Văn học An Giang trong tiến trình phát triển bền vững

Trên bản đồ văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, An Giang là một vùng đất “địa linh – nhân kiệt”; trù phú, hiếu học và có một nền văn chương dầy dặn. Thời gian đã chứng minh điều nói trên, bằng kho tàng văn học dân gian An Giang hết sức phong phú qua huyền thoại, truyền thuyết, cổ tích, ca dao, tục ngữ… Suốt chiều dài hơn 300 năm hình thành và phát triển, bất cứ giai đoạn nào của lịch sử, An Giang cũng có những thành tựu đáng kể về văn học, đóng góp vào đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng và dân tộc.

Những năm gần đây (đặc biệt là trong 5 năm qua), văn học An Giang có nhiều khởi sắc, được đông đảo độc giả mến mộ văn chương trong và ngoài tỉnh đón nhận và dõi theo. Thành tựu ấy, trước hết phải nói đến công tác phát triển và bồi dưỡng hội viên. Đây không chỉ là truyền thống quý báu của nền văn học An Giang, mà còn là hoạt động thường xuyên, lâu dài của Phân hội qua nhiều thế hệ. 5 năm qua, các câu lạc bộ, bút nhóm đã được tái thành lập, hoạt động sôi nổi, nhất là trên các trang mạng xã hội, mở ra không gian phong phú với nhiều hoạt động đa dạng, thu hút đông đảo các tác giả tham gia và nhận được sự ủng hộ của nhiều bạn đọc. Từ “cái nôi” của các câu lạc bộ như: Văn thơ nữ, thơ Châu Phú, Văn học trẻ, văn thơ trường Đại học An Giang, văn thơ trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa…  các bút nhóm như Nắng Thủy Tinh, Đồng Xanh… đã góp phần kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, truyền cảm hứng, động lực cho nhiều tác giả, trong đó không ít tác giả đã được kết nạp vào Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh An Giang. Song song đó, nhiệm kỳ vừa qua, Phân hội Văn học nổi bật với 6 tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, trong đó có 2 tác giả đang là Hội viên trẻ tuổi nhất của cả nước.

Một thành tựu cũng đáng được nhắc đến là công tác xuất bản sách và giải thưởng văn học. Nhiệm kỳ vừa qua, với những khó khăn do dịch COVID-19, kinh phí được cấp rất hạn chế nên số lượng sách được đầu tư xuất bản của Phân hội chỉ trong chừng mực 9 đầu sách. Tuy nhiên số lượng sách các tác giả tự in ngoài lên đến 33 quyển, đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước con người An Giang đến đông đảo độc giả trong và ngoài tỉnh và cho thấy sức mạnh nội sinh của nền văn học tỉnh nhà. Bên cạnh đó, các tác giả An Giang đã tích cực sáng tác và tham gia các cuộc thi, giải thưởng văn chương, thu về 38 giải thưởng (trong đó có 15 giải cấp trung ương, 13 giải cấp khu vực và 20 giải cấp tỉnh). Những con số kể trên là con số vàng, không phải địa phương nào cũng có được. Điều đó cho thấy, văn học An Giang đang trong giai đoạn chín muồi, với một thế hệ viết đầy tiềm năng và triển vọng; như chính mảnh đất An Giang được tạo hóa ưu ái và ban tặng cho sự trù phú, màu mỡ… chờ đợi những mùa thu hoạch bội thu. Tuy nhiên, trước tiềm năng và vị thế đang có được, văn học An Giang cần có các hoạt động thúc đẩy nhằm tạo ra những bước đột phá mới cho sự phát triển bền vững và lâu dài. Cùng với đó, tạo nên mũi nhọn để khi nhắc đến văn chương Nam bộ, người ta sẽ nghĩ ngay đến vùng đất An Giang như chính cái vị thế núi non mà hàng trăm năm qua đã định trong lòng độc giả.

***

Là một tỉnh thuần nông, có bề dày về nền văn hóa nông nghiệp; từ bao đời qua, văn minh lúa nước đã ăn sâu vào tâm thức cư dân trong mọi hoạt động đời sống xã hội, trong đó có văn học. Tri thức nhà nông có câu rằng, “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Ngồi ngẫm nghĩ, tôi thấy thật hay và có nét tương đồng nếu so vào lĩnh vực văn chương.

1.

