Muôn mùa vàng
Nắng xuân vàng hây hẩy.
Gió xuân mướt mướt xanh cỏ cây lung rạch vùng sâu vùng xa.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ánh Tâm cùng ông chuyên gia lúa nước tiến sĩ Nix đang lội đồng cỏ tìm kiếm giống lúa gốc để tạo giống siêu nguyên chủng năng suất cao cho chính vùng đất mình đang lặn lội. Trên lưng họ, người này mấy đồ để đo đạc khảo sát thực địa, người kia máy quay phim chụp hình và cùng đeo tòn ten đôi giày lột khỏi chân mình.
Ở chốn đất hoang cây con hoang này có một tay chủ ruộng là Ba Quai. Khi tuổi hai mươi, Ba Quai đã ở đây làm tay săn bắt cá chim muông thú cho những đại gia chơi kiểng, đặc biệt là những đấng máu tâm linh thấy vận mạng mình “độ” cùng với loài vật. Ba Quai bắt sống chim thú bạc triệu mỗi con khắp mây trời, mặt đất, đáy nước từ Chín Rồng tới Biển Hồ. Anh lội dưới chân đền tháp Ăngkor cảm phục các công trình kiến trúc tuyệt hảo mấy ngàn năm tuổi và kinh ngạc trước lúa gạo xứ này chất lượng thị trường quốc tế. Lúa gạo! Ăn là trời của dân ta!1 Đất Chín Rồng lẽ nào không có lúa đứng đầu như thiên hạ? Ba Quai bỏ săn bắt về đồng hoang lập ruộng vườn, lúa má.
Thế là không hẹn mà gặp, à không mà “đụng” giữa hai bên làm lúa. Các nhà khoa học lúa gạo đứng bờ ruộng tròn mắt nhìn tay lúa má ở chốn hoang sơ đang cấy giống lúa mới theo lối cấy mới điệu nghệ từng giẻ mạ khóm lúa hàng xông hàng con đều chang. Tiến sĩ Nix tính cởi quần dài lội ruộng. Ba Quai bảo: Chờ chút! Ba Quai lên bờ làm “chuyên gia” chỉ cách xắn quần lội đồng sình. Ba Quai tháo hai ống quần của mình đang xắn cao trên đầu gối xuống làm mẫu. Đầu ống quần vắt sát cổ chân, vấn lên mấy vòng. Đó, “thả chùng” vầy thôi mà lội giữ gìn da thịt mình được nhiêu tốt nhiêu. Lúa đứng xanh bển đó hai người lội tới với lúa đi!
Ánh Tâm xuống cấy nốt đon mạ Ba Quai cấy dở. Ruộng bùn cày sâu bừa nhuyễn phẳng chang, dáng lưng cong uyển chuyển, đôi tay mềm mại, giẻ mạ non giống mới dăng dăng hàng vào mùa vụ. Nix nhìn ngắm đồng nghiệp đam mê háo hức lội xuống thửa ruộng bển, lúa tốt bời bời. Tới thửa lúa tiếp theo đôi chân trần ren rén lách gốc lúa chợt nhấn thụt xuống. Nix đứng như trời trồng. Lúa xưa! Lúa quá xưa rồi Ánh Tâm à! Tâm đã cấy xong lội tới và lớn tiếng hỏi Ba Quai: Sao không cấy Niềng Thơm Mới? Ba Quai đáp:
– Mấy sào lúa xưa để ban thờ ngát hương lễ cúng giỗ, tuần trăng.
Tâm chắp tay xá xá:
– Kị nhật và tuần rằm. Hôm nay ngày rằm. Tuần rằm này ngát hương Niềng Thơm chợ Đào sao?
– Tới nhà thì biết! Mời!
Lúa Niềng Thơm chợ Đào quyến rũ. Họ xưng danh làm thân với nhau. Ba Quai kêu khách lên ghe, rước khách về nhà mình.
