Thơ Lê Quang Trạng – những hạt phù sa lấp lánh

 Trong số các tác giả thuộc thế hệ 9X sinh ra và lớn lên tại đồng bằng sông châu thổ Mê Kông, Lê Quang Trạng là một gương mặt sáng giá. Những năm gần đây, Lê Quang Trạng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc ở cả hai thể loại thơ ca và văn xuôi, đặc biệt là những sáng tác dành riêng cho thiếu nhi như Thủ lĩnh băng Vịt Đồng, Cá Linh đi học. Lê Quang Trạng sinh năm 1996, tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học An Giang. Bước vào làng văn từ khi còn rất trẻ, đến thời điểm hiện tại, Lê Quang Trạng đã sở hữu cho mình một số lượng tác phẩm rất đáng nể, tiêu biểu là Áp tai vào đất (thơ), Vệt sáng của bụi (truyện ngắn), Người chở chữ qua sông (bút ký), Những hạt bùn vạn dặm (tản văn), Cá Linh đi học (truyện dài)… Hơn thế nữa, trong suốt những năm tháng cầm bút đã qua, Lê Quang Trạng tích luỹ cho riêng mình không ít những giải thưởng văn chương danh giá là minh chứng cho giá trị của những đứa con tinh thần và sự đánh giá cao từ giới chuyên môn: Giải thưởng Tác giả trẻ của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (2016); Giải Tư cuộc vận động sáng tác Văn học nghệ thuật của Bộ Quốc phòng (2017); Giải Tư cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn Nghệ (2015 – 2017); Giải Tư cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Quân đội (2018 – 2019); Giải Ba – Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần VII (2019 – 2022)…

Cho rằng Lê Quang Trạng là sự kế thừa xuất sắc thế hệ nhà văn, nhà thơ trước đó tại đồng bằng sông Cửu Long nói chung, vùng đất Thất Sơn huyền thoại nói riêng, hoàn toàn không ngoa. Những năm tháng trước, tại miền đất châu thổ non trẻ, một đội ngũ các cây bút đã bén rễ vào mảnh đất văn chương, trưởng thành và đưa văn học đồng bằng vụt lên cùng với văn học ở những vùng miền khác. Theo thứ tự xuất hiện, không thể không kể đến tên tuổi của Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Lê Đình Bích, Nguyễn Kim Châu, Dạ Ngân, Mai Bửu Minh, Nguyễn Ngọc Tư, Lê Minh Nhựt, Võ Diệu Thanh, Lê Thanh My… Giữa lúc sáng tác của những cây bút thuộc thế hệ 6X, 7X, 8X đạt được độ chính muồi trong văn nghiệp, cũng là lúc các cây bút trẻ thế hệ 9X xuất hiện như những hạt phù sa lóng lánh trên cái nền của văn chương đồng bằng. Đặc biệt, An Giang là nơi quy tụ nhiều cây bút trẻ đầy triển vọng nhanh chóng tạo được tiếng vang trên văn đàn, chẳng hạn như Hoàng Thị Trúc Ly, Nguyễn Đức Phú Thọ, Vĩnh Thông, Lê Quang Trạng, Võ Đăng Khoa… Những cây bút này nhận được sự đánh giá rất cao, hứa hẹn sẽ đưa văn học đồng bằng vươn lên tầm cao mới.

Khởi đầu là thơ ca và toả sáng ở cả thơ và văn xuôi, Lê Quang Trạng là một trong số những tác giả hiếm hoi thành công cả hai thể loại. Riêng đối với thơ ca, nét hấp dẫn trong thơ Lê Quang Trạng là sự hoà quyện của tứ thơ vừa quen vừa lạ, với cách thể hiện vừa truyền thống vừa hiện đại, nỗ lực tìm kiếm một cách thể hiện mới mẻ, xây dựng những biểu tượng độc đáo, có giá trị thẩm mỹ cao. Nhìn từ phương diện nội dung, có thể nhận thấy cuộc sống và con người hiện lên chân thật, dung dị trong thơ Lê Quang Trạng, nhưng không vì thế mà cứng nhắc và đơn giản. Chiều sâu của ngôn từ thơ Lê Quang Trạng chính là những triết lý nhân sinh, những thông điệp vô cùng nhân văn, sâu sắc.

Căn tính sông nước trong thơ Lê Quang Trạng

Khái niệm căn tính (identité/identity) được Đỗ Lai Thuý luận giải là “một đặc tính hình thành từ thuở xa xưa và chi phối sự phát triển của tộc người ấy một cách lâu dài trong lịch sử”. Đọc thơ Lê Quang Trạng, độc giả không khó để bắt gặp “căn tính sông nước”, căn tính này cũng là một đặc trưng trong văn chương của các tác giả được sinh ra, lớn lên hay có thời gian gắn bó lâu dài với mảnh đất Tây Nam Bộ. Do địa hình chủ yếu của vùng Cửu Long Giang là sông ngòi chằng chịt chảy giữa đồng bằng châu thổ nên từ thuở xa xưa, những nét văn hoá độc đáo, lối sống sinh hoạt, tính cách, thậm chí là đời sống tinh thần của con người nơi đây đều chịu ảnh hưởng bởi sông nước (gọi tắt là “tính sông nước”), dần thành căn tính.

