Vượt sông gieo mầm con chữ

Cách nay khoảng hai mươi năm, cồn Phó Ba là một mảnh đất nằm đơn côi giữa dòng sông Hậu (đoạn chảy dọc qua thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Cồn được  người ta gọi bằng cái tên rất lạ: “cồn 4 không”. Không đường, không điện, không trạm xá, không nước sạch. Đêm đêm đứng phía thành phố sáng đèn ngó sang sông chỉ thấy ở phía cồn lốm đốm sáng nhỏ nhoi như những ngọn đèn câu lênh đênh, hiu hắt…

Người dân trên cồn giải thích rằng, nơi đây có tên Phó Ba bởi xưa kia có người điền chủ làm chức Phó ký, là con thứ ba trong gia đình. Ông sang cồn khai hoang lập làng, nên dân làng quen gọi là ông Phó Ba và lấy tên ông đặt cho tên cồn. Tuy nhiên theo tên gọi hành chính thì cồn Phó Ba là ấp Mỹ Thạnh (thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên). Toàn ấp hiện có 298 hộ, trong đó có 47 hộ thuộc dạng nghèo và cận nghèo. Mỗi năm ấp chỉ có khoảng 20 học sinh học hết lớp 5 chuyển qua Long Xuyên học, con số ấy lại giảm dần theo từng năm một. Và số cử nhân trên cồn, hàng trăm năm qua, đếm vẫn chưa đầy một chục.

Những người lớn tuổi sống trên cồn cho biết, từ đời ông nội của các cụ, đã có người sinh sống ở trên rẻo đất cồn bốn bề sóng bủa này. Những năm 50 của thế kỷ trước, cồn Phó Ba có diện tích hơn 80 hecta và có dân số trên 2.000 người. Đất cồn hằng năm cứ lở dần, cho đến nay cồn chỉ còn chưa tới 30 hecta.

Theo thời gian, tích góp kinh nghiệm truyền lại, người lớn tuổi hay nói với cháu con rằng, đất cồn này không có “chân”, nên cứ 120 năm bồi thì bắt đầu lở, lở đúng 120 sau thì lại bắt đầu bồi. Người già ngồi đếm thầm, đã bảy mươi ba năm qua cồn lở, và dặn dò con cháu rằng bốn mươi bảy năm sau nhất định cồn sẽ bồi. Niềm tin đó có lẽ làm các cụ an lòng, nhưng với cuộc sống cơm áo gạo tiền, cồn lở đến đâu, người ta dọn đi đến đó, có người khuyên hay là sang phố tìm phương an cư lập nghiệp, hay đi thành phố bán vé số. Nhưng những cuộc dọn đi vì sông đã ngoạm sắp đến nhà đều cứ quẩn quanh trong cái xóm cồn nhỏ này. Dường như cuộc sống có đến nỗi nào đi nữa, họ cũng không nỡ bỏ cái xứ “cồn lở, đất trôi; không đường, không điện, không trạm xá, không nước sạch” này đi. Ắt cũng có nguyên do nào đó…

***

Khi biết được trên mảnh đất cồn “4 không” vẫn có một ngôi trường, và ngôi trường ấy đã có từ rất lâu, nhiều người có vẻ bất ngờ, như nghe phải một điều rất khó tin. Nhưng càng khó tin hơn nữa khi biết được 5 lớp học dưới mái trường nhỏ ấy được duy trì “lửa ấm” bằng nhiệt huyết và tấm lòng của 5 cô giáo. Tất cả đều ở nhiều nơi khác nhau đến đây công tác. Hàng ngày những bóng “áo dài” thầm lặng qua đò ngang sông Hậu để đến lớp. Thế là sau gần hai mươi năm sang sông, quen mặt con sóng, có hơn nghìn chuyến đi đò qua lại, một cô giáo tình nguyện cất ngôi nhà nhỏ ở đầu cồn để hàng ngày cùng lũ trẻ đến trường.

Cô Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên trường tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh (điểm phụ trên cồn Phó Ba) là nhân vật được nhắc đến như một cô tiên trong câu chuyện cổ tích giữa đời thường của đám trẻ xóm cồn. “Bọn trẻ yêu mến cô như một người mẹ” – một đồng nghiệp của cô Nguyệt nói vậy. Cô cười: “Cũng vì tụi nhỏ yêu mến mình như người mẹ nên mình không nỡ lòng nào bỏ tụi nhỏ mà đi”.

