Vẻ đẹp trong tập thơ “Nhìn tôi bằng đôi mắt nhắm” của tác giả Lâm Long Hồ
Thơ ca có nhiều thể loại, theo quy luật hoặc bất quy tắc. Người viết thơ tuỳ sở thích và thế mạnh mà chọn cho mình một định hướng riêng. Nhưng tựu trung vẫn là, những câu thơ ấy chạm được đến cảm xúc của người đọc, được ghi nhớ và đọc lên trong hoàn cảnh nào đó tại một thời điểm hay nơi chốn tương ứng với câu thơ. Điều ấy cũng xem như mang lại niềm vui và chút thành tựu nhỏ cho tác giả.
Giữa thời đại con người đang ngập ngụa trong mớ thông tin chẳng tiêu hoá kịp, nhiều người dần xa rời văn chương và ngán ngẩm thơ, bởi họ đã bị bội thực, thì việc xuất bản thơ lại càng là một thách thức với phần đông tác giả. Nhưng cũng có tác giả rất can đảm và dám theo đuổi đam mê tới cùng. Họ tin rằng đứa con tinh thần mình ấp ủ thai nghén bao năm, tốn bao công sức chăm chút cho nó, nhất định sẽ đến được đúng người biết trân trọng nó như họ. Và tác giả Lâm Long Hồ cũng là một người cha hết lòng với “đứa con” đầu tay ấy: “Nhìn tôi bằng đôi mắt nhắm” (tập haiku, NXB Đà Nẵng năm 2021).
Mọi người viết về anh chắc đã nhiều, cùng với những hào quang quá khứ. Riêng tôi, không quen biết anh ở thời điểm ấy nên trong cảm nhận của mình, anh chỉ là một người lặng lẽ viết thơ. Anh ít nói và thơ anh cũng kiệm từ. Chắc vì thế nên anh chọn haiku, một thể loại giàu hình ảnh nhưng không đặt nặng cảm xúc cá nhân. Tôi không rành haiku nên không dám lạm bàn sâu xa. Tôi chỉ muốn nói đến vẻ đẹp của cảnh sắc thông qua những quan sát của người thơ ấy.
Ngay từ bài đầu tiên trong tập đã thể hiện rõ được vẻ đẹp của sự tĩnh lặng hoà cùng những xao động:
Một tiếng chuông ngân
mặt hồ tĩnh lặng
gợn lên mấy lần
(trang 1)
Tôi thấy mình ở đó, bên thành hồ nghe tiếng chuông chùa ngân vang và tự hỏi: “Là mặt hồ xao động hay lòng mình chẳng yên?”
Tôi đã suy nghĩ rất lâu, nhưng cũng không thể nào chiêm nghiệm ra được ý nghĩa của bài thơ này. Nhưng với tôi, đây vẫn là một hình ảnh đẹp, vẻ đẹp của tự nhiên khi đứng cạnh tôn giáo của con người:
Giữa hồi kinh
con bướm nhỏ
tự sinh ra mình
(trang 6)
Và tiếp nối chủ đề thiên nhiên, tác giả đã viết những bài thơ về các con vật rất ấn tượng. Bài bên dưới anh miêu tả một con cá rời khỏi môi trường sống quen thuộc để tìm tự do, có lẽ ở một kiếp sống khác:
Cá
nhảy ra khỏi nước
nhảy ra khỏi trời
(trang 10)
Sự mất mát đôi khi để lại nhiều đau đớn, nhưng sao nỗi đau ấy trong câu thơ anh nhẹ như giấc ngủ, một giấc ngủ êm đềm vĩnh viễn:
Trong lò
giữa tàn tro
miu ngủ
(trang 18)
Lại thêm một hình ảnh đẹp, đến từ giấc ngủ nhưng lần này là của bé thơ:
Cúi đầu
cha quỳ gối
hôn lên giấc con mơ
(trang 30)
Đối với bậc cha mẹ thì giữ được niềm vui thơ trẻ cho con mình cũng là niềm hạnh phúc của họ:
Nụ cười của con
làm cho thế giới
khổ đau không còn
(trang 33)
Khi đứa trẻ đã trưởng thành và tung cánh bay đi, ngôi nhà đã từng là tổ ấm dường như bị bỏ quên:
Nhà ở quê hết Tết
gió xô cánh cửa cũ
tiếng bản lề du dương
(trang 37)
Đây là cách tác giả thể hiện sự đồng cảm giữa người với người, dẫu biết rằng điều ấy không thật, hay chỉ như một vở diễn đã hạ màn. Ừ thì, vốn dĩ đời người cũng là một vai diễn đó thôi:
Hết tuồng
nước mắt kẻ khác
còn tuôn qua mắt mình
(trang 44)
Khi đã mỏi mệt với cuộc người, chúng ta sẽ đi tìm nơi để ngơi nghỉ. Với tác giả thì nơi ấy là thiên nhiên cây cỏ, núi sông mây trời:
Chỗ gãy giữa thân cây
chồi xanh đã mọc đầy
(trang 48)
Chiều tà
bóng núi
ngả về chân ta
(trang 52)
Hay chỉ đơn giản là vùng nước đọng in bóng trăng:
Vũng nước tù
dưới giày cao gót
trăng thu
(trang 55)
Được hoà mình vào thiên nhiên đến độ có cùng nhịp thở với loài cây là một trải nghiệm rất thiền:
Tựa gốc đào già
ngỡ mình
nở hoa
(trang 58)
Và tình yêu với triêu nhan như một mạch nguồn cảm hứng thi ca trong lòng tác giả khi anh dành nhiều bài thơ viết cho loài hoa này:
Triêu nhan vượt rào đi
đời bê tông sắt thép
đẹp vì có mi
(trang 66)
Triêu nhan ơi
ta đã gặp em
giữa mênh mông đời
(trang 68)
Trong tập thơ “Nhìn tôi bằng đôi mắt nhắm“, tác giả Lâm Long Hồ không chỉ miêu tả vẻ đẹp, nó còn thể hiện mặt u tối và hiện thực đời sống. Bởi chúng ta luôn có cái nhìn khá thiên kiến về một mặt nào đó mà không đủ tĩnh tâm để có thể nhìn rộng ra và bao quát hơn. Lâm Long Hồ đã làm được điều ấy bằng cách nhìn với đôi mắt thiền. Tôi vẫn nhớ một câu kinh Phật, “không tức thị sắc, sắc tức thị không” có lẽ là nói đến cái nhìn như không nhìn này.
Tôi vốn còn trần tục, chưa am tường giáo lý cũng chưa thấu đạt lẽ đời. Tôi là một người đang truy cầu cái đẹp, nên mắt tôi chỉ nhìn thấy vẻ đẹp, đầy ắp những vẻ đẹp toát lên từ con chữ được chắt lọc, long lanh như sương sớm, mát lành như suối trong từ tập haiku của anh.
Kim Thoa