“Thủ lĩnh băng vịt đồng” –  cuốn sách không chỉ dành cho thiếu nhi

Thủ lĩnh băng vịt đồng là tập truyện dài sống động, miêu tả đậm nét những đặc tính lý thú của loài ngỗng, loài vịt; đồng thời khắc họa rõ cuộc sống mưu sinh phóng khoáng, lắm cơ cực của con người và khung cảnh đặc sắc của miền Tây. Thủ lĩnh băng vịt đồng chứa đựng đủ dư vị cuộc sống, đan xen giữa ảo và thực, ngọt ngào và chua chát, hạnh phúc lẫn xót xa… Đọc tập truyện không khỏi cảm xúc bùi ngùi, thương thương. Thương cho phận nhà nông rong ruổi. Thương cho những phận đời đơn độc nổi trôi theo mùa vụ, theo con nước và theo thế giới gia cầm. Với một giọng văn vui tươi, trẻ trung mà đượm tình của tác giả Lê Quang Trạng, bạn sẽ khó lòng rời mắt khỏi tập truyện dài này.

Thoạt đầu, những tưởng Thủ lĩnh băng vịt đồng được viết riêng cho thiếu nhi, những tưởng nội dung sách theo motif truyện dân gian, không gian truyện sẽ quến đặc mùi cổ tích. Ấy vậy mà, chỉ với 135 trang mà truyện dài đã khái quát được toàn cảnh nuôi vịt chạy đồng của người dân Nam bộ, tựa như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Cứ ngỡ tập truyện viết về chú vịt “uy quyền” nào đó được tôn làm “sếp”. Nhưng bất ngờ thay, tập truyện với hơn 20 mẫu chuyện nho nhỏ được kết nối chặt chẽ theo cuộc đời “du mục” của chàng thủ lĩnh tên Cua. Chàng ấy đích thị thuộc họ nhà ngỗng, một con ngỗng tinh ý, khôn lanh, ân tình và trách nhiệm. Theo chân cuộc hành trình gian nan nhưng rất đỗi thú vị của Cua, người đọc sẽ có được những trải nghiệm đáng nhớ, mới mẻ và độc đáo.

Như viết tiếp nối cho những câu chuyện ngụ ngôn về giống loài, tác giả khéo léo mở đầu tập truyện bằng một nghi vấn nhỏ, hết sức thú vị về sự ngu mà con người thường áp đặt cho mỗi loài vật. Cách dẫn nhập lôi cuốn sự tò mò, hiếu kỳ tìm hiểu, khám phá của người đọc. Tác giả để “nhân vật chính” tự giới thiệu hay nói đúng hơn là “tự bạch” theo cách của trẻ con. Vì sao vậy? Vì nhân vật chính đương lúc là “ngỗng con” cơ mà. Lúc này y ta chưa được gọi là thủ lĩnh. Chính các câu chuyện truyền thuyết về loài ngỗng, những câu chuyện lúc trà dư tửu hậu… được tác giả khéo léo lồng vào truyện đã góp phần củng cố thêm lòng tin của độc giả. Kiểu như vừa đọc vừa gật rồi vỗ đùi cái phạch “ừ, đúng quá đi chứ!”. Ngỗng màu trắng tinh nè, rõ ràng là làm từ cục bột của thượng đế; ngỗng cứ kêu oang oác vì tánh hơn thua đủ của ngày xửa xưa; và ai “giả đò trộm” cái trứng ngỗng lúc bầu bì thì ăn vào sẽ sinh được đứa con “khôn như ngỗng”.

Thông qua ngôi kể “tôi” từ một con ngỗng tên Cua phải tách đàn từ ngày bé tí ti, từ đó đời sống nó gắn với số phận  chênh vênh, bấp bênh, bất định của người nuôi vịt chạy đồng. Vì những đặc tính khôn lanh bao đời mà mặc nhiên ngỗng Cua được phong làm thủ lĩnh, với nhiệm vụ động viên mấy chị vịt đẻ say; giữ bầy đàn nguyên vẹn, không để nhập sang bầy vịt khác hay không để bị trộm mất con vịt nào. Tác giả khéo mượn lời nhận định của loài vịt để ca ngợi, tô vẽ thêm bản tính sống có tình có nghĩa vẹn vẽ trước sau của loài ngỗng – con vật biết suy luận đủ thứ trên đời, thường triết lý bằng giọng điệu hết sức cảm thông và sâu sắc “loài người nuôi minh, thì mình cũng phải nuôi lại họ”. Góc nhìn thấu đáo này cũng là triết lý nhân sinh về lòng biết ơn, sự thủy chung xuyên suốt  tác phẩm.

