Em hiền như thị thơm
Ngày hôm qua, ông ta đã có cuộc trò chuyện với người ấy. Ông nhấp vào số điện thoại mà ông đã cài sẵn trong máy của mình từ lâu lắm rồi.
– A lô! Em đang ở đâu?
Tiếng đầu dây kia ngập ngừng, vẻ chừng vì số điện thoại của ông là số máy lạ đối với người ấy.
– Ai gọi đầu dây? Xin lỗi, tìm ai ạ?
Sao giọng nói người ấy rụt rè đến vậy? Ông không muốn trả lời câu hỏi của người ấy, giống như một điều bí mật mà ông còn cất giấu trong hộp đen.
– Nhưng em nói đi! Em đang ở đâu?
– Hình như… ông nhầm số rồi!
– Nhưng mà em nói đi! Em đang ở đâu?
Có lẽ nghe ngữ điệu riết róng của ông, người ấy lúng túng trả lời:
– Đang Long Xuyên. Điện thoại này đang ở Long Xuyên mà! Nhưng… chắc ông nhầm số rồi!
Ông cúp máy. Ông đã không đủ dũng cảm để hỏi thêm và nói thêm gì nữa. Người ấy cũng gác máy. Hình như người ấy không quan tâm đến người có số điện thoại lạ xuất hiện trong buổi tối yên tĩnh và đơn chiếc của người ấy. Và ông nhắn vào điện thoại của người ấy. “Em có thể cho anh biết tên em không?”
Mãi lâu. Thời gian như sợi dây thun dãn dài ra vô tận. Người ấy làm gì với buổi tối một mình, một nhà? Sao không nhắn tin trả lời? Không thấy tin nhắn hả? Không nghe nhạc báo tin nhắn hả?… Hoặc là người ấy lơ đễnh quá, e rằng đến sáng mai.Trời! Đừng sáng mai chứ! Tôi đang chờ đợi em! Ông lão ngồi lặng và nhắm mắt lại, cùng gã bạn vong niên đắm chìm trong mùi hương cà phê nóng mà cô bé tiếp viên vừa mang đến. Gã bạn cứ ngồi nhìn ông tủm tỉm cười. “Điện thoại chứ có phải là hẹn người đâu, mà ông có vẻ sốt ruột quá vậy?”. Ông gật gù “Mày không biết đâu! Mày không biết được đâu!”. “Thì… là tôi không biết! Rồi sao nữa? Đừng đợi đến sáng mai mới nhận được tin của bả nhắn lại, hoặc là không bao giờ! Tôi e rằng, sẽ có người một đêm mất ngủ!”. Gã trẻ trai nói xong lại cười. “Ừ! Kệ tao!”
Thời gian vẫn như sợi dây thun giãn dài đến vô tận. Quán cà phê đã thưa khách! Ông không muốn đứng dậy, tựa như ông đã hẹn người ấy đến chốn này. Gã bạn vong niên đang muốn ra về. Chợt nhạc tin nhắn điện thoại của ông reo lên. Ông lập cập mở máy. Dòng chữ tin nhắn trên màn hình điện thoại nhảy nhót trước mắt ông. “Người ơi! Người bao nhiêu tuổi mà gọi người này là em?”. Lại tiếp một tin nhắn khác. “Nhà thơ Nguyễn Trúc Diên đây!”. Trời! Đúng là người ấy rồi! Sao em hỏi tôi như vậy? Tôi sẽ phải trả lời sao đây?
“Tôi gọi em là em vì em là em thôi, một lý lẽ không bao giờ khác được!”. Ý nghĩ thoáng qua thật nhanh trong đầu ông. Nhưng ông trả lời như vậy thì người ở đầu dây kia không bao giờ hiểu được, và người ấy sẽ mắng ông “cà khịa!”. Ông cầu cứu gã bạn vong niên. “Sao đây mày? Nếu tao nói tao là ông lão 70 thì hơi… vô duyên cho buổi tối này! Sao giờ đây?”. Ông nhớ ra, và nhắn vào máy. “Mình 49, còn ấy bao nhiêu?”.
