Mặt trận Tổ quốc với công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc
Tuyên truyền cho đồng bào dân tộc hiểu rõ đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Chính vì vậy, thời gian qua, Mặt trận các cấp trong Tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đối với đồng bào dân tộc, đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tham gia tích cực cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh trật tự chung trên địa bàn toàn tỉnh.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp đã vận động đồng bào dân tộc thiếu số đoàn kết phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương, sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết của các thế lực thù địch. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, bà con đã tích cực tham gia các phong trào hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, duy trì các lễ hội truyền thống…
Tuyên truyền, vận động trong đồng bào dân tộc Khmer
Công tác tuyên truyền, vận động trong đồng bào dân tộc Khmer được tăng cường và có nhiều đổi mới. Mặt trận các cấp đã thường xuyên phát huy vai trò người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc, đặc biệt chú trọng tuyên truyền tại các điểm chùa bằng tiếng dân tộc Khmer, giúp đồng bào hiểu và tham gia hưởng ứng đông đảo, đem lại hiệu quả thiết thực, tăng cường đoàn kết, phát huy nội lực giúp phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội… Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ qua, tình hình kinh tế – xã hội đã thay đổi đáng kể; đặc biệt là trong vùng dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được tăng cường đầu tư; lĩnh vực giáo dục đào tạo đạt được nhiều kết quả tích cực, trình độ dân trí được nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tốt hơn; bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát triển, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Xã An Tức (Tri Tôn) là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm hơn 70{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} dân số, với 4 chùa Khmer, nên để thuận lợi cho công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc, Mặt trận xã luôn có mối quan hệ thân thiết với Sư cả các chùa. Chị Nèang Kim Sung – Chủ tịch MTTQ xã An Tức chia sẻ: “Chính quyền địa phương và Mặt trận có mối quan hệ rất thâm tình với Sư cả các chùa, nên cũng dễ dàng trong việc tuyên truyền những chỉ đạo của cấp trên hay những nội dung địa phương cần vận động nhân dân. Mỗi đợt tuyên truyền như thế, chúng tôi thường xuống gặp Sư cả trao đổi trước nội dung, để Sư cả hiểu và ủng hộ, rồi nhờ Sư cả sinh hoạt với bà con nhân những buổi vào chùa cúng”. Chị Nèang Kim Sung còn kể cho tôi biết thêm những hoạt động giữa Mặt trận phối hợp với nhà chùa vận động hiệu quả như làm cột cờ đúng quy cách, làm đèn đường khoảng 5km, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống ma tuý, an toàn giao thông…
Sư cả Chau Hên, trụ trì chùa Svai Ta Hong (An Tức) vui mừng nói với tôi: “Mọi việc phối hợp đều trên tinh thần vui vẻ, thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau. Đời sống của nhân dân trong phum sóc được nâng lên, Sư cũng rất vui, rất phấn khởi. Làm đường và đèn đường để bà con đi lại dễ dàng, hạn chế tệ nạn, cảnh quan sạch đẹp, Sư vui lắm, đúng lắm, nên khi nói là bà con ủng hộ liền…”
Một địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và nhiều chùa Khmer nhất trong tỉnh mà luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc, hạn chế dần những điểm nóng về tôn giáo và dân tộc, đó là xã Châu Lăng (Tri Tôn). Xã Châu Lăng có hơn 60{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} dân số là đồng bào dân tộc Khmer, với 9 ngôi chùa, do địa bàn rộng, chùa nhiều nên công tác phối hợp với các Sư cả gặp rất nhiều khó khăn. Ông Kim Sung – chủ tịch MTTQ xã Châu Lăng chia sẻ kinh nghiệm: “Để tạo mối quan hệ thân thiết với các chùa, chính quyền địa phương và Mặt trận thường xuyên xuống gặp gỡ trò chuyện với các sư sãi, những ngày lễ tết của đồng bào dân tộc đều đến thăm hỏi và tặng quà…”. Ông Kim Sung còn kể thêm về công tác phối hợp tuyên truyền giữa Mặt trận và các chùa là các nội dung tuyên truyền đều được dịch sang tiếng Khmer, hoặc những nội dung tuyên truyền của Mặt trận tỉnh đã được dịch hai thứ tiếng khi về địa phương, chúng tôi cũng phải rà soát lại để thay đổi từ ngữ phổ thông thành từ địa phương cho bà con dễ hiểu, vì có nhiều từ phổ thông bà con không hiểu. Tất cả những nội dung tuyên truyền đều phải được trao đổi trước với Sư cả và nhờ Sư cả sinh hoạt với bà con phật tử đến chùa cúng vào những ngày rằm và ngày 30 hằng tháng… Và ông Kim Sung nhấn mạnh: “Nội dung tuyên truyền nhất thiết phải ngắn gọn, dễ hiểu, thiết thực với bà con như vệ sinh môi trường, chính sách của nhà nước về đất đai, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội như ma túy, bài bạc, số đề… mới tạo được sự đồng tình cao và bà con thực hiện theo”.
