Nhà giáo, Nhà “Tân Châu học” Nguyễn Văn Kiềm với tác phẩm Địa phương chí Tân Châu (1870-1964)
60 năm đã trôi qua, kể từ khi tác phẩm Tân Châu (1870-1964) của Nguyễn văn Kiềm được hoàn thành. Có thể khẳng định rằng, đến thời điểm hiện nay, tác phẩm này do một tác giả biên soạn và tự xuất bản, là quyển địa phương chí với thể loại tổng hợp viết về Tân Châu duy nhất trên địa bàn tỉnh An Giang.
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày tác phẩm ra đời (1964-2024), chào mừng 15 năm thành lập thị xã Tân Châu (2009-2024) đồng thời kỷ niệm 35 năm ngày mất của Nguyễn văn Kiềm (1989-2024), bài viết này như những dòng tưởng nhớ đến ông vì những đóng góp của ông cho quê hương
Thân thế và sự nghiệp
Nguyễn Văn Kiềm sinh năm 1907 (khai sinh ghi 1910) tại làng Long Phú (quận Tân Châu-Châu Đốc) trong một gia đình làm nghề tiểu thủ công nghiệp nghèo, cha làm nghề thợ mộc.
Năm 1926, sau khi đậu bằng Tiểu học , ông xin đi dạy học, lần lượt qua các trường : Phú Lâm. Phú An, Tân Châu. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tân Châu bé nhỏ ở vùng biên thùy Tây Nam nhưng phì nhiêu màu mở nhờ phù sa sông Tiền. Nhận thấy quê hương mình tiềm tàng một số sự kiện đặc thù về văn hóa xã hội, ông vừa dạy học, vừa bỏ công sưu tầm, nghiên cứu viết nên những bài sưu khảo giá trị.
Ông xuất hiện trên báo Liên Minh (Sài gòn) với các bài : Ông Đạo Tưởng dấy binh ở Tân Châu năm 1939, Ông Đạo Gò Mối…Cuối năm 1964, ông hoàn thành bản thảo cuốn Tân Châu (1870-1964), dầy trên 400 trang.
Năm 1966, ông tự xuất bản quyển sách này và được báo giới Sài Gòn khen ngợi. Năm 1978, gia đình ông bị hỏa hoạn nên hầu hết bản thảo, tư liệu đều bị cháy mất, chỉ còn quyển Tân Châu đã được xuất bản.
Năm 1970, ông nghỉ hưu về sống ở Chợ Vàm (nay thuộc huyện Phú Tân), ông nhận thấy học sinh ở vùng đất này muốn học lên Trung học phải đi lên Tân Châu hoặc về xã Hòa Hảo (nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân) có khoảng cách xa hơn 20 cây số trong điều kiện giao thông khó khăn thời bấy giờ nên nhiều em phải dở dang chuyện học hành.
Từ đó, ông cùng một số nhân sĩ uy có uy tín ở địa phương vận động thành lập trường Trung học bán công Phú Lâm, sau chuyển thành Trung học tỉnh hạt và hiện nay là trường Trung học cơ sở Phú Thạnh.
Ông mất ngày 20-6-1989 tại TP Hồ Chí Minh, an táng tại xã Phú An, huyện Phú Tân, An Giang. Ông để lại cho đời một tác phẫm duy nhất là quyển Tân Châu (1870-1964) nhưng đây là một tư liệu quý cho những ai muốn tìm hiểu về vùng đất Tân Châu nói riêng và An Giang nói chung. [1]
Ông được đánh giá là một trong những nhà văn tiêu biểu của nền văn học An Giang và tên ông được ghi lại trong Địa chí An Giang do Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang xuất bản năm 2013 bên cạnh những tên tuổi như : Nguyễn Quang Diêu, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Văn Hầu, Nguyễn Quang Sáng, Viễn Phương….
Vài nét về những đóng góp của Nguyễn văn Kiềm qua tác phẩm Tân Châu (1870-1964)
Về thể loại địa phương chí, Tân Châu (1870-1964) là tác phẩm của một địa phương cấp quận ở Đồng bằng sông Cửu Long do một tác giả với một tình yêu quê hương tha thiết, biên soạn rất công phu, tỉ mỉ.
