Học tập tấm gương Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng – nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên cường, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng – đã suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tấm lòng yêu nước, thương dân và tinh thần đấu tranh cách mạng
Cách đây 135 năm, vào ngày 20/8/1888, Bác Tôn được sinh ra trong căn nhà sàn trên đất cù lao Ông Hổ bốn bề sông nước. Tuổi thơ của Bác Tôn gắn liền với bến đò Ô Môi qua lại chợ Long Xuyên, với con rạch Cái Sơn êm đềm trước nhà thầy nho Nguyễn Thượng Khách, với hàng me của Trường tiểu học làng Bình Đức năm xưa.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng sôi nổi, phong phú, đầy gian lao, thử thách của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng mà đồng bào, đồng chí trìu mến gọi là Bác Tôn kính mến gắn liền với lịch sử đấu tranh oanh liệt của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Là người con ưu tú của quê hương An Giang giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, ngay từ khi còn là học sinh, Bác Tôn đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào yêu nước chống thực dân Pháp. Trong những năm tháng tuổi trẻ bôn ba ở nước ngoài, hoạt động trong phong trào công nhân, công đoàn Pháp, Bác Tôn đã tham gia cuộc nổi dậy của Hải quân Pháp ở Biển Đen ngày 20/4/1919, ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, chống sự can thiệp vũ trang của các nước đế quốc đối với Nhà nước Xô-viết non trẻ, góp phần bảo vệ thành trì của cách mạng vô sản thế giới. Sau cuộc binh biến ở Biển Đen, Bác Tôn bị trục xuất về nước.
Người sáng lập, tổ chức công hội đầu tiên ở Việt Nam
Trở về nước năm 1920, với lòng yêu nước nhiệt thành, Bác Tôn đã kết hợp kinh nghiệm hoạt động của phong trào công nhân, công đoàn Pháp với thực tiễn phong trào yêu nước, phong trào công nhân Việt Nam, trước hết là phong trào công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn, để tìm ra những hình thức, phương pháp tổ chức đấu tranh thích hợp. Cuối năm 1920, cùng với một số anh em công nhân, Bác Tôn đã lập ra Công hội bí mật ở Sài Gòn – tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Bác Tôn, Công hội bí mật đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, tiêu biểu nhất là cuộc bãi công vào tháng 8-1925 của hơn 1.000 công nhân xưởng Ba Son ủng hộ giai cấp công nhân Trung Quốc, phản đối sự cấu kết giữa thực dân Pháp với chính quyền Tưởng Giới Thạch đàn áp công nhân ở thành phố Quảng Châu. Cuộc bãi công Ba Son là một mốc son đánh dấu bước trưởng thành, trình độ tự giác của giai cấp công nhân Việt Nam; thể hiện năng lực tổ chức, ý thức giác ngộ, đoàn kết giai cấp, đoàn kết quốc tế; kết hợp chặt chẽ giữa khẩu hiệu đấu tranh kinh tế với mục tiêu đấu tranh chính trị. Thành công của cuộc đấu tranh cho thấy sức mạnh của Công hội và vai trò, uy tín của người đứng đầu là Bác Tôn.
Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất
Tháng 7/1929, Bác Tôn bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn (Sài Gòn) và một năm sau bị đày ra Côn Đảo. Gần mười bảy năm bị giam ở ngục tù, Bác Tôn luôn tỏ rõ là một nhà yêu nước vĩ đại, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù; thương yêu đồng chí và những người cùng cảnh ngộ. Bác Tôn đã đề xướng việc thành lập Hội cứu tế tù nhân – hội tù Côn Đảo đầu tiên; góp phần quan trọng vào việc thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo, mở ra thời kỳ đấu tranh mới của tù nhân Côn Đảo, thời kỳ đấu tranh có tổ chức, có phương pháp, với mục tiêu cụ thể trước mắt và lâu dài. Đặc biệt, khi Chi bộ thực hiện chủ trương biến “nhà tù thành trường học cộng sản”, Bác Tôn tích cực hưởng ứng, gương mẫu học tập và tham gia vào truyền bá những kiến thức về lý luận cơ bản và nội dung huấn luyện cho các tù nhân. Nhờ sự bí mật, khôn khéo, Bác Tôn đã giúp Chi bộ vừa chuyển được thư từ, tài liệu ở Côn Đảo về Sài Gòn, vừa nhận được nhiều sách lý luận gồm những tác phẩm kinh điển Mác, Ăngghen, Lênin… dùng làm tài liệu học tập trong tù.
Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng kiên cường, sáng ngời bản lĩnh và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc để vượt qua sự khốc liệt của ngục tù đế quốc đã làm các đồng chí đảng viên tù Côn Đảo ngưỡng mộ và kẻ thù khiếp sợ.
Nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, từ Côn Đảo trở về đất liền, Bác Tôn được Đảng và Nhà nước ta tin tưởng giao nhiều trọng trách: phụ trách Ủy ban Kháng chiến kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang Nam bộ, Phó Hội trưởng và Hội trưởng Hội Liên Việt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Vận động thi đua ái quốc, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Trưởng ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới, Chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt – Xô… Dù ở cương vị công tác nào, Bác Tôn cũng luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật của người đảng viên Đảng Cộng sản; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng, gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất; có tinh thần đứng mũi, chịu xào, ý thức trách nhiệm cao với công việc; không màng danh lợi cho bản thân, sống bình dị; nêu gương sáng về sự trung thành, lòng tận tụy phục vụ Nhân dân.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về cõi vĩnh hằng, Bác Tôn được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bác Tôn đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hơn 30 năm trực tiếp lãnh đạo tổ chức xây dựng, mở rộng, phát triển Mặt trận đoàn kết dân tộc ở nước ta, Bác Tôn đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc xây dựng, bồi đắp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc; là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho Mặt trận Dân tộc thống nhất ngày càng mở rộng và củng cố; khẳng định trên thực tế sức mạnh đoàn kết toàn dân là sức mạnh vô địch, là sức mạnh làm nên chiến thắng.
Dưới sự lãnh đạo của Bác Tôn, Mặt trận Liên Việt (sau này là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đã giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, đánh thắng các đế quốc xâm lược và mọi thế lực phản động, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Trên bình diện quốc tế, là đại diện cho giai cấp công nhân Việt Nam hoạt động trong phong trào công nhân Pháp, Bác Tôn đã biết lựa chọn một chỗ đứng chính trị làm vinh dự cho giai cấp công nhân Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam… đó là ủng hộ Cách mạng Tháng Mười, bảo vệ chính quyền Xô-viết bằng hành động phản chiến – kéo cờ đỏ trên một chiến hạm Pháp trong số các chiến hạm đang tiến đánh nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên. Đây là “một hành động mà lúc bấy giờ được xem là hiếm có, hơn thế nữa, là một hành động xuất chúng”.
Tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng
Với 92 tuổi đời, gần 70 năm liên tục hoạt động cách mạng, Bác Tôn đã có nhiều công lao, đóng góp to lớn, góp phần cùng Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của mình, dù gặp muôn vàn gian nan, thử thách, Người vẫn luôn nêu cao tinh thần cách mạng, giữ trọn niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Suốt cả cuộc đời, Người sống khiêm tốn, giản dị, nhân hậu, thủy chung, mẫu mực về đạo đức cách mạng, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Tấm gương sáng của Bác Tôn là hiện thân tiêu biểu cho tính cách, khí chất, phong thái và nét văn hóa đặc sắc của người Nam Bộ nói chung và An Giang nói riêng: Luôn hào sảng, trọng nghĩa, bao dung độ lượng, hết lòng vì bạn bè, đồng chí, dũng cảm, mưu trí, vượt mọi khó khăn trở ngại vì nghĩa lớn. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho Nhân dân là chất NGƯỜI Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người”.
Cuộc đời của Bác Tôn là một tấm gương sáng ngời về lối sống khiêm tốn, giản dị, chân thành, gần gũi đồng chí, đồng bào, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, gần gũi, hòa mình trong cuộc sống đời thường. Nét nổi bật ở Bác Tôn chính là nhân cách của người cộng sản chân chính: tấm lòng yêu nước, thương dân, yêu đồng bào, đồng chí, gần gũi thân thương với tất cả mọi người. Giữa Chủ tịch nước và người dân dường như không có khoảng cách. Với gia đình, vợ con, Bác Tôn sống thủy chung, tình nghĩa, thắm thiết, chăm lo chu đáo hết mực; với thân tộc, với quê hương, bạn bè, bà con, Bác Tôn luôn sống trọn vẹn nghĩa tình.
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng là dịp để chúng ta ôn lại, tưởng nhớ, bày tỏ lòng kính trọng, tri ân sâu sắc công lao to lớn của Người. Thế hệ hôm nay nguyện tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu theo tấm gương Bác Tôn kính yêu; tăng cường giáo dục lý tưởng cộng sản, truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thể hệ trẻ; bồi dưỡng lòng tự hào, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, góp phần xây dựng quê hương Bác Tôn ngày càng văn minh, giàu đẹp.
An Bình