Phát huy ảnh hưởng mạnh mẽ vai trò của báo chí

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Một tờ báo có ảnh hưởng trong dân chúng rất mạnh”, gần bốn mươi năm trước (1986), chỉ sau mấy tháng tiến hành đổi mới, thực tiễn đã cho thấy việc thực hiện các quyết sách đổi mới bị cản trở bởi rất nhiều những hiện tượng tiêu cực. Càng đấu tranh chống tiêu cực thì tiêu cực không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có nhiều bài bài viết, cụ thể như bài Ánh sáng trong lành phải được lan rộng, đẩy lùi và xua tan bóng tối”.

Những bài viết đó đã đượcdư luận rộng rãi khắp cả nước hưởng ứng bằng nhiều cách đúng đắn, đáng mừng, …”. Bởi nó đã góp phần “… phanh phui đưa ra ánh sáng nhiều vụ tiêu cực quá to, quá đau lòng, đụng đến cả một hệ thống cán bộ, cơ quan, có khi có cả ô dù lớn che chở”. Đáng chú ý là các cơ quan “Báo, đài đã nhiệt tình góp thêm những tiếng nói lành mạnh, nhắc nhở mọi người: cần đưa nhân tố mới lên lấn dần tiêu cực, nhưng đồng thời phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy”. Tác giả N.V.L. có một chỉ dẫn cực kỳ quan trọng về phương pháp: “Chúng ta chống tiêu cực, chống thói quan liêu, vô trách nhiệm hoàn toàn không phải để nâng cao hay hạ thấp uy tín của vài cá nhân nào đó (như cách hiểu lắt léo của một số người) mà vì một mục tiêu tốt đẹp hơn nhiều: lập lại trật tự, công bằng xã hội, xóa bớt những vật cản nặng nề trên con đường phát triển kinh tế của đất nước. Đó cũng là yêu cầu khẩn thiết của toàn Đảng, toàn dân”. Đồng chí còn chỉ ra công cụ chủ yếu để đấu tranh chống tiêu cực là sức mạnh của pháp luật cộng với sức mạnh của dư luận quần chúng. Đúng theo tinh thần câu châm ngôn cổ truyền của dân tộc: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.

Riêng đối với Báo chí, đồng chí một bài viết riêng khẳng định “Báo chí của ta, nói chung vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng lúc bí mật. Có nhiều mặt còn phong phú, đa dạng hơn. Đó là điều tốt”. Nhưng bên cạnh cái tốt, đã xuất hiện nhiều cái “làng báo ta nên suy nghĩ để sửa ngay”. Đó là: Nhiều tờ báo, kể cả các tờ báo cấp Trung ương, có lẽ chưa xác định rõ là viết chủ yếu cho quần chúng và cho đảng viên, cán bộ bình thường đọc, nên viết vừa khô khan, vừa khó hiểu, viết những bài xã luận dài quá, nội dung không sinh động, không đi vào lòng người, do đó không tạo ra được những phong trào của quảng đại nhân dân và cán bộ, đảng viên đọc báo, viết báo và làm theo báo. Báo Đảng là vai trò trung gian nối Đảng với dân, vậy báo phải viết sao để thể hiện câu “Ý Đảng, lòng dân”, “Dân tin Đảng, Đảng tin dân”, “Dân làm theo Đảng, Đảng sát với dân”. Đồng chí khuyên báo chí không phải chỉ là “diễn đàn của Đảng và Chính phủ và của một số cán bộ viết báo” mà còn phải là “diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân”. Phải làm sao có những mục để cho chính ngay dân hoặc người đảng viên, cán bộ gần dân, hiểu dân, viết ra những ý, những bài thể hiện được ý của dân, để hoặc là đề đạt nguyện vọng của dân với Đảng, với Nhà nước, hoặc là lên án những việc làm sai trái của cán bộ, đảng viên, nhân viên Nhà nước hay của một số công dân với mục đích khuyên răn nhau làm điều phải.

Đồng chí nói rất tha thiết rằng: “Muốn làm được một số việc trên, nhà báo, theo tôi nghĩ, ngoài trình độ văn chương, thì điều lớn nhất là phải có “tấm lòng”. “Tấm lòng trong trắng, tha thiết, hăng say để qua các bài báo của mình mà “Dân hiểu Đảng, Đảng hiểu dân”, dân hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng để làm theo cho đúng; Đảng hiểu được đời sống của dân, tâm tư nguyện vọng của dân để có những chủ trương, chính sách đúng với quyền lợi của dân. Nhà báo phải có tấm lòng cương trực: yêu người làm đúng, làm tốt để ca ngợi; ghét bọn làm xấu, làm sai, làm ác để lên án. Vai trò của nhà báo là đem ánh sáng trong lành tỏa rộng ra, đẩy lùi, thu hẹp và xóa dần bóng tối”.

Nhằm tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của Báo chí cách mạng, trong thời gian sắp tới cần phấn đấu xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “tập trung đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng và tinh thông nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Các cơ quan truyền thông cần đăng tin, bài định hướng đúng đắn dư luận xã hội để thấy rõ những kết quả tích cực của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cũng như những hạn chế, yếu kém, những khó khăn, phức tạp; khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử. Bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt, gây hậu quả xấu. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan chức năng phải chủ động cung cấp một cách kịp thời, đúng pháp luật cho các cơ quan báo chí những thông tin có liên quan đến tham nhũng”.

Tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của báo chí trong công chúng!

Trung Thành