V – H – D – G
Một – Học kỳ một năm thứ nhất
Chen chân ở văn phòng khoa, ai cũng cố nhón gót đọc cho rõ cái thời khóa biểu. Toàn những môn học xa lạ viết tắt. Đứa đoán môn này, đứa đoán môn kia, toàn nghe mấy anh chị lớp trên nói lại mà cũng làm như ta đây… thông thái lắm, làm như đã học rồi vậy.
– Í, môn gì lạ vậy cà – anh bạn đứng cạnh tôi trỏ lên tờ giấy – “Vê – hát – dê – ghê”.
– Lấy tay xuống coi!
Hắn quay lại nhìn tôi:
– Gì khó vậy?
Tôi liếc xéo:
– Vậy cũng hỏi. Môn “Vẽ họa dân gian”
– Xời, đọc dzậy cũng đọc, đây nè, “Vê – hát – dê – ghê” là: “Vẫn Học Dù Ghét”
– Môn gì nghe ghê vậy? Bộ có học rồi sao? – Tôi nhướng mày.
– Chưa, nhưng tôi đoán vậy. Ừ, bộ bạn cũng học lớp này hả?
Tôi sửa gọng kính:
– Ừ, rồi sao?
– Vậy là chung lớp với tui rồi – Hắn mừng như bắt được vàng – Bạn là Hoài Xuyên phải không?
Tôi trợn mắt:
– Sao biết? Bộ theo dõi tui hả?
– Bảng tên của bạn kìa!
Tôi luống cuống lật bảng tên vào trong, quay lưng đi thẳng.
Tên vô duyên ấy ngồi ngay sau lưng tôi, tên của hắn lại trùng với chữ lót tên tôi, hắn lại là cấp trên của tôi – Lớp phó phong trào hẳn hoi.
Hôm nay có hai tiết đầu môn Vê – hát – dê – ghê.
Thầy dạy Vê – hát – dê – ghê đẹp trai cực kỳ – không phải nhận xét của riêng tôi mà cả lớp đều thấy vậy. Thoáng thấy bóng thầy ngoài cửa, cả lớp đã xôn xao:
– Trời! Đẹp trai… ác chiến! (dĩ nhiên)
– Nhìn nghệ sĩ ghê ta ơi! (còn phải nói)
– Không biết thầy… có vợ chưa ta? (đâu tới lượt sinh viên lo)
Thầy cao lớn, đi đứng cứ như là đang nhún nhảy vậy, ria mép hơi thưa, tóc chẻ ngôi bồng bềnh. Không biết lúc chưa đi dạy thầy có từng đi làm người mẫu chưa ta? Thầy cười thật tươi cất giọng “thánh thót”:
– Thầy xin chào tất cả các em…
– Sao thầy lại không cho biết quý danh vậy nhỉ? Chắc là tên thầy xấu lắm – Sau lưng tôi chép miệng. Tôi nghiến răng:
– Phạm thượng!
– …Thầy sẽ phụ trách các em môn “Văn học dân gian”…
Tôi và “sau lưng” muốn té ngửa. Hi… hi… Vê – hát – dê – ghê có cái tên thật hay và hấp dẫn, đúng chuyên ngành lớp văn, vậy mà tôi và hắn lại đoán già đoán non. Tự nhiên không hẹn, hai đứa cùng bụm miệng cười, thầy cũng đang cười rất tươi. Nếu thầy đoán được tôi và hắn đang cười gì chắc gì thầy còn cười nổi?
Tôi thích học giờ của thầy Vê – hát – dê – ghê, chắc chắn rồi. Thầy giảng bài nhanh và hay đi từ đầu đến cuối lớp mà không đặt mông lên ghế giáo viên bao giờ, làm như cái ghế có gai vậy. Thầy kể chuyện hay lắm, cũng hay dạy chúng tôi hát dân ca. Còn giọng hát của thầy thì… tất nhiên là khỏi cần khen rồi.
Thầy đang chủ nhiệm một Câu lạc bộ văn thơ rất có uy tín. (“Sau lưng” tôi nói thầy tuổi trẻ tài cao). Thầy sắp cho ra đời tuyển tập đầu tiên bao gồm nhiều bài thơ và truyện ngắn của bất cứ sinh viên nào có khả năng viết lách.