Vì truyện được viết theo lối ngụ ngôn, nên những loài vật từ ngỗng, vịt, chó đều có một cái tên, đều được đặc tả chân dung, có tính cách riêng và mối quan hệ gắn bó sinh tồn cùng nhau. Ở đó, ngỗng Cua là “thủ lĩnh”, ngỗng Ốc là “vợ nhân từ”, chó Lu là “vị chủ tướng”, vịt Cồ là trưởng bối, vịt Mái Già tử tế…  Chúng có thể đối đáp, có thể nghe hiểu tiếng người, có thể suy nghĩ và cảm nhận rất ư là sáng suốt và chu đáo. Chúng sống cuộc đời rày đây mai đó cùng ông bà chủ nên chúng cứ phải bùi ngùi “kiếp tha phương thì lấy đâu xứ sở mà bỏ?”. Ít nhất có đến năm lần ngỗng Cua cùng tình nhân mà sau này là vợ – ngỗng Ốc phải theo chân ông bà chủ lang bạt hết cánh đồng này đến cánh đồng khác. Sau này bà chủ cũng như những người vợ tạm bợ khác của ông chủ, cũng bỏ đi biệt xứ, lúc này vai trò “chỗ dựa tinh thần” của ngỗng Cua  càng đặc biệt hơn. Cuộc sống dưới ngòi bút Lê Quang Trạng có khi thật bình yên, có khi khắc nghiệt đến nghẹt thở. Sự khắc nghiệt của sự chia lìa và thiếu thốn tình cảm giữa đồng loại với nhau?

Trong cảnh khó nào con người với vật nuôi cũng nương tựa nhau mà sống – sống thuận theo tự nhiên. Mỗi cánh đồng đi qua đều để lại nỗi khắc khoải. Cũng bởi nơi ấy đã nuôi dưỡng những con người lao động phóng khoáng mà hiền hòa, ân nghĩa. Nơi ấy con người xem vật nuôi là bạn bè, họ nói chuyện bỡn cợt bông đùa với vật nuôi, họ “đau đứt ruột” khi bắt chú ngỗng nhỏ bé tên Cua phải rời xa tổ ấm, họ cảm thương khi thấy ngỗng Ốc vì ấp trứng mà đói rã rượi rồi chết lịm dần… họ gọi chúng thân mật bằng “con”, “hai đứa bây” như thể đang nói giao tiếp với con người.

Các địa danh Đồng Chó Ngáp, Kinh Đào, Kinh Xáng đều mang hơi thở, dáng dấp đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Đặc biệt vẫn là cánh đồng Gió, cánh đồng Trúng Lúa, cánh đồng Người Đi – những cánh đồng lúa sau mùa thu hoạch còn trơ gốc rạ, là nơi mà những trang trại vịt mọc lên được dăm ba tháng rồi đi. Đời là những chuyến đi, đến cả con vật cũng phải luyến lưu nơi mình qua, bởi vậy nên thủ lĩnh Ngỗng đã đặt tên cho những cánh đồng với cái tên trìu mến như thế.

Không gian truyện thay đổi liên tục từ rộng đến hẹp, từ nhỏ sang lớn. Có khi là cả cánh đồng mênh mông như tấm thảm xanh trải dài ngút ngát, khi là con kinh lượn lờ trôi miên man, khi thì dưới sàn ghe, sàn nhà, trong cái chuồng cái trại hay nhỏ hơn nữa là khi “tạm cư” trong cái diệm nước, cái bội… Dù không gian nào thì người đọc cũng dễ nhận ra cảnh sống bình yên, xum vầy và chan hòa của các con vật nuôi luôn gắn bó với con người. Có thể không gian này, cảnh sống này nếu được xây dựng thành phim truyện hoạt hình cho trẻ? Sẽ rất “ăn khách” và thu hút, vì nhiều yếu tố, trong đó yếu tố dễ thương, gần gũi là dễ thấy nhất, kế đến đó là ý nghĩa “làm giàu kiến thức về nông thôn”, bồi dưỡng những giá trị nhân văn, giúp trẻ khám phá, thêm hiểu và yêu hơn thế giới chung quanh mình hơn. Tuy nhiên, tính nhân văn chiều sâu, nhiều triết lý thâm thúy và ý nghĩa sâu xa thì có lẽ người lớn mới chiêm nghiệm trọn vẹn. Tài của tác giả là ở chỗ đó, truyện thiếu nhi nhưng không chỉ dành riêng cho thiếu nhi, bởi người lớn cũng cần yêu thương trắc ẩn, cần tìm về những giá trị tinh thần tốt đẹp dành cho nhau.