Trước tiên hết là vấn đề “nhất nước”. Nước là nguồn sống, là thứ sẵn có và là “đặc sản” của vùng đầu nguồn Cửu Long. So vào văn chương, đó là tâm thức về nguồn “nguyên liệu sẵn có” cho công việc sáng tác. Đó là nguồn cảm hứng, là chất liệu từ đời sống, như thứ quặn ẩn nhẫn trong mỗi miền đất, mỗi câu chuyện và mỗi con người. Lịch sử văn học đã cho thấy, sự phong phú về thiên nhiên, con người và cảnh vật của quê hương An Giang, nhất là trong thời đại 4.0 hiện nay luôn mở ra những vấn đề, câu chuyện hết sức thú vị để người viết lấy đó làm chất liệu cho những trang viết. Tuy nhiên làm sao để người viết  khai thác và đánh thức những nguyên liệu ấy để đưa vào trang viết, cũng như việc làm sao để “nước” có thể nuôi cây lúa, tiền nhân đã dặn lại “nhất nước thì nhì phân”.

2.

Phân là nguồn bổ trợ dinh dưỡng cho cây lúa có đủ sức phát triển và chống chọi với thử thách của tạo hóa. Tôi mường tượng lời dặn “nhì phân” ấy cũng giống như việc tổ chức các hoạt động thực tế sáng tác, giao lưu học hỏi, đầu tư xuất bản… cho hội viên vậy. Để làm được điều đó, Ban Chấp hành Phân hội không chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí được cấp mỗi năm, mà cần chủ động tạo cơ hội và liên kết với các địa phương, đơn vị, nhà xuất bản; tranh thủ vận động xã hội hóa nhằm khai thác tối đa các nguồn lực, sự ủng hộ trong hội viên và ngoài xã hội về cho các hoạt động của Phân hội như: buổi họp mặt toàn thể hội viên mỗi dịp đầu hoặc cuối năm; thăm hỏi hội viên cao tuổi; tọa đàm chuyên đề, bàn tròn văn học, “talk show” trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sáng tác; gặp gỡ giao lưu với các nhà văn có nhiều kinh nghiệm hoặc đại diện các đơn vị xuất bản, báo chí; tổ chức các cuộc thi “mini game văn chương”; giới thiệu quảng bá tác phẩm hội viên qua các kênh thư viện, báo đài và các trang mạng xã hội… bằng các hình thức sáng tạo, thiết thực và phù hợp. Tất cả nhằm để tạo thêm nhiều hoạt động đa dạng về nội dung và phong phú về hình thức cho hội viên. Ví như việc ông cha ta “dẫn thủy nhập điền” để bồi đắp phù sa cho đồng ruộng thêm màu mỡ.

Tôi tin rằng, “người khoa văn chân thành lắm, người học văn nhân hậu nhiều”, trong mỗi hội viên Phân hội Văn học An Giang đều giàu tấm lòng chân thành và nhiệt huyết với văn chương, thế nên Ban Chấp hành cần tận dụng tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, để tạo ra thêm nhiều hoạt động cho không khí văn chương tỉnh nhà sôi nổi, như nhà văn Mai Bửu Mình từng nói: “khuấy bùn để tìm lên bọt”

3.

Khi đã có nước, có phân, thì vấn đề thứ 3 được tiền nhân nhắc đến là “tam cần”, tức sự lao động và tinh thần cần mẫn. Đành rằng việc sáng tác là công việc tự thân, là ý chí và thành quả lao động mang tính “có gieo – có gặt” ở mỗi tác giả. Tuy nhiên đây cũng là nhiệm vụ và trọng trách quan trọng của Ban Chấp hành. Các cô chú thế hệ đầu của nền văn học An Giang sau giải phóng thường bảo, “lâu lâu nghe anh Năm Chánh (tức Nhà thơ Phạm Nguyên Thạch – Phân hội trưởng Phân hội Văn học từ năm 1980 đến năm 2010) gọi nhắc ‘bài vở dạo này sao?’ là mình sợ, lẹ lẹ ngồi viết để gửi ngay”. Đôi khi việc “nhắc khéo”, đôn đốc, tạo ra không khí sáng tạo cũng là cách để hội viên có thêm động lực mềm cho việc sáng tác. Đồng thời, Ban Chấp hành cần thể hiện vai trò điều phối, sắp xếp một cách thiết thực và hiệu quả trong đầu tư xuất bản, gắn liền với định hướng phát triển hội viên, định hướng tham dự các giải thưởng và định hướng các tác phẩm dài hơi; bồi đắp hình thành các cây bút mũi nhọn, chủ chốt và kế thừa cho nền văn học tỉnh nhà.

