Đêm nhà quê, nhạc dế

Nhà của anh bạn cao ba bốn tầng mặt tiền đường phố xe cộ ồn ào. Nhà tôi cấp năm xập xệ cách đó vài cây số thuộc về ngoại ô đèn mờ. Tôi ít đến nhà anh vì thấy bạn bận mua bán bận rộn, lúc đóng cửa nghỉ tôi lại ghét việc kêu cửa bấm chuông, thỉnh thoảng gặp nhau hai người thường dắt tay ra quán. Ngược lại rảnh rỗi anh hay đến với tôi chỉ với cây nhà lá vườn. Do chỗ tôi tương đối trống trải người mua đất chưa kịp cất nhà bỏ đất trống cho cỏ và các loại rau dại, rau diệu, rau trai mọc lan. Sẵn dịp tôi ké theo nuôi ít con gà để lấy trứng, trồng giàn mướp, bầu, mấy cây đậu bắp. Khi có khách tới tôi hái bầu, hái rau dại đem luộc chấm với chao, hoặc chấm với hột gà luộc dầm nước mắm, nướng một vài con khô rồi gọt thêm xoài. Lắm khi tôi cũng sượng, bạn dẫn mình đi quán ăn đủ món ngon vật lạ mà mình thì chỉ có vậy. Ngặt nữa muốn bắt gà làm thịt bạn không cho nói bày vẽ lu bu, hình như bạn thương mình nghèo cuộc sống bó hẹp vô đồng lương nên ngăn cản. Tuy đãi khách chỉ có vậy anh bạn chẳng những khen, còn theo so bì… Hoá ra anh gốc dân quê lên thành. Ở chỗ anh ồn ào, anh thiếu sự yên tĩnh thiếu khí trời, thiếu gió mặc dù có quạt, có máy lạnh. Ở chỗ tôi êm ả tràn gió đồng thổi về, còn sót lại chút hương vị nhà quê, từ từ phố xá mọc ra mất hết. Anh đến chơi một mặt để thư giãn, mặt khác nuôi dưỡng hồn quê còn trong người rõ ràng là vậy. Qua anh, từ câu thơ quê hương là chùm khế ngọt, là con đò nhỏ của Đỗ Trung Quân tôi có thể nối điệu theo. Quê hương là ngọn gió đồng, là sự giản dị như các món rau luộc, cá lóc nướng với tình thương chẳng cần nhiều gia vị lại ngon. Nhưng quê hương còn lại mãi mãi, đọng trong tâm hồn người, cho dù đời sống con người bước vào thời hiện đại khoa học kỹ thuật vật chất lên ngôi nó vẫn còn nguyên không mất đi. Đó là những gì hãy liệt kê ra. Bình thường tôi rất ít nói nhưng có rượu vô tôi tía lia. Bạn ngồi yên tưởng là nghe bất ngờ giơ tay ra chỉ vào không gian. Lúc đó là năm giờ chiều. Tôi nhìn theo tay anh có thấy gì đâu ngoài bầu trời chiều gió dịu dịu, tiếng ếch nhái, tiếng dế bắt đầu trổi giọng ngân nga khúc nhạc chiều đồng quê. Tôi chợt hiểu ra anh bạn kêu tôi lắng nghe khúc nhạc kia. Như vậy tôi có thể nói thêm quê hương còn là không gian ngập tràn tiếng ve, tiếng ếch nhái và tiếng dế.

***

Tại sao lại gắn tiếng dế gáy vào trong tâm hồn người nhất là người sống ở thôn quê. Để hiểu điều này trước hết ta nói về người sống nơi đô thị. Có phải người đô thị có cuộc sống bận rộn vui tươi cũng là người cô đơn. Vật chất tiện nghi đầy đủ nhưng cũng có nhiều lúc phải không biết lấy gì làm vui, tâm hồn trống vắng đi hoang. Bất hạnh thường đến với người vào những phút giây trống vắng đó, và đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tệ nạn xã hội. Ngược lại người dân quê  sống chan hoà với môi trường thiên nhiên, vì ít vật chất nên tư tưởng thay vì hướng ra ngoài lại hướng nội nhìn vô trong lắng tai nghe thiên nhiên tĩnh mịch từ tiếng gió thổi qua vườn, dế gáy ngân nga, tiếng chim kêu. Ban đêm không có tiếng dế theo vào trong giấc ngủ thì nó không còn là đêm của nhà quê, từ đó nó góp phần cấu tạo ra tâm hồn người dân quê. Ai là người hạnh phúc hơn ai. Một bên có nhịp sống nhanh nhiều tiếng động ồn ào. Một bên sống chậm thong thả lắng nghe ếch nhái, dế chuyện trò. Mới ban đầu nghe dế nỉ non tưởng không có gì khác nhau, dần dần mới hiểu dế cũng có tâm trạng, cứ mỗi mùa, mỗi lúc lại có nhịp gáy khác nhau. Mùa hạ, tiếng dế nghe như khoan nhặt hơn, biểu lộ trạng thái sung mãn. Bọn trẻ bắt dế cho đá nhau thường vào mùa này. Mùa thu, những đêm gió mùa thu thổi vào mùa đông mát mẻ, tiếng nhạc dế dìu dặt khoan thoai” re…re…re” gọi bạn tình. Ở đâu đó người bạn tình cũng gọi lại ” re…re…re” . Ca dao Việt Nam nói về tiếng dế.

“Đêm nằm trăn trở không yên

Tai nghe tiếng dế gieo duyên ngoài thềm”

Và người nông dân cảm thương con dế như cảm thương cuộc đời một nắng hai sương của mình.

“Cảm thương con dế trong hang

Kêu vang chẳng ngại cơ hàn nắng mưa”

Nhạc dế còn đi vào thi ca. Rất nhiều nhà thơ làm thơ về tiếng dế thi Sĩ Quách Tấn có bài:

“Tiếng dế trùm đêm quạnh

Vườn dừa đọng ánh sao

Bên đèn trang sách cổ

Như lạc vào chiêm bao”

Xưa hơn nữa Nguyễn Trãi trong bài thơ chữ Hán “Kỳ hữu” có hai câu:

“Cố viên quy mộng tam canh vũ

Lữ xá ngâm nga lũ bích trùng”

“Vườn cũ năm canh mưa lẫn mộng

Quê người bốn vách dế ngâm thơ”

Cả Nguyễn Du tác giả Truyện Kiều trong “Thu dạ” cũng có dế:

“Phồn tinh lịch lịch lộ như ngân

Đông bích hàng trùng bi cánh tân”

“Sao vàng lấp lánh ánh sương dày

Dế góc tường đông giọng đắng cay”

Như vậy qua lắng nghe khúc nhạc dế tôi đã rõ. Trong thời buổi hiện đại cái gì mất nó sẽ mất không tránh khỏi. Nhưng cái còn lại trong hồn người lại là cái đơn giản mộc mạc nhất để trở về với thiên nhiên môi trường trong lành, trong đó có buổi chiều quê, có đêm nhà quê tỉnh mịch tràn tiếng dế. Anh bạn tôi là khách lữ hành bấy lâu ra đi rồi cũng trở về với hồn quê muôn thuở.

Ngô Khắc Tài
Thất Sơn số 261
Minh họa: Quang Vinh