi… Hai đứa đã từng cùng nhau đi tìm những hạt cam thảo trên triền núi Sam, kết thành vòng cổ vòng tay. Băng Tâm mười sáu tuổi, đã cùng các bạn và chị Liên Hoa đi Vũng Tàu. Suốt ngày Băng Tâm dõi theo “Thằng cô hồn”, chờ đợi một điều gì đó. Nhưng “Thằng cô hồn” lảng tránh Băng Tâm. Đêm, Băng Tâm đứng trên bãi biển tràn ngập ánh trăng. Trăng đẹp đến tê tái lòng người. Sóng biển vỗ đến nao lòng người. Băng Tâm chờ đợi một điều gì đó. Một điều gì đó như trong những trang tiểu thuyết: “Thằng cô hồn” sẽ đến bên Băng Tâm, nói trong dịu dàng trìu mến, rằng “Mình thương Băng lắm Băng có biết không?”
Nhưng “Điều gì đó” đã không xảy ra. Như biết không, đó là nỗi đau khổ đầu đời, quá lớn. Nghĩa là gì, nghĩa là “Thằng cô hồn” có thể chở Băng Tâm lên dốc Tây An Tự mồ hôi nhễ nhại, nhưng không bao giờ chở Băng Tâm đi suốt cuộc đời này. Có lẽ cũng dễ hiểu thôi hé Như, vì Băng Tâm không hứa hẹn sự tồn tại của trăm năm. Băng Tâm sẽ chết vào năm hai mươi tuổi. Một người dừng lại mãi mãi ở tuổi hai mươi thì làm sao có thể cùng ai khác đi đến trăm năm.
Như có tin điều kỳ diệu không? Băng Tâm đã viết “Hạt cam thảo” trong niềm mến thương tha thiết, trong niềm ước mơ một cuộc đời khác, một thế giới khác. Băng Tâm ước mơ mình là một cô gái khỏe mạnh, tràn đầy sức sống, để có thể mang lại hạnh phúc cho người mình yêu thương. Băng Tâm ước mơ dẫu cuộc đời đầy bất trắc, nhưng con người vẫn vượt qua được và đến với nhau bằng yêu thương. Như đã đọc truyện “Cánh buồm đỏ thắm” chưa, cô gái đã tin vào lời một ông lão rằng sẽ có một hoàng tử đến rước nàng bằng cánh buồm đỏ thắm. Nàng đã lớn lên trong giấc mơ hoang tưởng ấy, nhưng rồi cánh buồm đã đến thật. Đó là điều kỳ diệu của cuộc đời, những điều kỳ diệu đã xảy ra bởi niềm tin và niềm hy vọng. Băng Tâm có nên tin ngày mai Băng Tâm còn có thể thấy được mặt trời mọc lên rực rỡ trên bãi biển Odessa không? “Tin, tin chứ” – Như cuống quýt kêu kên, bất giác ôm choàng lấy Băng Tâm. Băng Tâm có nên tin một ngày nào đó mình còn gặp lại “Thằng cô hồn” không? “”Tin chứ, tin chứ” – Vòng tay Như siết chặt Băng Tâm hơn. “Thằng cô hồn” rất thích con tàu trắng. Có khi nào sáng mai “Thằng cô hồn” sẽ đến đây bằng con tàu trắng, rước Băng Tâm về Việt Nam không? “Có chứ, có chứ”- Như lại ôm chặt Băng Tâm hơn, nước mắt tràn ào ạt từ đôi mắt rất đẹp của mình.
Như vùi mặt vào mái tóc rất dày, rất mượt của Băng Tâm, khóc mãi không thôi. Băng Tâm khẽ nói, thôi đừng khóc nữa, ngày mai Băng Tâm mới chết mà, có chết ngay bây giờ đâu. Nếu ngày mai mới chết thì hôm nay cũng phải sống cho trọn một ngày vui chứ.
