Phú Lộc còn mãi trong tim tôi

Tôi sinh ra nơi tận cùng phía Bắc của tỉnh – một vùng đất nằm ven biên giới, lặng lẽ bên dòng kênh Năm Xã chảy trôi suốt bao mùa nước nổi. Nơi ấy mang tên Phú Lộc, một cái tên tưởng như sẽ mãi mãi nằm trong lòng bản đồ hành chính, nhưng rồi, như một đứa trẻ “sinh sau đẻ muộn”, xã Phú Lộc đã âm thầm hiện hữu và cũng lặng lẽ biến mất sau những lần sáp nhập địa giới. Trên giấy tờ hôm nay, cái tên ấy sẽ không còn. Nhưng với tôi, quê hương không nằm trên bản đồ – nó sống trong máu thịt, trong từng ký ức, trong tiếng gọi của ruộng đồng và trong những mùa lũ ngập ngừng không chịu trôi xa khỏi tâm trí.

Tôi còn nhớ như in dòng kênh Năm Xã chảy qua quê tôi. Đó không phải là con kênh lớn, nhưng với lũ trẻ chúng tôi thuở ấy, nó là cả một “dòng sông” rộng lớn. Từ khi còn là đứa con nít chưa biết bơi, tôi đã quen với con nước lớn ròng chày trước nhà, quen với cảnh những chiếc xuồng ba lá khua nhẹ, quen với mùi bùn non quyện trong cơn gió đầu mùa. Mỗi chiều, tôi theo cha ra bờ kênh đặt dớn, rồi chờ mẹ cầm rổ ra rửa rau, tắm cho mấy đứa em trong làn nước mát lạnh. Con kênh ấy cũng là nơi tôi đã biết thế nào là mùa cá linh kéo về trắng nước, là nơi bắt đầu câu chuyện tình của nhiều cặp vợ chồng quê tôi – những người nên duyên bên bờ kênh, trong tiếng hát vọng cổ ngân dài giữa đêm trăng nước.

Phú Lộc nghèo. Không có chợ lớn, không có đình, không có trụ sở bề thế, không sân bóng đá… Ngày ấy, trường tiểu học lợp tôn cũ kỹ, trạm y tế nằm lọt thỏm giữa cánh đồng lau sậy. Nhưng chính sự đơn sơ đó đã làm nên một Phú Lộc đặc biệt – nơi mà con người gần gũi với nhau như ruột thịt. Tôi nhớ những buổi chiều mưa, cả xòm xúm lại cào lúa dùm nhũng nhà gom lúa phơi vào không kịp. Hay những buổi có đám cưới hỏi, đám giỗ, tang chay… trong xóm cũng quây quần bên nhau cùng nấu nướng đãi khách… Nhớ những ngày mưa gió, mái nhà xiêu vẹo, hàng xóm vẫn ghé sang hỏi nhau dăm câu, rồi đem cho nhau vài nắm muối, chén mắm, vài cọng rau hái sau hè. Sự ấm áp của tình làng nghĩa xóm như những ngọn lửa âm ỉ, sưởi ấm tâm hồn tôi suốt cả chặng đời xa quê.

Ngày biết xã Phú Lộc chính thức bị xóa tên sau đợt sáp nhập địa giới, tôi ngồi lặng trong phòng làm việc, nhìn vào màn hình máy tính mà tim bỗng quặn thắt. Không ai khóc, không ai làm lễ đưa tiễn, nhưng với những người đã sinh ra và lớn lên ở đó, thì cái tên ấy như vừa bị rạch một vết xước trong ký ức. Phú Lộc không còn hiện diện như một đơn vị hành chính, nhưng nó vẫn hiện diện nguyên vẹn trong từng câu chuyện kể, từng tiếng gọi “xứ mình”, từng dịp về quê tảo mộ, cúng ông bà… Những điều ấy, không thể sáp nhập được.

Tôi đã từng “tự hào” rằng mình lớn lên trong một vùng đất “sinh sau đẻ muộn” – nơi chưa kịp giàu nhưng đầy ắp nhân nghĩa. Phú Lộc không có lịch sử hàng trăm năm như những làng cổ khác, cũng không được nhắc đến trong những bản đồ du lịch. Nhưng đó là nơi đã cho tôi nền tảng sống: sự cần cù, tử tế, lòng biết ơn, tính chịu đựng và tình thương người không toan tính. Nơi ấy, cha mẹ tôi đã sống cả đời. Tôi lớn lên từ những bữa cơm đạm bạc ấy, từ cái quạt tay đêm hè và từ tiếng ru buồn của mẹ vọng qua mái lá.