Ông chợt cười há há, bỗng thấy mình vẫn còn “xài” được cái đầu vốn thông minh của mình. 49 là 49 tuổi hoặc là sinh năm 49 thì 70 tuổi, hay quá! Gã bạn cà phê tối nheo mắt cười với ông. Ông lầm bầm, không quan tâm đến vẻ giễu cợt của gã bạn trẻ “Tao biết đúng rồi, mà tao không nói, vì tao có nói nó cũng không biết tao là ai đâu?”.
Đúng là như vậy! Nhưng để xem người ấy trả lời thế nào đây? Sẽ là một thiếu nữ mới chừng đôi mươi, hay một thiếu phụ vừa vặn với số 49 của ông? Ôi! Trời à! Em đừng như vậy! “Em mà như vậy, anh sẽ tuyệt vọng; anh có thể chết vì tuyệt vọng, đó nha!”. Ông lão lại lầm thầm nói với người ấy hay nói với chính mình. Đã có bao nhiêu cô nàng nhanh chóng đến khách sạn “cởi ra, mặc vào” với ông, dù không biết rõ ông là ai, chỉ cần biết số điện thoại của ông là số của một Mr… có quốc tịch người nước ngoài; cũng có những cô nàng “giả nai”, nũng nịu. “Em… không biết gì đâu. Ông nói “giá trị sử dụng”. Em đến, thử xem “giá trị sử dụng” của ông là thế nào?”. Ông đã phải “lắc”. “Tôi không tìm cô! Cô mặc vào rồi về đi! Tôi không xài đâu!”. Những cô nàng bẽ bàng rồi tự biến mất. Ông biết rõ, mình không tìm những cô nàng ấy, những cô nàng biết rõ lý do vì sao họ đến với người khác phái xa lạ! Ông tìm “một phần hồn lưu lạc” của mẹ ông, bà đã khóc thầm suốt mấy mươi năm, và đã đi tìm khắp nơi, khắp góc biển chân trời; đi đâu, gặp ai, mẹ ông cũng đều dọ hỏi và truy tìm, thử có ra manh mối nào không? Khi dì của ông viên tịch, bà lão lớn hơn mẹ ông hai tuổi, pháp danh Diệu Thiện, người sư trụ trì của ngôi chùa nơi dì của ông tu hành gần hết đời người trong cô độc, đưa cho ông một số điện thoại, và một cái tên, bảo với ông: “Con đi tìm thằng Trúc này, cho nó biết tin, má nó, cô Diệu Thiện, đã mất rồi!”. “Không phải “thằng” đâu! Nó là “con bé” mà mẹ con đi tìm suốt mấy mươi năm! Dì con đã nói với mẹ con, con bé có thể là nó, là đứa trẻ mà mẹ con kiếm tìm. Sao giờ lại ở đây?”. “Sư thầy không biết! Cô Diệu Thiện gửi này lại cho sư thầy, bảo với sư thầy, nếu cô Diệu Thiện có “việc gì” thì báo tin cho nó! Sư thầy ghi vào sổ tay, bao lâu nay rồi!”
Những cuộc điện thoại xuyên quốc gia qua nửa vòng trái đất, người con báo tin với mẹ mình.
– Má ơi! Con tìm được em rồi!
Ông đã hoãn chuyến bay trở về bên kia, để bắt đầu cuộc truy tìm tông tích “một phần hồn lưu lạc” của mẹ anh, từ một số điện thoại và một cái tên.
“Em mềm mại như một nàng thơ”. Ông thích em của ông như vậy! Và em được giấu kín trong một trái thị thơm, như cô Tấm trong truyện cổ tích Việt Nam. Ông đã đọc truyện cổ tích đó rồi, câu chuyện như một thần thoại và ông thích cô Tấm nhẹ nhàng bước ra từ trái thị thơm được hoàng tử giấu trong hủ gạo… cô Tấm nấu cơm, cô Tấm giặt giũ quần áo, cô Tấm quét dọn nhà cửa… và hoàng tử đã biết rồi nhưng giả vờ không biết, để ngồi trước bữa cơm nóng hổi mà hạnh phúc nghĩ về nàng đang trốn trong mùi hương kia, ngát thơm từ trái thị vàng. Ông thích nghĩ, em ông là cô Tấm kia, và người nở nụ cười hạnh phúc là mẹ của ông, người mẹ tìm thấy lại đứa con thất lạc của mình sau mấy mươi năm.