Trong lời nói đầu của tác phẩm ghi ngày 31/12/1964, với lòng yêu quê hương tha thiết Nguyễn văn Kiềm đã khiêm tốn xác định mục đích viết của mình trước nhất là để giáo dục thế hệ trẻ và sau nữa là giới thiệu về quê hương-xứ “tằm dâu và trầu nhãn” : “Về nơi sanh trưởng trên 10 năm, tôi nhận thấy chốn quê hương yêu quí tiềm tàng một kho tài liệu đặc biệt liên quan đến sử địa, danh nhân tín ngưỡng, phong tục, tập quán…Vì thế tôi không nệ tài hèn, sức mọn cố gắng vừa dạy học, vừa sưu tầm để hoàn thành một quyển sách hầu giúp cho bạn đồng nghiệp tài liệu dạy trẻ em nhứt là cho người địa phương chưa am hiểu quận nhà và các bạn bốn phương tìm hiểu thêm về xứ “TẰM DÂU VÀ TRẦU NHÃN”.
Chúng ta rất cảm động khi ông chỉ cho mình là thầy giáo, “không quen đẻo gọt văn chương”, nên ông có ước nguyện “chỉ xem quyển sách này như một nhịp cầu để liên lạc với thế hệ sau” chỉ “là một tập bút ký ghi chép những sự kiện đã xảy ra từ trước đến nay của quận Tân Châu”.
Thật ra, nếu xét kỹ từ bố cục, nội dung, quyển sách Tân Châu (1870-1964) đích thực là một tác phẩm địa phương chí. Đó là thể loại sách ghi chép, biên soạn, giới thiệu về địa lý, lịch sử, phong tục, nhân vật, sản vật, kinh tế, văn hoá… của một địa phương (làng, xã, huyện, tỉnh, thành phố…) hay rộng hơn là của một quốc gia.
Tân Châu (1870-1964), dày 433 trang được hoàn thành năm 1964, do tác giả tự xuất bản, giá bán 150 đ [2](thời điểm xuất bản năm 1966). Tác phẩm gồm 7 phần :
Phần I : Tìm hiểu danh từ Tân Châu; giới thiệu địa thế, giao thông, các cơ quan hành chánh, giáo huấn
Phần II : Kinh tế: Thương mãi, Canh nông, Công kỹ nghệ, Chăn nuôi, thủy lợi (giới thiệu sâu về nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, nuôi cá tra, cá linh cùng với nghề làm mắm và nước mắm cá linh)
Phần III : Di tích và địa cuộc lịch sử : giới thiệu các di tích lịch sử như chùa Giồng Thành, Đình Long Phú, Miễu Hội, Kinh Vĩnh An..các địa danh lịch sử như : thôn Long Sơn, Vịnh Đồn, Giồng Trà Dên, Núi Nổi, Vĩnh Xương, về phong trào chống Pháp của Đạo Tưởng, của Thiên Địa hội…
Phần IV : Tín ngưỡng, nhân vật và cơ sở : giới thiệu các tôn giáo ở Tân Châu như : đạo Phật Giáo Hòa Hảo với đức Huỳnh giáo chủ, đạo Cao Đài, Thiên Chúa.. và cơ sở tín ngưỡng như : Miếu Ông của người Hoa, Đình Long Phú, ông Đạo Gò Mối, chùa Bảo sanh Đại đế…
Phần V : Nhân văn : Giới thiệu những nhân vật nổi tiếng tài, đức ở địa phương Tân Châu như Tú tài Trần Hữu Thưởng (thầy dạy học chí sĩ Nguyễn Quang Diêu và nhà văn Nguyễn Chánh Sắt), hoặc các tác giả tài năng của nền văn học nghệ thuật miền Nam như nhà văn, nhà báo Nguyễn Chánh Sắt, Thần Liên Lê Văn Tất, họa sĩ Lê Trung, soạn giả cải lương nổi tiếng Thái Thụy Phong, cô đào cải lương lừng danh miền Nam Nguyệt Yến…
Phần VI: Ca dao, hò, vè, thơ
Phần VII : Giải trí , giới thiệu sân vận động, các môn bóng đá, quần vợt, bóng bàn, cờ tướng…, luật chơi tràm, thú gác cu.