Không ai trong làng tôi giàu có, nhưng ai cũng đủ đầy theo cách riêng. Đủ đầy tình cảm, đủ đầy sẻ chia. Khi tôi đậu đại học, cả xóm như có chuyện vui lớn. Người cho mượn tiền xe, người tặng cái áo, cái quần, khúc vải, người dúi vào tay mẹ tôi ít tiền lẻ… Chính những tấm lòng âm thầm mà bao dung ấy đã gieo vào lòng tôi một tình yêu vô điều kiện dành cho nơi mình sinh ra.

Tôi đã xa quê nhiều năm. Mỗi lần trở về, tôi lại thấy mình nhỏ lại, như một đứa con vừa mới rời tay mẹ, đi lạc rồi tìm về mái nhà quen thuộc. Nhưng Phú Lộc bây giờ đã khác. Cánh đồng ngày xưa từng lấm tấm lúa ma nay đã chuyển sang trồng màu, nhiều nhà lợp mái tôn sáng choang, có cả xe hơi đậu trước cửa. Thế nhưng, dòng kênh Năm Xã vẫn chảy – vẫn chảy như ngày xưa, dù hai bên bờ đã bớt đi tiếng í ới gọi đò, bớt cả mùi khói bếp bốc lên chiều muộn. Tôi đứng nhìn dòng nước mà nhớ tiếng cha tôi gọi lũ vịt, nhớ tiếng võng đưa của mẹ bên hiên, nhớ khói rơm vàng thơm lựng sau mùa gặt. Tất cả những hình ảnh ấy, khi đã đi qua thời gian, dường như chỉ càng lắng sâu thêm trong trí nhớ.

Có một mùa luôn khiến trái tim tôi lay động mỗi khi nghĩ đến – đó là mùa nước nổi. Mùa ấy, cánh đồng quê tôi hóa thành biển cả. Nước dâng lên ngập tràn bờ ruộng, ranh giới giữa đường và sông, giữa vườn và ao đều bị xóa nhòa. Những đứa trẻ như tôi ngày xưa không cần công viên, không cần hồ bơi – chỉ một tấm ván trượt, một chiếc xuồng ba lá là đủ cho cả buổi rong chơi trong làn nước đục ngầu phù sa. Mỗi chiều, mặt trời đổ xuống cánh đồng những vệt cam rực rỡ, nước loang loáng ánh lửa, mây trời lững lờ trôi theo dòng. Đó là khoảng lặng của vũ trụ, là phút giây đất trời hòa quyện làm một. Những đêm mùa lũ ấy, tôi nằm trên chiếc chõng tre, nghe tiếng nước vỗ nhẹ dưới sàn nhà cất, nghe tiếng mưa đều đều rơi trên mái tôn, lòng thấy ấm lạ kỳ. Không cần điện thoại, không cần mạng xã hội, mà vẫn cảm thấy cuộc đời có gì đó thật yên vui, thật đủ đầy.

Mùa nước nổi ở Phú Lộc không chỉ là một hiện tượng thiên nhiên, mà là mùa của sự sống, mùa của ký ức, mùa của những yêu thương lặng lẽ đan xen giữa người và đất và nước và phù sa… Và vì thế, mỗi lần nước về, lòng tôi lại cuộn lên một nỗi bồi hồi rất đỗi thân quen, như thể quê hương đang trở về trong từng mạch máu…

Quê hương, với tôi, không phải là nơi phồn vinh hay nổi tiếng. Quê hương là nơi khiến ta nhớ khi mệt mỏi, là nơi ta mơ về trong những giấc ngủ chập chờn giữa phố thị. Là nơi mà một cái tên dù đã mất, vẫn còn sống mãi trong từng hơi thở. Mỗi lần nghe ai hỏi: “Quê anh ở đâu?”, tôi vẫn sẽ trả lời: “Phú Lộc – vùng đất đầu nguồn, có con kênh Năm Xã chảy qua”. Và nếu họ không tìm thấy cái tên ấy trên bản đồ, tôi chỉ mỉm cười: “Không sao đâu, Phú Lộc còn trong tim tôi”.

Dẫu mai này tôi có sống ở đâu, làm gì, thì trong thẳm sâu, tôi vẫn là đứa trẻ làng Phú Lộc ngày nào. Nơi ấy đã dạy tôi biết cúi đầu trước đất, biết nâng niu từng hạt gạo, biết sống cho người khác trước khi sống cho mình. Có thể tôi sẽ viết nhiều, đi xa, nhìn rộng. Nhưng chắc chắn rằng – sẽ luôn có một dòng chữ âm thầm chạy xuyên suốt trong mọi trang viết của tôi: “Quê Phú Lộc – vẫn còn nguyên đó, trong tim tôi”.

 

Trần Nhiên