Một người bình thường nhưng rất phi thường!

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình, một vùng đất có truyền thống yêu nước, giàu lòng nhân ái, bao dung, phóng khoáng… Người thanh niên Tôn Đức Thắng sớm có chí hướng đi về phía nhân dân lao động, không chọn hướng “làm thầy”, tự chọn hướng “làm thợ”… Thực tiễn xác nhận đây là “phương hướng tốt, hợp thời đại”. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng nhận xét “Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn không phải hoàn toàn chỉ với hành trang của một nông dân giống như một nông dân Nọc Nạn hay Càng Long. Đã có một cái gì đó chớm nở trong đầu Tôn Đức Thắng”.

Ở Sài Gòn, Tôn Đức Thắng học việc và làm thợ ở nhiều nơi. Năm 1912, ông tổ chức cuộc bãi khóa của học sinh trường Cơ khí Á Châu, đòi thực hành quy chế của trường, chống đánh đập học sinh, phong trào này đã được công nhân Ba Son hưởng ứng. Tháng 3-1915, ông học tại trường Bá Nghệ Sài Gòn, giữa năm 1916, bị động viên làm lính thợ; tháng 9-1916, được điều tới quân cảng Toulon, làm thợ máy trên chiến hạm France.

Điều đặc sắc, đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời Tôn Đức Thắng là tháng 4-1919, chiến hạm France đến hải cảng Odessa, chuẩn bị tấn công Sevastopol. Tại đây, một ủy ban cách mạng đã liên lạc với thủy thủ Pháp. Và Tôn Đức Thắng đã biết lựa chọn một chỗ đứng chính trị làm vinh dự cho giai cấp công nhân Việt Nam, cho cả dân tộc Việt Nam ta. Chỗ đứng chính trị đó là hành động kéo cờ đỏ tham gia phản đối chiến tranh của liên quân các đế quốc. Lá cờ đỏ từ tay Tôn Đức Thắng đã kéo lên, vút cao trên cột cờ chiến hạm, phất phới tung bay trong nắng sớm! Sau đó cuộc nổi dậy nhanh chóng lan ra trên tất cả các tàu chiến của Pháp. Cuộc phản chiến thắng lợi, chính phủ Pháp buộc phải rút toàn bộ hạm đội về nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “… kéo cờ phản chiến và ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga, chống lại sự can thiệp của thực dân Pháp và các nước đế quốc khác. Đó là một hành động mà lúc bây giờ được xem là hiếm có, hơn thế nữa, là một hành động xuất chúng”. Quan trọng hơn, hành động lịch sử đó diễn ra trong lúc phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở nước ta đang đắm chìm trong khủng hoảng sâu sắc về đường lối; vì thế cùng với những hoạt động nổi bật của Nguyễn Ái Quốc, sự kiện Tôn Đức Thắng tham gia cuộc khởi nghĩa Biển Đen đã mở ra một hướng đi đúng, “hướng của danh dự, hướng của thành công”.

Năm 1920, sau cuộc binh biến, ông bị trục xuất khỏi nước Pháp. Trở về Sài Gòn, Tôn Đức Thắng vận động những người có cùng chí hướng thành lập Công hội đỏ – Công hội bí mật đầu tiên ở Việt Nam và ông là Hội trưởng. Dưới sự lãnh đạo của Công hội, phong trào công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn phát triển mạnh mẽ, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son (tháng 8/1925). Năm 1926, Tôn Đức Thắng tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – tổ chức tiền thân của Đảng. Năm 1927, được bầu vào Ban Chấp hành Thành bộ Sài Gòn – Chợ Lớn và Kỳ bộ Nam kỳ. Cuối năm 1929, Ông bị thực dân Pháp giam. Trong ngục tù đế quốc, hình ảnh “người cặp rằng hầm xay lúa” Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng ngời về đức hy sinh, thương yêu đồng chí anh em cùng cảnh ngộ.

