Tôn sư trọng đạo!
Nước ta là một quốc gia hình thành và phát triển lâu đời. Từ xa xưa ông cha ta đã tự hào nước mình là một nước “văn hiến”. Đến thời nhà Lê, Nguyễn Trãi tiếp tục khẳng định: “Duy ngã Đại Việt chi quốc thực vi văn hiến chi bang” (Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu). Lê Quý Đôn, trong “Lê triều thông sử” cũng tiếp tục nhấn mạnh: “Ngã quốc hiệu vi văn hiến” (nước ta được gọi là nước văn hiến)… Cùng với dòng chủ lưu đó đã hình thành nên nhiều truyền thống tốt đẹp khác, trong đó có truyền thống “hiếu học” gắn với “tôn sư trọng đạo”…
“Tôn sư” là nguyên tắc cơ bản của Nho giáo. Trong thiên “Học ký” (những lý luận cơ bản của việc dạy và học) có câu: “Tôn sư nhiên hậu đạo trọng” (tôn trọng thầy thì đạo được trọng). “Đạo” là bao gồm toàn bộ tri thức mà trước hết là những quy chuẩn đạo đức, là “khuôn phép” đã được đúc kết mà người thầy truyền dạy cho các lớp học trò. Như vậy “Tôn sư trọng đạo” là yêu cầu tôn kính thầy học để có được sự hiểu biết đạo lý ở đời làm người.
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ, Nhân dân luôn dành cho người Thầy một vị trí tôn kính đặc biệt. Ai cũng được dạy: “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, “Thầy dở cũng đỡ láng giềng”… Gắn với đó là rất đề cao sự học: “Nhân bất học bất tri lý”, “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, “Một kho vàng không bằng một nang chữ”, “Chẳng cày lấy đâu có thóc, chẳng học lấy đâu biết chữ?”…
Lịch sử dân tộc phát triển qua bao đời đều gắn với tên tuổi của các danh sư lỗi lạc. Tiêu biểu trước nhất là Thầy giáo Chu Văn An – người được đề cao là “vạn thế sư biểu”. Ông nổi tiếng chính trực, không ham thích việc quan trường. Đích thân Vua Trần Minh Tông mời ông đến dạy tại Quốc Tử Giám và làm thầy riêng cho thái tử Trần Vượng, tức vua Trần Hiến Tông sau này. Ông từng dâng “Thất trảm sớ”, yêu cầu vua Trần Dụ Tông chém đầu bảy tên gian thần, song bị vua từ chối. Ông cáo lão, về quê dạy học. Trần Nguyên Đán – Ông ngoại Danh thần Nguyễn Trãi từng ca ngợi rằng: Nhờ có Chu Văn An mà “bể học xoay làn sóng, phong tục trở lại thuần hậu”.
Nguyễn Bỉnh Khiêm, người được tôn là “cây đại thụ văn hóa dân tộc”, ông đã được xem là đại diện tiêu biểu nhất của lịch sử phát triển văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XVI. Thầy mở trường dạy học, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ, được các môn sinh tôn là “Tuyết Giang phu tử”. Sự nghiệp trồng người của Thầy mang lại cho đất nước những học trò giỏi giang, hiển đạt như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ…
Nguyễn Thiếp là một danh sĩ nổi tiếng đời hậu Lê và Tây Sơn, được tôn là “La Sơn Phu tử”. Năm 21 tuổi, Ông thi đỗ nhưng sống ẩn dật. Sau này, bất đắc dĩ phải ra làm quan “để nuôi mẹ già báo đáp đạo hiếu”. Trong những năm tháng sống ẩn dật, Phu tử đã dạy được nhiều lớp học trò thành đạt. Thầy được Quang Trung Hoàng Đế vô cùng quý trọng.
Nhà giáo Lê Quý Đôn tên thật là Lê Danh Phương. Ông là một nhà nho, nhà giáo dục tài năng và đức độ, và được mệnh danh là “nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến”. Đúng như người xưa tổng kết “danh sư xuất cao đồ”, qua bàn tay dạy dỗ của Thầy, nhiều học trò đã thành tài và được triều đình trọng dụng.
Riêng vùng đất phương Nam dù mới khai mở sau này nhưng cũng có rất nhiều danh sư. Người đầu tiên đặt nền móng cho sự học, gieo mầm tri thức cho đất Gia Định nói riêng, Nam Bộ nói chung là cụ Võ Trường Toản – người thầy đức độ tài ba, lỗi lạc. Dù ở ẩn dạy học giữa cuộc loạn binh đao nhưng học trò của ông hàng trăm người đều thành danh, trong đó nhiều người trở thành công thần triều Nguyễn. Vì những công lao và sức ảnh hưởng lớn mà người đời tôn kính xưng tụng Thầy là “Vạn thế sư biểu”, “Gia Định Sùng đức xử sĩ”. Đến TK XIX xuất hiện người Thầy cũng rất nổi tiếng khác là Nguyễn Đình Chiểu. Gần như ai cũng biết Cụ Đồ Chiểu với hai câu thơ bất hủ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”…
Khi nước ta bị Pháp xâm chiếm, bọn chúng đã thực hiện chính sách “ngu dân”: lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Từ đó, Dân ta hầu hết đều mù chữ! Sau Cách mạng tháng Tám, xác định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ngay ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xếp tiêu diệt giặc dốt là nhiệm vụ thứ hai trong 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền. Kể từ đó nhiệm vụ giáo dục luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, đội ngũ thầy, cô giáo không ngừng lớn mạnh với nhiều đóng góp quý báu. Bác Hồ khẳng định: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục,… Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Người nhấn mạnh: “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy là chăm lo cho con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”…
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang đó người thầy giáo phải được chăm lo tốt nhất cả về vật chất và tinh thần. Riêng bản thân thầy, cô giáo cũng phải không ngừng học tập và rèn luyện để: “Thầy giáo xứng đáng là thầy giáo”, xứng đáng với danh hiệu “Người kỹ sư tâm hồn”./.
Trung Thành