Ngày không mưa
Bây giờ đã là cuối mùa mưa. Những giọt mưa sau cùng tranh thủ làm tròn kiếp sống của mình. Chúng ào ạt đổ xuống, làm mát ruộng đồng và đất trời, rồi theo những dòng chảy tràn ra sông ra biển, xuôi về nguồn. Còn tôi, những ngày mưa, tôi chẳng biết làm việc gì khác ngoài việc cuộn tròn trong chăn, nghe vài bản nhạc tình tứ, uống một ly trà nóng rồi chìm vào giấc ngủ. Tôi cũng chẳng biết những lúc như thế Chi đang làm gì? Trong mấy tin nhắn, Chi thường viết “một tuần dạy 4 ngày, có hôm dạy cả 2 buổi. Mệt muốn xỉu, như mày thì sướng rồi, học xong nằm nhà chờ hưởng phước…”. Mỗi lần nhận được tin nhắn như thế, tôi vừa vui vừa khó chịu. Cái cảm giác cô đơn tan biến, thay vào đó là thứ cảm giác trống rỗng. Tôi tự hỏi, có phải là tôi sung sướng như mọi người vẫn nghĩ?
Một buổi sáng trong những ngày mưa như thế, khi tôi còn chưa tỉnh giấc, Chi đã nhắn tin: “Để dành tiền chuẩn bị uống rượu mừng của tao nhé. Mục tiêu tiếp theo là xây dựng tổ ấm. Tuy hơi vất vả một chút nhưng thấy vui lắm, hihi. Còn mày thì sao?”. Tôi thì sao ư? Câu sau cùng của tin nhắn đủ làm tôi tỉnh ngủ. Tôi uể oải rời khỏi giường, pha cho mình ly cà phê. Lần đầu tiên tôi uống cà phê như một thức uống giải khát. Trước kia cà phê chỉ xuất hiện như trợ thủ đắc lực trong những đêm tôi thức trắng với các kỳ thi của 4 năm đại học. Có phải vì lâu quá không uống nên ly cà phê sáng hôm ấy đã làm tôi say? Trong cảm giác choáng váng, tôi nhớ đủ thứ…
Tôi nhớ Sài Gòn, nơi tôi đã trải qua mười năm cho một tuổi thơ, tuổi mới lớn ấm no và hạnh phúc. Nắng Sài Gòn có một màu vàng rất lạ, thứ màu óng ả của những dây lụa, đủ làm hoa mắt những kẻ đi đường không ngồi trong xe hơi hoặc không mang kính râm. Và tôi, suốt 10 năm ấy, tôi chưa bao giờ biết đến cái nóng rát bỏng, gay gắt của ánh nắng đó, cũng chưa bao giờ biết đổ mồ hôi cho một giờ lao động. Tuổi dậy thì đến với tôi trong một cái kén được nâng niu thật kỹ. Và khi lột xác thành thiếu nữ thì cũng là lúc cái kén vỡ tan. Tôi từ giã Sài Gòn khi chưa biết mùi vị của cái nắng ấy là như thế nào.
Tôi nhớ ba tôi, một người suốt ngày chỉ có công việc và công việc. Ông ít khi trò chuyện với chúng tôi. Ông làm nhiều hơn nói. Tình thương ông dành cho chị em tôi là những nụ hôn vội trong ngày nghỉ cuối tuần, là những món quà xinh xắn sau chuyến làm ăn xa, là một cuộc sống không thiếu thứ gì. Chúng tôi đã yêu thương ông như yêu thương một “sức sống ngầm”, trong chính mình, một cái gì im lặng, câm nín. Một ngày kia ông ra tòa và không trở về cùng chúng tôi nữa. Vắng ba tôi, những tưởng chúng tôi hụt hẫng một thời, hóa ra đã gần nửa đời rồi, vẫn còn hụt hẫng. Những thứ mà lúc có chúng ta không cảm nhận được, đến khi mất đi còn lớn hơn những thứ mà chúng ta từng biết. Trở về quê với căn nhà tranh ọp ẹp, tôi chợt nhận ra ngôi nhà của gia đình tôi ở Sài Gòn là một trong hai ngôi nhà xinh nhất khu phố đó. Rồi tôi thấm thía dần cảm giác khó chịu của những trưa hè nóng bức, đếm được từng giọt mưa xuyên qua lỗ thủng của mái tranh, thấy được cả tấm áo bạc màu của mẹ và những bữa cơm chỉ có rau với mắm. Chúng không còn là chuyện tôi nhìn thấy trên phim ảnh trước kia. Chúng đã hiện diện quá ngỡ ngàng trong cuộc đời thật của chính tôi.