Câu chuyện cổ tích của cô Nguyệt bắt đầu từ năm 1990, khi cô được điều động sang cồn Phó Ba nhận lớp dạy học. Cô kể rằng, lúc bấy giờ đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn, bên cồn này thì khó khăn còn gấp bội. Nghe Phòng giáo dục sắp điều động giáo viên sang cồn, ai cũng nơm nớp, vừa sợ vừa lo. Bản thân cô cũng từng nghĩ rằng mình sẽ thôi dạy, khi nhận được quyết định sang cồn. Nhưng rồi cũng vì mến lớp, thương trò, cô ráng sang cồn dạy, nghĩ là sang chừng một hai năm thôi, rồi xin về lại thành phố cho gần gia đình. Nhưng rồi năm tháng qua, cơ duyên và tiếng lòng thốt lên hai chữ “không nỡ nào” lại gắn bó cô sâu đậm hơn với mảnh đất cồn đơn côi giữa dòng sông Hậu.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Nguyệt hồ hởi kể lại những năm đầu sang cồn đi dạy, hàng ngày phải đi sớm đến bến sông gửi xe đạp, chờ đò. Rồi lại lênh đênh hơn mười lăm phút đò chèo để đến lớp. Cô cười: “Dù dạy ở đất liền hay sang cồn thì mình cũng phải gương mẫu giờ giấc, đến trễ tụi nhỏ phải chờ. Mà đi đúng giờ riết rồi thành thói quen cho cả mình và tụi nhỏ. Cứ sáu giờ năm mươi phút, bước vào lớp là đã thấy các em ngồi đủ mặt cả rồi”. Con nước sông Hậu vào mùa gió chướng, sóng lưỡi búa liếm lấy thân xuồng chèo không ít lần làm cô nản chí; ý nghĩ thôi dạy lại dậy lên. Nhưng khi đến lớp, nhìn những đứa học trò quê bụ bẫm, chất phác thật thà: “Cô ơi, cô đừng sợ sóng lưỡi búa, ngày nào tụi con cũng ra bến sông đón cô. Sóng mà có đánh chìm xuồng là tụi con lội ra vớt cô vô bờ liền”. “Tụi nhỏ hồn nhiên như cây cỏ trên cồn, nghe thôi là thấy cảm động lắm rồi, làm sao mà bỏ tụi nhỏ đi cho được. Dù khó khăn thêm một chút nhưng học trò ngoan và chịu học là cô vui mừng còn hơn được thêm mấy bậc lương.” – cô Nguyệt nói.

Nhưng rồi những tháng năm gian khó ấy đã có lần làm cô nản lòng. Cô vắng hai ngày, ngày thứ ba, một bữa trưa đứng nắng, cô sang trường để chia tay với lớp học. Đò đi còn ở giữa sông, cô đã nghe tiếng tụi nhỏ reo trên bờ, bọn trẻ mừng như gặp lại cố nhân sau mấy mươi năm trời xa cách. Chúng quây quần bên cô tíu tít hỏi, cô có sao không cô, mấy nay cô bệnh hay sao cô không đến lớp vậy cô, cô bệnh sao vậy cô? Tụi nhỏ tiệt nhiên không nghĩ, “cô đang chán mảnh đất này”.

Thử hỏi, tụi nhỏ thiệt thà, bụ bẫm như vậy làm sao mà mình nỡ bỏ trường bỏ lớp đi được hả em? – Cô Nguyệt nói làm chúng tôi vừa cảm động vừa cảm phục. Quả thật khi đứng trong những khó khăn, người ta mới biết được đâu là người kiên cường và tình yêu thương thật sự. Phải chăng nghề giáo là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” bởi những nhà giáo lặng thầm mà sáng ấm như những ngọn đèn vừa soi sáng con đường, vừa sưởi ấm những mầm xanh. Thầm lặng và kiên cường. Yêu thương và trách nhiệm…

