Ngày xuân, nghĩ về việc đào tạo cán bộ và nghệ thuật dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, với mục tiêu: có cán bộ tốt thì việc gì cũng thành công, Người luôn chú tâm việc đào tạo cán bộ cách mạng bằng nhiều hình thức khác nhau, mọi lúc, mọi nơi để có được một đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Và nghệ thuật dùng người của Bác luôn tạo động lực to lớn cho cán bộ vươn lên.
Đào tạo cán bộ cho sự nghiệp cách mạng
Ngay từ khi còn hoạt động ở nước ngoài, Bác đã tìm cách liên lạc với trong nước để đưa những thanh niên ưu tú đi đào tạo. Trong thời gian từ năm 1924 đến năm 1929, Nguyễn Ái Quốc đã gửi 27 thanh niên Việt Nam sang đào tạo ở Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô), trong đó có Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Lý Tự Trọng, Phạm Văn Đồng… là những cán bộ cốt cán đầu tiên khi Đảng ta thành lập.
Trong thời gian hoạt động ở Quảng Châu – Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6/1925), tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên yêu nước Việt Nam. Lớp đầu tiên mở vào khoảng cuối năm 1925, đầu năm 1926 với 10 học viên. Mỗi lớp khoảng một tháng rưỡi. Trường huấn luyện chính trị đặt tại ngôi nhà số 13, đường Diên An (Quảng Châu)…
Những bài giảng của Bác về sau được xuất bản thành sách “Đường Kách Mệnh”, là sách gối đầu giường cho các tầng lớp thanh niên và là những định hướng lớn cho cách mạng Việt Nam. Những cán bộ được đào tạo ở Trung Quốc sau khi về nước được tham gia vào phong trào “vô sản hóa” năm 1928. Theo đó, các cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đi vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền cùng sinh hoạt và lao động với công nhân để tuyên truyền vận động cách mạng, nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân, thúc đẩy phong trào công nhân phát triển, trở thành nòng cốt trong phong trào đấu tranh của cả nước. Có thể nói, sau khi được đào tạo về mặt lý thuyết, phong trào “vô sản hóa” là một cuộc thâm nhập thực tế, giúp cho cán bộ được rèn luyện và tôi luyện trong phong trào công nhân cùng với ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp, đồng thời giúp cho phong trào công nhân chuyển hoàn toàn sang giai đoạn “tự giác”.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhất là khi đã giành được chính quyền, việc đào tạo cán bộ cách mạng được thực hiện thường xuyên, liên tục để cung cấp một đội ngũ cán bộ đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác thấy rằng trong Nhân dân có không ít người tài đức và việc tìm người tài đức cho sự nghiệp cách mạng cũng trở nên cấp thiết. Ngày 20/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố văn bản Tìm người tài đức đăng trên Báo Cứu quốc. Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.
Nay muốn sửa điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”[1].
Tuy nhiên, thực dân Pháp núp bóng quân Anh đã trở lại xâm lược nước ta nên cuộc kháng chiến bùng nổ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không rõ các địa phương đã tìm được bao nhiêu người tài, đức, nhưng tư tưởng “cầu hiền” của Bác luôn lan tỏa, có sức hút mãnh liệt. Kết quả là những nhân tài của thời đại Hồ Chí Minh đã xuất hiện trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang cho cả dân tộc. Có những nhà khoa học, những vị tướng tài ba lừng danh trên thế giới.
Dĩ nhiên, để có được nhiều người tài, đức thì phải có kế hoạch đào tạo căn cơ. Theo Bác, muốn có cán bộ tốt thì Đảng phải làm tốt công tác huấn luyện cán bộ, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[2]. Huấn luyện cán bộ phải toàn diện, đồng thời phải chuyên sâu và có phương pháp khoa học.
Không chỉ chú trọng công tác đào tạo cán bộ, mà Bác còn chỉ rõ cách thức để phát huy sáng kiến trong đội ngũ cán bộ và trong quần chúng nhân dân. Người nói: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo. Càng dân chủ thì càng có nhiều sáng kiến. Sáng kiến chỉ ra đời khi người đó tâm huyết, hăng hái làm việc trong một môi trường dân chủ”[3].
