Những giọt mồ hôi làm nên Tết
Tết không chỉ đến từ sắc mai vàng, từ bánh tét xanh hay những bộ áo mới thơm mùi vải, mà còn được dệt nên từ những giọt mồ hôi âm thầm lặng lẽ – những giọt mồ hôi mang vị mặn của gian khó, thấm đượm yêu thương và hy vọng.
Những ngày cuối năm, làng nghề thốt nốt quê tôi – làng nghề vừa được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia – rộn ràng như bản nhạc lao động vang lên giữa đất trời miền Tây. Trên những cây thốt nốt cao vút, người dân thoăn thoắt leo lên ngọn cây, khéo léo buộc những ống tre hoặc bình nhỏ vào đúng bông hoa thốt nốt đực để hứng lấy dòng nước ngọt mát, tinh khiết sau một đêm đẫm sương. Dòng nước ấy, trong veo, thanh dịu, được ví như giọt sương của đất trời, chắt chiu từ thiên nhiên hào phóng và sự cần mẫn của con người. Dưới bóng râm của những hàng thốt nốt, những bếp lửa đỏ rực cả ngày lẫn đêm. Hơi nóng bốc lên nghi ngút từ những nồi lớn, nơi những đôi tay chai sạn miệt mài khuấy đường. Từng giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt sạm nắng của người làm nghề, thấm vào không gian, hòa quyện cùng mùi thơm nồng của mật hoa, cái ngọt thanh của đường.
Từng viên đường thốt nốt vàng óng được đổ khuôn cẩn thận, từng hũ múi thốt nốt rim đường vàng sóng sánh được xếp ngay ngắn. Những món quà quê ấy mang theo vị ngọt ngào nhưng chất chứa bao giọt mồ hôi, sự tỉ mỉ và yêu thương của người lao động. Giữa cái tất bật của chợ quê ngày giáp Tết, bà con ghé mua từng viên đường, từng hũ mật hoa thốt nốt để chuẩn bị cho những món ăn đậm đà, trọn vẹn hương vị ngày xuân. Những đôi tay gầy guộc nâng niu từng món quà, như gửi gắm sự trân quý dành cho quê hương, cho mùa xuân no ấm.
Những ngày cuối năm, không khí rộn ràng len lỏi vào từng ngõ nhỏ, từng mái nhà. Tôi nhớ hình ảnh ba lom khom sửa lại bờ bao sau vụ lúa, vun xới những luống rau xanh mướt trong ánh nắng nhẹ cuối năm. Ba bảo: “Phải lo đâu đó xong xuôi để còn ăn tết nữa chớ”. Mỗi nhát cuốc bám chặt vào đất như mang theo cả sự nỗ lực và hy vọng, như muốn vun trồng mùa xuân từ chính những giọt mồ hôi vất vả. Ở khoảng sân trước nhà, các cậu và em trai tôi đang cùng nhau chẻ củi. Tiếng rìu bổ xuống khô khốc, những mảnh củi nhỏ bay lả tả, mùi gỗ mới hòa cùng hơi đất ẩm, nhè nhẹ trong làn gió xuân. Cậu tôi lau giọt mồ hôi trên trán, ánh mắt trầm ngâm nhìn xa xăm nhưng vẫn sáng lên niềm vui giản dị khi Tết đang gần kề.
Tết năm nào cũng thế, mẹ tôi ngồi bên bếp lửa, đôi tay thoăn thoắt lau từng lá chuối, gói từng đòn bánh tét. Những chiếc bánh không chỉ gói nếp, đậu, thịt, chuối mà còn được gói bằng sự khéo léo và những giọt mồ hôi ấm nóng. Mùi bánh tét chín thơm lừng lan tỏa khắp nhà. Mẹ mỉm cười, ánh mắt ánh lên niềm vui khi nhìn những chiếc bánh được xếp gọn gàng, mẹ thỏ thẻ: “Dân xứ mình, làm gì làm, tết là phải có bánh tét. Gói bánh Tét là gói cả cái tình quê mình”. Câu nói của mẹ, tựa như một triết lý dung dị, đã theo tôi suốt bao mùa.
Tôi thường đứng lặng nhìn những cô, những dì trong xóm, đôi vai gánh nặng rau củ, hoa quả, kẹo mứt, bước đi thoăn thoắt ra chợ từ sớm mai. Những chiếc nón lá nghiêng che khuôn mặt rám nắng, nhưng không giấu được nụ cười tươi rói khi chào hỏi, trò chuyện. Những bó rau xanh, những trái bầu trái mướp, từng gói mứt được xếp gọn gàng trên đôi gánh, như mang theo cả hương vị Tết mộc mạc, ngọt lành hòa vào không khí rộn ràng của phiên chợ quê những ngày cuối năm.
Mỗi giọt mồ hôi rơi xuống không chỉ mang ý nghĩa của lao động, mà còn là sự yêu thương và hy sinh thầm lặng. Đó là những giọt mồ hôi của người mẹ gói bánh, của người cha vun xới đất, của những người làm nghề thốt nốt, của bà con nhọc nhằn gánh hàng ra chợ. Chúng lặng lẽ làm nên mùa xuân – từ những nhành mai vàng, những viên đường thơm ngọt, đến ánh mắt hạnh phúc của những đứa trẻ khi cầm phong lì xì đỏ tươi.
Trong những ngày Tết, tôi thường ngồi bên hiên nhà, lặng ngắm ánh lửa bập bùng từ bếp củi. Tôi thấy trong ánh lửa ấy có bóng dáng của ba, của mẹ, của những người làm nên cái Tết đủ đầy. Những giọt mồ hôi âm thầm ấy không chỉ làm nên một mùa xuân ngọt lành, mà còn lưu giữ hồn quê, gợi nhắc tôi phải biết trân trọng những điều giản dị nhưng quý giá.
Khi tiếng pháo hoa rộn rã đón giao thừa, lòng tôi lặng đi, nghĩ về những giọt mồ hôi đã làm nên mùa xuân. Những giọt mồ hôi ấy, dù lặng lẽ nhưng luôn sáng lấp lánh – như chính linh hồn của miền Tây, như ngọn lửa cháy mãi trong ký ức của tôi về những cái Tết đủ đầy, đậm đà tình quê.
Huỳnh Cam
Tranh minh họa bài: Chiều 30 – Nguyễn Văn Thắng