Những tấm gương bình dị mà cao quý
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”
Bác Hồ – Người đã dành trọn cuộc đời, tâm huyết của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Người đã mãi đi xa, nhưng hình ảnh về một lãnh tụ vĩ đại, đáng kính, được nhân loại biết đến thì mãi vĩnh hằng trong trái tim mỗi thế hệ người Việt Nam chúng ta và bạn bè quốc tế. Những gì Người để lại hôm nay, là tài sản to lớn cả về nhân cách làm người và giá trị cuộc sống. Dải đất Việt Nam hình chữ S thân thương, đã có biết bao tấm gương “sống đẹp – sống có ích” theo hình ảnh Hồ Chí Minh, như một câu nói mà Người đã từng dặn dò: “Một tấm gương sáng có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Có thể nói, cuộc sống bắt đầu từ những điều tưởng chừng như giản dị, bình yên nhất và chúng ta cũng vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã giúp cho ta có cái nhìn ý nghĩa hơn, đa chiều hơn về cuộc sống xung quanh. Chính điều đó đã nhen nhóm được tình bao dung, rộng lượng và lòng nhiệt huyết trong học tập và làm việc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một tấm gương sáng có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” nên khi đọc các báo hằng ngày, hễ có bài viết về người tốt, việc tốt Bác lấy bút đỏ khoanh vào và ghi lại: “Tặng một huy hiệu của Bác cho người được nêu gương”.
Ngày nay, những tấm gương giản dị đó đã đi vào những trang viết với những câu chuyện đời thường vô cùng ý nghĩa thông qua cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong những năm qua, cuộc vận động này đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, mở ra cho những cây bút hoạt động văn nghệ trên khắp mọi miền đất nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng một môi trường sáng tạo mới, sinh động và hấp dẫn với nhiều góc cạnh sâu sắc của đời sống hiện đại. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đã thể hiện sự kính yêu, mến phục trước tấm gương đạo đức và phong cách của Bác. Các tác phẩm có nội dung sâu sắc viết về những tấm gương tiêu biểu, những tập thể và cá nhân tích cực, những con người đang ra sức phấn đấu làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ đã xuất hiện thường xuyên và gần gũi hơn trong cuộc sống thường ngày, thực sự có sức thuyết phục, thu hút người đọc người nghe.
Tập sách “Vòng tay nhân ái” là những câu chuyện kể, những tác phẩm âm nhạc về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của 16 tác giả trong tỉnh An Giang do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật An Giang (nay là Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang) xuất bản năm 2012, với 160 trang, nội dung cuốn sách gồm hai phần:
Phần I: 18 câu chuyện về những cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của 10 tác giả như Trần Mỹ Hiền, Trần Thị Bé Năm, Trương Công Thuốc, Bửu Hiệp, Danh Du Số, Hoàng Hào, Thúy Hiền, Tăng Xuân Hiền, Trương Chí Hùng, Bích Thuận
Phần II: Những tác phẩm âm nhạc, bài ca cổ ca ngợi tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh của các tác giả: Bửu Hiệp, Dương Anh Chiến, Tăng Xuân Hiền, Trần Kim Hằng, Như Nguyễn, Hoài Nhật Thanh, Văn Kim, Hoàng Yến
Những tấm gương được nêu trong cuốn sách này là những con người bình thường, giản dị, gần gũi với mỗi chúng ta trong cuộc sống thường nhật. Tất cả ở họ luôn có tình yêu quê hương nồng nàn, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng, phấn đấu làm được nhiều điều tốt, việc thiện; là những tấm gương tạo ảnh hưởng sâu sắc trong xã hội, có sức truyền cảm, cổ vũ, lan tỏa rất lớn trong cộng đồng.
Tiêu biểu đó là câu chuyện về những con người đã hết lòng với công tác xã hội trong việc chăm sóc người gia neo đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Cù lao Giêng – Chợ Mới. Câu chuyện dẫn chúng ta đi gặp gỡ những mảnh đời cơ nhỡ với những hoàn cảnh khác nhau. Nhưng khi đến đây, ở mảnh đất Cù lao Giêng này, họ có thể yên tâm xem đây như là gia đình mình, như mình đã tìm lại được mái ấm mà số phận đã vô tình bỏ sót.