Sinh ra và lớn lên ở miền Tây, Lê Quang Trạng sớm hấp thụ những đặc tính của vùng sông nước bạt ngàn, trù phú và chuyển tải hình ảnh của một miền Tây sông nước dung dị, hiền lành vào thơ ca vừa để phản ánh, vừa để trả ơn. Trong một lần trả lời phỏng vấn với phóng viên báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, Lê Quang Trạng tâm sự: “Miền Tây đã tạo nên trang viết của tôi, và tôi tin tôi sẽ còn viết rất nhiều về miền đất này”. Chính vì lẽ đó, đọc văn chương của Lê Quang Trạng nói chung, thơ ca nói riêng, người đọc nhận thấy cảm thức quê nhà, vẻ đẹp của đất và người Tây Nam Bộ cứ tuôn chảy lai láng trên từng trang viết. Những hình ảnh quen thuộc, bình dị như con đò, con sáo, dòng sông, con đê, cây lúa, đồng ruộng… đi vào thơ Lê Quang Trạng đã trở thành những biểu tượng văn hoá, gợi liên tưởng đến một vùng quê trù phú được hình thành cách đây hơn ba năm về trước, với những đặc trưng tự nhiên và văn hoá không trộn lẫn với bất kỳ một miền quê nào khác. Lê Quang Trạng đã thổi vào thơ cảm xúc rất thật của những người chân quê, đó là tình yêu quê hương sâu đậm, yêu gia đình, làng xóm, khát vọng được gắn bó với cội nguồn sinh dưỡng. Một con sáo và chuyến đò đưa kẻ tha phương về lại quê nhà: “Mỗi lần qua đò về quê ngoại/ tôi chợt thân quen với con sáo nói tiếng người/ đò ơi/ đò ơi/ con sáo gọi đò cho ai?/ lâu lắm rồi tôi mới trở về đây/ con đò nhỏ/ vẫn bên kia bến đợi/ tôi gọi khan cả tiếng/ đò ơi” (Con sáo gọi đò). Một dòng sông quê hương – nơi lưu giữ ký ức và nuôi dưỡng tâm hồn người xa xứ: “những con đò xa bến cũ nôn nao/ nước của dòng sông đong đầy ký ức/ người ra đi, người trở về ray rứt/ có một miền thương nhớ để mà yêu” (Sông).

Nỗi ám ảnh bật gốc, tha hương

Tha hương, bật gốc trở thành nỗi ám ảnh sâu đậm trong thơ Lê Quang Trạng, nhất là trong tập thơ Áp tai vào đất – đứa con tinh thần được tác giả thai nghén trong một khoảng thời gian khá dài, cũng là tập thơ đầu tay của Lê Quang Trạng. Nguyên cớ của nỗi ám ảnh ấy là gì? Truy tìm và phát hiện, có lẽ nỗi ám ảnh ấy không phải đến từ chính cuộc đời tha hương của Lê Quang Trạng vì nhà thơ đã gắn chặt cuộc đời và trang viết của mình với vùng đất An Giang đến thời điểm hiện tại, không phải một người lưu lạc và rồi bật gốc, bị gội rửa mất đi cái chất phù sa miền sông nước không mong muốn. Điều này phải chăng vì nhà thơ quá yêu đất và người miền Tây Nam Bộ, một mảnh đất đẹp, trù phú, với những con người thuần hậu, chất phác sống quanh quẩn bên hai dòng sông Tiền, sông Hậu, nên cứ canh cánh hoài nỗi sợ tha hương? Và cả những cuộc di dân của những người tưởng chừng như đã gửi trọn tâm hồn mình với miền Tây sông nước mà nhà thơ quan sát được. Tất cả đã đi vào thơ Lê Quang Trạng như một lời nhắc nhở chính mình và người đọc đừng rời xa quê hương – vùng đất được sông nuôi dưỡng “đi đến đâu là sinh sôi, bồi đắp nên những vùng đất mới đến đó; bồi tụ nên một nền văn hoá châu thổ đậm chất tài tử, con người giàu chất nghệ sĩ” (Người viết trẻ với văn hoá đồng bằng sông Cửu Long, Lê Quang Trạng) mà nhà thơ vẫn luôn tự hào. Có thể bắt gặp nỗi ám ảnh về sự tha hương, bật gốc, đánh mất căn tính cùng khát vọng được gắn bó trọn đời với quê nhà của Lê Quang Trạng trong những câu thơ: “Không về trong mùa đông/ sẽ về trong mùa thưa/ những giọt mắt bông dừa/ cứ nghe mùi cơm cháy đâu đâu là lại nhớ/ Nhà mình thì xa chợ/ mẹ gánh đêm khuya thả dọc con đường/ lại gánh nắng về đến nhà là cạn/ bầy sẻ quấn quýt tìm/ lại nhặt nhạnh mùi chợ huyện sao lạ xa, rất xa” (Bông dừa – chim sẻ). Cái “mùi cơm cháy”, “mùi chợ huyện” vụn vặt ấy, đi vào thơ Lê Quang Trạng, lại trở thành mùi của quê hương thiêng liêng. Mùi và màu trở thành những tín hiệu nghệ thuật đặc sắc và đầy sáng tạo trong thơ Lê Quang Trạng. Nếu nhà thơ đã từng đưa vào thơ cái “mùi cơm cháy”, “mùi chợ huyện” dễ bắt gặp nhưng cũng dễ dàng quên lãng đối với một tâm hồn kém nhạy cảm, thì mùi rơm rạ và màu trắng của những giấc mơ cũng trở thành những điểm nhớ thân thương: “nhớ suốt đời mùi khói đồng thơm”, “khói ở trong lòng, hoá nỗi nhớ trắng cơn mơ” (Khói đồng thơm).

