Nâng cao chất lượng tác phẩm cho các họa sĩ trẻ của tỉnh An Giang từ trại sáng tác mỹ thuật
Hiện nay, Liên hiệp các Hội Văn học Nghẹ thuật tỉnh An Giang gồm 08 Phân hội chuyên ngành: Văn học, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Sân khấu, Múa, Điện ảnh, Âm nhạc và Kiến trúc. Hiện tại, Phân hội Mỹ thuật hoạt động với 50 hội viên, trong đó 08 hội viên Trung ương làm nòng cốt. Các hội viên tích cực tham gia các hoạt động như: giảng dạy mỹ thuật ở các trường phổ thông, trường đại học, kinh doanh tự do… Hoạt động của Phân hội Mỹ thuật luôn bám sát kế hoạch đề ra của từng năm, đồng thời thông tin kịp thời đến hội viên các hoạt động của Phân hội để hội viên nắm bắt và thực hiện. Với sự bản lĩnh, nhiệt tình, tâm huyết và nỗ lực trong sáng tạo nghệ thuật, các hội viên từng bước định hình phong cách, tiến dần đến tính chuyên nghiệp. Điều đó đã giúp cho hoạt động mỹ thuật của tỉnh An Giang đáp ứng được yêu cầu phục vụ đời sống tinh thần của người dân.
Lực lượng họa sĩ trẻ của Phân hội Mỹ thuật tỉnh An Giang chiếm tỉ lệ gần một nửa số hội viên trong Phân hội, là lực lượng mang tình kế thừa và tiếp nối. Hầu hết các họa sĩ được đào tạo khá tốt về kỹ năng sáng tác, tư duy sáng tác và có trình độ chuyên môn tốt (cử nhân, thạc sĩ…). Tuy nhiên, các họa sĩ trẻ ở tỉnh An Giang đa số được đào tạo ngành sư phạm là chính, nên khi ra trường, họ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực giảng dạy, thực hiện nghĩa vụ của viên chức, rất ít sáng tác. Đây là một khó khăn lớn cho hoạt động sáng tác mỹ thuật của tỉnh An Giang. Thấy được điều đó, Phân hội Mỹ thuật tỉnh An Giang cũng tạo điều kiện để các họa sĩ trẻ trao đổi, học hỏi nhằm nâng cao tay nghề trong sáng tác như mở trại sáng tác, đi thực tế sáng tác, triển lãm nhân dịp lễ, Tết. Trong phạm vi và thời lượng giới hạn của Đại hội, tôi xin trình bày nội dung “Nâng cao chất lượng tác phẩm cho các họa sĩ trẻ của tỉnh An Giang từ trại sáng tác Mỹ thuật”.
Mục đích và yêu cầu của trại sáng tác
Tạo điều kiện để hội viên Phân hội Mỹ thuật tỉnh An Giang (ưu tiên hoạ sĩ trẻ) sáng tác các tác phẩm có chất lượng nghệ thuật, đa dạng về nội dung nhằm phản ánh tính chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống của nhân dân vào công cuộc đổi mới của đất nước.
Giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sáng tác, từng bước định hình phong cách sáng tác, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động sáng tạo.
Không gian sáng tác thoải mái, rộng rãi để tạo cảm hứng cho các họa sĩ có thể tự do thể hiện tác phẩm.
Tạo sân chơi nghề nghiệp cho các họa sĩ Phân hội Mỹ thuật tỉnh An Giang nhằm trau dồi, nâng cao tay nghề, đồng thời thu hút người dân chú ý, quan tâm đến hoạt động mỹ thuật tỉnh An Giang.
Trong quá trình tham gia trại, các họa sĩ làm việc trên tinh thần tập trung, nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật.
Mời cố vấn trại nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sáng tác cũng như đóng góp xây dựng tác phẩm của trại viên.
Kết thúc trại sẽ triển lãm các tác phẩm, có báo cáo tổng kết, rút kinh nghiệm.
Kinh phí tổ chức Trại sáng tác được sử dụng từ dự toán phân bổ kinh phí hằng năm cho Phân hội Mỹ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang cấp.
Từ sự chuẩn bị của Ban tổ chức trại đến trách nhiệm của trại viên
Ban tổ chức trại sáng tác chuẩn bị cho các trại viên: tiền vật liệu gồm khung, bố vẽ; tiền ăn (03 buổi/ngày), lưu trú của trại viên; khánh tiết khai mạc và bế mạc trại; vận chuyển tác phẩm; tiền mời cố vấn trại; xây dựng kế hoạch tổ chức trại; chọn lọc và mời các họa sĩ tham gia trại; tập hợp tác phẩm, dàn dựng triển lãm báo cáo bế mạc trại.
Thực hiện đúng giờ giấc chung của trại, không tự ý nghỉ trong quá trình tham gia trại. Nếu nghỉ, phải báo cho Ban tổ chức trại để xem xét, giải quyết; chuẩn bị phác thảo trước để tác phẩm dự trại có chất lượng tốt; tự trang bị dụng cụ sáng tác và đồ dùng sinh hoạt cá nhân.