Sách địa phương chí là loại sách khó viết bởi vì đây là loại kiến thức liên ngành lịch sử, văn hóa, văn học, địa lý…đòi hỏi người viết phải sưu tầm, điều tra, nghiên cứu, đối chiếu so sánh, đi điền dã…nên rất ít người viết.
Sách địa phương chí khó đọc, vì “phải có tâm hồn”, “phải có chút kiến thức” nào đó mới nhận ra sự ích lợi của tác phẩm như Nguyễn Hiến Lê đã viết, nhưng nếu hiểu được thì rất có ích, rất quí cho đời sau.
Nhà văn Nguyễn Hiến Lê nhận định rằng, “sống trong cái thời xáo động cực độ, trăm nỗi ưu tư thắc mắc, phải có một tâm hồn ra sao đó, mới có thể bình tĩnh mà đọc được. Lại phải có một chút kiến thức nào đó mới nhận định được đúng sự ích lợi của tác phẩm : rất nhiều tài liệu ngày nay ta cho tầm thường (tức năm 1967-TG), nửa thế kỷ nữa sẽ rất quý, giúp các học giả rất nhiều”. [3]
Về tình hình xuất bản các tác phẩm địa phương chí, theo thống kê của Thạc Sĩ Nguyễn Thanh Lợi, những năm 1954-1975 là giai đoạn nở rộ của việc biên soạn sách địa chí ở miền Nam Việt Nam đã có 64 tác phẩm được xuất bản, tạm chia thành 2 nhóm chính :
Nhóm do các toà hành chính, tòa thị chính của các địa phương biên soạn và xuất bản, có 28 tác phẩm.
Nhóm do các cá nhân biên soạn và xuất bản, có 36 tác phẩm. Trong đó, tác giả có 1 tác phẩm (21 tác giả), tác giả có từ 2 tác phẩm trở lên (3 tác giả với 15 tác phẩm), trong đó có tác phẩm Tân Châu (1870-1964).
Tân Châu (1870-1964) được biên soạn theo thể loại địa chí tổng hợp, về nội dung cấu trúc cơ bản được chia thành 4 phần lớn, phản ánh các mặt của địa phương trên các phương diện tự nhiên, lịch sử, kinh tế, văn hóa như phần lớn các loại địa chí được biên soạn của thời kỳ đó.
Tuy nhiên, điều để lại sự khâm phục cho hậu thế, đó là trong số 36 tác phẩm địa phương chí do cá nhân biên soạn và xuất bản của giai đoạn 1954- 1975 ở miền Nam, tác phẩm Tân Châu (1870-1964) cùng với Cao Lãnh…đến năm 1954 (Trần Quang Hạo, 1963) là 2 tác phẩm địa phương chí hiếm hoi viết về một đơn vị cấp quận ở miền Nam trước năm 1975. Số 34 tác phẩm địa phương chí còn lại phạm vi thể hiện chủ yếu chuyên nghiên cứu về cấp tỉnh của miền Nam như : Gia Định, Định Tường, Kiến Hòa, Chương Thiện, Gò Công, Vĩnh Long, Sa Đéc, Vũng Tàu, Tây Ninh, Cần Thơ, Tân An, Vũng Tàu…
Sáu mươi năm đã trôi qua, kể từ khi tác phẩm Tân Châu (1870-1964) được hoàn thành, có thể khẳng định rằng đến thời điểm hiện nay, tác phẩm Tân Châu (1870-1964) do một tác giả biên soạn và xuất bản, là quyển địa phương chí với thể loại tổng hợp viết về Tân Châu duy nhất trên địa bàn tỉnh An Giang.
Về dung lượng của tác phẩm, Tân Châu (1870-1964) thể hiện một tinh thần lao động nghiêm túc, cẩn thận, công phu, tỉ mỉ, tâm huyết của tác giả.