Tác phẩm “Lụa tươi màu nắng” của tác giả Trần Mỹ Hiền đã dành những lời văn rất chân thành khi viết về nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm ở làng Chăm xã Châu Phong. Chị đã ghi lại cả một quá trình nỗ lực, cùng với lòng yêu nghề và tâm huyết của đồng bào Chăm bao đời gắn bó với khung dệt và tiếng thoi đưa. Tác giả còn ưu ái dành cả phần tác phẩm còn lại của mình cho nét độc đáo của Tân Châu đó là “lãnh Mỹ A” hay còn gọi là “Lụa Tân Châu” qua câu chuyện hồi sinh làng nghề của anh Nguyễn Hữu Trí – một trong những người con của ông Tám Lăng. Lụa Tân Châu với nét đẹp sang trọng quý phái cộng với sự thăng trầm trong từng số phận của từng mét lụa đã tạo nên những bộ sưu tập thời trang với tiếng vang lớn trên các sàn diễn quốc tế, là cả một quá trình dày công cần cù chịu khó, tìm tói sáng tạo của lớp hậu bối. Tất cả đều rất đỗi tự hào và đáng khâm phục.
Hay câu chuyên thú vị của người bỏ thuốc lá của tác giả Hoàng Hảo viết về ông Bảy Tiên ở xã Vĩnh Ngươn với câu nói rất cương quyết và mạnh mẽ: “Tôi đã thực hiện ý chí quyết tâm với bản thân để bỏ hút thuốc sau khi được “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh” khiến cả hội trường ai cũng trầm trồ khâm phục. Ông diễn tả nỗi dằn vặt, thèm thuồng khi bỏ thuốc lần đầu, lần hai và đến lần thứ ba thì ông mới cương quyết bỏ được thuốc lá. Tác giả hỏi ông bí quyết bỏ thuốc, ông vui vẻ bảo “Chả có bí quyết gì cao siêu, chỉ cầm có quyết tâm cao mà thôi”. Ông nhận thức được bản thân là Đảng viên về hưu thì phải gương mẫu trong việc nhận thức được tác hại của thuốc, đồng thời tiết kiệm khoản tiền mua thuốc lá tặng cho các cháu đi học. Ngoài ý nghĩa thiết thực đó, ông còn lá tấm gương cho hai đứa con trai dần bỏ thuốc và bỏ hẳn không hút thuốc lá nữa.
Mỗi câu chuyện được kể lại đều xuất phát từ nguồn cảm xúc chân thành, biểu lộ lòng biết ơn sâu sắc, tình yêu đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Không chỉ nói về đạo đức mà còn là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng. Các tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác có tác động tích cực trong việc nêu gương, nhân rộng những người tốt có thật, những việc tốt có thật giúp mỗi chúng ta cảm nhận được sự lan tỏa của những tấm gương đó, góp phần đẩy lùi những tính xấu, sự vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa, cùng điều ác; đồng thời làm sinh sôi, nảy nở những phần tốt, phần thiện trong mỗi con người. Có như vậy, xã hội sẽ ngày một tốt đẹp hơn như lời Bác căn dặn: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Mỗi câu chuyện nhỏ là một bài học lớn. Mỗi hình ảnh, mỗi bài viết về các tấm gương là một câu chuyện cảm động về những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, khó khăn, dám nghĩ, dám làm, dốc lòng, dốc sức vì lợi ích của cộng đồng, vì sự bình yên và phồn vinh của đất nước.
Cuốn sách góp phần cổ vũ kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt trên địa bàn tỉnh An Giang. Là tấm gương để mỗi người tự học và phấn đấu làm theo, phản ánh nhiều tấm gương điển hình là cán bộ, đảng viên, người có công, người dân thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực. Trong đó có những người đã âm thầm cống hiến cho đất nước, cộng đồng, làm được nhiều việc tốt, bình dị nhưng có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, thực sự là những điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Có một điểm chung đáng quý là thầm lặng làm việc tốt, việc thiện; sẵn sàng nhận việc khó, phần thiệt thòi về mình; nỗ lực cống hiến cho xã hội.
Sách hiện có tại Thư viện trường THPT Nguyễn Sinh Sắc (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) do Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang gửi tặng.
Nguyễn Phạm Nguyên – Lớp 11A10,
Trường THPT Nguyễn Sinh Sắc, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang