Thành phố cửa ngõ vùng biên và công tác Mặt trận Nhân dân

Châu Đốc là một trong hai thành phố của tỉnh An Giang, có vị trí thuận lợi và quan trọng đối với phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 15 tháng 4 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 499/QĐ-TTg, công nhận thành phố Châu Đốc là đô thị loại II – trực thuộc tỉnh. Qua nhiều năm, cơ sở hạ tầng của thành phố ngày càng đi vào hoàn thiện, đời sống nhân dân từng bước ổn định, phát triển. Đồng thời, các hoạt động văn hóa xã hội, kinh tế du lịch ngày càng diễn ra sôi động, mạnh mẽ, tạo nên sức hút lớn với các nhà đầu tư và trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong nước và quốc tế…

Nỗ lực chung tay vì thành phố

Để có được thành quả hôm nay là nhờ vào sự chung tay xây dựng đầy nỗ lực của các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng dân cư thành phố, thông qua sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Thành phố, sự cố vấn và chỉ đạo chuyên môn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Châu Đốc (UBMTTQVN Tp. Châu Đốc) cùng các ban, ngành và mọi tầng lớp nhân dân.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Thất Sơn, anh Ngô Hữu Toàn – Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN Tp. Châu Đốc nhận định: “Qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu MTTQVN Tp. Châu Đốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2014 – 2019, khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng lớn mạnh, cùng hệ thống chính trị xây dựng và phát triển thành phố, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố nói riêng và cả tỉnh nói chung…”

Mặc dù tình hình kinh tế – xã hội vẫn còn những khó khăn, thách thức nhưng UBMTTQVN Tp. Châu Đốc và các tổ chức thành viên vẫn luôn tích cực phát huy nâng cao tinh thần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xem đây như là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu. Chính từ công tác tuyên truyền, vận động và tập hợp đông đảo nhân dân tham gia thực hiện các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước có hiệu quả, đã góp phần không nhỏ cho quá trình tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Tình hình phát triển kinh tế năm sau cao hơn năm trước, chất lượng đời sống nhân dân từng bước nâng lên. Chính quyền địa phương tạo được sự đồng thuận trong các chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, những dự án mời gọi đầu tư, phát triển hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ và thương mại. Hệ thống chợ và siêu thị phát triển theo hướng hiện đại, phục vụ du khách. Mỗi năm khách du lịch tăng khoảng 8,1{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4}. Về an ninh trật tự, văn minh thương mại đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần vào sự tăng trưởng lâu dài và bền vững.

Tuyên truyền, đối ngoại nhân dân

Thành phố Châu Đốc có 7 đơn vị hành chính (5 phường 2 xã) trong đó phường Vĩnh Nguơn và xã Vĩnh Tế thuộc địa bàn biên giới. Châu Đốc còn tiếp liền với Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đi về hướng Campuchia. Chính đặc thù phát triển kinh tế du lịch và gắn với các hoạt động thông thương hai bên biên giới, nên UBMTTQVN Tp. Châu Đốc và các tổ chức thành viên luôn tích cực thực hiện các chương trình, nhiệm vụ nhằm mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết hữu nghị và hợp tác quốc tế.

Nói về vấn đề này, anh Toàn tỏ ra rất hăng hái: “Để công tác tuyên truyền đối ngoại nhân dân mang lại hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị và kết hợp nhiều loại hình tuyên truyền giúp cho các hộ gia đình, người dân nắm rõ, am hiểu về chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách Nhà nước ta về đường lối đối ngoại, chính sách đối với kiều bào của Đảng, Nhà nước. Qua đó, tác động nhân dân có người thân là kiều bào khi có dịp về thăm quê hương, gia đình, người dân lao động, làm ăn qua biên giới biết chấp hành đúng pháp luật. Đồng thời, kêu gọi và vận động bà con Việt kiều tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh và đóng góp, ủng hộ, xây dựng các công trình trọng yếu, an sinh xã hội. Tiêu biểu như ông Huỳnh Văn Lang (Việt kiều Mĩ) đóng góp hơn 1 tỉ đồng để xây cầu Huỳnh Liên, ông Quan Chí Cường (Việt kiều Mĩ) ủng hộ trên 3 tỉ đồng để làm đường Vĩnh Chánh (cặp kênh Vĩnh Tế), đường kênh 30/4, xây cầu Kênh 7, mua xe cứu thương…”.

Hằng năm, Ban Thường trực UBMTTQVN Tp. Châu Đốc xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền luật biên giới, tình hình an ninh biên giới Việt Nam – Campuchia và các văn bản luật có liên quan đến biên giới. Song song đó là phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền với các ngành và các tổ chức thành viên. Nội dung tuyên truyền là tăng cường phổ biến, hướng dẫn thực hiện Nghị định 34/2014/NĐ-CP về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật đánh bắt thủy sản, Luật chống phá rừng của Campuchia; Tuyên truyền Chỉ thị 01 của Chính phủ và các kế hoạch của  UBND Tỉnh, UBND Thành phố triển khai thực hiện Chỉ thị 01; thông tin tình hình phân giới cắm mốc, chủ trương của nước bạn Campuchia về một số chính sách liên quan đến hai bên biên giới; kết quả công tác đấu tranh tội phạm trên biên giới, nhất là công tác chống buôn lậu… Qua đó, nắm bắt tình hình và tích cực hỗ trợ, đấu tranh các loại tội phạm mua bán người, vận chuyển ma túy, vận chuyển vật liệu chất nổ, tội phạm xuyên quốc gia.