***
Ba Quai đưa ghe vào bến nhà. Ánh Tâm vẫy tay rối rít nhà xây đẹp, xây hay kìa. Ngôi nhà có mặt tiền gian khách, gian thờ tự lên mái ngói vẩy rồng, thấp thoáng tán cây lưu niên xanh tươi – cái đầu rồng! Các gian nối dài dài về sau không lên nóc xoải, các mái nghiêng nghiêng, mà “bêtông” phẳng chang. Ba Quai thanh minh lên cái sân nóc, chỗ để trống chỗ che các tấm nhựa trong suốt để mưa nắng đều được việc phơi phóng. Cái sân nóc! Khách khâm phục. Cái sân mình rồng tiếp nối đầu rồng. Đẹp và hay! Tính vầy mới là nhà nước nổi Cửu Long!
Ba Quai đưa khách lên hàng ba, giới thiệu hai tiến sĩ canh nông với mẹ rồi hẹn hễ mẹ tiếp khách xong thì chỉ hai người ra tum vườn làm khách của con.
Bà Kim Tiếng rước khách vào trong nhà thơm ngát hương trầm. Bà mở lời vui mừng: Hôm nay mười rằm cuộc xum họp với ông bà, có người mần ruộng giỏi tới thêm đông vui. Khách nghe nói bước tới trước ban thờ nén nhang đỏ lời khấn nhịp vái tôn kính. Bà già đáp lễ, cắm nhang, mời khách nghỉ ngơi. Bà đặt giữa bàn trà ba li trà nóng và lọ đường trắng tinh.
– Mời dùng trà mãng cầu xiêm cây nhà lá vườn.
Phòng khách lên tường là những lá nhựa để kéo, gấp mở ra là thông thoáng trong nhà ngoài vườn, hiển hiện cảnh nhà có tay làm vườn điệu nghệ. Hai bên hông nhà là mãng cầu ta, mãng cầu xiêm; cây nào cây nấy vươn bổng cành tán, trái nặng trĩu. Khách nâng li trà mãng cầu nước vàng sánh thơm ngát mà nhớ lời ông bà: “Nhãn cành la, na cành bổng.”2 Kìa, cây trồng hay hết biết! Nhãn thì xòa cành la ba bề bốn bên, quanh thân mãng cầu không có vết thẹo vậy nâng cành la lên cành bổng tự nhiên như nhiên? Ba cây mít thì rễ ra trái đội đất, rồi trái bám kín thân lên cành. Những cây mận ra các tán, trái cứ như là vẽ là nhuộm cho mỗi tán trái một màu: mận hồng đào, mận đỏ, mận xanh để triển lãm, để quảng cáo.
Khách là các nhà khoa học cây trồng chuyện trò với gia đình khéo trồng cây, thật hiếm có cuộc gặp gỡ vầy. Bà Kim Tiếng hỏi ai chỉ hai người gặp Ba Quai? Dạ! Không ai chỉ, không có cuộc đi tìm Ba Quai, chỉ là cuộc gặp tình cờ.
Bà Kim Tiếng cười nắc nẻ: Cuộc gặp có duyên cây lúa và với bước chân của khách đi lối sau!
Ý bà là hai người tới vườn ruộng ở sau nhà mới dễ gặp vậy chứ bà Kim Tiếng từng phải mấy lần tìm kiếm Ba Quai trần thân?
Mẹ tìm kiếm con trần thân là sao?
Bà Kim Tiếng không phải là mẹ đẻ Ba Quai. Lần thứ nhất cô giáo Kim Tiếng chủ nhiệm lớp sáu trường huyện tìm tới gia đình Ba Quai bàn chuyện hợp tác giáo dục học sinh cá biệt, học hành thì chểnh mảng, đánh lộn nhau thì thường buổi. Cô chạy ghe về rạch Cái Mộc tìm không ra nhà trò bởi hỏi tên khai sinh Lê Văn Quai, mà ở Cái Mộc chỉ quen gọi mỗi tên thứ Ba của trò. Các bạn thì né giấu không muốn cô giáo và gia đình Ba Quai gặp nhau. Tới dòng chính Rạch Cái Mộc phải quẹo tới năm lần hẻm – năm đoạn kinh mương nữa mới tới nhà Ba Quai. Vô được nhà cũng chẳng gặp được cha mẹ trò chỉ thấy Ba Quai đào bới đất cát trồng cây nọ cây kia tùm lum. Thế là cùng lời khuyên giải trò học hành cô giáo kiếm sách về cây, kiếm cho trò dăm cái cây trò thích.
