Thoại Giang: Xây dựng nông thôn mới là không có điểm dừng
Nằm bên dòng kênh hiền hòa trải dài theo trục tỉnh lộ 943, Thoại Giang thơ mộng như chính kiểu uốn rất mềm, rất nhẹ của mặt nước chạy ngang trước khi đổ ra biển. Không chỉ vậy, đây còn là xã điển hình của huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang trong việc xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Ngược dòng lịch sử, cái tên Thoại Giang có lẽ đã bắt nguồn từ thuở Tổng trấn Nguyễn Văn Thoại chỉ huy đào kênh dẫn nước tưới tiêu, thau chua rửa phèn để góp phần ngày nay tạo nên diện mạo tràn một sắc xanh của vùng đất trù phú. Nhìn lại chặng đường gần một thập kỉ thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, anh Lê Hiền Hòa – Bí thư, Chủ tịch UBND xã, người đã gắn bó từ những ngày đầu chia sẻ: “Năm 2010, khi bắt tay vào thực hiện, việc đầu tiên là chúng tôi đánh giá lại thực trạng lúc đó của xã nhà thấy mình chỉ đạt có 05 tiêu chí. Đến năm 2011, chúng tôi lập kế hoạch, thành lập các ban, các tổ giúp việc, tiến hành xây dựng văn bản rồi ban hành theo đúng lộ trình đã xác định. Lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn, do người dân chưa ý thức được việc xây dựng nông thôn mới, lại xem đó là việc của nhà nước. Chúng tôi phải tuyên truyền, vận động, thành lập các đoàn xuống tận nhà lấy ý kiến bà con để nhân dân trong xã nhận thức rõ, xây dựng nông thôn mới là lấy người dân làm chủ, là yếu tố quyết định. Sau khi được nhân dân đồng thuận, chúng tôi xem xét các tiêu chí, tiêu chí nào dễ tiến hành trước, rồi họp dân để cân đối nguồn vốn, đến năm 2016 xã đã hoàn thành 100{fb72bbfdc4a578d027b556b83290df3d4a0d2dba3541c6c431f41d65a7fb72a4} chỉ tiêu và tháng 12/2016 được công nhận là xã nông thôn mới và đến nay là xã nông thôn mới nâng cao”. Khái niệm “Nông thôn mới nâng cao” là bước tiếp theo sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới với nhiệm vụ các tiêu chí được yêu cầu cao hơn, nâng chất lên.
Chạy vòng quanh xã, đường xá đâu đâu cũng được bê tông, trải nhựa, rải đá. Hai bên đường, hoa cỏ khoe sắc, cây xanh phủ rợp bóng mát. Hệ thống trường học, trạm y tế được xây mới khang trang. Toàn xã có 01 trường mẫu giáo, 02 trường tiểu học và 01 trường THCS thì có đến 03 trường đã đạt chuẩn quốc gia. Công tác giáo dục được quan tâm hàng đầu, xã xây dựng được quỹ khuyến học trị giá 750.000.000đ hằng năm dùng để giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học, khen thưởng các em sau kỳ thi THPT, thi đại học. Bên cạnh đó, xã còn tổ chức các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp cho thanh thiếu niên. Để đảm bảo ổn định đời sống kinh tế, ngoài trồng lúa, lãnh đạo xã cũng khuyến khích các hộ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những khu vực đất cao, bạc màu. Thực hiện các mô hình Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để tạo một địa chỉ tin cậy giúp nhân dân tham khảo giá, và các chế độ chính sách cho thành viên tham gia nhằm tạo ra môi trường buôn bán, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong nuôi trồng, sản xuất; mô hình bơm tưới tiêu kết hợp để miễn giảm chi phí; mô hình nuôi cá lóc trong bể bạt; mô hình trồng nấm linh chi, đông trùng hạ thảo; chăn nuôi gà; các vườn cây ăn trái… Điểm khác biệt của Thoại Giang là toàn xã không có quán nhậu. Có lẽ đó là yếu tố giúp tình hình an ninh trật tự của xã luôn được đảm bảo. Hệ thống camera, cổng rào an ninh trật tự, xe honda phòng chống tội phạm được trang bị đầy đủ nhưng hiếm khi nào phải sử dụng. Xã Thoại Giang còn thành lập được chi hội Mái ấm tình thương chuyên đi vận động cây, cưa, xẻ gỗ, đổ cột bê tông cất nhà cho các hộ nghèo trong xã. Đến nay, nhà cửa toàn xã đều đã được kiên cố. Hội Chữ thập đỏ của xã còn thành lập Hội đồng áo quan nhằm giúp đỡ các gia đình nghèo không may có người thân qua đời, sau đó người nằm xuống sẽ được đưa tới Nghĩa trang nhân dân của xã chôn miễn phí. Khu nghĩa trang với tổng diện tích 10.000m2 được xây dựng từ nhiều năm nay với mặt nền cao, thoáng, mùa lũ không ngập úng đã chấm dứt tình trạng xóc chéo gây ô nhiễm môi trường, đau đớn cho người thân chứng kiến cảnh quan tài nằm chơ vơ giữa cánh đồng nắng nóng mùa nước nổi.
“Trước nhà tui nè, ngày xưa không có đường, muốn đi đâu phải bơi xuồng, vận chuyển phân bón, lúa gạo trên đồng khó khăn lắm. Từ ngày nhà nước làm đường lộ, làm đường giao thông nội đồng, đi lại thuận tiện biết chừng nào. Vậy nên lúc làm lộ dù lấn vào đất sân nhà, tui phải dỡ hàng rào xây lại vẫn vui vẻ. Tui cũng động viên chòm xóm, mấy người không chịu hiến đất làm đường, tui hỏi tuyến đường này ông có đi hông, sao hổm ông không đi họp để nghe chánh quyền người ta phổ biến. Con bà đi học có mắc qua cây cầu này hông, bà muốn nó đi cầu bê tông an toàn hay leo cầu khỉ dễ lọt sông?” – chú Trần Hoàng Nam năm nay ngoài sáu mươi kể lại với một sự phấn khởi. Hàng xóm quen gọi chú là Chín Nam, người đã có nhiều đóng góp cả công sức và tiền của trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Chú có năm người con, tất cả đều được chú nuôi nấng vào đại học và hai trong số năm người đang tham gia công tác chính quyền phục vụ xã nhà. Chú tiếp chuyện khách rồi vội vàng đi nấu cơm để kịp bữa trưa mang ra cho thím đang bán trái cây ngoài chợ. Để nuôi năm người con vào đại học, chú đã lần lượt bán đất bán ruộng để đổi cái chữ cho các con, để giờ đây dù cuộc sống có chút khó nhọc, chú vẫn nở nụ cười của niềm tự hào khi nhìn các con thành danh, khi chứng kiến quê hương khởi sắc. Với tôi, không đâu xa, chú chính là biểu tượng của Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu.
“Xây dựng Nông thôn mới là không có điểm dừng, đạt được đã khó, duy trì và phát triển nó lên tầm cao còn khó hơn rất nhiều.” Đó là trăn trở của anh Hòa khi chia tay chúng tôi. Tôi bắt tay anh với một niềm tin vững chắc Thoại Giang sẽ còn phát triển hơn nữa bởi không chỉ chiến lược mà tôi thấy một sự đồng tâm, đồng sức rất lớn giữa chính quyền và nhân dân trong việc xây dựng quê hương đẹp giàu.
Hoàng Thị Trúc Ly
(Ảnh: Quảng Ngọc Minh)