Nguyễn văn Kiềm đã giới thiệu Tân Châu-một quận nhỏ thuộc tỉnh Châu Đốc, chỉ có 2 tổng gồm An Thành, An Lạc với 8 xã : Vĩnh Xương, Tân An, Long Phú, Phú Vĩnh, Long Sơn, Phú Lâm, Phú An, Hòa Hảo, (bao gồm địa phận của thị xã Tân Châu và một phần các xã bờ sông Tiền thuộc huyện Phú Tân ngày nay), dân số 109.531 người. Tuy nhiên, tác phẩm đã chứa lượng thông tin, kiến thức với 430 trang bao gồm đầy đủ những nội dung về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, lịch sử, những nét đặc thù của địa phương như ngành nghề, nguồn gốc một số địa danh, tín ngưỡng tôn giáo, phong tục, nhân vật lịch sử… có độ dày lớn hơn rất nhiều so với một số bộ địa chí cấp tỉnh do chính quyền Sài Gòn xuất bản trước năm 1975.
Chúng ta thử so sánh để thấy sự nổi bật của tác giả Nguyễn Văn Kiềm với Tân Châu (1870-1964):
“Dưới thời chính quyền Sài Gòn, nhiều cuốn địa phương chí theo kết cấu các chuyên khảo của người Pháp dung lượng tăng không đáng kể như Địa phương chí tỉnh Vĩnh Long (1958, 60 trang), Địa phương chí tỉnh Kiên Giang (1958,153 trang), Địa phương chí tỉnh An Giang (1963,74 trang), Địa phương chí tỉnh Phong Dinh (1964,79 trang), Địa phương chí tỉnh Hậu Nghĩa (1965, 66 trang), Địa phương chí tỉnh Châu Đốc (1968, 83 trang)….[4]
Về nội dung, ông đề cập nhiều vấn đề khá toàn diện của Tân Châu như nói trên, tuy nhiên độc đáo nhất khi ông giới thiệu một đặc sản mùa nước nổi ở Tân Châu, đó là cá linh. Ông miêu tả rất sinh động, tỉ mỉ về truyền thuyết giống cá linh, loại cá linh, cách đánh bắt cá, công dụng cá linh, cách làm mắm, cách làm nước mắm cá linh…rất thiết thực tạo cảm giác hứng thú cho người đọc có thể làm ngay những món ăn đặc sắc Nam bộ từ loài cá này như nước mắm, mắm kho, mắm sống…
Ông cũng giới thiệu khá chi tiết về nghề nuôi cá tra từ khâu làm lưới bắt cá giống, lựa cá, nuôi cá giống… mà ông gọi là một nghề mới vào những năm 50-60 của thế kỷ trước, nay trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực đem lại hàng trăm triệu đô la cho doanh nghiệp và người dân An Giang, Đồng Tháp…; nghề trồng dâu, nuôi tằm ươm tơ dệt lụa ở Tân Châu với mặt hàng lãnh Mỹ-A lừng danh cả nước và quốc tế…
Tuy mục đích của Nguyễn văn Kiềm khi viết Tân Châu (1870-1964) rất khiêm tốn, nhưng Nguyễn Hiến Lê-một nhà văn khá nổi tiếng, đánh giá cao Nguyễn văn Kiềm cùng một số nhà biên khảo thời kỳ 1966-1967 (Nguyễn văn Hầu, Nguyễn Đình Tư, Trần Quang Đạo, Huỳnh Minh-TG) như là những người yêu nước, nặng lòng với quê hương xứ sở, tự nguyện làm “người chỉ đường” để mỗi người Việt Nam hiểu biết thêm về đất nước rồi yêu nước và cuối cùng tin vào sức mạnh của dân tộc.
“Nhưng tất cả mấy nhà đó đều có chung một nỗi lòng, đều nhắm chung một mục đích là “tự nguyện làm người chỉ đường”, đưa chúng ta đi thăm non sông gấm vóc cùng công trình tô điểm của tiền nhân để hiểu nước rồi yêu nước, ôn lại quá khứ, tin ở nòi giống mà tự cường[5]
Từ đó, Nguyễn Hiến Lê kết luận :
“Cho nên tôi nghĩ nếu mỗi cuốn bán được vài ba ngàn bản trong vài ba năm cũng đã là thành công lắm rồi mà cũng đủ cho các vị đó phấn khởi để tiếp tục công việc, lần lượt cống hiến quốc dân những địa phương chí về các miền khác trong nước.”.[6]
Đúng như ước vọng của Nguyễn Hiến Lê, gần 40 năm sau, quyển Tân Châu (1870-1964) được nhà xuất bản Thanh Niên tái bản năm 2003 dưới tên gọi Tân Châu xưa cho thấy sức sống của tác phẩm này.