Những cuộc trở về trong tâm tưởng

Cánh đồng, dòng sông, những hạt phù sa, những hạt bùn vạn dặm… không chỉ là hình ảnh của tự nhiên mà trở thành “địa chỉ” để những kẻ tha phương tìm về, trở thành cái cọc tiêu dẫn lối người về với châu thổ màu mỡ đượm tình. Đặt mình trong tâm thế của một kẻ tha phương nhận về một lá thư vô danh, Lê Quang Trạng bộc bày nỗi bơ vơ, lạc lỏng, xót xa và tiếc nuối: “ba ngày sau thư đến/ đó là một lá thư mới/ của một người lạ gửi/ họ không đề tên người gửi/ bóc thư ra/ thấy con chữ nảy mầm/ màu của nỗi buồn hóa phù sa gốc rạ” (Thư cho mình). Những “lá thư” cứ liên tục xuất hiện trong tập thơ Áp tai vào đất (Thư cho mình, Lá thư nhầm địa chỉ...) mà “người gửi” không mong cầu gì hơn ngoài việc gọi kẻ đi xa trở lại quê nhà, “chỉ nẻo cho người tìm về trò cút bắt” (“trò cút bắt” là trò chơi tuổi thơ), để nhận mặt quê hương, được sống trong tình yêu thương của đất lành và con người nhân hậu. Lê Quang Trạng gọi quê nhà là “cố thổ” – chốn bình yên và thiêng liêng không thể nào quên. Trong thơ Lê Quang Trạng có khá nhiều chiều kích, nhưng có lẽ phổ biến và xúc động nhất là hai chiều: ra đi và trở lại. Nhà thơ có niềm tin vào những cuộc quay về với cội nguồn, hay nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đó là “về úp mặt vào sông quê”: “Những số phận ai thả vào đời/ mang dáng dấp bóng người trong bước nhảy/ mùa thiên di ổ rơm rơi theo cành cây gãy/ bão về mấy đợt rồi đi/ những cuộc tha phương lại quay về/ chúng coi nơi này là cố thổ” (Những con sáo dãy nhà D). Không khó để hiểu rằng quê hương miền Tây hay mảnh đất nóng An Giang huyền thoại nói riêng chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong trái tim Lê Quang Trạng. Bởi vùng quê của nhà thơ không chỉ đẹp đẽ, trù phú, tươi tốt trong cảnh sắc, giàu có văn hoá mà lịch sử của vùng đất ấy được viết nên bằng máu và nước mắt của con người qua những cuộc khánh tận trong lịch sử: “Nóc chùa hoang đàn chim có dám về đậu nụ cười/ nắm xương tan lặng thinh trong đất cày khô khốc/ những hốc mắt không thể nào rơi thêm tiếng khóc/ vệt máu loang vôi quét vẫn không chìm” (Gương mặt ngọn khói).

Nhà thơ trẻ 9X này luôn biết cách làm mới mình, từ việc lựa chọn đề tài sáng tác cho đến cách tân hình ảnh, sự kết hợp ngôn từ vô cùng sáng tạo. Vì thế, dù có rất nhiều tác giả cùng viết về đề tài quê hương, về miền Tây sông nước, nhưng thơ Lê Quang Trạng vẫn nằm ở một góc trời riêng không lẫn lộn, không lặp lại những người đi trước hoặc cây bút cùng thời. Điểm độc đáo trong thơ Lê Quang Trạng còn nằm ở thể thơ tự do, câu thơ dài ngắn khác nhau cùng với lối vắt dòng đột ngột, tự nhiên, có giá trị nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ cao độ. Có thể nói, Lê Quang Trạng đã khước từ lối diễn đạt dễ dãi thường gặp ở một vài tác giả khi viết về đề tài quê hương quen thuộc, nhà thơ chọn cho mình lối diễn đạt lạ hoá, hình ảnh thơ giàu sức gợi, đầy cảm xúc, chứa đựng tầng triết lý sâu xa. Lê Quang Trạng đã cất lên giọng điệu của riêng mình, mỗi câu chữ trở thành một hạt phù sa, dòng phù sa lấp lánh và ánh sáng vút lên giữa lúc nền văn học Việt Nam có sự xuất hiện của khá nhiều cây bút 9X./

Phạm Khánh Duy