Xuất phát từ chủ nghĩa nhân văn và tin tưởng sâu sắc vào con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đào tạo cán bộ thông qua các lớp học, mà còn thông qua cuộc sống hàng ngày với sự quan tâm, chăm sóc, những lời dạy dỗ ân cần đối với cán bộ, xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, như thái độ của người thân trong nhà. Nhà thơ Tố Hữu viết:
Giọng của Người, không phải sấm trên cao
Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước
Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau…
(Sáng tháng Năm)
Nghệ thuật dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đào tạo phải đi đôi với sử dụng cán bộ. Người xưa thường nói: Dụng nhân như dụng mộc. Ta có thể hiểu rằng để phát huy được tài năng của cán bộ thì người lãnh đạo phải khéo léo như một nghệ nhân vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Chúng ta phải nhớ rằng: người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tuỳ chỗ mà dùng được”[4].
Kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc và trên cơ sở quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển việc thu hút, trọng dụng nhân tài, trong đó có “nhân tài ngoài Đảng” lên tầm cao mới. Khái niệm “Nhân tài ngoài Đảng” được chính Bác đưa ra, luận giải sâu sắc, toàn diện và coi việc thu hút, trọng dụng nhân tài là yếu tố khách quan, tất yếu của công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Tìm nhân tài đã khó nhưng sử dụng nhân tài cũng không dễ… Sau Cách mạng Tháng Tám, do yếu tố lịch sử, phần lớn các trí thức, nhân tài đều xuất thân từ các thành phần lớp trên. Với sự trải nghiệm thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết một số nguyên tắc, đầu tiên là không câu nệ, thành kiến về thành phần xuất thân. Người nói: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được”[5].
Nhân tài là lớp người rất đặc biệt nên cách thức sử dụng nhân tài phải “khéo”. “Khéo” ở đây là biết lựa chọn, phân phối nhân tài, “tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ”. Đó là sử dụng nhân tài đúng sở trường, “ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”[6] bởi nếu đặt sai vị trí thì nhân tài sẽ trở thành kẻ bất tài và sinh ra bất đắc chí. “Khéo” còn là phải làm cho người tài hiểu rõ, hào hứng với công việc; biết “đánh thức” trong họ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đưa ra sáng kiến, dám chịu trách nhiệm.
Nghệ thuật dùng người của Bác còn được thể hiện ở sự gần gũi, không có khoảng cách của một lãnh tụ đối với Nhân dân. Sự gần gũi đó giúp cho mỗi người khi ở bên Bác, làm việc với Bác đều học được ở Bác những điều hay, lẽ phải và không ngừng lớn lên cả về nhân cách lẫn tâm hồn. Nhà thơ Tố Hữu viết:
Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút…
(Sáng tháng Năm)
Nghệ thuật dùng người của Bác được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đúc kết: “Chủ nghĩa nhân đạo của Hồ Chí Minh không chỉ là sống vì con người, suốt đời lo toan cho con người, càng không phải là làm ra và đem lại cho con người hưởng những điều con người mong muốn, mà là khơi dậy trong con người lòng tự hào và niềm tin, ý chí và nhiệt tình cách mạng, để con người tự mình làm ra tất cả”[7]. Chủ nghĩa nhân đạo Hồ Chí Minh đã giúp đào tạo ra những cán bộ cách mạng với tinh thần và ý chí tự lực tự cường, suốt đời dấn thân và hy sinh, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Có thể nói, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn đặt nhiệm vụ tìm người tài đức, đào tạo cán bộ cách mạng lên hàng đầu. Khi có được người tài đức, Bác lại có phương pháp sử dụng hết sức khoa học và nhân văn. Vì vậy, những người tài đức đã có môi trường tốt nhất (trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn của đất nước bấy giờ) để phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đi đến thành công.
Nguyễn Quốc Khánh
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật Hà Nội – 2011, T. 4, tr. 504.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật Hà Nội – 2011, T. 5, tr. 309.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật Hà Nội – 2011, T. 5, tr. 284.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật Hà Nội – 2011, T. 5, tr. 88.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật Hà Nội – 2011, T. 4, tr. 43.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật Hà Nội – 2011, T. 4, tr. 43.
[7] Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh – Tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.205.
Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, thứ nhất từ phải sang) trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Ảnh tư liệu TTXVN