Thôi, Băng Tâm đừng nói nữa. Ngày mai thức dậy sẽ là một ngày mới. Một ngày mới đẹp hơn. Không có gì xảy ra hết. Tin vào điều kỳ diệu đi.
Vừa nói xong, Như đã ngủ. Băng Tâm nhè nhẹ đứng dậy, ra ban-công nhìn trời. Trăng vằng vặc sáng. “Thằng cô hồn” hiện giờ đang ở đâu, có đang ngắm vầng trăng u buồn tháng Bảy như Băng Tâm không? Vĩnh biệt nhé thân thương ơi.
***
Ánh sáng bừng lên trong gian phòng. Băng Tâm thảng thốt giật mình, không biết mình đang ở nơi đâu. Đêm qua là ngày mở cửa âm ty. Sáng nay những linh hồn phải trở về. Cửa địa ngục đóng sau lưng những linh hồn đó. Linh hồn Băng Tâm cũng phải theo về. Nhưng sao địa ngục mà chói lòa ánh sáng?
Bàn tay của Như vẫn còn trên người Băng Tâm. Cơ thể ấm áp và mềm mại của Như cho Băng Tâm cảm nhận được đây là trần gian, đây là căn phòng nhỏ bên cạnh bờ biển Odessa đầy nắng đầy gió. Băng Tâm vùng dậy, đi mau ra cửa sổ. Kia, bờ cát trắng phau trải dài trước mặt. Những con sóng xanh liên tục vỗ vào bờ. Bầy chim hải âu chấp chới lượn sát mặt nước. Nắng chan hòa, trời trong xanh, gió lồng lộng. Trên những con đường dẫn ra bãi biển, hai hàng phượng trắng đơm bông chi chit, gió mang đến mùi hương dìu dịu.
Tiếng còi tàu hụ văng vẳng. Những con tàu bắt đầu xuất hiện trên biển.Từ xa, nơi mặt trời mọc, một cánh buồm trắng nhô lên. Con tàu trắng! Con tàu trắng! Trong cuốn truyện “Hạt cam thảo”, Băng Tâm đã cho nhân vật chính – Nam, ước mơ vẫy vùng cùng con tàu trắng, thỏa chí hải hồ. Có khi nào Nam thật ngoài đời, “Thằng cô hồn” đã đi theo một con tàu trắng nào đó không và đang tìm đến nơi đây vì nhớ lời nguyền về số phận của Băng Tâm. Có khi nào như vậy không? Không biết là có thể như vậy không, nhưng thực tế trên biển Đen, biển Đen mà nước biển xanh đến nhức lòng, con tàu trắng đang lừng lững tiến vào. Với chiếc áo ngủ màu vàng lộng lẫy, Băng Tâm đã chạy băng băng xuống tòa nhà, mặc Như chồm dậy hớt hải chạy theo sau: “Đi đâu vậy Băng Tâm”, mặc má Hai ì à ì ạch cũng chạy theo sau: “Con gái đi đâu vậy?”, Băng Tâm đã chạy ào ra biển, vẫy tay chào chiếc tàu. Với chiếc áo màu vàng chói lọi, “Thằng cô hồn” có thấy Băng Tâm không?
Trên boong tàu, một chàng trai con nhà đại gia mang bệnh trầm uất, thờ ơ nhìn bãi biển trước mặt mình. Một đốm vàng trên bãi biển chấp chới lung linh trong mắt cậu. Người cha đứng bên cạnh, ngạc nhiên thấy ánh mắt con mình tập trung vào điểm đó, với đôi mày chau lại như hai dấu hỏi. Rồi đôi mày từ từ giãn ra và chàng trai chợt mỉm cười, nụ cười bà mụ quên nặn từ lúc cậu chào đời. Người cha cuống quýt chạy đi tìm vị bác sĩ của con trai, hét toáng lên: “Eureka! Eureka!”.
Trương Thị Thanh Hiền
(Minh họa: Quang Vinh)