Do nhu cầu cuộc sống và điều kiện vùng biên, một số người Việt vẫn qua lại biên giới Campuchia để buôn lậu, thuê đất làm ruộng, đánh bắt thủy sản trái phép, UBMTTQVN Tp. Châu Đốc và các tổ chức thành viên đã tích cực phổ biến, tuyên truyền Nghị định số 176/ 2013/ NĐ-CP ngày 28/12/2013, Nghị định số 169/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ có hiệu lực ngày 01/01/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi qua lại biên giới trái phép… Trong 5 năm đã tổ chức được 26 cuộc tuyên truyền với 1.654 lượt người đến tham dự. Ban Thường trực UBMTTQVN thành phố còn đặc biệt thành lập “Tổ tuyên truyền cá biệt” (gặp gỡ trực tiếp từng người), gồm có 13 đồng chí đại diện của các cơ quan. Trong đó, Tổ tuyên truyền có phân công thành 4 nhóm tuyên truyền, mỗi nhóm phụ trách một địa bàn gồm có: Phường Châu Phú A, phường Vĩnh Nguơn, phường Núi Sam, xã Vĩnh Tế. Các nhóm đã tiến hành gặp gỡ, trao đổi để tuyên truyền, vận động các cá nhân thường xuyên qua lại biên giới thuê đất sản xuất, đai vác mướn, đánh bắt thủy sản… hiểu rõ về luật cấm của hoạt động khai thác ở nước bạn, nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật.

Thực hiện Nghị định số 77/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và quốc phòng trên địa bàn thành phố, hàng tháng Mặt trận Thành phố đều tham gia dự họp giao ban giữa Công an và Thành đội Châu Đốc. Năm 2016, Đồn cảnh sát bảo vệ biên giới số 12 thuộc tiểu đoàn 603 tiến hành động thổ xây dựng Trạm kiểm soát và Trường tiểu học khu vực Gò Tà Mâu cách đường biên giới hai bên đang quản lý, về phía Campuchia khoảng 40 mét. Ngày 10/09/2016, đoàn nghiên cứu Viện hàn lâm Hoàng gia Campuchia đến khảo sát tuyến biên giới từ mốc 264 đến 270. Ngày 28/7/2017, đoàn khoảng 50 người (gồm lực lượng chức năng Việt Nam và Campuchia) tiến hành phân định 6 dấu mốc phụ (đoạn từ mốc 268 đến 269) khu vực biên giới xã Vĩnh Tế giáp xã Chây Chốt, Campuchia. Phía Việt Nam cắm 3 mốc phụ gồm: 268/2, 269/2, 269/4. Phía Campuchia cắm 3 mốc phụ gồm: 268/1, 269/1, 269/3.

Với phương châm “Láng giềng tốt đẹp- Hữu nghị truyền thống- Hợp tác toàn diện- Bền vững lâu dài” từ năm 2014 đến nay UBMTTQVN thành phố đã phối hợp với Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn, Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang, các đoàn thể thành phố tổ chức được 14 đợt thăm hỏi, khám bệnh, cấp thuốc, hớt tóc miễn phí và tặng quà cho 3.600 người thuộc chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới, nhân dân nghèo tại xã Chây Chốt, Compuncrpsăng và huyện Bôrâychusa (Tà Keo, Campuchia) với trị giá trên 1 tỉ đồng. Ngoài ra, còn tham gia các đoàn chúc Tết, đón tiếp huyện bạn nhân dịp các ngày lễ Dolta, Tết Cholchnamthmay của Vương quốc Campuchia. Ký kết phối hợp hoạt động giữa UBMTTQ Tỉnh và Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia. Qua đó, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa chính quyền, đoàn thể và nhân dân hai nước. Góp phần gìn giữ an ninh chính trị, bảo đảm an toàn trật tự xã hội trên địa bàn biên giới.

Nhiệm vụ và mục tiêu trọng yếu

Chúng tôi đến đây khi sự kiện Đại hội đại biểu MTTQVN Tp. Châu Đốc lần thứ X, nhiệm kỳ 2019 – 2024 vừa diễn ra thành công tốt đẹp trong hai ngày 14- 15/5/2019, với chủ đề: “Đoàn kết, dân chủ, đồng thuận, sáng tạo, vì sự phát triển bền vững của thành phố Châu Đốc”. Mục tiêu chung của Mặt trận Thành phố là tiếp tục đổi mới, nâng cao nội dung, phương thức hoạt động của UBMTTQVN và tổ chức thành viên các cấp. Tăng cường củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung hướng về cơ sở, khu dân cư để thông tin, tuyên truyền và động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân để vượt qua những khó khăn, thách thức. Đồng thời, quán triệt sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân để thực hiện hiệu quả, đúng đắn chủ trương đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước.

Dạo quanh thành phố Châu Đốc và liên tưởng về tương lai, hình ảnh một đô thị phồn vinh đang trên đà phát triển không ngừng, Châu Đốc sẽ trở thành điểm đến, cầu nối kinh tế – văn hóa quan trọng không chỉ của tỉnh mà cả khu vực. Chính vì vậy, công tác đối ngoại, thông tin, tuyên truyền ngày càng trở nên hết sức quan trọng và cần thiết. Để có thể tôn vinh, quảng bá những hình ảnh tươi đẹp về đất nước – con người Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong lòng du khách và bạn bè quốc tế…

Hoàng Nhã
(Ảnh: Quảng Ngọc Minh)