“Sau lưng” tôi cũng có một bài thơ nhỏ bốn câu trong cái tuyển tập đầu tiên ấy. Không hiểu sao tôi và hắn reo hò lớn vậy? Hắn mừng phải rồi, còn tôi… lí nào? Có lẽ tự hào lây vì được ngồi trước mặt… nhà thơ?
Đến tuyển tập thứ hai, tên tôi cũng vinh hạnh chễm chệ dưới hai bài thơ nhỏ, tôi sung sướng khao bạn bè ăn chè, dù nhuận bút chỉ là một tờ báo biếu. Lớp tôi tham gia không hào hứng lắm dù là lớp văn chính hiệu. Nhưng không phải vì vậy mà những buổi sinh hoạt của câu lạc bộ mỗi tháng đều đặn hai lần kém hào hứng và không lần nào vắng mặt tôi với hắn.
Tôi mê văn học nên môn thầy rất khá. Thầy cho tiểu luận về nhà, tôi chọn ngay đề tài nhức nhối: “Tình yêu tan vỡ trong ca dao”. Chín rưỡi, cả lớp nói thầy thiên vị, sao không cho mười luôn đi, trắng trợn quá! Thi hết học phần môn Vê – hát – dê – ghê, tôi lại giành cái điểm chín duy nhất. Lại nói thầy thiên vị. Hổng lẽ bài thi rọc phách thầy cũng nhận ra nét chữ cua bò của tôi sao? Bậy quá, thầy công bằng lắm nếu không tôi phải là đứa đầu tiên thầy cho ăn “hột vịt” mới phải, bởi cái miệng lách chách cứ hay cãi thầy chuyện này chuyện nọ. Cả hắn nữa, hắn cũng hay nói xấu sau lưng thầy. Hắn nói tên thầy gì mà hết một phần ba là tên con gái, hắn lại bảo thầy “điệu”, dạy một tiết vuốt tóc bốn mươi lăm lần, bình quân một phút vuốt một lần. Hắn còn nói thầy viết truyện ngắn hay quá không biết có…”xào” của ai không? Sao giọng điệu trẻ khô như mới tuổi hai mươi. Các bạn trong CLB nói hắn là “bản sao” của thầy, bởi hắn cũng hát hay, làm thơ giỏi và có nhiều tài lẻ như thầy.
Hôm chia tay lớp, thầy hát tặng cả lớp bài “Sắc màu”. Thầy hát hay và biểu diễn như ca sĩ chuyên nghiệp.
Học kỳ hai
“Sự nghiệp văn chương” của tôi và của hắn lên như diều… gặp gió. Hai đứa cương quyết bám CLB của thầy tới cùng dù thầy không còn dạy lớp tôi nữa, và môn Vê – hát – dê – ghê cũng học xong. Trời… à không, thầy không phụ lòng người. Tôi và hắn ngày càng có “máu mặt”. Và mọi chuyện bắt đầu khi một ngày đẹp trời tôi quyết định gửi cho thầy truyện ngắn đầu tay. Ban đầu có tên là “Ngày thứ hai“, sau đó thầy sửa lại là “Ngày thứ ba“. Kể về tâm sự cô bé vì muốn quên mối tình đầu đã thử yêu anh bạn thân cùng lớp, vì cô nghĩ muốn quên một người, cách tốt nhất là yêu người khác. Nhưng sau những ngày học chung, chơi chung, cô nhận ra mình đã nghĩ về anh bạn đó quá nhiều. Cô viết thư bày tỏ lòng mình và chỉ nhận được sự im lặng. Cô hối hận vì trót nói ra cái điều mình vẫn chưa thông. Chỉ có vậy nhưng thầy lại muốn cho nó giống tâm lý chung của nhiều người và chắc cũng vì bút pháp của tôi ẹ quá nên đã biên tập lại. Nhân vật chính trở thành kẻ yêu đơn phương anh bạn thân và trở nên si tình khi lá thư bày tỏ lòng mình đến ngày thứ ba vẫn chưa được hồi âm.
Tuyển tập ra, cầm trên tay truyện ngắn đầu tay, đọc đến đâu, tôi vã mồ hôi đến đó. Cả lớp xôn xao:
– Trời ơi! Con Xuyên dám công khai “tỏ tình” với thằng Hoài.
– Sao biết?
– Nó viết vậy là nó với thằng Hoài chứ ai?
– Hèn chi hai đứa nó… khít rịt, đi đâu làm gì cũng có nhau. Nhưng hình như thằng Hoài đang quen với con Son mà?
– Thằng Hoài giấu kỹ quá, con Xuyên làm sao biết được chuyện đó. Nên không tránh khỏi cảnh yêu đơn phương rồi!
– Vậy là con Xuyên có “viết đơn xin tỏ tình” với thằng Hoài rồi. Còn dám công khai cho cả trường biết nữa, con gái gì bạo quá!
Tự dưng hắn nhìn tôi xa lạ. Từ hôm đó hắn không nói với tôi lời nào. Có lẽ hắn cũng cho rằng tôi yêu đơn phương hắn thật. Nhờ vậy mà tôi biết được hắn và Son đang quen nhau. Gần năm nay chơi chung với nhau hắn không hé nửa lời, cũng không có biểu hiện gì của kẻ đang yêu. Tôi thấy hắn và Son có bao giờ nói tiếng nào với nhau trên lớp đâu, thậm chí nhìn nhau một cái cũng không. Đi đâu, hắn cũng chở tôi tòn ten sau lưng… sao lại…?
Vô tình tôi trở thành người bênh vực quyền lợi cho… con gái. Dám yêu, dám nhận và dám… tỏ tình. Hôm sinh hoạt CLB, hắn và Son ngồi cạnh nhau – lần đầu tiên tôi thấy họ bên nhau. Tôi được thầy mời lên “phỏng vấn giao lưu” về truyện ngắn đó. Đứng trên này nhìn xuống tôi thấy hắn cúi gằm mặt. Son nhìn tôi thách thức. Tự dưng tôi thấy tự ái ghê gớm. Cho dù tôi viết về hắn thì có sao? Cái tôi không chấp nhận được là những lời dèm pha trong lớp chứ không phải thái độ của hắn hay của Son. Dù là lớp văn nhưng tụi nó không bao giờ chịu hiểu hay cố tình không hiểu rằng người ta có quyền tự do hư cấu trong sáng tác của mình. Tụi nó vốn chẳng ưa gì tôi, giờ thêm vụ này, tôi càng trở nên là trung tâm cho tụi nó mỉa mai giễu cợt.
– Cho mình hỏi từ đâu bạn lại viết được hay như vậy?
Đúng là câu hỏi tôi đang trông đợi để chụp cái micro trên tay thầy nói một mạch, trước hơn năm trăm sinh viên:
– Thật ra câu chuyện này chỉ là sản phẩm của tưởng tượng. Ban đầu tôi cũng không viết như vậy, thầy đã thay đổi rất nhiều, thầy đã sửa hoàn toàn đến nỗi tôi cũng không nhận ra đứa con tinh thần của mình nữa…
Có lẽ thầy giận vì câu nói sau cùng của tôi. Tôi thấy thầy biến sắc khi nhận lại cái micro từ tay tôi. Có thể thầy “sốc” khi nghe học trò của mình tuyên bố như vậy. Còn tôi chỉ cảm thấy thỏa mãn vì những cái loa trong lớp đã tắt. Từ nay tôi và hắn thực sự không còn là bạn thân như trước nữa. Đã có bức tường ngăn cách giữa hai đứa, đó là Son và dư luận của lớp này.
Hai – Năm thứ hai
Lời đồn đã đúng sự thật. Hắn chia tay Son. Son gục đầu trên đau khổ. Tôi ray rứt hơn khi hai đứa vui vẻ bên nhau chợt chạm vào ánh mắt đau khổ của Son. Tôi đã nhiều lần thử quên hắn nhưng tôi không cưỡng lại được. Sợi dây ràng buộc đã đứt, tôi lao nhanh xuống dốc rồi đâm thẳng vào hắn. Hình như tôi yêu hắn, hình như hắn cũng vậy. Tôi cảm nhận được điều này qua những lời tâm sự chân thành, những ánh mắt nồng nàn, những cử chỉ ân cần, những lời nói dịu dàng hắn dành cho tôi. Tôi không cướp đoạt gì của Son vì chính hắn cũng thú nhận rằng hắn chưa bao giờ yêu Son. Son không gây cho hắn sự xao động nào trong suốt năm qua. Tôi đã từng trả hắn nguyên vẹn về cho Son, không hiểu sao Son lại đánh rơi nó để tôi trở thành người hốt những mảnh vỡ ấy áp vào tim mình.
Nhưng lời đồn đại lại có dịp nổi lên gay gắt và dữ dội hơn trước. Tôi bị lên án là kẻ cướp tình yêu, hắn bị kết tội là tham sang phụ khó vì gia cảnh của tôi khá hơn Son. Hắn mạnh mẽ là vậy cũng gục ngã trước những lời bàn ra tán vào đó. Hai đứa dằn vặt với cái mớ tình cảm không được ủng hộ. Thi thoảng nhìn thấy những giọt nước mắt của Son rơi, tôi và hắn lại quay lưng với nhau. Tôi đi về với những giọt nước mắt một mình mà hắn không bao giờ biết được. Nhưng rồi không giải thích được vì sao, hai đứa lại về bên nhau.
Sợi dây duy nhất để tôi và hắn làm lành với nhau là văn chương. Gần nhau chẳng biết nói gì ngoài chuyện sáng tác. Có lúc hứng lên, hắn lại hì hục chở tôi chạy đến nhà thầy, đứng núp ló, lấm la lấm lét như ăn trộm. Bấm chuông nhưng cầu mong thầy không có nhà vì hai đứa không bịa được lý do gì có mặt ở đây. Được cái thầy không bao giờ hỏi câu đó mà thay vào là hàng tá câu hỏi khác dễ trả lời hơn.
Thầy vẫn đồng hành với chúng tôi trên bước đường sáng tác. Không biết rồi sẽ có bao nhiêu cây bút thành danh từ CLB này nhưng điều chắc chắn mà tôi biết được đó là tất cả chúng tôi đều học từ thầy “bài học vỡ lòng” đầu tiên. Thầy dạy cho chúng tôi từ cách dựng câu, dựng truyện, phối thanh, phối vần và cả trong sạch với ngòi bút của mình – những điều chưa hề có trong giáo án của thầy.
Tuyển tập của thầy trò tôi đều đặn ra một năm ba quyển photo trắng đen, bán bằng giá với tô hủ tiếu bình dân trước cổng trường. Và nhuận bút vẫn chỉ là một tờ báo biếu nhưng đó là cả một chặng đường gian lao của thầy trò chúng tôi. Đôi khi thầy vẫn phải xuất tiền túi ra bù lỗ cho khâu in ấn và thức đêm đánh máy, vẽ hình minh họa, còn phải xin phép người này người khác cho chúng tôi năm phút đầu giờ vừa giới thiệu vừa bán sản phẩm của chính mình. Sức mạnh duy nhất mà thầy có được để tiếp tục công việc này là lòng say mê và thầy khao khát muốn truyền nó lại cho chúng tôi.
Ba – Năm cuối
Còn hai tuần nữa là mãn khóa, thầy tổ chức cho sinh viên năm cuối trong CLB một buổi chia tay.
Lâu nay Son không tham gia CLB nhưng hôm nay, Son lại đến, vì tuyển tập cuối cùng của khóa chúng tôi xuất hiện tên Son với những dòng tâm sự đẫm nước mắt công khai viết riêng cho hắn. Tôi không làm vậy được như Son, tôi sợ châm ngòi cho những lời đồn đại để quật ngã cả tôi và hắn. Và tôi cũng không phải là người viết truyện hay cho chủ đề đó.
Hắn ngồi bên cạnh tôi cách Son hai hàng ghế. Tôi và hắn được mời lên giao lưu với sinh viên năm nhất, lần được mời lên sau cùng, trở xuống, hắn lại đến ngồi ngay bên cạnh Son. Tôi bước về chỗ cũ nơi cái ghế bị bỏ quên mà đôi chân cứ ríu lại, nặng nề và mỏi rã rời.