Tôi nhớ mẹ tôi, ngày đỗ đại học, niềm vui sướng dâng đầy trên mắt mẹ rồi vụt tắt ngay. Mẹ lẳng lặng ra sau hè ngồi một mình. Có ánh hoàng hôn nào vừa buông xuống đôi vai gầy của mẹ. Cái ống heo vỡ tan trên nền đất, mẹ run run cầm lấy số tiền ít ỏi kia và khóc tức tưởi. Mong ước được học đại học của tôi cũng tan ra theo những giọt nước mắt ấy. Đêm đó là đêm dài nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đã suy nghĩ đủ thứ và trằn trọc mãi. Tôi đưa tay lấy cuốn nhật ký nhưng lại cầm nhầm cuốn album ảnh gia đình. Tôi lật ra xem và chợt giật mình. Mẹ của tôi đó sao? Trong những tấm ảnh ấy, mẹ tôi đầu búi tóc, má đánh phấn hồng, môi thoa son đỏ, trong chiếc váy màu đen, trên tay là chiếc ví đầm sang trọng, đang đứng trong một nhà hàng sang trọng. Mẹ đã từng có một thời đẹp đẽ và sung sướng, nhưng chưa bao giờ tôi thấy mẹ cười dù chỉ một lần trong những tấm ảnh như vậy. Chắc mẹ không quen cười trong lúc chụp hình và cũng có thể đó là điều sẵn có trong cuộc đời mẹ tự lúc nào. Chúng dự báo những điều bất an luôn thường trực xảy ra. Tôi tự hỏi mẹ đã cười được bao nhiêu lần trong cuộc đời mình? Nụ cười của mẹ như lớp phấn hồng ngày ấy, cứ chìm xuống, chìm xuống dần… đến độ bây giờ tôi quên bẵng mẹ tôi từng có một thời vàng son hạnh phúc.
Tôi nhớ ngày tôi khăn gói ra đi, nhưng không phải để đi học mà là để kiếm tiền. Mẹ khuyên can mãi không được, đành nhét vào áo tôi một ít tiền và chai dầu gió. Mẹ nói với tôi: “Tiền có thể đem đến cho người ta mọi thứ nhưng cũng có thể lấy đi của người ta tất cả. Phải suy nghĩ cho kỹ…”. Tôi có suy nghĩ, nhưng khác với mẹ, tôi nghĩ rằng nếu có tiền mọi ước mơ rồi sẽ được thực hiện. Ở lứa tuổi trăng tròn, tôi đã mang trong lòng một nỗi buồn “bất đắc chí”, không có những ngày hoa mộng chơi trò bắt bướm, không có những rung động e ấp đầu đời. Tuổi thần tiên của tôi lộ từng đường nét qua bộ váy củn cỡn để dành đi tiếp thị bia, chai lì qua ánh mắt nham nhở của những gã say và âm thầm tan biến theo những ly bia đầy bọt. Ai đó đã từng nói, chỉ có người xấu không có nghề xấu. Câu nói đó giúp tôi nuốt vào lòng những uất ức, cố quên đi ánh mắt tò mò soi mói của nhiều người để làm trọn vai trò người tiếp thị sản phẩm – kiếm sống chân chính. Trong suốt hai năm tôi làm việc không biết mệt mỏi, không ngại nắng mưa, không màng sương gió cho một mong ước duy nhất, kiếm thật nhiều tiền để theo học đại học, để thực hiện ước mơ lớn nhất đời mình.
Tôi nhớ một ngày nắng đẹp, tôi đọc báo và gào thật to như một người điên, khi nghe tin trường đại học thành lập ngay trên tỉnh thành tôi đang sống. Chưa bao giờ tôi vui hơn thế! Tôi chạy về quê, ôm ghì lấy mẹ và nói trong nước mắt “con được đi học rồi mẹ ơi!”. Mẹ tôi lẳng lặng lau nước mắt cho tôi và một lần nữa tiễn tôi đi. Những tưởng cuộc sống rồi sẽ mỉm cười. Nhưng một năm học trôi qua, tôi mơ hồ nhận ra chữ “tiền” đã đứng vào vị trí đầu bảng trong lòng tôi. Việc kiếm tiền luôn được xem trọng hơn việc học. Tôi ít khi đến lớp nhưng lại thức trắng trong những ngày thi. Có những môn tôi đạt điểm cao nhất nhưng có những môn tôi không qua được.
Rồi kéo dài cho đến bây giờ…
Một buổi chiều trong những ngày mưa như thế, tôi về quê thăm mẹ. Mẹ đưa cho tôi bức thư của ba: “Ba nhớ con lắm, nếu có rảnh viết cho ba vài dòng. Cố gắng để có một chỗ đứng trong xã hội con nhé! Tiền bạc chỉ là vật ngoại thân”. Thật kỳ lạ với những dòng chữ ấy. Trong tích tắc chúng đưa tôi đến một thế giới vừa lạ vừa quen, thế giới của “sức sống ngầm”, với những dằn vặt yêu thương và trăn trở. Những lá thư, đó là tất cả những gì ba có thể làm được cho tôi trong bảy năm xa cách. Bảy năm rồi, tôi đã đi dọc suốt chiều dài của bảy năm trong nỗi nhớ, vất vả và cô đơn. Có giọt mưa nào rơi vào miền ký ức của bảy năm ấy. Chúng đã rơi hàng vạn lần trên những con đường mà tôi đi qua. Chúng đã rơi vào đời tôi như một thói quen mà thiên nhiên ban tặng. Và tôi đã sống, đã cảm nhận mọi việc như một thói quen, quen cả những điều lạnh lùng như giọt mưa. Từ lạnh lùng đến dửng dưng chỉ cách nhau một sợi tóc. Từ dửng dưng đến vô tâm cũng cách nhau một sợi tóc. Tôi đã không đủ sức để giữ mình đứng lại trước những khoảng cách mong manh ấy. Tôi đã vô tâm với cả tương lai của chính cuộc đời mình.
