Nỗi nhớ đồng xưa
Tháng hai, mùa thu hoạch. Máy suốt ầm ì, bận rộn nuốt lúa, phun rơm, nhả hạt. Những hạt lúa vàng óng đua nhau chảy đầy bao. Những bao lúa lần lượt rủ nhau xếp chồng lên nhau, cao lên, dài ra tạo thành bức tường thành nho nhỏ, thành “ngọn núi” cho tụi nhỏ leo trèo, cho tụi nhóc tha hồ mơ ước:
– Này là lâu đài của tao, lớn lên tao sẽ cất lâu đài lớn hơn vầy nữa!
– Tao thì tao chỉ cần một cái nhà lầu thiệt cao để chiều chiều lên trển đứng chơi thôi!
Bầy chim sẻ mải miết bay lên,sà xuống tìm những hạt lúa còn sót chỗ đống rơm. Chúng như cũng muốn đua với những thím, những cô đang giũ rơm mót lúa. Ai cũng bận rộn. Mẹ lúi húi dỡ cơm trong cái giỏ bàng lớn để mời các chú, các bác đang phụ cha suốt lúa. Cha và các chú bác không ngơi tay vác lúa. Mệt, nhưng ai cũng vui. Chú bác mừng cho cha trúng mùa. Cha mừng, nhẩm tính chắc mùa này trả bớt được nợ. Mẹ vui vì đám giỗ cố sắp tới sẽ tươm tất hơn, sẽ mua được cho con bộ quần áo mới. Con vui vì được chạy nhảy thỏa thích trên cánh đồng, vì được cùng anh hai chạy theo rình chụp con chim sẻ, vì mai mốt thu hoạch xong, đốt đồng, sẽ được thả diều. Một năm được hai lần suốt lúa. Mà chỉ có lần suốt lúa sau tết mới được thả diều “đã đời”. Con nít đứa nào chẳng thích cầm con diều chạy ngược hướng gió để nghe gió nâng dần cánh diều lên. Khi diều đã no gió, vi vu trên bầu trời là lúc tụi nhỏ tha hồ tán chuyện đất trời, thần tiên, ma quỷ, tha hồ bốc phét: “Đêm qua, tao đi tè sau hè, gặp con ma đầu bự như bồ lúa!”. Còn mùa sau nữa, nhiều lúc cha phải chạy đua với lụt để cắt lúa, có mấy hôm mà cánh đồng thành biển nước. Lúc ấy, con nít mê xúc tép, câu cá, rình úp cá mê rổ, bắt con niềng niểng về nuôi… không để ý cha ra đồng giăng câu mấy bận, mẹ loay hoay vá lưới mấy lần…
Mùa tiếp mùa trôi qua. Tuổi vô tư chỉ toàn thấy niềm vui, đâu quan tâm đến lo toan của người lớn. Đến ngày suốt lúa, chỉ cần được tót ra đồng chạy nhảy, không thấy cha thất thần nhìn dãy bao đựng lúa chỉ chất lùm lùm, không dòm mẹ đang len lén chùi nước mắt. Càng không quan tâm giá cả là gì. Có lần còn vô tư phán một câu – mà lúc biết nghĩ thấy sao mình hồi nhỏ nhẫn tâm ghê gớm – “Hết mùa lúa mà mẹ chỉ mua cho con có ổ bánh mì thịt vậy hả mẹ?”. Con nít nào biết người lớn bao nhiêu lần nuốt thầm nước mắt! Ngày ấy, con nít chỉ biết những ngày suốt lúa là những ngày vui lắm…
Năm tiếp năm trôi qua. Khi người lớn đã thành người già thì con nít thành người lớn. Người lớn thì hết vô tư (chỉ còn chăng người lớn vô tâm). Người lớn đã hiểu nỗi lo của người già ngày xưa. Là bài ca muôn thuở của nhà nông: được mùa – thất giá,thất mùa – thất luôn giá. Là nỗi lo cơm áo, gạo tiền, cha già mẹ yếu, những đứa con đang tuổi ăn học, giỗ chạp cưới hỏi… Hiểu để thêm thương cha mẹ cả đời vất vả. Càng thương hơn vì hiểu cha mẹ nhớ những mùa suốt lúa như thế nào. Con nít chỉ mất một vùng kí ức nô đùa trên những bao lúa. Người lớn mất cả một đời gắn bó với cánh đồng. Ngày xưa ơi! Làm sao tìm lại được?
Giờ, xứ xứ đê bao. Một năm có ba, bốn mùa lúa. Máy gặt đập liên hợp làm thay nhiệm vụ của rất nhiều người.Người thất nghiệp tứ tán về miền Đông mưu sinh. Chắc chắn con nít bây giờ có kí ức khác lắm với con nít ngày xưa. Cánh đồng vẫn đó, chỉ có điều… những thửa ruộng ngày xưa là “đồng nhà”, là ruộng của mẹ cha, bây giờ, nó là của người ta! Người già không giấu được người lớn nỗi xót xa khi nhìn ra ruộng cũ. Dẫu biết không phải nhà nông nào cũng sống mãi với ruộng đồng, nhưng nhà nông mà không còn đồng ruộng thì còn nỗi buồn nào hơn? Chỉ vì bao biến cố chứ ai nỡ xa mảnh đất đã thấm bao mồ hôi nước mắt, nơi chắt chiu bao hi vọng, yêu thương? Nhìn người già quắt queo theo nỗi nhớ ruộng đồng mà phận làm con đứt ruột.
Bao nhiêu đứa con nít giàu mơ ước ngày xưa giờ đã xây được nhà lầu? Giờ, có một người lớn vẫn đang tiếp tục nuôi ước mơ, không phải xây lầu hay lâu đài, mà chỉ ước mong một ngày mua lại được những miếng đất xưa để trả người già về lại với ruộng đồng, để lứa con nít sau lại biết niềm vui mùa suốt lúa…
Chỉ tiếc, ước mơ người lớn chưa kịp thành thì người già đã dọn ra mảnh vườn sau nhà, yên nghỉ mãi mãi, mặt vẫn hướng về phía đồng xưa. Để lại nỗi hối hận đau đáu cho người lớn vì ước nguyện chưa thành…
Tác giả Nguyễn Ngọc Đào Uyên
(Ảnh: Nguyễn Minh Thành)