Thế là, sau nhiều lần nghĩ đến chuyện bỏ lớp, cô lại trở về đúng thiên chức của người dạy chữ; lại đến lớp trao chữ i tờ cho đám trẻ nghèo trên cồn Phó Ba. Rồi những mùa nước lớn về. Cả đoạn đường mòn ngập trong nước. Đám trẻ đi học lội từ đầu cồn đến lớp thì còn một nửa. Một nửa còn lại đã “bỏ cuộc” vì con nước hung hăng, cái nghèo lại đeo bám vào tấm thân, thì con chữ còn đâu chỗ để. Trước cảnh như vậy, cô Nguyệt xin với gia đình, dựng một ngôi nhà nhỏ ở đầu cồn. Mỗi ngày cô dắt lũ trẻ từ đầu cồn đi dài đến lớp. Đi đến đâu thì gọi học sinh đi học đến đó. Có giáo viên dắt đi học, đến tận nhà gọi, các em sao nỡ lòng bỏ học được. Cô Nguyệt kể, nhiều khi trời tối, có em đem vở đến nhà cô gõ cửa hỏi, cô ơi bài tập này giải sao vậy cô? Vậy là cô lật đật đốt đèn ngồi dậy, giảng bài cho học sinh đến khi nào hiểu mới thôi. Rồi lại đốt đèn đưa học trò về đến nhà mới yên tâm được.

Từ này có cô Nguyệt ở lại xóm cồn thêm ấm áp. Phụ huynh của các em học sinh cũng phần nào yên tâm và yêu mến giáo viên, quyết lòng bằng mọi cách phải cho con đến lớp. Vậy là sứ mệnh người dạy chữ lại một lần nữa rộng ra, từ ngôi nhà nhỏ của cô ở đầu cồn sóng bủa, đến ngôi trường nhỏ ở đuôi cồn đất lở hàng năm, mỗi ngày hai bữa đi về trong tiếng reo vui của lũ trẻ.

Ngồi nói chuyện với các cô giáo trong giờ chơi, chúng tôi nhìn ra sân, đám trẻ đang nô đùa rất đỗi hồn nhiên, nhưng có điều hơi khác lạ. Học sinh trên cồn không có đồng phục. Mỗi em một bộ đồ thể dục khác nhau, khác màu và khác cả tên trường. Biết chúng tôi thắc mắc, cô Huỳnh Lương Thị Ngọc Dung, giáo viên phụ trách lớp 5 của trường nói, trên cồn này, đa phần phụ huynh học sinh đều làm nghề giăng câu bắt cá, đưa đò thuê hoặc đi sang chợ làm bốc vác. Cuộc sống khó khăn còn nhiều chật vật. Ngày ba bữa cơm là cả một nỗi lo, lấy đâu ra tiền mua quần áo đồng phục cho con. Vậy là cô Nguyệt và các cô giáo trong trường đi sang thành phố Long Xuyên, đến từng trường học xin lại quần áo cũ của học sinh trên phố; rồi mang về cồn cho các em. Thế nên quần áo các em học sinh trên cồn không có đồng phục. Nhìn mấy em học sinh đang nô đùa trươc sân, cô Dung nói: “Mấy bộ quần áo này là đồ không dùng nữa của học sinh bên phố, nhưng là quần áo đẹp của học sinh bên cồn. Có em khi nhận đồ của các bạn bên phố, liền lấy đưa lên mũi ngửi rồi tấm tắc khen, các bạn bên phố thơm ghê, không như tụi mình hôi sình”.

Quần áo của các em do các cô xin về cho, còn sách vở thì cũng vậy. Các cô xin từ các trường trên thành phố những quyển sách đã dùng rồi về cho học sinh trên cồn. Các em trên cồn học xong lại tặng lại cho các cô để dành cho lớp kế tiếp lên có sách mà học. Cứ như vậy mà bộ sách giáo khoa có khi học đến mười mấy năm trời, qua mười mấy lượt học sinh.