Còn đối với huyện Tịnh Biên cũng là huyện miền núi, biên giới và dân tộc Khmer chiếm 29,44{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} dân số toàn huyện sống tập trung ở các xã An Cư, An Phú, Vĩnh Trung, Văn Giáo… MTTQ huyện và Mặt trận các xã cũng đã phối hợp chặt chẽ với các ngành tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành Luật biên giới, không ai qua lại trái phép, đoàn kết cộng đồng giúp đỡ nhau trong cuộc sống, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt là tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Song song đó, Mặt trận cũng luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng và những vấn đề bức xúc của nhân dân để kịp thời đề xuất giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Chính quyền với Nhân dân– anh Chau Phi Rôm, Chủ tịch UB MTTQ huyện Tịnh Biên cho biết. Anh Rôm cũng vui vẻ nói thêm như một lời khẳng định về vai trò của Mặt trận trong thời gian tới: “Tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc bằng nhiều mô hình mới, thiết thực, để đồng bào dân tộc phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khi cuộc sống của bà con người Khmer đã được ổn định và ngày càng khấm khá thì các phum sóc, nhà chùa lại hằng ngày vang lên tiếng trống Sa dăm, tiếng nhạc ngũ âm, hòa lẫn tiếng ca và điệu múa Lâm thôn, A dây, Dù kê… Các lễ hội đặc sắc như Sen Ðônta, Chol Chnam Thmay, Oóc Om Bóc càng làm náo nức lòng người; từ đó làm nên diện mạo mới về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer An Giang…
Công tác tuyên truyền, vận động trong đồng bào dân tộc Chăm
Cộng đồng người Chăm Islam ở An Giang có gần 16.000 người, sinh sống trong 9 xóm Chăm ở các huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành và thị xã Tân Châu. Các xóm Chăm này (trừ xóm Chăm Vĩnh Hanh – Châu Thành, nằm trong vùng kinh tế mới của tỉnh, hình thành năm 1978), đều nằm xen kẽ với các làng xóm của người Kinh hình thành nên các ấp, liên ấp, từ huyện đầu nguồn An Phú chạy dài theo dòng sông Hậu…
Ngược dòng sông Hậu theo quốc lộ 91C về miền biên giới An Phú, vừa qua cầu Cồn Tiên, xa xa đã thấy thấp thoáng những cô gái Chăm với trang phục dân tộc duyên dáng trong nắng sớm mai, những thánh đường Chăm uy nghi bên cạnh Quốc lộ, cuộc sống yên bình, sung túc, trong mỗi ngôi nhà, mỗi xóm Chăm trên miệt biên giới này. Anh Lê Văn Hậu – Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện An Phú cho biết: “Trong những năm qua, đồng bào Chăm luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết trong nội bộ và giữ gìn an ninh trật tự chính trị nơi mình sinh sống. Các vị giáo cả ở các Thánh đường Hồi giáo bên cạnh thực hiện những nghi lễ của tôn giáo còn gắn kết tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới”.