Về lịch sử và văn học, tác phẩm Tân Châu (1870-1964) chứa đựng nhiều tư liệu quí giúp ích cho việc nghiên cứu về lịch sử và văn học dân gian Nam bộ, trong đó có lịch sử và văn học An Giang.
Trước nhất, về lịch sử địa phương
Tân Châu (1870-1964) đề cập về nguồn gốc vùng đất Tân Châu khởi thủy từ Tân Châu đạo vào năm 1757; về lịch sử kinh Vĩnh An-một con kinh chiến lược vùng đất Tân Châu thời nhà Nguyễn có vai trò an ninh quốc phòng chống giặc Xiêm xâm lược và phát triển kinh tế Tân Châu .
Tác phẩm cũng cung cấp tư liệu, trình bày diễn biến một số cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp như phong trào Đạo Tưởng ở Tân Châu; về trung tâm phong trào Thiên Địa hội của xã Long Sơn với “kèo xanh”, “kèo vàng” “kèo đỏ” sau đó trở thành phong trào rộng lớn của hội kín chống Pháp ở miền Nam đầu thế kỷ XX; về các cuộc chiến đấu của Việt Minh ở Giồng Trà Dên; các di tích lịch sử như chùa Giồng Thành (nay trở thành di tích lịch sử quốc gia), Đình Long Phú (nay trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh), Miếu Hội, Vịnh Đồn……
Hoặc các tôn giáo, tín ngưỡng bộc lộ ý thức yêu nước như Bửu Sơn Kỳ Hương ở xã Vĩnh Xương, ông Đạo Gò Mối ở xã Tân An, các nhân vật yêu nước như Tú Tài Trần Hữu Thường, các danh nhân văn hóa địa phương mà tên tuổi họ lan rộng khắp miền Nam như Nguyễn Chánh Sắt, Thái Thụy Phong, Nguyệt Yến, hoặc có tiếng trên trường quốc tế như họa sĩ Lê Trung…Từ đây, nhiều bài viết của một số tác giả sử dụng tác phẩm Tân Châu (1870-1964) để dùng làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu trên từng lĩnh vực hoặc viết luận văn ở các bậc học Đại học hoặc trên Đại học.
Hai là, về văn học dân gian Nam bộ
Chúng ta thấy những tài liệu trong Tân Châu (1870-1964) góp phẩn lưu giữ và giới thiệu những nét đặc thù của văn học dân gian Nam bộ, cụ thể là :
-Ca dao, trong đó có ca dao rất riêng của địa phương Tân Châu, Châu Đốc
Khi viết xong quyển Tân Châu, Nguyễn văn Kiềm có tặng sách cho nhà văn Toan Ánh-một cây đại thụ trong giới biên khảo của nước ta, ông Toan Ánh có đánh giá tấm lòng của ông Kiềm có công sưu tầm nhiều bài ca dao của vùng đất Tân Châu-Châu Đốc làm phong phú thêm kho tàng ca dao Việt Nam. Chẳng hạn như :
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Đất nào dốc bằng đất Nam Vang
Một tiếng anh than hai hàng lụy nhỏ
Có một mẹ già biết bỏ ai nuôi
Nói về những món đặc sản của quê hương:
Mắm Châu Đốc
Dốc Nam Vang,
Bò Châu Giang,
Kinh Vĩnh Tế
Hoặc tình yêu nam nữ :
Ngó lên Nam Vang thấy cây nằm nước
Ngó xuống Thường Phước thấy sóng bủa lao xao
Anh thương em ruột thắt gan bào
Biết em có thương lại chút nào hay không
Trai nào tài bằng trai Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu
Anh thương em dạ luống ưu sầu,
Mong ngày hội diện gieo cầu kết duyên [7]
-Thơ rơi, một thể loại văn học dân gian Nam bộ
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp, thơ rơi còn gọi thơ ân tình hay thơ nhân ngãi. Loại thơ này không có tựa. là một loại thư viết bằng văn vần. Thơ rơi thường dùng tỏ bày tâm sự, tình cảm riêng tây mang tính nội bộ với nội dung khá bao quát như : thăm viếng, khuyên can, kể lể tình cảnh khổ nhục đang bị tù đày; bị bắt sung quân nơi biên ải; nỗi nhớ quê nhà da diết của những người vì hoàn cảnh kinh tế gia đình bức xúc phải tha phương cầu thực… Loại hình này tuy ban đầu được thể hiện bằng văn viết (tự viết hoặc sở cậy người khác viết dùm – thư tín) nhưng do phương thức phổ biến truyền miệng thông qua những hình thức “nói thơ”, ru em… nên những tác phẩm thơ rơi được xem là “thơ và bài hát” – một trong những thể loại văn học dân gian đặc thù Nam Bộ. [8]
Ngày nay, tuy thể loại thơ rơi không còn tồn tại, nhưng đây là đề tài nghiên cứu phong phú về nền văn học dân gian Nam bộ của một thời kỳ lịch sử.
Trong tác phẩm Tân Châu, Nguyễn văn Kiềm đã sưu tầm một bài thơ rơi rất độc đáo có nội dung một người con là đông y sĩ xa xứ gởi về thăm cha mẹ ở Tân Châu bày tỏ lòng thương nhớ, mỗi câu thơ là một vị thuốc bắc giải bày tâm sự.
Sau đây là một số trích đoạn :
Trước kính lạy muôn ơn hương phụ[9] ,
Sau ngỏ cùng tri mẫu [10] tại gia.
Nghĩ phận con nhiều nỗi bạc hà [11]
Đầu khấu [12]xin cha đừng chấp nhứt.
Tay phong thơ một bức [13]
Lòng thương trực [14] sầu bi
Nghĩ phụ thân nào khác cốt bì [15],
Ơn kế mẫu dường như táo nhục [16].
Ba là, đóng góp cho địa danh học địa phương
Địa danh được hiểu là tên gọi của một vùng đất, phản ánh nhận thức của người xưa thông qua việc đặt tên, thể hiện sự tồn tại của cộng đồng người đối với vùng đất mình đang sống.
Việc tìm hiểu những vấn đề địa danh học địa phương có ý nghĩa cho việc việc tìm hiểu lịch sử, dấu ấn văn hóa của một vùng đất vốn có bề dày lịch sử, giúp ta yêu quí, trân trọng công lao của các bậc tiền nhân đã có công khai phá giúp cho ta có cuộc sống yên bình, hạnh phúc hôm nay.
Đây cũng là phần đóng góp quan trọng và có giá trị của tác phẩm Tân Châu.Nhiều địa danh như Vịnh Đồn, Núi Nổi, Giồng Trà Dên, Giồng Cam, Giồng Thành, Ba Lò, Cù lao Tây (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), Miễu Bằng Lăng…hoặc tên những công trình thủy lợi được nhân dân đặt tên lâu ngày gần như trở thành địa danh như Cống Muối, Cống Bàn Cờ, Kinh Bà Đầm, Kinh Thần Nông, Kinh Hòa Bình…… được Nguyễn văn Kiềm đã tìm hiểu, ghi chép, tra cứu, đi điền dã để phản ảnh, giải thích tỉ mỉ nguồn gốc nhiều địa danh của vùng đất Tân Châu góp phần làm phong phú thêm viêc nghiên cứu địa danh học địa phương An Giang.
Thay lời kết
Nguyễn văn Kiềm đã dành 4 năm từ năm 1960 đến năm 1964 để sưu tầm và biên khảo tác phẩm Tân Châu (1870-1964). Chúng ta có thể thấy rằng, chỉ với tình yêu tha thiết nơi mình chôn nhau cắt rún, với tinh thần dấn thân của một nhà mô phạm vì thế hệ trẻ, Nguyễn văn Kiềm mới có thể dành nhiều thời gian và tâm lực cho sự ra đời của tác phẩm, mà ông xem như là “nhịp cầu để liên lạc với thế hệ sau”.
Cả đời ông chỉ để lại một tác phẩm duy nhất là quyển Tân Châu (1870-1964) viết về quê hương của mình để giới thiệu đến bạn đọc bốn phương. Tác phẩm này đã đi vào ký ức nhiều thế hệ người dân Tân Châu khi xúc động nói về quê hương của mình, nhất là đối với những người con xa xứ.
