Thanh xuân của cha
Năm mười ba tuổi, cha đã đẽo cày, tra ách vào cổ bò rành rẽ. Năm mười tám, cha đã có đứa con gái đầu lòng. Thanh xuân của cha là những tháng ngày đôi bò đi trước, người và cái cày theo sau, lật tung từng thớ đất gò và từng rễ cỏ lì lợm bám sâu vào đất. Nhà có mỗi chiếc xe bò bằng gỗ nhưng cày, trục và bừa thì mỗi thứ hai cái. Đó là tất cả tài sản vốn liếng mưu sinh của cha. Tới mùa thu hoạch, người ta trả công cày bừa bằng lúa. Thường thì cha sẽ chia số lúa làm hai phần: một mớ lúa tốt để bán, số còn lại thì cho vào thùng phi để dành ăn cho hết mùa.
Những lúc cùng các con ngồi róc cây khoai mì làm củi, mẹ thường chặc lưỡi nhắc về quãng thời gian đất đai bị bỏ hoang nên cỏ tranh mọc cao ngang ngực người, nhà thì mái lá xập xệ đến nổi ngày rước dâu – cô dâu dẫu khom lưng, cúi sát đầu rồi mà vẫn bị vướng mái tóc cài hoa thiếu điều té bật ngửa. Còn lúa thì chỉ dám đựng trong thùng phi, làm gì có khái niệm bồ lúa. Ngày nào trong mâm cơm cũng mãi điệp khúc mắm chưng mắm kho “mộc” – nghĩa là không gia vị nêm nếm nên mặn hơn muối… Vậy mà từ làm mướn làm công rồi làm chia, đến một lúc cha mẹ được làm chủ. Ngày cầm những đồng tiền để đổi lấy năm công đất bưng, cha mẹ mừng rơi nước mắt…
Ngày ấy, cha làm đủ nghề trên cánh đồng mà cha thuộc lòng vị trí của từng công đất, chiều dài đường nước đo bằng bước chân, thuộc từng loại cỏ, từng loại sâu bệnh sản sinh theo mùa, theo thời tiết, thuộc từng loại cá theo con nước vào đồng trú ngụ…. Nửa đêm, nghe mưa lộp độp trên mái nhà là cha ngồi bật dậy, đốt thuốc và nhìn trời. Mưa vừa dứt hạt, cha quảy bình điện đi xiệt cá kiếm cái ăn cho cả nhà. Con gái trở mình nghe mẹ dặn cha “bắt đủ mai ăn thôi, đi tới sáng luôn mệt lắm”. Hôm nào trời mưa thì xem như trúng mánh. Thế nào rồi tụi con nít cũng được tẩm bổ cả nồi cháo cóc đậu xanh thơm nức mũi. Một ngày của cha lặp lại đều đều, đêm cha thức soi ếch xiệt cá, ngày thì đi cày bừa. Ngày ấy, con gái cũng hay thắc mắc, sao cha ít ngủ? Mẹ bảo cha tuổi con gà nên đi bươi quào tối ngày. Một bửa nọ, cơm trưa rồi mà cha chưa về, nghe tin có người đi xiệt cá bị điện giật, tình hình nguy lắm. Mẹ chạy băng băng ra đồng, mấy đứa nhỏ cũng bỏ tô cơm chân nọ vấp chân kia chạy theo, ú ớ gọi mẹ. Điện giật làm chú ba Đỡ chết tím bầm mình mẩy. Bởi người ta nói chẳng sai “xiệt là tận diệt”, mai này con cháu chả biết con cá con tôm đồng ra sao…? Từ dạo ấy, cha thôi không theo nghề hạ bạc mà chuyên tâm nuôi bò và đi cày mướn. Gà vừa cất tiếng gáy sáng là đã nghe tiếng mẹ chiên cơm lèo xèo, rồi hối hả giục:
– Tháng năm chưa nằm đã sáng. Mới đó mà sáng bửng rồi, coi dắt bò ra để chúng đái ngập chuồng hết…
Tiếng bò hát rống “ưm bò” chào hừng đông làm đám trẻ phải lật đật tốc mùng nháo nhào chui ra, ăn vội chén cơm nóng rồi quảy giỏ theo cha ra đồng. Những ngày nghỉ được đi đồng thì sướng lắm. Cứ lẽo đẽo theo cha, lần theo đường cày mà “lượm mót” đến khi mỏi nhừ đôi chân. Hễ nghĩ đến việc chủ đất tốt bụng, đào khoai mà cũng chừa lại dăm ba cũ cho người đi cày mướn, thấy lòng khấp khởi vui, cố mà lượm cho hết số khoai nằm chõng chơ đầy bùn đất. Lúc thở không ra hơi, đành ngồi trên bờ nhìn lưng áo cha ướt nhẹp, luôn miệng giục đôi bò “họ, họ…” giống như một chiến binh điều khiển đội quân ra trận thật oai phong. Con gái ao ước sau buổi cày được mẹ cho chế biến hết số khoai mì trong giỏ, nào làm bánh khoai mì hấp với chuối chấm nước cốt dừa, khoai mì chiên hay khoai mì quết dừa… để đãi cha mẹ một bửa hoành tráng. Nhưng chắc thế nào mắt mẹ cũng rưng rưng với cái cớ an ủi đầy thuyết phục “cha bây mần mệt, nuốt không trôi ba cái món đó đâu”; để rồi mẹ cúi mặt, xách lẹ mớ khoai mì đem bán để kiếm ít tiền chợ búa, thuốc thang …
Ngày lớn khôn, con bé ngày ấy thi thoảng bắt gặp vẻ mặt bùi ngùi của cha mỗi khi đám máy cày máy kéo chạy ầm ì trên chính cánh đồng năm nào. Giờ chắc chẳng ai còn nhớ người cày mướn kỹ từng luống cày như cha nữa. Những đôi bò với cặp mắt đen tuyền ngân ngấn lệ trong veo, vẻ mặt hiền hiền mà sức vóc thật đáng nể, đương nằm nhai lại, hướng ánh nhìn ra cánh đồng đầy gió… Cha hay nói vui “cha với đám bạn bò của cha thất nghiệp nên về hưu non luôn rồi”… Nhưng cha ơi, những đứa con ngày ấy theo chân cha cày xới tung cánh đồng sẽ luôn nhớ về những ngày tháng khó nhọc đã qua, khắc ghi bài học về giá trị sức lao động, để luôn biết quý trọng từng giọt mồ hôi của mẹ cha, từng hạt cơm nắm đất có được. Sẽ luôn nhớ về…
An Di