Văn học nghệ thuật An Giang một năm nhìn lại
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang được thành lập tháng 8/1980. Với tên gọi ban đầu là Hội Văn nghệ và lần lượt đổi tên là Hội Văn học nghệ thuật; Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật và hiện nay là: Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang.
45 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp và sự nỗ lực hoạt động của lực lượng văn nghệ sĩ, tuy còn khó khăn, hạn chế, nhưng văn học nghệ thuật An Giang đã có bước phát triển mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu, phục vụ có hiệu quả các sự kiện chính trị của địa phương và nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân.
Các phong trào sáng tác luôn được duy trì và phát triển mạnh mẽ bằng nhiều hình thức như: thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác, phát động sáng tác, tổ chức các cuộc thi, đầu tư sáng tác.v.v… Hằng năm, lực lượng hội viên sáng tác được nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật ở tất cả các thể loại: Văn học, Sân khấu, Mỹ thuật, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Văn nghệ dân gian… phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu thưởng thức của nhân dân; trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, nhiều tác phẩm đoạt giải cao tại các cuộc thi trong tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế. Công tác xuất bản sách luôn được quan tâm đầu tư, mỗi năm xuất bản nhiều đầu sách, chú trọng các tác phẩm có chiều sâu, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, các tác phẩm chào mừng các sự kiện chính trị lớn của đất nước và của tỉnh. Đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện cho tác giả, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xuất bản.
Hoạt động triển lãm tranh, ảnh được tổ chức thường xuyên, mỗi năm có hàng chục cuộc với hàng trăm tác phẩm tham gia trưng bày như: Triển lãm tranh, ảnh của tỉnh phục vụ các ngày lễ lớn trong năm; tham gia triển lãm khu vực, quốc gia, quốc tế và hỗ trợ tác phẩm cho các ngành, các địa phương tổ chức triển lãm phục vụ các sự kiện chính trị.
– Tạp chí Thất Sơn phát hành định kỳ 12 số/năm, số lượng dao động từ 400 đến trên 600 bản/1 kỳ, nội dung hình thức luôn được cải tiến, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Ngoài việc thực hiện chức năng là diễn đàn VHNT của Liên hiệp hội, tạp chí còn liên kết, phối hợp với các ngành, các địa phương mở chuyên trang, chuyên mục và thực hiện các số đặc biệt phục vụ kịp thời nhu cầu chính trị của các ngành, địa phương trong tỉnh.
– Công tác tổ chức và phát triển lực lượng hội viên luôn được kiện toàn và phát triển. Hiện tại Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật đã có 557 hội viên thuộc 09 chuyên ngành: Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Sân khấu, Múa, Điện ảnh và Hội Kiến trúc sư; trong đó có hơn 150 hội viên chuyên ngành Trung ương. Ngoài ra, Liên hiệp Hội còn phối hợp hoạt động với 08 Chi hội thuộc các chuyên ngành trung ương đóng trên địa bàn như: Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh An Giang, Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh 1 và 2, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh An Giang, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh An Giang, Chi hội Sân khấu Việt Nam tỉnh An Giang, Chi hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tỉnh An Giang, chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh An Giang và 11 Hội Văn học Nghệ thuật huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Ngoài ra, Liên hiệp Hội còn đẩy mạnh các hoạt động khác như: Mở rộng liên kết phối hợp với các ngành, các cấp trong hoạt động sáng tác và phổ biến tác phẩm; phối hợp với các chuyên ngành trung ương và các tỉnh trong khu vực đăng cai các cuộc thi, triển lãm, mở trại sáng tác, lớp sáng tác cấp khu vực; tham mưu đề xuất với lãnh đạo tỉnh các chế độ chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ,…
Với những hoạt động trên, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang những năm qua và năm 2024 đã làm tốt trách nhiệm của mình là tập hợp và phát triển lực lượng, lãnh đạo các hoạt động, đưa văn học, nghệ thuật tỉnh nhà không ngừng phát triển. Các hoạt động của Liên hiệp Hội đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chính trị của địa phương, góp phần định hướng thẩm mỹ, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước trong những năm qua.
Trên cơ sở các nội dung của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, hằng năm các Hội Văn học nghệ thuật huyện, thị, thành, xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp, đảm bảo các hoạt động phong phú, đa dạng và thiết thực nhằm phát huy bản sắc văn hóa của từng địa phương;
– Hằng năm các Hội duy trì xuất bản từ 02 đến 03 số tạp san Văn nghệ huyện, tổ chức giao lưu thực tế sáng tác giữa các huyện, thị thành; Hoạt động các Hội VHNT huyện, thị, thành đều được cấp ủy địa phương quan tâm, tuy nhiên từng lúc, từng nơi chưa được đầy đủ; chưa thấy hết vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật.
