Văn nghệ sĩ là lực lượng đáng tin cậy của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân

Ngày 25/4, tại Hội trường Diên Hồng – Nhà Quốc hội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Quốc hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trang trọng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trường Giang)

Chủ trì điều hành Hội nghị

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Mai Văn Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vũ Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự và 500 đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương; thường trực các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận các tỉnh, thành ủy; lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; thường vụ các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương; lãnh đạo các hội văn học, nghệ thuật địa phương…, chuyên gia, nhà khoa học và 50 văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà trong 50 năm qua.

Đoàn đại biểu tỉnh An Giang về dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Văn Nưng- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Thị Hồng Loan, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Họa sĩ Bùi Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhận định: Trong suốt chặng đường 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn học, nghệ thuật Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu quan trọng, từ tư duy lý luận đến thực tiễn sáng tạo, phương thức truyền bá và xu hướng tiếp nhận. Đồng chí khẳng định với một niềm tin sâu sắc rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà 50 qua vẫn luôn luôn là lực lượng tin cậy của Đảng, của Nhân dân. Danh hiệu “nghệ sĩ – chiến sĩ”, “nghệ sĩ – công dân” gắn với trách nhiệm xã hội, tiếp tục được coi trọng và phát huy, trở thành mẫu hình văn hóa, chứa đựng niềm tin sâu sắc về sự thủy chung của đội ngũ những người sáng tạo văn học, nghệ thuật Việt Nam. Chúng ta vui mừng khi có những dấu hiệu rõ nét về sự tiếp cận và gặp gỡ với xu hướng tiến bộ, tiên tiến của văn học, nghệ thuật thế giới. Những sáng tạo mới theo hệ hình tư duy hiện đại đã bắt đầu xuất hiện và có những tìm tòi đáng quý, đáng trân trọng. Văn học, nghệ thuật đã thực sự góp phần quan trọng, tạo nên sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam trong quá trình đất nước đổi mới và hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, phát triển nền văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây: 

Trước hết, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, gắn với đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo phù hợp, hiệu quả để kiến tạo đường hướng, không gian phát triển văn học, nghệ thuật. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đội ngũ văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân cần hiểu rõ, hiểu sâu hơn nữa về vị trí, vai trò, sứ mệnh của văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên mới. Đặc biệt chú trọng tính đặc thù của văn học, nghệ thuật; tôn trọng và bảo đảm quyền tự do sáng tạo, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến và năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh thể chế hóa chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về văn học, nghệ thuật. Rà soát, xây dựng và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật còn thiếu trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Những quy định, chế độ, chính sách lạc hậu, bất cập, không phù hợp cần phải kiên quyết loại bỏ, tạo hành lang thuận lợi, khơi nguồn và phát huy tiềm năng sáng tạo. Tập trung triển khai có hiệu quả “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035” và tổ chức nghiên cứu, ban hành Chiến lược quốc gia về xây dựng nền văn học nghệ thuật trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc, ngày 30/12/2024.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có phẩm chất, bản lĩnh, uy tín, năng lực chuyên môn ngang tầm nhiệm vụ. Đổi mới căn bản, toàn diện chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh tài năng; chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ chế độ chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ; chế độ tài trợ, đặt hàng đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ thâm nhập sâu rộng thực tế sôi động của đất nước, đồng hành, gắn bó máu thịt với công cuộc lao động, sáng tạo của nhân dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tập trung xây dựng, phát triển thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn học, nghệ thuật đồng bộ, bền vững, lành mạnh; để văn học, nghệ thuật đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển công nghiệp văn hóa. Tăng cường nguồn lực đầu tư của Nhà nước, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa, tạo bước đột phá trong thu hút và phân bổ nguồn lực phát triển văn học, nghệ thuật.

Thứ ba, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Tập trung xây dựng hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam khoa học, nhân văn, hiện đại, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn. Kiên trì thực hiện tự do sáng tạo đi đôi với tự do phê bình; đồng thời tập trung nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu, tính thuyết phục của công tác lý luận, phê bình.

Thứ tư, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật, góp phần tiếp tục phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Phát huy nội lực nền văn học, nghệ thuật dân tộc làm căn bản; có tư duy và tầm nhìn dài hạn, tăng cường tính chủ động, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị để xây dựng, triển khai thực hiện chiến lược quảng bá văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới; đồng thời thẩm định, lựa chọn hiệu quả các tác phẩm văn học, nghệ thuật của nước ngoài đưa vào nước ta. Tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài, các đối tác quốc tế tham gia đầu tư phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, trở thành cầu nối đưa hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè thế giới.

Thứ năm, thực hiện hiệu quả chủ trương của Trung ương, tiếp tục sắp xếp tổ chức, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và địa phương, đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Trong khi sắp xếp tổ chức bộ máy cần chú trọng tính đặc thù, đặc trưng và vai trò của văn học, nghệ thuật và của đội ngũ văn nghệ sĩ; vừa giao nhiệm vụ, vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát huy hiệu quả tiềm năng sáng tạo. Đây là trách nhiệm của hệ thống chính trị, đồng thời là trách nhiệm của các tổ chức hội – mái nhà chung của các thế hệ văn nghệ sĩ cả nước.

Tại hội nghị, các đại biểu xem phóng sự tài liệu và tham quan triển lãm “50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam đồng hành với dân tộc”; nghe 06 tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ chia sẻ rất tâm huyết, trí tuệ. Các tham luận đã tập trung khẳng định những thành tựu, kết quả đạt được của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày thống nhất đất nước; hiến kế, tư vấn và kiến nghị chủ trương, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà trong giai đoạn mới. Từ đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật, cổ vũ, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, thống nhất, hăng say sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng và nghệ thuật, đóng góp nhiều hơn nữa để xây dựng, phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Triển lãm “50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam đồng hành với dân tộc” nhằm khẳng định các quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam và vai trò của văn học, nghệ thuật Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, dựng xây đất nước.

TRƯỜNG GIANG