Nghệ sĩ nhiếp ảnh luôn giữ “tâm trong, nghệ tinh” trong sáng tạo nghệ thuật

Đó là một trong những chia sẻ của Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hồng Loan tại buổi Họp mặt Kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2025) do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức vào sáng 13/3/2025. Đến dự có đồng chí Nguyễn Thị Hồng Loan, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Họa sĩ Bùi Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh; đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các chi hội, phân hội trực thuộc và hơn 40 hội viên nhiếp ảnh tham dự.

NSNA Huỳnh Phúc Hậu – Phân hội trưởng Phân hội Nhiếp ảnh phát biểu

Phát biểu ôn lại kỷ niệm ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam, NSNA Huỳnh Phúc Hậu – Phân hội trưởng Phân hội Nhiếp ảnh nêu rõ: Cách đây tròn 72 năm, ngày 15/3/1953, tại Khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”, đặt nền móng cho sự phát triển của hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam. Ngày 16/12/2002, Bộ Nội vụ đã đồng ý lấy ngày 15/3 hàng năm là Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam.

Trong lịch sử phát triển, nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu. Ngày 15/3/1953, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam” với mục đích: “Tuyên truyền chính sách, chủ trương của Chính phủ; nêu cao những thành tích, những gương chiến đấu anh dũng của quân và dân Việt Nam; giới thiệu đời sống và thành tích đấu tranh kiến thiết của nhân dân nước bạn; giáo dục văn hóa và chính trị cho nhân dân”. Đây là mốc son hết sức quan trọng đánh dấu sự phát triển, định rõ hướng đi cho Nhiếp ảnh, đồng thời tạo nền móng cho sự phát triển rực rỡ sau này của hai ngành Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam.

Kể từ khi có sắc lệnh, nhiếp ảnh đồng hành cùng sự phát triển của đất nước bằng việc cổ vũ, động viên, truyền thông mạnh mẽ bằng thị giác, cảm xúc, đưa đến cho mọi tầng lớp nhân dân những hình ảnh hiện thực, sinh động, tạo ra ngày càng nhiều hơn những bức ảnh có giá trị ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam, tiềm năng Việt Nam, con người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước.

Nhìn lại 72 năm xây dựng, phát triển, nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Ống kính của các nhà nhiếp ảnh đã để lại một pho sử bằng ảnh quý giá, đầy tự hào về chặng đường đấu tranh giành độc lập và đổi mới đi lên của đất nước. Hàng nghìn nghệ sĩ và các nhà hoạt động nhiếp ảnh Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, từ thế hệ các nhà nhiếp ảnh lão thành, các nghệ sĩ – phóng viên chiến trường, thế hệ các nhà nhiếp ảnh trong thời kỳ đổi mới đã dành trọn tâm huyết, tài năng, trí tuệ xây dựng nền Nhiếp ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
An Giang cũng không ngoài dòng chảy của lịch sử.. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã đóng góp rất nhiều cho bộ sử thi nhiếp ảnh cả nước. Điển hình như NSNA Nguyễn Phương Ngoan, Tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cống hiến xuất sắc ES.VAPA, ông từng là phóng viên trường ghi lại những bức ảnh kháng chiến của quân dân An Giang. Bộ ảnh tư liệu của ông là di sản quý giá, giúp chúng ta hiểu thêm về những khó khăn gian khổ của quân dân ta trong kháng chiến, những hình ảnh thể hiện sự anh dũng kiên cường đánh thắng giặc ngoại xâm, đem lại độc lập tự do cho dân tộc

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông là lãnh đạo của Thành phố Châu Đốc. Sau khi nghỉ hưu,ôngthamgia nhiếp ảnh, từng là Chi hội trưởng Chi hội NSNAVN An Giang 2. Ông đã ghi lại nhiều bức ảnh đẹp thể hiện những bước chuyển mình của quê hương, đất nước trong công cuộc đổi mới. Ông có rất nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng cao ở các cuộc thi. Tiếp theo là NSNA Nguyễn Thanh Long, là một trong những nghệ sĩ lão thành có tâm huyết với nhiếp ảnh. Tuy đã lớn tuổi nhưng thầy vẫn miệt mài gắn bó với nhiếp ảnh. Thầy vẫn ấp ủ kế hoạch đào tạo những lớp phổ cập nhiếp ảnh ở các trường Trung học phổ thông để ươm mầm cho tương lai. Nhiều học trò của NS Nguyễn Long đã được kết nạp vào Hội NSNAVN cũng như đủ tiêu chuẩn để giới thiệu vào Hội NSNAVN như NSNA Phan Hiền, NSNA Nguyễn Hoàng Nam, NSNA Trần Văn Lộc, NSNA Bùi Văn Long…