Ông như chàng hoàng tử kia, biết rõ cô Tấm ở trong hũ gạo của mình nhưng không dám gọi tên, chỉ e gọi lên thì cô Tấm sẽ biến mất. Ông sợ cô Tấm của mẹ ông biến mất, và đó là lý do khiến ông rượt đuổi kiếm tìm, mà chưa bao giờ ông tận mặt gọi tên cô Tấm của mẹ ông. Sao giờ đây? cô Tấm của mẹ ông đang “lên tiếng” trong cuộc điện thoại 21 giờ đêm này. Em “bước ra” khỏi trái thị trong hủ gạo kia không? Hay em trốn mãi trong hũ gạo ấy mà chỉ ngát hương? Ông nghĩ, ông sẽ “nắm tay” cô Tấm, không cho cô Tấm của mẹ ông biến mất, không cho cô Tấm chỉ là mùi hương của trái thị thơm. Ông nghĩ…
Chuông điện thoại của ông lại báo tin nhắn: “Nhà thơ Nguyễn Trúc Diên sinh ngày 17/2/1955 tại… (An Giang), lưu lạc đến Long Xuyên thôi! Nhưng nhà thơ này nhớ là không gọi nhỡ vào số điện thoại của người 49 đâu. Người 49 đang là số máy lạ của nhà thơ này, nha!”
Rõ ràng là như vậy rồi, nhưng ông không biết chắc là ông có “nắm tay” cô Tấm được không? Ông không biết. Gã bạn vong niên nhìn ông chầm chầm chờ đợi. Gã biết ít nhất phân nửa lý do của cuộc kiếm tìm này nhưng gã không hiểu vì sao ông chần chừ đoàn tụ với người mà ông tìm kiếm. Ông cũng không giải thích được. Và ông lại im lặng chờ đợi. Thời gian vẫn như sợi dây thun giãn dài ra… Sau tin nhắn ấy, người ấy không nhắn lại nữa. Ông lại lầm thầm với người ấy, rồi rời khỏi quán cà phê vào lúc nửa đêm.
– Em ngủ ngon đi, khuya rồi!
Và ông cũng không ngạc nhiên, sao người ấy không điện thoại trở lại, không hỏi ông là ai và đang ở đâu, như các cô nàng trước kia đã tự “mò” đến với ông, để ông bảo là ông đang ở khách sạn và số phòng và… chỉ một mình! Ông biết tánh nết của em ông rồi, nó là như vậy! Đối với nó, ông là số máy lạ và là người có số 49 mà thôi!
***
Trúc Diên bỗng thấy buồn cười. “Ông 49” không biết người đầu dây kia bao nhiêu tuổi, có là bà lão hay không, mà ông ấy cứ “anh anh, em em”, như là thân thiết lắm! Nhưng mà… sao chính cô cũng thấy như là thân thiết với ông ấy? Giọng nói của ông ấy hình như quen lắm, và nhẫn nại mà cương quyết “Nhưng mà em nói đi! Em đang ở đâu?”, ngữ điệu căn vặn ấy chỉ có ở những người thân thiết nhất với nhau thôi! Cô bỗng hốt nhiên, như sợi chỉ vắt ngang trong ý tưởng “Người của kiếp này hay kiếp nào đây?”. Nhưng ông ấy là số máy lạ, và là số 49 thôi! Thì thôi…!!! Có lẽ, có một ông đang tìm kiếm người nhà, mà nhầm số điện thoại của cô. Sự nhầm lẫn là vô cùng trong cuộc sống này. Đến một cái tên, người ta còn nhầm lẫn kia, chính cô cũng đã nhầm lẫn về tên họ của mình. Cô giáo dạy cô từ lớp Một đến lớp Năm, cứ gọi cô là Trúc Viên. Cô vẫn “Dạ!” (Cô là học sinh trường Nữ tiểu học, nên tên của đứa con gái gọi là Viên thì đúng rồi). Các thầy cô dạy trung học, từ lớp Sáu đến lớp Chín, gọi cô là Trúc Diên. Cô vẫn “Dạ!” Có thầy, cô bỗng “Ủa? Trúc Diên là con gái sao? Vậy mà tôi ngỡ em là… rựa, kia!” Cô lại “Dạ!”