Sự cố vấn trực quan, nhiệt tình và góp ý, gợi mở chân thành từ các họa sĩ có uy tín nghề nghiệp
Phân hội đã mời các họa sĩ là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, là những họa sĩ có uy tín trong nghề tham gia, góp ý cho các phác thảo cũng như quá trình từ lúc bắt đầu thực hiện tác phẩm đến khi hoàn thiện tác phẩm. Qua những lần làm việc miệt mài, các trại viên được trao đổi thẳng thắn, cởi mở và chân thành về ý tưởng, kỹ năng xây dựng hình tượng nghệ thuật trong từng tác phẩm. Thời gian ít, nên các trại viên tranh thủ từng phút bên các chuyên gia. Nếu không thực sự cố gắng thì tác phẩm chỉ dừng lại ở bài học như bài tốt nghiệp ra trường. Thật vui mừng khi những ý kiến đóng góp không chỉ là những nhận xét kỹ lưỡng cho tác phẩm đang làm mà còn gợi mở cho mỗi cá nhân tự định hướng khuynh hướng sáng tác phù hợp với khả năng tư duy và nội lực của từng người, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong sáng tác để nâng cao nhận thức, hoàn thiện hơn kỹ năng tư duy tạo hình của riêng mình. Sau mỗi trại, năng lực chuyên môn của các trại viên được nâng cao rõ rệt.
Sự nỗ lực của hoạ sĩ trẻ cùng sự quan tâm của lãnh đạo Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh
Như đã đề cập ở trên, đa số các họa sĩ là viên chức, thời gian dành cho nghệ thuật ít ỏi, kinh tế khó khăn… Nếu thiếu sự quan tâm của nhà quản lý mỹ thuật thì khó lắm để nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ. Sinh viên ra trường còn bỡ ngỡ với nghề, nếu không được đàn anh đi trước dìu dắt cùng sự quan tâm kịp thời của các nhà quản lý (cụ thể ở đây là Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang, gọi tắt là Liên hiệp Hội Văn nghệ) thì tránh sao được phai nhạt tình yêu với nghệ thuật… Không như những năm trước, mạnh ai nấy làm, vài năm gần đây, các họa sĩ trẻ của tỉnh An Giang được lãnh đạo Liên hiệp Hội Văn nghệ quan tâm, khuyến khích động viên. Hiện nay, An Giang chưa có câu lạc bộ họa sĩ trẻ như mong muốn nhưng đã có sự chia sẻ, giao lưu, trao đổi giữa các họa sĩ “tiền bối” và họa sĩ trẻ. Có khi chỉ là buổi gặp mặt thân thiện tại văn phòng Liên hiệp Hội, ngồi nhâm nhi tách cà phê, nhấp vài ly trà nóng và cùng trao đổi để xem, bình luận tác phẩm… trong không khí cởi mở, chân thành. Đó là nguồn động viên an ủi, là sự tiếp lửa cho tình yêu nghệ thuật từ phía lãnh đạo Liên hiệp Hội Văn nghệ và bạn bè, phần nào đã tiếp sức cho các họa sĩ trẻ thêm vững lòng.
Mặt khác, đội ngũ hoạ sĩ trẻ của tỉnh An Giang rất mạnh dạn và nỗ lực trong việc tiếp cận, nghiên cứu chất liệu mà bản thân chưa từng làm để thử nghiệm, đưa vào tác phẩm của mình như vải, chỉ lưới, giấy báo, chai nhựa, cát công nghiệp… đồng thời học hỏi kỹ thuật sử dụng những chất liệu ấy qua bạn bè, đồng nghiệp, internet…
Cần mở rộng thời gian tổ chức trại
Hiện tại, khung thời gian tổ chức trại sáng tác ở tỉnh An Giang chỉ gói gọn trong một tuần, kết thúc trại là phải có 02 tác phẩm báo cáo. Với thời gian ngắn ngủi ấy, khó có thể hoàn thiện tác phẩm chứ chưa nói đến tác phẩm chất lượng. Do đó, thời gian sáng tác cần được mở rộng hơn (có thể là 10 ngày hoặc 15 ngày hoặc nhiều hơn) để cá nhân mỗi trại viên chủ động được quỹ thời gian của riêng mình và tác phẩm sẽ được thực hiện kỹ hơn, sâu hơn.
Từ những tín hiệu tích cực mang lại của các trại sáng tác Mỹ thuật trong khoảng 05 năm trở lại đây, Phân hội Mỹ thuật An Giang luôn quyết tâm duy trì và xem đây là hoạt động thường niên mang tính thiết thực. Bởi lẽ, thông qua trại sáng tác, nhiều họa sĩ trẻ đã rất chịu khó tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu từ khâu tìm ý tưởng đến kỹ năng sáng tác, kỹ thuật sử dụng chất liệu…; từng bước định hình phong cách sáng tác, chất lượng tác phẩm nâng lên rõ rệt, mạnh dạn tham gia các cuộc thi lớn và đạt giải thưởng như triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Mỹ thuật trẻ lưỡng niên hay cao hơn nữa là triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, dần dần hòa nhập vào xu hướng chung của nghệ thuật đương đại. Đó là kết quả đáng mừng cho một hướng đi đúng, là nguồn lực cho phong trào Mỹ thuật trẻ Đương đại của tỉnh An Giang cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Họa sĩ Hình Tiến Thịnh