Có thể nói, tập truyện câu nào cũng chắc, chưa tìm thấy tình tiết “lép” nào trên cánh đồng chữ Thủ lĩnh băng vịt đồng. Tác giả hiểu cặn kẽ tập tính, đặc điểm sinh học của từng loài. Loài vịt sẽ đẻ trứng say khi được ăn no đủ được vẫy vùng tắm mát, còn khi được thay lông cánh thì 20 ngày sau sẽ đẻ rộ. Loài ngỗng khi ấp trứng thì nhịn đói nhịn khát đợi ngày trứng nở. Cả tập truyện chứa đựng đủ dư vị cuộc sống, đan xen giữa mơ và thực, ngọt ngào và chua chát, hạnh phúc lẫn xót xa… Ngôn ngữ bình dân, từ địa phương gần gũi với đặc điểm vùng miền: “ốm nhom như con cò mà”, mừng húm, rất rành, la khơi, xiểng niểng, mắc gì, khơi khơi, cũng bộn, nổi xung thiên, non xèo,… Lối đối đáp của những con vật hóm hỉnh, hài hước. Những chi tiết rất tếu, tự trào mà ý vị /21,23.

Những cuộc đi ăn “lạ thường”, không trọn vẹn gần cuối truyện như điềm báo về sự tan rã sớm muộn. Bà chủ cũ mất trong một lần chăn vịt bị sét đánh, những bà chủ mới “chắp vá” cứ lần lượt khoác áo ra đi không lời từ biệt, ông chủ thì ngày một già yếu, bệnh dịch “hoành hành” đàn vịt trong khi người con vừa trở về đoàn tụ cùng ông chủ đã không thể “duy trì” cái trại vịt ngày cũ. Ngay lúc nỗi buồn chìm ngập, những đoạn đối thoại, tự vấn đã làm “sáng” lên những giá trị cốt lõi. Ông chủ cố níu giữ bầy vịt nên hết lời phân trần “xưa giờ nghề nuôi mình thì giờ mình phải nuôi lại lấy nghề”. Còn đám vịt, ngỗng tỉ tê với nhau tỉ tê “Mấy nay tụi vịt nghe ông chủ ho, tụi nó thấy bất an quá nên đẻ trứng non xèo”, “Đời tự nhiên buồn hiu bây?”,…

Tập truyện là cả tâm huyết của một người viết trẻ có nghề có tâm – Lê Quang Trạng. Từng câu văn được trau chuốt thật chỉnh chu, gãy gọn, khúc chiết, không thừa, không thiếu. Vỏn vẹn hai câu văn thôi đã phác họa cảnh sắc đậm chất Nam bộ “Lần này đồng trống khô ran, những gốc rạ đâm lên trời nhức mắt. Con kinh nằm vắt ngang cánh đồng chỉ còn một lạch nước nhỏ”. Mỗi câu chuyện kết thúc gọn ghẽ, cô đọng đồng thời mở đường cho câu chuyện tiếp theo. Và những câu chuyện đều chứa đựng những thông điệp quý giá, đúc rút nên nhiều bài học để đời về nghĩa vợ chồng, tình yêu, tình bạn, tình đồng loại… Những bài học về tự nhiên, môi trường và cuộc sống được dẫn vào truyện tự nhiên, lôi cuốn. Đó là bài học về nguyên tắc “cùng chung sống”. Để chung sống hòa thuận và làm ông chủ vui lòng, đàn vịt hai ngàn một trăm mười sáu con (sau đợt dịch bệnh, con số này vơi đi gần một nửa) với gia đình nhà ngỗng và chú chó Lu luôn đùm bọc, bảo ban nhau. Đó là những đặc điểm tự nhiên, sự cân bằng hệ sinh thái môi trường sống (ví như bầy vịt hễ hôm nào được tắm mát thì sẽ đẻ rất sa; cánh đồng nào nhiều ốc thì đồng nghĩa với việc nơi ấy đầy dẫy lúa lép; …). Đó là sự sáng tạo vượt khó (trên đường đi tìm 4 chú vịt tơ trốn đi chơi, nhân vật chính ngỗng “Cua” đã lấy mõ đánh dấu phía đầu vết chân để khỏi phải lạc đường). Và bài học lớn nhất là bài học về đức tính nhẫn nại, tình yêu thương “không vinh quang nào mà không phải trả giá bằng những khó khăn và thử thách, bằng lòng can đảm và trí thông minh…. còn phải có một trái tim yêu thương” – lời bộc bạch chân tình của chàng ngỗng tên Cua.

Tình yêu còn được thể hiện chân thành ngay cả khi những chú vịt, chú ngỗng “lần lượt sang tay chủ mới” sau một trận đại dịch. Gia đình Ngỗng khó xử “Bọn tôi nhìn ông chủ rưng rưng… Bỏ bầy thì không nỡ. Theo bầy bỏ ông chủ thì cũng không đành”. Cuối cùng, những chú ngỗng quyết chọn “hướng về nhà ông chũ cũ, cũng là hướng về phía Đồng Chó Ngáp”.  Nhưng kết thúc truyện, đâu đó văng vẳng giọng nghẹn ngào của người nông dân cả đời theo nghề chăn vịt chạy đồng: “Không biết thằng Cua có dắt hai đứa nhỏ về được nơi muốn tới hay không?”. Một cái kết mở sâu lắng, đượm buồn./.

ThS. Huỳnh Thị Cam