Hằng ngày, các cô giáo vẫn sang cồn trên những chuyến đò như thế này

Trên cồn Phó Ba có lúc trời đứng bóng, chúng tôi ngó xuống bến sông, con nước ròng làm trơ ra những gốc cây sần sùi, những bãi đá lởm chởm. Từ trên bờ xuống đến mé sông phải đi qua bãi đá và bãi cây trơn trợt. Cảnh những “dáng áo dài” hàng ngày phải vượt qua bãi đá, bãi cây để từ đò lên bờ làm chúng tôi xúc động. Nhưng cô Võ Thị Cẩm Cuốn, người nhiều năm từ phố sang sông dạy học nói với chúng tôi: “chưa đâu!” Chưa đâu, là chưa khó khăn bằng vào những mùa nước nổi. Mùa nước nổi dâng cao, phòng học lé đé nước. Có năm nước ngập gần đến mặt ghế ngồi. Cô trò phải kê ghế lên cao, hoặc có lúc học trò phải ngồi chồm hổm mà học. Đó là chưa kể đến việc đến trường. Hàng ngày các cô và phụ huynh học sinh góp tiền lại thuê đò, đến từng nhà đưa rước học sinh. Chúng tôi tò mò hỏi, “vậy tiền qua đò hàng ngày thì sao cô?” Cô Cuốn cười, “Trường có hỗ trợ một phần, một phần là phụ huynh đưa đò họ lấy rẻ. Mình sang sông dạy còn được, thì chịu tốn chút phí qua đò đâu có sao đâu em.” Cuộc sống các cô cũng như các em học sinh quanh năm gắn bó với đò và sông nước. Nên, “bài học đầu tiên của đám trẻ trên cồn không phải là bài học chữ, mà là bài học nhận biết dòng sông nước rong, nước kém; nhận biết con sóng hung, sóng dữ, sóng dồn; nhận biết đất răn, đất lở… Được vậy, giáo viên phải đi học hỏi rừ nhiều nguồn và tích góp kinh nghiệm với nhau thành bài dạy không hề có trong chương trình giáo khoa.” – cô Nguyệt chỉ chúng tôi nhìn hướng dòng sông, nơi có những con đò nhấp nhô trong sóng nước.

Cũng như cô Nguyệt, những cô giáo khác trên cồn này đều yêu nghề, thương trẻ nên mới bám trụ lại nơi này. Cô Trần Thị Bích Tuyền, giáo viên trẻ nhất của ngôi trường, từ đất liền được điều động sang trường và nhận vào dạy lớp 1. Cô kể, các em học sinh ở trên cồn học chữ chậm hơn học sinh trên phố, vì các em ít có điều kiện học trước căn bản con chữ, nên khi vào dạy đọc, viết cho các em, giáo viên phải kèm từng em một rất vất vả. Lớp 1 là lớp học đầu đời nên giáo viên phải giúp các em biết đọc, viết được trong chín tháng học ở trường. Có những em chậm đọc, chậm viết, cô Tuyền phải tiếp tục sang trường dạy kèm cho các em trong ba tháng hè, đê khi lên lớp 2, các em có thể theo kịp chương trình.

Chúng tôi hỏi, có khi nào cô thấy nản nghề dạy ở cồn hay không? Cô trả lời ngay là, “Có. Nhưng…” Chữ “nhưng” của cô làm chúng tôi xúc động. “Nhưng thấy cha mẹ các em không biết chữ, phải vật lộn với cuộc sống khó khăn, rồi nhìn lại các em, tôi thấy mình không thể dứt bỏ xứ cồn này, như dứt bỏ con em mình một cách đành đoạn được”. Vậy là cô vượt qua những nắng mưa trên con đò ngược sóng, vẫn hàng ngày sang cồn cần tay cho từng em viết nên con chữ. Cô nói rằng, tôi nghĩ, mình dạy cho các em được con chữ để đọc được viết được, kể như đã giúp các em qua được cái cửa ải tối tăm của mù chữ. Vậy thì lòng mình mới nhẹ nhàng được. Nghe cô nói, chúng tôi chợt thấy trước mắt cánh cửa tương lai của các em học sinh mở ra, những bông hoa mang con chữ i tờ đang mùa rộ nở. Chúng trổ hoa trên chính tấm lòng người giáo viên đầu đời ở đất cồn nghèo khó này.

