Thầy giáo, cô giáo nhớ lời Bác Hồ dạy
Từ cổ chí kim hầu như chẳng có ai thành đạt mà không cần phải học hỏi ở người khác. Học chữ ở trường lớp, học nghề, học kinh nghiệm ở người đi trước, và muốn học phải có THẦY dạy, chính vì vậy mà ông cha ta đã đúc kết nên câu: “Không thầy đố mày làm nên”. Trong xã hội ta vai trò, vị trí của người THẦY càng được khẳng định .
Đến trường Đại học sư phạm Hà Nội vào ngày 21/10/1964, Bác hồ đã nói: “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa.”(1)
Như Bác đã nói, vai trò, vị trí của thầy giáo, cô giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang, tuy nhiên có một khoảng thời gian người ta xem thầy giáo, cô giáo là thành phần trí thức, tiểu tư sản, quan điểm lập trường không vững vàng, hay dao động cho nên thiếu tin tưởng và xem nhẹ vai trò, vị trí của nhà giáo. Cho nên, khi tuyển sinh đại học, có lúc đã có quan niệm: “Chuột chạy cùng sào mới nhào vô sư phạm”, khiến cho đầu vào của ngành này có lúc không đạt yêu cầu chất lượng. Người ta quên rằng, thầy giáo, cô giáo có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách con người ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Ở tuổi học trò, ai chẳng có những thầy giáo, cô giáo mà mình kính yêu xem như thần tượng. Thần tượng đó cái gì cũng cao quí, tốt đẹp khiến ta muốn bắt chước học tập và làm theo từ nét chữ, cách nói chuyện, đi đứng… đến cách ứng xử. Có những vấn đề cha mẹ phân tích, dạy bảo đủ cách nhưng vẫn không làm con trẻ hiểu ra nhưng chỉ cần lời nói của thầy giáo, cô giáo cũng đủ để các em xem đó là chân lý, không chút nghi ngờ. Cho nên, nếu chúng ta xem nhẹ vai trò vị trí của thầy giáo, cô giáo, không quan tâm đào tạo lực lượng này thì đã tự đào hố chôn mình, tự phá hoại cái máy cái – nơi đào tạo nguồn nhân lực “vừa hồng, vừa chuyên” cho đất nước, là quá sai lầm cần phải sửa chữa như lời Bác Hồ đã dạy.
Nói chuyện với Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc vào ngày 23/3/1956, Bác Hồ nêu rõ: “Ta cần nhiều cán bộ các cấp. Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, học trò tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo.”(2).
Chuyện dạy và học được Bác Hồ nói một cách cụ thể, rõ ràng từ mục đích đến phương pháp và vai trò quan trọng, vẻ vang của thầy giáo, cô giáo. Thế nhưng, hiện nay, chúng ta cảm thấy lo ngại cho ngành giáo dục nước nhà, cứ cải cách chưa xong lại phải cải cách thứ mới vừa cải cách. Chương trình đào tạo thế nào mà sinh viên đại học tốt nghiệp ra trường xong phải đi học thêm một khóa công nhân mới hy vọng làm tốt được nhiệm vụ đúng chuyên môn đã học. Cứ nhìn tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh tốt nghiệp cuối cấp cao đến mức buộc người ta phải nghi ngờ về chất lượng; và dư luận xã hội đã vạch mặt chỉ tên căn bệnh thành tích vô cùng nghiêm trọng của ngành giáo dục vẫn chưa khắc phục được. Rồi tình trạng bằng cấp giả, gian lận trong thi cử; các hình thức đào tạo chuyên tu, tại chức về chất lượng không đủ sức thuyết phục nên có sự kỳ thị, phân biệt với các hình thức đào tạo khác.
Chương trình đào tạo biên soạn sách giáo khoa thế nào, cách tổ chức quản lý ra sao mà đa số học sinh đến trường xong phải đi học thêm, không học thêm coi như học không bằng ai, đến mức có địa phương phải treo giải thưởng cho ai có sáng kiến đưa ra giải pháp dẹp được tệ nạn học thêm dạy thêm(!) Rõ ràng, dạy và học một buổi ở trường không đủ thời gian “ngốn” hết kiến thức cần thiết; nên chăng cần tinh giản chương trình trong sách giáo khoa. Nhiều phụ huynh bức xúc nhưng không dám cấm con mình học thêm, vì rõ ràng những em có học thêm luyện thi, có điều kiện ràng buộc bản thân ngồi vào bàn, tiếp thu những kiến thức mà thầy cô truyền đạt có kết quả tốt hơn là không học thêm. Và, chuyện cần phải học thêm đã trở thành một nhu cầu thực tế.
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã xác định Giáo dục là quốc sách hàng đầu và thầy cô giáo đã được đánh giá lại đúng vai trò vị trí quan trọng của mình. Tin rằng, tất cả thầy giáo, cô giáo luôn luôn phấn đấu để xứng đáng với lời nói của Bác Hồ vào ngày 21/10/1964 ở Trường đại học sư phạm Hà Nội:
“Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt- thầy giáo xứng đáng là thầy giáo- là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là điều rất vẻ vang.(3)
Mai Bửu Minh
( 1 )+(3) Hồ Chí Minh .Toàn tập, t 11, tr 329-332.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t 8, tr 137-138.