Ba Quai bỏ học giữa năm lớp tám. Năm đó cô Kim Tiếng bị tai nạn đụng xe, chạy chữa mấy năm mới hồi phục. Cô ngồi góc phố bán hàng nước mà sống. Tình cờ Ba Quai gặp cô thế là thi thoảng Ba Quai gửi cho cô vài bao tải trái vườn. Trái ngon quý hóa mà nó cho cô lơ quơ chắc tay trồng cây này không cây trái hàng họ chi. Cô lại tìm tới nhà Ba Quai. Thế là cô thành người tính hai đầu bỏ mối trái vườn – chợ. Ba Quai ra tay chăm hàng trái vườn ngon hơn nữa. Ba Quai thành chủ vườn triệu phú, tỉ phú như mơ. Việc bà Kim Tiếng về đây cũng là do đời người gắn bó đời cây.
Ánh Tâm bảo:
– Mẹ ở vườn vầy bách niên giai lão.
– Các nhà trồng trọt à. Biết nói thế nào ta? Người nhà này, người đất này có linh cây… các vị thấy trên đồng ruộng đấy.
– Ý mẹ nói cây lúa Nàng Thơm của dòng Cửa Long?
– Lúa Nàng Thơm! Nào ta hưởng lộc của ông bà!
Bà Kim Tiếng hạ lễ cúng rằm, một xị rượu Nếp nàng Hương và một dĩa xôi Nếp nàng Hương. Cúng ông bà dịp kị nhật và tuần rằm, lên đèn nhang và dâng lễ chỉ hai thức này. Còn cỗ bàn muốn sao bầy bàn nhậu. Bữa nay rượu, xôi chia bốn phần. Nào hưởng lộc. Chung rượu và miếng xôi Nếp nàng Thơm nghe bao nhiêu mùa vụ gieo trồng hái lượm nồng ấm hương đất đai. Cám ơn, cuộc xum họp với kẻ già nua. Các vị đem phần rượu xôi tới Ba Quai và vui cuộc xum vầy nữa.
Nix và Ánh Tâm lội liếp vườn, cầu khỉ. Hương rượu hương xôi Nếp nàng Thơm làm họ lâng lâng, ngờm ngợp trước bao nhiêu là cây trái tốt tươi vượt trội.
Họ tới lều vườn. Ba Quai đang làm hai món đặc biệt tiếp khách. Ba Quai có hầm cá lóc bần. Cá lóc nuôi hầm này chỉ cho ăn trái bần. Món lóc bần nướng sâu miệng cá bằng cành bần cắm dựng ngược lên nướng bằng than củi bần, chấm nước mắm dầm bần chín. Cá lóc bần nấu canh trái bần muối chua và chồi búp bần non.
Ánh Tâm sáp vô tiếp Ba Quai lo bếp núc. Nix nhìn ra hầm bần thấy hai ngôi mộ gần kề liền ra thăm. Mộ cha mẹ Ba Quai. Cỏ xanh trùm hai nấm xây hai tấm bia. Nix nhìn ra cỏ là Lúa cỏ chen bên năn nác no bụng đòng đòng3. Lúa cỏ… Nix bước tới quỳ xuống, dang tay ôm và thốt lời nghẹn ngào:
– Lúa gốc… Giống nguyên thủy, giống siêu nguyên thủy đây rồi!
Ba Quai và Ánh Tâm nghe tiếng Nix chạy ra cười vui vô cùng./.
Lương Minh Hinh
Thất Sơn số 261
Chú thích
1Lời ông bà: “Ăn là trời của dân ta”
2“Nhãn cành la, na càng bổng” Na ( tên Bắc) mãng cầu ta (tên Nam).
3Năn, nác, bồn bồn xưa vốn mang đòng đòng đầy bụng, trước công cuộc khai hoang lập ruộng vườn nay chúng ra cây cỏ hết có đòng đòng.