Gần đây là NSNA Cao Minh Dẹt. Anh là người có thành tích cao nhất, nhiều giải thưởng nhất trong các NSNA ở An Giang. Đặc biệt vào cuối năm 2024, anh đạt được hai giải thưởng nhiếp ảnh lớn là Huy chương Đồng – Cuộc thi và triển lãm cấp quốc gia “Tự hào một dải biên cương” lần thứ III năm 2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức; Giải Nhì và giải khuyến khích cuộc thi ảnh Toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân do Tổng cục Chính trị -Ban Tuyên Giáo Trung ương và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức.

Bên cạnh, có rất nhiều NSNA nổi tiếng khác như NSNA Võ Trung Kiên, NSNA Lê Hữu Nghĩa, NSNA Nguyễn Hoàng Nam… đã có nhiều tác phẩm xuất sắc, đoạt nhiều giải thưởng cao.

Trong chương trình, đại biểu thưởng thức 70 ảnh nghệ thuật về Y tế An Giang. Một trong những dấu ấn hoạt động nổi bật đầu năm 2025 của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang là phối hợp với Sở Y tế tổ chức thành công Trại sáng tác VHNT về ngành Y.

Buổi họp mặt diễn ra vui vẻ, thân tình, ấm áp. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh, lão thành chia sẻ cảm nghĩ sâu sắc về quá trình phấn đấu sáng tạo tác phẩm có giá trị, góc nhìn sâu sắc ghi lại khoảnh khắc quý phục vụ sự nghiệp cách mạng, vì sự tiến bộ của quê hương, đất nước, làm nên vị thế “nghệ sĩ nhiếp ảnh An Giang” trong tốp đầu cả nước; bày tỏ niềm vui, tự hào, nhớ ơn Tổ nghề, các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành tạo dựng nền móng vững chắc cho thế hệ hôm nay và mai sau kế thừa, phát triển; lưu tâm người cầm máy khi chụp một bức ảnh ghi lại khoảnh khắc phải thể hiện quan điểm lập trường chính trị của người cầm máy để tạo tác phẩm để đời phục vụ công chúng.

NSNA Võ Trung Kiên – Chi hội trưởng Chi hội NSNAVN An Giang 1 phát biểu cảm nghĩ
NSNA Nguyễn Phương Ngoan – Nguyên Chi hội trưởng Chi hội NSNAVN An Giang 2 phát biểu cảm nghĩ

Phát biểu tại Họp mặt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hồng Loan trân trọng sự cống hiến to lớn của nghệ sĩ nhiếp ảnh qua các thời kỳ, ở các lĩnh vực, đặc biệt là nghệ sĩ nhiếp ảnh An Giang. Đồng chí cho rằng, sứ mệnh đặt trên vai của anh chị em văn nghệ sĩ nói chung, nghệ sĩ nhiếp ảnh là nặng nề, nhưng vẻ vang, không chỉ sáng tạo tác phẩm có giá trị phục vụ đời sống tinh thần của công chúng mà cao hơn là phục vụ sự phát triển của địa phương, đất nước, phục vụ chế độ. Đồng chí động viên tinh thần anh chị em nghệ sĩ vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người cầm máy, luôn “tâm trong, nghệ tinh”, giữ ngọn lửa nhiệt tình, đam mê, tiếp tục sáng tạo tác phẩm có giá trị quảng bá vùng đất, con người An Giang đến bạn bè trong nước và quốc tế…

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hồng Loan phát biểu
Họa sĩ Bùi Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phát biểu

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Họp mặt, Họa sĩ Bùi Quang Vinh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của phân hội, nghệ sĩ nhiếp ảnh trong năm qua, nhất nhất những nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành, đội ngũ nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ tài năng có những tác phẩm có giá trị đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà và nền nhiếp ảnh tỉnh nhà. Đồng chí mong muốn thế hệ hôm nay giữ gìn, phát huy, đam mê nghề nghiệp để có nhiều hơn những tác phẩm có giá trị về thẩm mỹ, tư tưởng phục vụ công chúng, phục vụ nhiệm vụ chính trị, làm phong phú vào kho tàng điện ảnh, nhiếp ảnh của tỉnh và cả nước; kêu gọi sự đoàn kết, giao lưu, chia sẻ truyền đạt kinh nghiệm cho hội viên…

Các đồng chí đại biểu chụp ảnh với nghệ sĩ nhiếp ảnh

TRƯỜNG GIANG