Khi được hỏi về các khoản phí học sinh có đóng đủ hay không? Cô Nguyễn Thị Kim Cương, giáo viên dạy lớp 4 của trường cười nói: “Đủ cả chứ”. Nhưng đó là đủ trên mặt sổ sách. Cứ đầu mỗi năm học, khoảng 1/3 lớp học có phụ huynh đón tiền bảo hiểm theo từng tháng, còn số còn lại các cô sẽ ứng lương, rồi thu lại hàng ngày, mỗi ngày 2 – 5 nghìn đồng. Hoàn cảnh nào khó khăn quá thì các cô cho luôn. “Chứ tụi nhỏ khổ quá, mình dạy tụi nhỏ lâu ngày thì thương mến như con em mình, mình đâu nỡ để tụi nhỏ đau bệnh không có thuốc uống”. Cô Kim Cương nói vui: “Mình thương tụi nhỏ, tổ nghề thương mình nên phò hộ hàng ngày sang sông mấy lần, sóng gió bão bùng có lớn cỡ nào thì cũng bình an vô sự”… Quý hóa sao những tấm lòng bao la chở được cả tình thương vượt sóng. Có lẽ vậy mà những khó khăn không thể làm những cô giáo trên xóm cồn bỏ cuộc. Sự bình dị mà cao cả của nghề toát lên phần nào từ đó.

Hòa cùng xu thế phát triển chung của xã hội, những khó khăn ở cồn Phó Ba ngày một dần qua đi, khi mấy năm gần đây cồn Phó Ba đã được trang bị một tháp lọc nước và đường điện sinh hoạt. Từ đó điều kiện sống của người dân cũng như công tác dạy và học trên cồn được nâng cao và chất lượng ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khách quan nên so với mặt bằng chung thì cồn Phó Ba vẫn còn nhiều thiếu hụt.

Cô Ngọc Dung, dạy lớp 5 trên cồn nói, yếu tố khách quan là điểm phụ lại cách xa điểm chính, ngăn sông và ngăn cách đường bộ. Do vậy việc tập trung học sinh về điểm chính là rất khó. Các em trên cồn hoàn toàn không biết ngày lễ khai giảng và tổng kết ra sao. Học sinh trên cồn quanh năm quanh quẩn trên cồn, mỗi tối ngó sang sông nhìn thành phố sáng đèn mà mặc sức tưởng tượng quán ăn, nhà lầu, xe hơi… Nhiều lúc dạy các em làm bài tập làm văn miêu tả buổi lễ khai giảng hoặc miêu tả bảo tàng, công viên… là vô cùng khó khăn đối với giáo viên.

Cô Ngọc Dung nói, có năm đề thi cuối kỳ cho: “Em hãy miêu tả buổi lễ khai trường”. Chấm bài thi của các em mà lòng mình đau biết mấy. Đau không phải vì các em làm bài điểm thấp, mà đau vì sự thiếu hụt khách quan ấy của các em.” Vậy là “trong cái khó ló cái khôn”, các cô phải dùng nhiều biện pháp để miêu tả, in nhiều hình ảnh trực quan… có khi phải tổ chức diễn mô phỏng lại cảnh một buổi khai giảng để các em có thể nắm được bài. “Không được cách này thì mình tìm cách khác” – Nhìn vào những sáng kiến kinh nghiệm vừa đặc thù vừa thực tế ấy của các cô, đủ cho chúng tôi thấy được tình yêu trẻ và yêu nghề ở các cô rộng lớn biết dường nào.