Sau Cách Mạng Tháng Tám, ngay khi trở về đất liền Bác Tôn đã tham gia Xứ ủy. được phân công phụ trách Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ kiêm chỉ huy các lực lượng vũ trang Nam Bộ. Cuối tháng 2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định điều Bác Tôn ra công tác tại Hà Nội. Từ ấy Bác Tôn luôn bên cạnh Bác Hồ và Trung ương.

Kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn hết lòng hết sức tận tụy phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân, không màng gì tới danh lợi cho bản thân. Bác sống một cuộc đời hết sức bình dị, thương đồng chí, anh em, thương yêu đồng bào… Có lần, các đồng chí miền Nam đến nhà riêng thăm, thấy Bác mặc một chiếc áo ấm đã cũ còn được nối thêm một đoạn, đã hỏi: “Bác ơi, làm Chủ tịch nước sao Bác mặc áo nối thế này ?”, Bác đã vui vẻ trả lời: “Chủ tịch mặc áo nối thì dân mới có đủ cơm ăn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân “Tổng Bí thư Lê Duẩn nhận định: “Cùng với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, ở đồng chí Tôn Đức Thắng còn nổi bật lên lập trường vững vàng, chí khí cao cả, đức tính khiêm tốn, giản dị, đó là những gương sáng để chúng ta học tập”.

Theo Giáo sư Trần Văn Giàu: “Cụ Tôn không phải là một nhà lý luận mà là người tiên phong cách mạng, người mà cả cuộc đời dành cho giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng dân tộc… Cụ Tôn khác với những nhân vật khác ở chỗ, Cụ không có một tác phẩm nào cả, có chăng chỉ là chúng ta ghi lại những điều Cụ nói thôi. Tuy nhiên, theo tôi, có thể nói tác phẩm hay nhất của Cụ chính là cuộc đời của Cụ. Cụ Tôn là một người hành động, một người có lẽ không có ý gì muốn để lại cho đời sau bằng các tác phẩm của mình. Nhưng thực tế Người đã để lại cho đời sau chúng ta rất nhiều “tác phẩm” bằng hành động, bằng việc làm và những lời nói. Đó là những tác phẩm hay hơn nhiều những bài viết”. Giống với sự phân tích nói trên, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng cũng cho rằng: “Tôn Đức Thắng là con người hành động, hành động tiên phong… Con người ấy ít nói về cá nhân mình, đến nỗi lớp hậu thế phải vô cùng chật vật để tìm đôi chút tư liệu phác lại cuộc đời con người ấy. Hơn 90 năm tồn tại, trong đó gần 60 năm cống hiến cho sự nghiệp chung, thế mà viết về Bác Tôn như viết về một nhân vật ẩn hiện xa xôi,… Bác Tôn luôn luôn muốn sống như một con người thật bình thường. Chính vì thế, Bác Tôn vĩ đại. Không phải dễ thành bất tử như Bác Tôn – Uỷ viên Trung ương Đảng nhiều năm, đứng đầu Mặt trận đoàn kết dân tộc hàng mấy thập niên liền, thay Bác Hồ giữ cương vị Chủ tịch nước – nhưng chưa một lần Bác tỏ ra là con người có quyền lực, ham quyền lực, tự nhận là lãnh tụ. Bác thích vị trí một đảng viên cộng sản như mọi đảng viên, thích vị trí công dân trung thực, lương thiện, cố mang điều tốt, cố mang niềm vui, cố giảm nỗi đau cho đồng bào. Nhớ Bác Tôn, nhớ bài học mà Bác lấy cả đời mình làm mẫu, chính là tìm cái vĩ đại trong cái bình thường của một con người, coi như đơn giản mà cực kỳ phức tạp khó khăn đối với những ai nắm quyền trong tay”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng tổng kết rất sâu sắc: “… Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người. Tinh tuý của chất ấy là lòng thương nước, yêu dân, niềm ưu ái với đồng bào, đồng chí; niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng mặc dù mọi khó khăn, gian khổ, tinh thần một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, đức chí công vô tư quên mình, sự khiêm tốn, giản dị hồn nhiên, trong sáng”.

Tôn Đức Thắng một con người bình thường nhưng rất phi thường!

Trung Thành


Ảnh: Quảng Ngọc Minh