Những “tờ hịch” cổ vũ các phong trào cách mạng!

Ngay từ những năm tháng tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã sớm tham gia các hoạt động báo chí. Khi hoạt động tại Pháp, Người là đồng sáng lập tờ báo Le Paria (Ng­ười cùng khổ). Lúc hoạt động ở Trung Quốc, ngay sau khi thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên- tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 21 tháng 6 Báo Thanh niên cũng được thành lập. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam do Người sáng lập, trực tiếp chỉ đạo và là cây bút chủ chốt. Sự kiện lịch sử này đặt dấu mốc khởi nguồn cho sự ra đời, không ngừng phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời vừa hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng ngàn bài viết, với hàng trăm bút danh khác nhau, được đăng ở nhiều báo trong và ngoài nước bằng nhiều thứ tiếng: Việt, Pháp, Hán, Nga, Anh… Những bài viết của Người có văn phong độc đáo nhưng rất dễ hiểu,… Nó trực tiếp góp phần làm nên Hồ Chí Minh “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”.

Theo Bác, nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. Vì thế: “Tất cả những người làm báo… phải có lập trường chính trị vững chắc”. Báo chí phục vụ Nhân dân thông qua tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ để Dân hiểu rõ và làm theo. Nhằm đảm bảo yêu cầu đó, mỗi nhà báo khi cầm bút phải trả lời đúng câu hỏi:  “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?…”.

Nhà báo được giao nhiệm vụ rất vẻ vang. Mỗi người làm báo phải ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ; luôn giữ được “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”; luôn xứng đáng với sự tin cậy của Nhân dân, của Đảng và Nhà nước. Nhắc lại chỉ dạy của Lê nin, Người căn dặn: “… Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”.

Không chỉ phục vụ nhiệm vụ chính trị, báo chí còn có vai trò tiên phong với tư cách là “tờ hịch cách mạng” động viên quần chúng, tạo ra phong trào cách mạng với tính chiến đấu cao. Tính chiến đấu không chỉ nhằm tiến công vào kẻ thù của cách mạng, mà còn biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và lao động để cổ vũ mọi người hăng hái tham gia các phong trào cách mạng. Báo chí phải nhanh chóng phát hiện ra cái mới, ủng hộ cái tốt; đứng về phía cái mới kiên quyết đấu tranh với cái cũ; đứng về phía cái tốt đấu tranh với cái không tốt. Bác nhấn mạnh: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư”.

Đảng ta luôn luôn coi báo chí là phương tiện, vũ khí sắc bén để tuyên truyền, cổ vũ, động viên, tập hợp, tổ chức và vận động Nhân dân thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Kể từ Đổi mới đến nay, báo chí luôn bám sát định hướng chính trị của Đảng, tuyên truyền kịp thời, sâu rộng các sự kiện trọng đại của đất nước như các kỳ Đại hội Đảng, các Hội nghị Trung ương, các kỳ họp Quốc hội… Với ưu thế của mỗi loại hình, các đài phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, tạp chí… đã đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần nâng cao trình độ nhận thức chính trị cho các tầng lớp nhân dân. Báo chí là kênh thông tin quan trọng, là phương tiện, là công cụ đắc lực giúp Đảng, Nhà nước trong việc lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước.

Là diễn đàn của Nhân dân, báo chí luôn bám sát thực tiễn, phản ánh tiến trình vận động của cuộc sống, kịp thời nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân. Thông qua báo chí, Nhân dân được tự do bày tỏ tâm tư, ý kiến của mình với Đảng, với Nhà nước. Mặt khác, Nhân dân thể hiện sự tin tưởng vào cơ quan ngôn luận bằng những hành động thiết thực như phát hiện, đấu tranh chống tiêu cực thông qua báo chí. Rất nhiều sự kiện, vụ việc nghiêm trọng người dân không dám phản ánh với cơ quan công quyền, mà phản ánh với báo chí, thông qua báo chí cung cấp thông tin, chuyển ý kiến tới các cơ quan Đảng và Nhà nước. Báo chí đã thực sự là cầu nối giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng. Nhân dân tin tưởng và ngày càng tìm đến với diễn đàn báo chí nhiều hơn, qua đó báo chí có điều kiện định hướng đúng đắn dư luận xã hội. Báo chí là diễn đàn để Nhân dân trao đổi, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng chính đáng của mình, góp phần tham gia vào giải quyết các vấn đề của đất nước.

Báo chí đã trở thành một lực lượng quan trọng trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, vì sự tiến bộ của xã hội. Tiến bộ xã hội là quá trình phát triển đan xen, có nhiều mâu thuẫn và thông qua mâu thuẫn để phát triển, do đó truyền thông đại chúng thường xuyên phát hiện những mâu thuẫn, tổng kết thực tiễn để giải quyết mâu thuẫn, tạo tiền đề cho sự phát triển hợp quy luật.Báo chí đã tham gia tích cực vào cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cải cách hành chính nhà nước, vào quá trình mở rộng và thực hành dân chủ, thiết lập trật tự, kỷ cương phép nước, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Báo chí phát hiện ra những vấn đề bức xúc trong Nhân dân, phản ánh, kiến nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, góp phần làm cho các cơ chế, chính sách và pháp luật của Nhà nước ngày càng hoàn thiện hơn.

Gần đây, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí có vai trò đặc biệt, vừa góp phần phát hiện, đấu tranh với những vụ việc, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực qua thực hiện chức năng của mình để phản ánh, tham mưu, đề xuất, kiến nghị xử lý, giám sát việc thực thi của các cơ quan chức năng, vừa tuyên truyền cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực… Không chỉ góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí còn có vai trò quan trọng trong việc cổ vũ, hình thành, phát triển ý thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho Nhân dân.

Báo chí cách mạng phải luôn xứng đáng là những “tờ hịch cách mạng” kêu gọi tổ chức và thúc đẩy các phong trào cách mạng!

                                                                                      Trung Thành