Cuối thư ba viết: “Đời người rồi cũng khẽ khàng trôi qua như một tiếng thở dài, cái chính là người ta làm được gì khi tiếng thở dài kết thúc”. Tôi đã thở được gần một nửa và đã làm đủ thứ, đã cố gắng hết mình, nhưng nhìn lại, tôi đã làm được gì đâu? Tôi bàng hoàng nhận ra tôi chưa bao giờ nhìn rõ điểm đến của cuộc đời mình. Chúng lẩn khuất, lúc ẩn lúc hiện sau một làn sương mỏng. Nếu có lúc nào tôi nhìn rõ chúng, thì ngay sau đó, chữ “kiếm tiền” đã choáng mất những đường nét ấy. Bây giờ, khi tôi không còn lo lắng về tiền bạc nữa cũng là lúc tôi không có gì trong tay… Và đáng sợ hơn là có những lúc tôi không còn cái ước muốn lý tưởng ngày nào bởi thật sự tôi không biết mình sống bởi điều gì?
Một buổi tối trong những ngày mưa như thế, Chi từ vùng quê hẻo lánh ra tận Long Xuyên để sắm sửa chuẩn bị cho ngày cưới. Chúng tôi ghé vào quán cóc gần khuôn viên trường đại học, nơi chúng tôi thường trú mưa và trốn tiết trong những ngày còn là sinh viên. Chi huyên thuyên từ niềm vui đến nỗi buồn, từ nước mắt đến nụ cười, từ hạnh phúc tới những bất hạnh xảy ra quanh cuộc sống thường nhật của nó. Tôi ngồi nghe một cách vô cảm. Dường như những điều đó không còn xa lạ với tôi nữa, tôi đã nếm trải nó quá nhiều, đến nỗi chúng trở thành bình thường trong cảm nhận của tôi. Tôi chỉ mãi đeo đuổi một suy nghĩ mông lung về tình yêu của tôi. Tôi có thật lòng yêu thương anh? Nếu ngày mai, anh không còn làm ra tiền nữa, liệu tôi có còn yêu thương và chờ đợi anh như bây giờ? Dòng suy nghĩ chợt dừng lại khi Chi hỏi tôi: “Còn mày thì sao? Khi nào sẽ cưới?”. Tôi quay qua nhìn Chi và mỉm cười: “Không biết”. Chi gật gù: “Sống như mày cũng hay nhỉ? Khỏi phải suy nghĩ lo toan nhiều làm chi cho mệt. Nhưng có khi nào mày cảm thấy chán và vô vị không?”. Tôi lẳng lặng không nói gì và Chi cũng thế. Những giọt mưa len nhẹ vào chúng tôi. Đêm ấy con đường từ trường về nhà trọ, nơi tôi ở bỗng dài đến lạ.
Cũng trong đêm ấy, tôi mơ thấy mình đứng trên chiếc đồng hồ khổng lồ và những cây kim của nó quay với một tốc độ khủng khiếp. Có tiếng ai đó nói với tôi “Nếu người không có cách điều khiển những cây kim kia, thì sau khi chúng quay ba vòng nữa, người sẽ vĩnh viễn biến mất, không còn dấu tích trên cõi đời này!”. Tôi đã dùng hết sinh lực vốn có để giữ chúng lại nhưng vô ích. Tôi khóc. Tôi gào thét. Tôi kêu cứu. Rồi tôi bị nhấn chìm trong vòng xoay vô hình nào đó và biến mất như một hạt cát rơi xuống đáy đại dương. Tôi cảm thấy nghẹt thở rồi choàng tỉnh ngay vào lúc điện thoại reo vang. Thầy chủ nhiệm cũ nói từ bên kia: “Tháng sau sẽ có kỳ thi lại, trong đó có mấy môn em còn nợ. Đừng để 4 năm trở nên lãng phí. Có nhiều bạn muốn đi học nhưng không có cơ hội, em cũng từng rơi vào hoàn cảnh đó, lẽ nào em lại bỏ cuộc giữa chừng? Cố lên nhé. Nếu hôm nay trời không mưa, ghé qua nhà thầy uống trà và lấy tài liệu về học. Thầy đợi em”.
Quả thật sáng hôm ấy, trời không mưa. Nhưng nếu trời mưa, tôi cũng sẽ đến nhà thầy. Có lẽ tôi sợ giấc mơ linh ứng, tôi sợ mình tan biến theo chiều xoay của kim đồng hồ. Tôi muốn có một ngày thật sự là của tôi, là chính tôi…
Tác giả: Đoan Trang
(Minh họa: Quang Vinh)