Về tình hình tư tưởng hội viên, Thường trực Liên hiệp Hội cùng với bộ phận văn phòng thường xuyên lắng nghe để nắm bắt thông tin trong lực lượng văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh. Được biết, phần lớn hội viên luôn theo dõi tình hình thời sự thông qua các kênh báo, đài chính thống, từ đó giúp hội viên có nhận thức đúng đắn về đường lối, chủ trương của Đảng trong việc điều hành đất nước; hiểu rõ hơn chính sách ngoại giao của Đảng và Nhà nước đối với các nước trong khu vực và thế giới, không tham gia các diễn đàn thiếu thiện chí, chống đối nhà nước trên các mạng xã hội; không phát tán những tài liệu phản động và những văn hóa phẩm độc hại. Hầu hết các tác phẩm VHNT của văn nghệ sĩ trong tỉnh đều sáng tác đúng định hướng chưa thấy tác phẩm có biểu hiện lệch lạc trong nhận thức.
Phát biểu về những thuận lợi, khó khăn, họa sĩ Bùi Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp Hội cho biết: Được sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự hỗ trợ, phối hợp của các ngành, các cấp trong tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn học nghệ thuật tỉnh có điều kiện phát triển để vươn xa. Sự nỗ lực hoạt động của lực lượng văn nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên, sự hưởng ứng tham gia hoạt động và hưởng thụ văn học, nghệ thuật của quần chúng nhân dân, góp phần làm cho văn học, nghệ thuật tỉnh nhà không ngừng phát triển. Tuy nhiên, những năm đây hoạt động VHNT gặp nhiều khó khăn nhất là về kinh phí hoạt động. Trong khi lực lượng hội viên không ngừng phát triển, các hoạt động luôn được đổi mới và mở rộng nhưng kinh phí không tăng. Công tác quảng bá tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng không thực hiện được do không đủ điều kiện về kinh phí và phương tiện. Tạp chí Thất Sơn là diễn đàn của văn nghệ sĩ trong tỉnh do kinh phí hạn chế nên chỉ đủ chi phí in (số lượng chỉ 400 tờ/1 tháng) và trả nhuận bút (thấp hơn so với mặt bằng chung), không còn kinh phí tổ chức các hoạt động khác như tổ chức thực tế sáng tác các số chuyên đề, khen thưởng tác phẩm hay, họp mặt cộng tác viên, tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm sáng tác… Kinh phí hổ trợ in ấn giữ nguyên từng năm nhưng giá in và nhuận bút có thay đổi, buộc tạp chí phải giảm số lượng in, thu hẹp phát hành ra công chúng vì không có nguồn thu để bù lỗ.
Trong năm 2025 tiếp tục phối hội với cấp ủy địa phương chỉ đạo đại hội các huyện, thị, thành và tập trung tổ chức Đại hội Liên hiệp Hội lần thứ IX, tổng kết Đề án “xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật An Giang giai đoạn 2021 – 2025 và tấm nhìn đến năm 2030” và tổ chức Họp mặt kỷ niệm 45 năm thành lập Liên hiệp Hội, phối hợp với Đảng ủy Trường Đại học An Giang tổ chức Hội thảo “Thành tuự và những hạn chê của văn học nghệ thuật An Giang 50 năm sau ngày đất nước thống nhất”…
Tăng cường đầu tư cho sáng tác, tạo ra ngày càng nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, tác phẩm viết về quê hương, con người An Giang, về các đề tài đương đại phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước; nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của quê hương; xây dựng con người mới toàn diện; đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước; sống có lý tưởng, tình cảm, nhân cách và đạo đức. Đẩy mạnh các hoạt động phổ biến tác phẩm. Đưa các sản phẩm văn học, nghệ thuật đến với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn học, nghệ thuật, nâng cao dân trí; góp phần cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng; xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp.
Tiếp tục chăm lo, đào tạo lực lượng văn nghệ sĩ chuyên nghiệp, phấn đấu mỗi chuyên ngành ngày càng có nhiều tác giả giỏi, có uy tín, sáng tác được những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Đồng thời mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn cho lực lượng hoạt động phong trào ở các Hội huyện, thị, thành; tập trung phối hợp tổ chức các hoạt động chuyên môn hướng về cơ sở để nâng chất hoạt động các Hội Văn học nghệ thuật huyện, thị, thành. Tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng Tạp chí Thất Sơn, nâng cao về nội dung và hình thức, phản ánh đa dạng các mặt trong đời sống xã hội của địa phương, thu hút đông đảo bạn đọc trong và ngoài tỉnh, trở thành tạp chí văn nghệ có uy tín trong khu vực và cả nước.
Đầu tư phát triển các hoạt động văn học nghệ thuật tỉnh nhà mang tính chuyên nghiệp, xây dựng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phát triển toàn diện làm nòng cốt để phát triển các hoạt động phong trào văn học nghệ thuật trong tỉnh.
Võ Quốc Tuấn