. Mãi đến khi cô vào lớp Mười, gần cuối của trung học, bỗng ông thầy dạy môn văn học nói với cô, khi gọi cô đứng dậy để trả lời về một ý trong từ vựng Việt Nam. Ông thầy dạy môn văn bước nhanh tới bảng đen, và phấn trắng trên tay, thầy viết cũng rất nhanh, hai chữ Viên, Diên, vừa nói: “Em có biết tên em là gì không? Viên hay Diên? Em rõ không? Về mở tự điển Việt Nam ra mà xem!” Cô lại “Dạ!”. Lần đầu tiên, cô học trò lớp Mười xin tiền cha của mình, ra tiệm sách Liên Hoa, mua quyển tự điển 700 trang, để tìm hiểu ý nghĩa về cái tên của mình, mà trong đầu cô vẫn cứ hằn nét phấn trắng của thầy giáo dạy văn, hai chữ Viên, Diên. Và cô nhận ra, đó không phải là nhầm lẫn của cha mình hay của ông thư ký làm giấy tờ hộ tịch. Viên là vườn, là tròn đầy… Nhưng Diên là vô cùng, là vĩnh cửu (theo chữ của nhà Phật). Có lẽ, cha cô đã thấm nhuần, khi ông chọn đặt tên cho con gái bé bỏng của mình! Còn thầy giáo dạy môn văn mới giỏi làm sao? Sao thầy chịu khó nghĩ về ý nghĩa cái tên của cô học trò nhỏ của mình? Trúc Diên khi đó bỗng “Á!” lên: Thầy giáo gần bằng với cha mình rồi đây! Nhưng nào giờ, có lẽ mọi người hiểu rằng mình là Viên thôi, tròn đầy đã là quý hiếm lắm rồi! Khát vọng của mỗi người trong đời sống là vô cùng, sao cha cô không có quyền khát vọng? Và sự nhầm lẫn cũng là vô cùng trong cuộc sống đời thường này. Khi Trúc Diên làm được thơ về cha mình, cô mới hiểu thấu đáo điều này. Và cô vẫn thấy rằng mình là đứa con bất hiếu, bởi khi cô làm được thơ về cha cô thì cha cô đã quy tiên về với ông bà tổ tiên rồi; để ngày ngày, cô ngồi với “mớ” chữ nghĩa, “một mình biết, một mình hay”, một mình với tất cả vô cùng và tận cùng, đúng nghĩa của một cái tên.
Đêm nay, bỗng dưng có một ông nói chuyện như một “ông – anh” khiến Trúc Diên nhớ đến cha cô, cũng với giọng nói nhẫn nại và cương quyết. Ông ấy cho Trúc Diên con số 49. Cô không biết sẽ gọi ông ấy là “Em” (em là 49 tuổi, nhỏ tuổi hơn cô) hay cô sẽ gọi ông ấy là “Anh” (Anh là sinh năm 49, 70 tuổi, lớn tuổi hơn cô); nhưng mà chắc là ông ấy nhầm số điện thoại của cô là số của em ổng, đó thôi. Trúc Diên nghĩ, hãy trả ổng về với điểm số bắt đầu, là số không (0), để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc, như một cái tên trong suốt chừng ấy năm trời! Cô chắc chắn, cô sẽ không gọi lại và không nhắn lại vào số điện thoại lạ ấy! Cô muốn ngủ một giấc yên lành trong sự tĩnh lặng của chính cô thôi!
Nhưng đặt lưng xuống giường rồi, Trúc Diên vẫn cảm thấy buồn cười, trong ý nghĩ “Người kia cũng thật là… Không biết người ta bao nhiêu tuổi mà cứ gọi người ta là em?”. Cô như còn vẳng nghe câu hỏi vọng lại trong không gian tĩnh lặng. “Nhưng mà em nói đi! Em đang ở đâu?”. Trúc Diên bật cười, trước khi buông mình vào giấc ngủ, giữa khuya.
Trúc Diên không biết, ở đâu đó, trên trái đất này, có người đang thầm lặng nói lời chúc tốt lành dành cho cô “- Em hiền ơi! Em ngủ ngon đi!”.
Nguyễn Lập Em
Thất Sơn số 261
Minh họa: Vương Lê