Song song đó, một số thể loại lâu nay là “vùng trũng” của văn học An Giang như lĩnh vực lý luận phê bình, văn học thiếu nhi, văn học dịch cũng cần được Ban Chấp hành quan tâm và có các biện pháp, hướng đầu tư, khuyến khích nhằm phát triển hội viên và tác phẩm ở các thể loại này đồng bộ với các thế mạnh khác của nền văn học. Tỉnh ta có lực lượng giáo viên phổ thông, các giảng viên ở Trường Đại học An Giang thường xuyên làm công tác lý luận phê bình và dịch thuật; có lực lượng các em học sinh năng khiếu viết văn ở các trường học là điều kiện “cần” để phát triển. Từ đó tìm thêm điều kiện “đủ” từ các Hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam, các trại sáng tác chuyên sâu, các tạp chí chuyên ngành, để phát triển hội viên và tác phẩm, bổ khuyết cho lĩnh vực lý luận phê bình, văn học thiếu nhi, văn học dịch tỉnh nhà.

4.

Và khi đã hội tụ đủ “nhất nước, nhì phân, tam cần” thì yếu tố tuy đứng hàng thứ tư nhưng lại là yếu tố quyết định, là “tứ giống”.

Nhìn lại quá trình phát triển của Phân hội,  dễ dàng thấy được, từ lâu nay, công việc chăm sóc “giống” là công việc Phân hội luôn đặt lên hàng đầu. Từ giải thưởng Văn chương Thủ Khoa Nghĩa, từ các câu lạc bộ văn thơ đã trình làng hàng loạt tác giả đầy triển vọng, trong đó có nhiều tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam và có nhiều tác phẩm quan trọng trong nền văn học tỉnh nhà. Ý thức sâu sắc về “giống”, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Chính vì thế mà Văn học An Giang cần có thêm những hoạt động mới hơn nữa để kịp thời phát hiện và bồi dưỡng nhân lực, phát triển nhân tài văn chương. Mỗi năm Ban Chấp hành cần có sự tính toán và định hướng tập trung đầu tư có chiều sâu, để phát triển thêm các nhân tố mới vào Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh; phát triển các tác giả An Giang để kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là quá trình lâu dài, cũng là công việc kế thừa, bởi việc chăm bồi “giống” hôm nay là sự chuẩn bị cho những mùa trĩu quả ngày mai. Cũng giống như việc một thế hệ vàng đầy bút lực mà  đang có được hôm nay, chính là những hạt giống từ mười, hai mươi năm trước đã được các cô chú anh chị chăm sóc, vun bồi một cách dày công và tâm huyết, tất cả vì sự phát triển bền vững của một nền văn học năng động, giàu truyền thống.

Ca dao lại có câu: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Tôi tin tưởng rằng, Văn học An Giang đang có rất nhiều cây “lúa chiêm” mạnh mẽ, triển vọng chờ cơ hội phất cờ mà lên để đơm bông trĩu hạt một cách mạnh mẽ nhất, ngoạn mục nhất!

***

Nếu như triết học phương Tây có cặp phạm phù “nguyên nhân – kết quả”, tâm thức phương Đông có quy luật “nhân quả tuần hoàn” thì tri thức văn hóa nông nghiệp của tỉnh ta có ca dao rằng “nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”. Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua với những thành tựu đã đạt được, cho thấy nền văn học An Giang đang giàu có về tiềm năng và triển vọng. Đây là một yếu tố quan trọng để nhiệm kỳ tiếp theo mở ra nhiều hoạt động hơn nữa, đòi hỏi tính nhiệt huyết, sáng tạo, thiết thực và hiệu quả theo tinh thần “cày sâu, nhai kỹ”.  Tôi tin tưởng rằng, mỗi hội viên của  sẽ là một viên gạch dựng xây và bồi đắp nên nền tảng tinh thần của cộng đồng, xã hội. Góp phần khẳng định bộ mặt, vị thế và sự đóng góp của văn học tỉnh nhà trong quá trình xây dựng, phát triển quê hương An Giang ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Lê Quang Trạng