Tháng chay Ramadan và Lễ Roya Haji của đồng bào Chăm hằng năm cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà, chúc mừng đồng bào, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong Lễ Roya Haji, người Chăm tề tựu về hành lễ tại Thánh đường rất đông, mổ bò, dê chia cho cả làng ăn Tết, mừng thêm một tuổi mới, tạo thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống hết sức độc đáo và thú vị. Chúng tôi trở lại khi các xóm Chăm vừa tổ chức xong lễ Roya Haji, không khí phấn khởi, vui vẻ còn trên khuôn mặt mỗi người, mỗi xóm Chăm đều tưng bừng, náo nức… Ông Mach Ta Rế, Phó Giáo cả Thánh đường Hồi giáo La Ma (xã Vĩnh Trường – An Phú), vui vẻ cho tôi biết: “Ban Quản trị Thánh đường và Mặt trận xã có mối quan hệ rất thâm tình, phối hợp và hỗ trợ nhau trong công tác tuyên truyền, vận động bà con như xây dựng nông thôn mới, vệ sinh môi trường, làm đèn đường, nhà nhà đều hưởng ứng, làm cho xóm làng sạch sẽ, ban đêm đèn đường sáng trưng cũng hạn chế tệ nạn và trộm cắp…”
Còn ông A Ly Dal, Phó Giáo cả Thánh đường Eh San (Đa Phước, An Phú), vẫn còn đang chay tịnh trong thời gian 6 ngày sau Tháng Ramadan dành cho người lớn tuổi, từ tốn chia sẻ: “Đồng bào dân tộc Chăm luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn, theo nội quy, quy định của Ban Quản trị Thánh đường đề ra. Phối hợp cùng bà con dân tộc tổ chức sinh hoạt cộng đồng theo đúng thời gian quy định. Đời sống bà con ngày càng phát triển và nâng cao về vật chất lẫn tinh thần. Chúng tôi rất vui mừng và cảm ơn sự quan tâm của các cấp chính quyền và Mặt trận. Đồng bào Chăm không ngừng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn bó thân thiết với 4 dân tộc anh em, đoàn kết một lòng cùng nhau làm ăn sinh sống, học tập và sinh hoạt tôn giáo…”
Vai trò của Mặt trận cơ sở rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồng bào dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Chính vì thế, Mặt trận cơ sở phải có mối quan hệ mật thiết, gần gũi với chức sắc dân tộc và tôn giáo, tạo sự tin tưởng, để cùng nhau phối hợp hoạt động. Anh Du Số, dân tộc Chăm, Phó Chủ tịch MTTQ xã Đa Phước chia sẻ: “Em vừa công tác ở Mặt trận xã, vừa là thành viên Ban Quản trị Thánh đường, nên cố gắng làm cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền và Mặt trận xã với Ban Quản trị, để hiểu nhau và cùng phối hợp hoạt động cho hiệu quả, mục đích cuối cùng cũng vì nâng cao đời sống cho nhân dân, tạo bình yên, sung túc cho xóm làng…”. Tôi hiểu và chia sẻ với vai trò của anh Du Số và đó cũng là một cách làm hay về công tác cán bộ trong đồng bào dân tộc.
Chia tay các xóm Chăm dọc bờ sông Hậu, mà trong tôi còn đọng mãi những lời tâm tình hết sức chân tình của ông Mach Sa Lế – Giáo cả xóm Chăm Nhơn Hội, một vị chức sắc có uy tín trong cộng đồng người Chăm của Tỉnh: “Chúng tôi được Đảng, Nhà nước quan tâm, được Mặt trận chăm lo giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về vật chất cũng như tinh thần như tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, khôi phục và phát triển văn hóa dân tộc Chăm, những ngày lễ tết đều được đến thăm hỏi, chúc mừng và tặng quà. Chúng tôi rất cảm kích được cấp ủy, chính quyền và MTTQ đã hỗ trợ đất ở và cất nhà cho những hộ gia đình khó khăn, cho vay vốn làm ăn sản xuất, mua bán và còn đầu tư điện, đường, trường, trạm, tuyến dân cư vượt lũ cho đồng bào Chăm chúng tôi… MTTQ còn tạo mọi điều kiện cho đồng bào dân tộc Chăm giao lưu, sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, làm ăn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… cho đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm được nâng lên rõ rệt. Chúng tôi hứa sẽ tiếp tục đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu của kẻ xấu lợi dụng gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc…”
Với vai trò của MTTQ trong công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc trong Tỉnh trước tình hình hiện nay, ông Nguyễn Tiếc Hùng – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Tỉnh cho biết: “MTTQ các cấp cần tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc về công tác dân tộc, công tác tôn giáo; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào có đạo. Phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo tiêu biểu, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, để vận động đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Đề cao ý thức trách nhiệm của đồng bào khi tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh với việc tích cực đóng góp các ý kiến, kiến nghị, thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo quy định của pháp luật…”
Trần Huỳnh
(Ảnh: UB MTTQVN AG | Tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trong đồng bào người Chăm)