Xây dựng hình ảnh đẹp về người lính “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới theo gương Bác Hồ vĩ đại

Thực tiễn cách mạng Việt Nam khẳng định phẩm chất nhân cách, hình ảnh và hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” là những giá trị vĩnh hằng, đã đi vào lịch sử cách mạng, thấm sâu vào trái tim, khối óc mỗi người dân Việt Nam yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Từ đó, trở thành giá trị văn hóa nghệ thuật đặc trưng tiêu biểu, phản ánh hồn cốt, phong cách, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong xây dựng quân đội cách mạng của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, vững bước tiến lên chính quy, hiện đại…

Để phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, Bộ đội Cụ Hồ luôn yêu nước, thương dân, kiên định, tận tụy, anh dũng, tiên tiến, hiện đại; không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người… Đó là sự kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa chuẩn mực giá trị văn hóa, đạo đức của dân tộc với các tiêu chí khoa học, công nghệ của người quân nhân cách mạng trong thời kỳ mới.

“Bộ đội Cụ Hồ” là tên gọi trìu mến, thân thương, rất đỗi tự hào, gần gũi mà nhân dân tin yêu, dành tặng cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mĩ xâm lược; được tôn vinh, lan tỏa mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một danh hiệu cao quý, niềm vinh dự, tự hào của mỗi quân nhân được mang tên Bác Hồ – Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ kính yêu – Người Cha già dân tộc; đồng thời là sự phản ánh cô đọng, sâu sắc nhất bản chất, truyền thống tốt đẹp về quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng.

Được mang tên “Bộ đội Cụ Hồ” là một vinh dự lớn đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng thời, cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề của Quân đội và mỗi quân nhân. Trao tặng cho Quân đội danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”, nhân dân luôn mong mỏi, kỳ vọng danh hiệu đó sẽ luôn tỏa sáng, là niềm tin, là sức mạnh, chỗ dựa của nhân dân. Với trách nhiệm đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội phải ra sức tu dưỡng và rèn luyện, không ngừng phấn đấu để giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó là giá trị tinh thần vô giá mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã dày công vun đắp, nhân dân gửi trọn niềm tin đối với “Bộ đội Cụ Hồ”.

Chính vì thế, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong toàn quân, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã phát huy tốt những giá trị văn hóa, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong rèn luyện phấn đấu, luôn đứng vững “nơi đầu sóng ngọn gió”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều cơ quan, đơn vị đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng phong trào thi đua yêu nước, là mẫu hình về sự lan tỏa giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân, góp phần xây dựng Quân đội ta vững mạnh về chính trị và phát triển nhân cách con người mới trong lực lượng vũ trang.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Phải làm thế nào để khi mình chưa đến, thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc. Muốn vậy, bộ đội phải giúp đỡ dân, thương yêu dân (*). Thấm nhuần tư tưởng đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội không chỉ huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, chiến đấu thắng lợi,… mà còn làm tròn chức năng của “đội quân công tác”, “đội quân lao động sản xuất”.

Trước tình hình mới, yêu cầu đối với mỗi quân nhân không chỉ là hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn mà còn phải nêu cao ý thức trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, đồng đội và đơn vị. 4 trách nhiệm ấy không tách rời mà có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tạo nên một hệ thống bổ sung, tương tác lẫn nhau, giúp quân nhân phát triển toàn diện cả về năng lực và đạo đức. Để thực hiện tốt 4 trách nhiệm trên, người lính phải luôn tự giác học tập nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bản thân; luôn trân trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước, quân đội và đơn vị.Trong đó, trách nhiệm với bản thân là yêu cầu quan trọng, tiền đề để quân nhân có trách nhiệm với gia đình, đồng đội và đơn vị.

Không những thế, mỗi quân nhân phải tích cực học tập, rèn luyện không ngừng nâng cao trình độ, tri thức, có kiến thức về kinh tế, chính trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia giúp dân xóa đói giảm nghèo, phòng, chống và giải quyết hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn kết hợp với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc, nhất là ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những giá trị tốt đẹp về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thể hiện nhất quán và xuyên suốt 80 năm bách chiến bách thắng của Quân đội ta. Vì vậy, phát huy, lan tỏa giá trị văn hóa, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” là việc làm cần thiết, một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, góp phần tạo nên những chiến công hiển hách và lan tỏa sâu rộng hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin yêu, đùm bọc; bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, đánh giá cao. Đó là những giá trị bền vững, đã và đang hiện diện, tạo nên bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ đó, Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp có biện pháp xây dựng, củng cố niềm tin, ý chí quyết chiến quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ, giúp họ luôn có ước mơ, hoài bão, khát vọng phát triển, xây dựng cho mình mục tiêu, lý tưởng sống cao đẹp, có đóng góp tích cực trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Cùng với đó, tiếp tục lan tỏa sâu rộng những mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, gương người tốt, việc tốt; tập thể điển hình, tiên tiến trong xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, góp phần nâng tầm cao giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” để trở thành di sản của quốc gia – dân tộc.

Trần Thạnh Hữu

 (*) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thậtH, 2011, t.7, tr.217, 397-398, 76