Tuy về mặt học tập còn hạn chế, nhưng bù lại, các cô giáo trên cồn có một niềm vui, là sĩ số của các lớp đều duy trì đủ 100{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} suốt năm học. Cô Dung giải thích, học sinh trên cồn có truyền thống hiếu học, tuy còn nhiều hạn chế và thụ động, nhưng các em đều rất nghe lời thầy cô và ham đến lớp. Vả lại, ở nhà hừng sáng ba mẹ đều đi giăng câu giăng lưới, ở nhà một mình hoặc ở nhà với ông bà thì cũng buồn, trong khi chúng bạn đến lớp. Vậy nên mỗi khi đến lớp, từ đầu cồn đi theo một đàn dài đến đuôi cồn, đến đâu bọn trẻ réo gọi nhau đến đó. Dù bệnh cách mấy cũng ráng mà đi học, chỉ có đi học mới có được “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Nhiều khi thời gian học chính khóa không đủ dạy hết bài, các cô tranh thủ dạy phụ đạo thêm mỗi tuần vài tiết cho các em, các em cũng rất vui mừng đi học. Cô Dung nói: “Thấy tụi nhỏ ham học như vậy, mình cũng có thêm động lực để yêu nghề”. Thương học trò và yêu nghề, các cô giáo không ngại đò sông cách trở, mỗi ngày dù nắng hay mưa cũng đến lớp. Cô Bích Tuyền – giáo trẻ nhất trường tâm sự, “Nhiều bữa trời mưa to cũng phải đến lớp, hay dù có bệnh cũng ráng đến trường, không thôi tụi nhỏ mất bài học, rồi rủ nhau đi chơi, tắm sông… Nằm ở nhà mà nghĩ đến các em học sinh mình nghỉ học, tắm sông, đùa với sóng nước là đủ làm mình lo rồi”.

Một sự trùng hợp là 5 giáo viên và 1 bảo vệ của điểm trường trên cồn Phó Ba đều là… nữ. Cô bảo vệ Nguyễn Thị Hiền nói, trước đây khi cồn còn đông dân, nơi đây là một ngôi trường hẳn hoi mang tên trường tiểu học Lý Tự Trọng. Ông xã của cô Hiền là hiệu trưởng của trường. Ban đầu cô theo chồng sang cồn, để cất nhà sinh sống. Nhưng sau đất lở đứt đuôi cồn, phải dời nhà sang chợ. Ông xã cô Hiền được điều động về điểm trường khác, nhưng vì thương những dứa trẻ trên cồn nên cô đã xin tình nguyện ở lại nơi đây, làm bảo vệ cho trường: “Mình đây với tụi nhỏ riết, mến tay mến chân, giờ bỏ đi thì vừa tội vừa thương. Tôi bỏ cồn về phố mấy lần, nhưng không quen mùi phố, lại nhớ thương mấy bà cụ chất phác thiệt thà và những đứa nhỏ bụ bẫm trên cồn. Tôi khóc. Ông xã cũng khuyên, mà con tôi cũng ủng hộ. Nên tôi lại trở qua đây”. Vậy là hơn chục năm qua, cô vẫn là người thầm lặng ở lại ngôi trường, bất kể nắng mưa, bất kể mùa hè vắng lặng… Câu chuyện của cô bảo vệ trên xóm cồn này như một cổ tích. Nhưng chúng tôi tin rằng, cổ tích của tình yêu thương là thứ có thể hiện hữu và nở hoa ở đời thường được.

***

Chúng tôi đến thăm trường vào buổi sáng, được các cô mời ở lại dùng cơm. Bữa ăn đạm bạc với mớ rau tự mọc ở sau trường, một ơ cá kho tiêu. Nồi canh tập tàng tỏa khói, cầm ơ cá hủn hỉn kho tiêu, cô Dung nói: “Này là của một phụ huynh đi giăng câu, đem đến tận lớp tặng cô giáo. Từ chối cách mấy cũng không được nên phải nhận. Tấm lòng của phụ huynh làm mình không thể nào bỏ được đất cồn này”.

Những bàn học được kê lại làm bàn ăn, sau đó các cô sẽ kê ghế lại để ngã lưng nghỉ trưa, đầu giờ chiều lại bắt đầu tiết dạy. Bữa trưa nơi đây thật lặng lẽ, yên bình và ấm áp, cũng như sự lặng lẽ, bình yên và ấm áp của cồn Phó Ba suốt mấy chục năm qua. Con chữ – nỗi đau đáu của bao thế hệ, phần nào nhẹ đi nhờ có những cô giáo nhiệt huyết với nghề, hết lòng vì học sinh.

Chú đưa đò cho chúng tôi sang cồn ví von, những cô giáo trên cồn này như những ngọn đèn bão trên sông ban tối; ngọn đèn nhỏ nhưng gió có lớn cũng không thổi tắt được. Những ngọn đèn cùng nhau soi sáng nẻo đường phía trước, cùng nhau đem lại hơi ấm, niềm tin cho xóm cồn sóng bũa quanh năm giữa dòng sông Hậu.

Lê Quang Trạng