Những đóng góp của tác phẩm này đã đưa Tân Châu, một vùng đất biên thùy xa xôi hẻo lánh ở phía Tây Nam của tổ quốc được đông đảo bạn đọc cả nước biết đến, trở nên một địa danh quen thuộc khi nhắc đến lãnh Mỹ A, Giồng Trà Dên, chùa Giồng Thành…
Ngày nay, nghiên cứu và phổ biến địa danh đó không chỉ giáo dục tình yêu và sự hiểu biết quê hương cho thế hệ trẻ; cũng là một kênh “tiếp thị” giúp du khách đến tham quan, du lịch địa phương nắm bắt được những gì liên quan đến lịch sử, văn hóa bản địa một thời.
Nguyễn văn Kiềm xứng đáng được đời sau xem như là nhà “Tân Châu học”[17]. Với tinh thần trân trọng ông, Địa chí An Giang đánh giá về ông cùng với một số tác giả nổi tiếng về biên khảo của An Giang như sau : “Nguyễn văn Kiềm, Nguyễn văn Hầu, Liêm Châu là những thầy giáo yêu nghề nhưng cũng say mê văn chương thi phú, các ông chuyên sâu về biên khảo và để lại những tác phẩm giá trị về lịch sử khẩn hoang, phát triển vùng đất An Giang.”./. [18]
Đỗ Thanh Trung
[1] Trịnh Bửu Hoài (2009), Những gương mặt tiền phong của nền văn học Tân Châu, Kỷ yếu tọa đàm 250 năm Tân Châu đạo, Ban Tuyên Giáo thị xã ủy Tân Châu tr.100-102
[2] Tạp chí Bách Khoa (1967), Giới thiệu sách mới: Tân Châu (1870-1964)- số 251 ngày 15/6/1967
[3], Nguyễn Hiến Lê (1967), Một hiện tượng mới : Loại địa phương chí, Bách Khoa số 249 ngày 15/5/1967, tr.4-5
[4] Nguyễn Thanh Lợi (2017), Sách Địa chí ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển số 4 (138), tr.90
[5] Nguyễn Hiến Lê (1967), Một hiện tượng mới : Loại địa phương chí, Bách Khoa số 249 ngày 15/5/1967, tr.4-5
[6] Sđd
[7]Toan Ánh (2007), Ca dao Châu Đốc-Sài Gòn,Sài Gòn Xưa và Nay, NXB Trẻ, tr.175
[8] Nguyễn Hữu Hiệp, Thơ rơi, một thể loại văn học dân gian Nam bộ-vanchuong viet.org
[9] Hương phụ : củ cỏ cú, một vị thuốc trị thông hơi, khai uất ăn ngon, để ám chỉ thân sinh ông, vì trong “hương phụ” có phụ: cha
[10] Tri mẫu : trị khát nước, mồ hôi trộm, ho có đàm, để ám chỉ kế mẫu ông, vì trong “tri mẫu” có mẫu: mẹ. Ý nói: xin mẹ biết lòng con.
[11] Bạc hà: trị nóng đầu, nóng con mắt, nóng trong xương và tiêu đàm. Ý nói: con là người bạc bẽo.
[12] Đầu khấu: trị ụa mửa, nặng ngực, con mắt mờ. Ý nói: con cúi đầu xin cha mẹ tha thứ tội bất hiếu của con.
[13] Bức: vị “thiên chương chỉ”, khi trải ra như giấy viết thơ.
[14] Thương trực: trị bịnh phong thấp, phát hạn, thông trung tiêu. Ý nói: lúc nào con cũng nhớ cha mẹ.
[15] Cốt bì: là vị “địa cốt bì”, trị mát da mát thịt, bổ máu huyết và bổ phần âm. Ý nói: thấy da thịt là tưởng nhớ đến mẹ cha.
[16] Táo nhục: trị mát cật, bổ tinh, trị lỗ tai lùng bùng. Ý nói: thường xem mẹ ghẻ như mẹ ruột.
[17] Trịnh Bửu Hoài (2009), Những gương mặt tiền phong của nền văn học Tân Châu, Kỷ yếu tọa đàm 250 năm Tân Châu đạo, Ban Tuyên Giáo thị xã ủy Tân Châu tr.93
[18] UBND Tỉnh An Giang (2013), Văn học quốc ngữ, Địa chí An Giang, Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy An Giang, tr.614