Tôi nói bằng giọng tắc nghẹn, đứt quãng khi thầy bảo tôi nói lời chia tay CLB:
– Tôi đã rất hạnh phúc khi được làm học trò của thầy. Tuy thầy không phải là người dạy văn đầu tiên của tôi nhưng thầy là người đầu tiên đã dẫn dắt tôi đến với sáng tác. Trước đây khi viết được một truyện ngắn, tôi cứ cho rằng mình đã thành công lắm nên không hài lòng khi có chỗ nào đó thầy sửa chữa. Giờ tôi không còn cơ hội đó nữa, cơ hội được thầy dạy bảo và sửa chữa. Em xin cảm ơn thầy đã chỉ bảo dìu dắt chúng em trong suốt những năm qua…
Người ta cho là tôi khóc vì câu nói sau cùng. Giả dối. Hai người ngồi dưới đó vẫn nhìn tôi chăm chú, hắn không cúi đầu như ba năm trước mà nhìn tôi cười trìu mến. Tôi khóc vì cái ghế cạnh tôi dưới kia vẫn trống vắng và nó sẽ mãi trống khi lát nữa đây bước chân ra khỏi giảng đường này, tôi và hắn sẽ đi về hai lối khác nhau. Hắn sẽ không còn đưa tôi về như trước dù rằng đường về nhà tôi vẫn rất tối…
Bốn – Ra trường
Cả tôi, hắn và Son không ai tìm được hạnh phúc trong cuộc tình này cả. Tôi vẫn không phải là người viết truyện về tình yêu hay, cái đề tài trở nên cứng nhắc và xa lạ với tôi. Vì hồi ức của tôi về hắn vẫn chỉ là “người bạn không bình thường” như hắn nói mà thôi. Hắn chưa bao giờ yêu Son nhưng cũng chưa bao giờ nói yêu tôi dù tôi và hắn bên nhau đã hơn ba năm rồi. Mỗi khi cầm bút muốn viết về cuộc tình này, về những điều lẽ ra rất lãng mạn của tôi và hắn, thì tôi không biết nên gọi hắn bằng gì? Người yêu? Hay người bạn thân tuyệt vời? Với tôi, tình yêu như cái bóng, ngày ngày tôi vẫn trông thấy nó, ngày ngày nó vẫn đi theo tôi vậy mà tôi không bao giờ cầm được nó trên tay hay ôm nó vào lòng được. Nhìn thấy nhau mà không thể đến bên nhau thì thật là đau đớn. Hắn thật tàn nhẫn khi cứ nghĩ đến khoảng cách giàu nghèo giữa tôi và hắn. Hắn thật tàn nhẫn khi cứ vì nó mà không nói với tôi cái điều tôi vẫn trông đợi để tôi trở thành người viết truyện về tình yêu hay nhất.
Ra trường hắn lo vật lộn với cuộc sống không màng viết lách làm thơ nữa. Tôi không khuyên hắn được gì và lâu rồi cũng không gặp lại nhau. Thầy mail cho tôi nói rằng hắn ốm và buồn nhiều. Tôi đau lòng nhưng đâu biết làm gì. Thơ của hắn và truyện ngắn của thầy tôi chép đầy một tập.
Tôi vẫn viết đều đặn và gửi cho báo, cuối dòng vẫn xin phép thầy ký tên CLB cũ. Tôi được chú ý vì tôi không viết về… tình yêu. Thầy vẫn dõi theo từng bước chân của chúng tôi dù là lúc chập chững hay đã vững vàng.
Ra trường đã lâu vậy mà không lần nào tôi trở về thăm. Lần này đặt chân về đây, tôi thấy mọi thứ xa lạ quá, ngay cả những gương mặt nhìn tôi cũng rất lạ lẫm. Cái bảng trước văn phòng khoa thì vẫn đông nghẹt sinh viên năm nhất ghi thời khóa biểu, tôi cũng chen vào đám đông đó.-Í, môn gì lạ vậy cà? – “Cậu bé” đứng cạnh tôi trỏ tay lên tờ giấy – Vê – hát – dê – ghê?
– Môn “Văn học dân gian” đó! – Tôi thản nhiên.
– “Cậu bé” quay lại nhìn tôi, gương mặt ngớ ngẩn y như ngày đầu tiên tôi gặp hắn.
– Sao biết? Bộ có học môn này rồi sao?
– Ừ, và đó là môn học được dạy bởi một người thầy tuyệt vời.
Tôi nói và lách dòng người bước ra, một làn gió mát ập ngay đến. Hắn đứng bên ngoài đám đông nhìn tôi tự bao giờ…
Tác giả Hạ Du
(Minh họa: Quang Vinh)